Deep work (làm việc sâu) không chỉ là “bí quyết” để làm việc, học tập tốt hơn, mà còn là một phong cách sống, một kim chỉ nam hướng đến một cuộc đời hiện sinh, tận hưởng hiện tại, vừa giàu lại vừa hạnh phúc.
E hèm, vừa giàu vừa hạnh phúc ư? Nghe có mùi “ca đấp” ở đây nhỉ?
Bạn sẽ phần nào hiểu hơn nhận định trên, khi đi sâu vào bài: deep work sẽ giúp giải quyết hai vấn đề lớn là "ta với xã hội" và "ta với ta", và bài cũng sẽ định nghĩa lại từ "giàu" luôn.
Có thể nhiều người đã quen thuộc với khái niệm deep work, thậm chí "lại deep work nữa à", nhưng mình thấy nhiều ý tưởng của sách vẫn rất giá trị, xứng đáng được nói lại, vì chúng chứa đựng nhiều bài học mang tính nền tảng về học tập, công việc, và cuộc sống.
Bài viết này lấy ý tưởng chủ đạo từ sách Deep Work (Cal Newport), nhưng mình có biên tập, bổ sung ý kiến riêng để ai đã biết về deep work thì cũng sẽ có thêm góc nhìn mới.

Cấu trúc của bài:
1. Khái niệm và ý tưởng: tại sao ta cần deep work
2. Các quy tắc deep work
3. Deep work và những điều họ không nói
***



PHẦN 1: KHÁI NIỆM VÀ Ý TƯỞNG


Đầu tiên, mình xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện:
Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Sau một hồi tranh luận, chúng đi đến kết luận đó là sẽ giải quyết vấn đề bằng một cuộc thi chạy. Một lúc sau, chúng chọn xong lộ trình, ra đường và chuẩn bị đua. Cả Rùa và Thỏ đều rất tập trung, quyết tâm cao độ. Cái một thanh niên bắt gặp, xách 2 đứa đem vô quán nhậu. 
Và câu chuyện của chúng ta đến đây là hết.
😄
Bài học đó là: cái gì mà quá thì thường không tốt, bao gồm cả việc tập trung. 😄

Deep work: Những hoạt động chuyên tâm, khi tâm trí tách biệt hoàn toàn khỏi các yếu tố gây xao nhãng, tạo điều kiện thúc đẩy tư duy của ta đến ngưỡng giới hạn của nó.
Chúng ta đang ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của nền kinh tế tri thức, do vậy, sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề sẽ tất yếu hướng đến những công việc thiên về trí óc.
Và hẳn nhiều người trẻ hiện nay, đều phần nào có chung một vấn đề: đó là họ tốn quá nhiều thời gian cho những yếu tố gây xao nhãng, ảnh hưởng tiêu cực đến cả tâm trí lẫn thể trạng.
Thêm vào đó, với tốc độ phát triển chóng mặt của nền kinh tế số, thì công việc chúng ta đang làm hôm nay có lẽ 10, 20 năm sau sẽ trở nên lỗi thời, thậm chí biến mất; do vậy, chúng ta cần sớm tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thích nghi với tương lai đấy: Deep work là một trong những kỹ năng quan trọng như vậy.

1. Deep work rất giá trị

Để làm kẻ chiến thắng trong kỷ nguyên mới, thì chúng ta cần trở thành một trong 3 thành phần sau:
+ Chuyên gia công nghệ, làm chủ được máy móc phức tạp, trí tuệ nhân tạo
+ Ngôi sao trong lĩnh vực của mình (ngay cả thợ sửa xe cũng thành ngôi sao được)
+ Làm chủ, nhà đầu tư
Không phải ai sinh ra cũng được làm chủ ngay như anh Cường Đô La được, nhưng 2 cái đầu tiên thì bất cứ ai cũng có thể đạt được nếu phấn đấu một cách hiệu quả, cộng với một chút may mắn. Và để tiến nhanh đến vị trí đó, bạn sẽ cần 2 kỹ năng quan trọng:
1. Kỹ năng thuần thục nhanh chóng những kiến thức phức tạp.
2. Kỹ năng tạo ra sản phẩm ở trình độ cao, cả về chất lượng lẫn tốc độ.
Và cả 2 kỹ năng trên đều phụ thuộc vào deep work cả.
Công thức: Hiệu quả công việc = (Thời gian bỏ ra) x (Mức độ chuyên tâm)
Tất nhiên công thức trên cũng chỉ tương đối thôi, vì cái gọi là hiệu quả công việc sẽ còn phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh, đánh giá cụ thể nữa.
Có một thí dụ được đề cập trong sách mà mình thấy rất hay, đó là khi phỏng vấn 50 thủ khoa của các trường đại học hàng đầu Mỹ, tác giả đã phát hiện ra rằng bất kỳ ai trong nhóm này đều dành ít thời gian cho việc học hơn so với nhóm sinh viên nằm ngay phía dưới họ trên bảng điểm (tức các á khoa). Bởi vì nhóm này khi học là thực sự học cho ra học, tức là học sâu, deep work. Cho nên có thể hiểu rằng, nếu bạn tập trung tâm trí, thì mức độ hiệu quả sẽ được nâng cao hơn rất nhiều.

2. Deep work rất hiếm

Trào lưu của nền kinh tế hiện nay đang rất phản deep work, thành ra sản phẩm thì càng nhiều, chất lượng sàn được nâng lên, nhưng chất lượng “vượt trội” thì hiếm dần.
Trào lưu thứ 1 của nền kinh tế hiện nay đó là không gian văn phòng mở như Facebook, việc này vô hình trung tạo điều kiện cho sự xao nhãng xảy ra liên tục. Dù rằng người ta lý sự rằng không gian mở sẽ kích thích trí thông minh cảm xúc hay đại loại vậy, nhưng cơ bản là cách này khiến cho deep work không thực hành được.
Không gian làm việc của Facebook

Đọc thêm:

Trào lưu thứ 2 là mọi yêu cầu công việc phải được đáp ứng ngay lập tức trong hệ thống. Ví dụ như một việc phát sinh thì sẽ có email kèm theo yêu cầu phải trả lời, giải quyết ngay hoặc sớm nhất có thể, bất chấp rằng người nhận mail đang bận việc khác. Bạn có thể thấy là yêu cầu tốc độ công việc đang ngày càng được nâng lên, và nhìn chung môi trường công sở khá áp lực về thời gian.
Trào lưu thứ 3 là phải giữ sự hiện diện thương hiệu thường xuyên trên mạng bằng cách cập nhật thật nhiều, thu hút sự chú ý của độc giả. Ví dụ như nhà báo phải đăng tin liên tục trên twitter, facebook, website,... nên thành ra nhà báo nào mà mỗi tuần đăng 1 bài (chứ chưa nói 1 bài mỗi tháng), là đã có nguy cơ bị đào thải rồi.
Lý do cho sự trỗi dậy của nền kinh tế “kết nối” đó là nó khiến cuộc đời có vẻ dễ dàng hơn. Khi đang có vấn đề khó khăn cần giải quyết, ta né tránh ông “ba bị” đó (một tác vụ, hoặc một dự án quan trọng, phức tạp) và tiến hành giải quyết hàng đống vấn đề nhỏ hơn, thành ra những vấn đề nhỏ đó khiến ta cảm thấy mình “được việc”, về ngắn hạn thì nó giúp cho ta cảm thấy mình đang làm tốt, đáp ứng nhu cầu hời hợt với kết quả trung bình, nhưng về dài hạn thì ta sẽ chẳng đạt được thành quả quan trọng nào cả. 

3. Deep work rất ý nghĩa

3.1. Mối liên hệ giữa Hạnh phúc và Deep work

Chỉ cần điều chỉnh được sự chú tâm của mình, ta sẽ dễ dàng tìm thấy hạnh phúc trong công việc và cuộc sống.
Phần lớn những ức chế, buồn phiền của ta đều đến từ việc ta không thể làm bạn với tâm trí ta, đặc biệt là ta dễ bị kích thích bởi những yếu tố đến từ môi trường xung quanh. May mắn là, não bộ có xu hướng hoạt động dựa trên những gì chúng ta chú tâm vào: “Những gì bạn suy ngẫm, cảm nhận, và thực hiện, những gì bạn yêu mến – là tổng hợp của những gì bạn chú tâm vào.”
Trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều thứ thuộc về ngoại cảnh bị xáo trộn không theo ý ta, cho nên bắt hoàn cảnh phải hạp ý mình cũng vớ vẩn như bắt đèn giao thông luôn xanh, trời luôn mát, và mọi người luôn yêu mến mình vậy. Thay vì để cho tâm trạng bị hoàn cảnh gây ảnh hưởng, thì việc chuyên tâm vào việc cần làm, sẽ khiến tâm trạng cải thiện hơn rất nhiều.
Nếu ta có một công việc có thể chiếm hết tâm trí ta, thì rõ ràng là tâm trí không còn thì giờ đâu cho những thú vui hời hợt, suy nghĩ tiêu cực có hại cho tâm trạng lẫn thể trạng.

3.2. Deep work và ý nghĩa cuộc sống 

Thường người ta chỉ đặt câu hỏi ý nghĩa cuộc sống khi họ đang bất mãn, hoặc khi đang có cảm giác tiêu cực, chứ chẳng mấy ai đang mãn nguyện, hạnh phúc mà lại hỏi thế cả. Nó giống với việc chỉ người bệnh mới có nhu cầu đi khám bệnh vậy.
Trước kỷ nguyên Khai Sáng (thế kỷ 18), đa số dân chúng sẽ gắn chặt cuộc đời mình với nghề nghiệp của bố mẹ, tổ tiên: cha mẹ làm nông thì con làm nông, cha mẹ làm gốm thì con làm gốm, “Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Cơ bản là họ không có nhiều lựa chọn, họ chỉ có thể tập trung vào làm tốt công việc của mình, tạo nên cái gọi là nghệ nhân. Thành ra họ tuy sống đơn giản, nhưng lại hạnh phúc, vì chẳng nghĩ gì.
Khi một người làm gạch tạo ra những viên gạch đẹp đẽ, người đó sẽ nghĩ rằng mình đang góp phần xây nên những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ như cổ tích. Vậy là một người thợ thủ công không internet, không tài sản, không danh vọng, nhưng vừa cảm thấy hạnh phúc vừa thấy công việc mình có ý nghĩa.
Vậy một lập trình viên của thế kỷ 21 thì sao?
Với thế hệ hiện đại bây giờ, ra trường có quá nhiều lựa chọn (nghề nghiệp, bạn đời, danh vọng, tiền bạc,…), thế là tâm trí họ bị xé vụn thành nhiều mảnh, họ phải đối diện với những vấn đề tâm lý đại loại như nghịch lý của sự lựa chọn (nhiều lựa chọn quá không biết lựa chọn cái nào), khiến cho cuộc sống trở phức tạp, có phần mông lung, lạc lối: chúng ta trở nên khó khăn trong việc định hình bản thân, định nghĩa ý nghĩa cuộc sống.
Thế nên việc tạo điều kiện để bản thân có thể deep work sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra thứ gì đó khiến tâm trí ta chìm đắm vào nó. Và đến một lúc, ta sẽ không còn thắc mắc "ý nghĩa cuộc sống" nữa, cuộc đời trở nên bình dị và mạch lạc.
Chỉ khi ta dành thời gian nhiều cho một thứ, thì thứ đó mới trở nên quan trọng và có ý nghĩa với ta.  (trích Hoàng tử bé)

PHẦN 2: CÁC QUY TẮC DEEP WORK


1. Quy tắc chung cho deep work

Quy tắc chung cho deep work, là phải tạo ra những “nghi thức” nhất định, để kích hoạt chế độ deep work. Bạn cần nhớ rằng, đừng làm việc dựa theo cảm hứng, mà hãy có quy trình rõ ràng, nó sẽ khiến công việc trôi chảy hơn. Một số câu hỏi để tạo nên “nghi thức” đó là:
- Bạn sẽ làm việc ở đâu, và trong bao lâu? (gợi ý: chỗ nào tách biệt, yên tĩnh; khoảng thời gian có thể thu xếp để không bị gián đoạn được, ví dụ như sáng sớm)
- Bạn sẽ làm việc thế nào khi đã bắt đầu? (quy trình làm việc, ví dụ như tắt wifi, noti điện thoại)
- Bạn sẽ hỗ trợ công việc mình thế nào? (ví dụ như một ly cà phê để thêm năng lượng, hay ra ngoài đi bộ 20p giúp giãn gân cốt, đầu óc thư giãn, hay vỗ tay hô lên một câu "thôi đíp quớt đây!")
Thật ra, nhiều hành động hằng ngày của chúng ta đều ít nhiều có các hành vi mang tính "nghi thức" như vậy, ví dụ như người Nhật chắp tay và nói Itadakimasu (chúc ăn ngon miệng), điều đó khiến họ tập trung vào món ăn: họ ăn chậm, nhai kỹ, và cảm thấy ngon miệng hơn.
Nếu bạn ăn chỉ lo ăn, không phải ăn mà kèm nghe nhạc, nói chuyện, lướt web, thì bạn sẽ thấy ý nghĩa lớn lao của việc khi làm gì chỉ tập trung cho chuyện đó. Những ai nóng nảy, hay lo nghĩ, khi ăn mà nghĩ quá nhiều, sẽ dễ bị bệnh đau bao tử, cũng do thiếu khả năng tập trung như vậy: phần cứng làm một đằng, phần mềm lại chạy một nẻo.

2. Mượn môi trường hỗ trợ cho deep work

Ở đây, bạn sẽ cần tham khảo cách tư duy vận hành:
Kích thích > trí nhớ > phản ứng > ý nghĩ > ý tưởng -> hành động.
(Sense > memory > response > thought > idea > action.)
(Chuỗi phản ứng này xảy ra trong tích tắc, và phi tuyến tính.)
Đa phần cách thói quen của ta, đều xảy ra một cách tự động, bao gồm cả tư duy. Đó là lý do, bạn nghĩ bạn nên làm thế này, nhưng cuối cùng lại thấy bạn làm việc khác, vì cái gì đã xảy ra một cách tự động thì ta khó có thể ý thức và làm chủ được. Do vậy, ta cần sự hỗ trợ của môi trường xung quanh để hỗ trợ cho mục tiêu Deep work.
Nếu bạn nhìn vô cấu trúc tư duy ở trên, bạn sẽ thấy là khi giác quan bạn (tai, mắt,...) bị kích thích bởi gì đó (ví dụ tin nhắn điện thoại, ô noti hiện màu đỏ,...) thì bạn sẽ vớ tay lấy, rồi lướt lướt hồi quên đi việc cần làm luôn: ta như bị ma đưa đường quỷ dẫn lối vậy! Cưỡng lại kích thích là điều khó khăn.
Thế nên, bạn sẽ cần chủ động ngắt bớt những kích thích xung quanh khỏi giác quan của bạn đi, có thể tham khảo một số cách sau, và bạn cũng có thể bổ sung, thay đổi, dựa vào điều kiện và hoàn cảnh của riêng bạn:
- Xóa app facebook, insta, trình duyệt web, tik tok,... trên điện thoại. Cài chế độ rung. Nói chung là biến smartphone thành stupidphone vậy.
- Cài phần mềm chặn News Feed (News Feed Eradicator) facebook trên trình duyệt nếu sử dụng vi tính, laptop.
- Thu xếp với bố mẹ là không réo tên vào khoảng giờ đó, nếu bạn sống chung với bố mẹ.
- Chọn không gian yên tĩnh, đồ vật không cần thiết thì dọn bớt, tạo cảm giác tối giản trong không gian làm việc. Tất nhiên nếu bạn thích bừa bộn, cộng với cái dự án quá thú vị, chiếm hết tâm trí bạn, thì chuyện không gian cũng không quan trọng lắm.
Vicky Queck - Detective office

Đọc thêm:

Ngoài ra, có kích thích này rất ghê gớm mà chưa bài nào về Deep work đề cập đến cả: kích thích trong suy nghĩ, trong cảm xúc.
Tức trong tâm trí bạn, xuất hiện những lời nói, giải thích, tưởng tượng: chúng có thể kinh điển như "thôi mai mình sẽ bắt đầu" rồi bạn trì hoãn, hoặc chúng có thể là tiêu cực như "thôi mình bất tài, chẳng ai đọc đâu" và bạn bỏ không viết bài viết mà bạn định viết.
Những kích thích bên trong như vậy là rất khó đối phó, ảnh hưởng lớn đến khả năng deep work được hay không, nhưng bàn đến thì sẽ rất dài, cho nên mình để lại đây, và sẽ bàn vấn đề này ở bài khác. Dù sao thì mượn được môi trường giúp đỡ ta thì cũng đã là một thay đổi khá tích cực rồi.

3. Các hình thức của deep work

Có 4 loại deep work, hãy xem cách nào phù hợp với bạn:

A. Kiểu Thầy tu (hoàn toàn sống deep work)

Kiểu này là kiểu bạn ở 1 căn phòng, không ai làm phiền, không internet theo kiểu có người liên hệ được bạn, và tập trung chuyên sâu cho công việc: gần như cắt đứt quan hệ với loài người, cắt đứt hoàn toàn mọi yếu tố gây gián đoạn.
Đạo diễn tài ba Stanley Kubrick trước khi quay bộ phim Napoleon, ông dành đến 2 năm để nghiên cứu hàng trăm cuốn sách và tài liệu về cuộc đời Napoleon (cuối cùng bộ phim bị từ chối sản xuất vì chi phí dự tính quá khổng lồ). Những lúc này ông chỉ dành thời gian ở trang viên của mình, số người có thể liên hệ là trên đầu ngón tay, dù ông là đạo diễn nổi tiếng nhất thế giới đương thời, và thuộc hàng vĩ đại nhất lịch sử. Ông cũng thuộc dạng cả đời hầu như không đi du lịch.
Kiểu thầy tu này là cực đoan nhất, có thể biến bạn thành anh hùng, hoặc thằng khùng.

B. Kiểu Phân bổ rạch ròi (deep work theo buổi, theo ngày,...)

Nếu trong kỳ nghỉ, hoặc trại sáng tác, Carl Jung sẽ dành thời gian buổi sáng trong 1 căn nhà gỗ nhỏ trong rừng để tập trung công việc. Buổi chiều ông sẽ đi dạo, thể dục, để nghiền ngẫm 1 cách thoải mái về các ý tưởng của ông.
Còn thường ngày thì ông sáng deep work, chiều đi thỉnh giảng, salon văn hóa, gặp gỡ bệnh nhân.
Kiểu này tức là bạn dành một phần thời gian cho deep work, và thời gian còn lại cho những việc khác, bao gồm cả shallow work (việc nông, ít tập trung) như tưới cây, tán gẫu, chat chit.
Với kiểu này bạn có thể phân bổ theo buổi (như trên), theo tuần (5 ngày bình thường, 2 ngày deep work), theo tháng hay theo mùa (3 mùa bình thường, 1 mùa vô rừng deep). Nhưng dù sao vẫn nên dành ít nhất là một ngày trọn vẹn cho deep work, bởi chỉ vài tiếng buổi sáng là không đủ cho những bộc phá quan trọng.
Jung phải dành 1 buổi deep, 1 buổi shallow bởi vì ông cần phải mưu sinh (nghề chính là nghiên cứu, suy tư các vấn đề tâm lý, nghề phụ là bác sĩ, giảng viên, suy ra nghề phụ để nuôi nghề chính).
Kiểu phân bổ này hợp với những ai ngưỡng mộ sự hiệu quả của kiểu thày tu, nhưng vẫn cần mưu sinh, và đánh giá cao giá trị đem lại từ những điều bình dị trong cuộc sống (thể thao, giải trí, gia đình, bạn bè).

C. Kiểu Uyển chuyể(thu xếp deep work ít thì 1-2 tiếng, nhiều hơn thì tùy)

Khác với 2 kiểu trên, khá cứng nhắc về thời gian và khó thu xếp được, thì với kiểu Uyển chuyển, bạn có thể sắp xếp một khoảng thời gian trong ngày, cỡ  1-2 tiếng cho deep work. Kiểu này phù hợp với đời sống hiện đại của chúng ta hơn, cho nên cũng dễ thu xếp và áp dụng hơn.
Đây là kiểu phù hợp cho những người phải làm công việc 9-5h, ví dụ như bạn dậy sớm deep work từ 4h30 đến 6h30 chẳng hạn.
Hay là bạn đang làm chủ một shop tự vận hành, bạn có nhiều thời gian ban ngày để deep work, nhưng đôi khi công việc có chuyện khẩn cần bạn, rồi gia đình có chuyện gấp, thì bạn chỉ có thể giải quyết ngay cho họ, rồi điều chỉnh lại thời gian deep cho phù hợp với tình cảnh lúc ấy.
Nói về mức độ dễ áp dụng thì kiểu này dễ hơn 2 kiểu trên, nhưng về độ hiệu quả thì không bằng. Để thực sự tạo thành quả, ta phải toàn tâm toàn ý với nó. Nhưng nếu hoàn cảnh không cho phép, thì đây lại là lựa chọn phù hợp nhất.

D. Kiểu Ký giả (deep work tùy hứng, bất cứ lúc nào cũng được: có khi chỉ cần 30p)

Đây là kiểu tập trung deep work trong thời gian cực kỳ ngắn và bất chợt.
Kiểu này khác với kiểu uyển chuyển chỗ kiểu ở trên bạn sẽ “chủ động thu xếp thời gian vừa cứng vừa mềm”, nhưng kiểu ký giả này bạn sẽ hứng lên bất cứ lúc nào: thích là deep, không cần thu xếp trước.
Có một người nổi tiếng với kiểu deep work này, đó là nhà văn/nhà báo thiên tài Walter Isaacson. Đây là một đoạn mô tả về ông của một người bạn cũ hồi ức về một kỳ nghỉ bên bãi biển cùng nhà báo:
“Thật là vi diệu… cậu ấy có thể lui về phòng mình trong một lúc để làm việc với cuốn sách của cậu, trong khi cả đám vẫn đang thư thả bên hồ bơi… Cậu ấy sẽ đi khoảng 20 phút đến 1 tiếng, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng bàn phím lách cách, rồi cậu ấy trở lại và trông thư giãn như chả có gì phiền phức xảy ra cả, đơn giản là cứ hứng lên thì cậu ta vui vẻ phắn đi và làm việc vậy đó.”
Phương pháp này được gọi là kiểu Ký giả cũng bởi các nhà báo thường luyện tập thói quen có thể tập trung viết bất cứ lúc nào, vì công việc họ vừa phải sáng tạo (không phải lúc nào cũng hứng được), nhưng cũng vừa chịu áp lực hạn chót nộp bài, và về điều kiện làm việc thì khá dễ dàng (chỉ cần một khoảng không gian, cây bút và giấy, hay laptop).
Kiểu này hoàn toàn không dành cho các tay mơ như bạn (những người chưa bao giờ deep work) mà dành cho những chuyên gia, đã thành thục và tự tin với công việc của mình. Bởi việc điều chỉnh não bộ từ trạng thái chơi bời sang tập trung cao độ, rồi ngược lại, cần rất nhiều ý chí và điêu luyện để thực hiện. Nếu bạn thử cách này bạn sẽ thấy là bạn chẳng làm được việc gì hiệu quả hết.
Tóm lại phần này đó là: mỗi người mỗi cảnh sẽ phù hợp với từng kiểu deep work nhất định, hãy thử nghiệm và áp dụng cách nào bạn cho là hợp với bạn.
Young Man Reading by the Light. 1926 G.E. Lighting Ad.

PHẦN 3. DEEP WORK VÀ NHỮNG ĐIỀU HỌ KHÔNG NÓI


1. Deep work không nhằm thành công, giàu có, hơn người

Có 2 thứ khiến cho giới trẻ (thế hệ Millenials, những người hiện 22-38 tuổi) bị kiệt sức, tỷ lệ trầm cảm thuộc hàng tăng cao nhất lịch sử, đó là bởi những ảo tưởng vô vọng, và sự tự áp lực với chính mình:
- Ta với xã hội: Ảo tưởng, kỳ vọng vào thành công, vào sự công nhận của người khác, luôn so sánh bản thân với người khác (mạng xã hội)
- Ta với ta: Cầu toàn, luôn muốn tối ưu hóa bản thân (idealist, optimizers)
Nếu bạn nghĩ deep work sẽ giúp bạn trở thành kẻ chiến thắng, bạn hơn người, thì những kỳ vọng đó là sai lầm về mặt lý luận đơn thuần.
Lấy ví dụ, nếu 100 người đều tin vào thắng lợi, trong khi chức vô địch thì chỉ có 1, thì chẳng phải 99 người còn lại sẽ thất vọng vì sự kỳ vọng ảo tưởng đó sao?
Bạn có thể deep work cho một bài viết, đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, nhưng bài đó không ai like, không ai upvote, không ai còm, thì bạn nghĩ sao?
Sẽ đúng đắn và hợp lý hơn, khi ta hướng đến cái trong khả năng ta, đó là việc nhiều người hơn tận hưởng cuộc chơi:
 Vô địch, thành công thì chỉ có 1, nhưng tất cả đều có thể tận hưởng cuộc chơi.
Một cái tựa đề rất nực cười: nếu thế hẳn đa số chúng ta đều đang chết mà không biết
Do vậy, nếu muốn một chút deep work trong cuộc sống của mỗi chúng ta, thì sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta chỉ kỳ vọng rằng mình sẽ tận hưởng deep work ở cái sự say mê, chìm đắm trong một việc gì đó; mục tiêu này sẽ trong khả năng ta hơn, và nó cũng đem đến chúng ta một cái cảm giác đầy đủ, vui sướng, giàu có trong tâm hồn. Còn nó có đem đến thành quả hơn người hay không, thì có thể có, có thể không, nhưng điều đó không còn quá quan trọng.

2. Bản chất cốt lõi của deep work

Nếu bạn thật sự thích một việc, thì tự bạn sẽ biết cách làm sao để đưa bản thân vào kỷ luật, vào chế độ deep work, để phục vụ cho việc đó.
Ví dụ như Ronaldo, Messi, vì đam mê bóng đá, và nhận ra sự cần thiết của tập luyện, sức khỏe, chiến thuật, nên họ chấp nhận đưa họ vào sự kỷ luật. Cái sự kỷ luật xảy ra một cách tự nhiên, nó đem đến cho họ nguồn năng lượng dồi dào, giúp họ tận hưởng cuộc chơi bóng banh hơn.
Hay như Leonardo da Vinci, mới đầu khi đã là thiên tài, ông rất coi thường sự học (chữ Latin, và các sách kiến thức hàn lâm), ông tự hào vì mình là người trọng thực hành và có thể hiện thực hóa những công trình của ông. Nhưng sau này khi đã có kinh nghiệm hơn, ông nhận ra thiếu sót của bản thân, nhận thấy tầm quan trọng của kiến thức căn cơ, lẫn sự trân trọng với những lớp vĩ nhân đi trước, ông trở lại với kiến thức hàn lâm, và trở thành người cả học lẫn làm đều xuất chúng.
Từ những tấm gương trên, ta có thể thấy cái vấn đề lớn nhất của chúng ta, là chúng ta kỷ luật bản thân vô một việc chúng ta thật sự không thích lắm (ví dụ như học tập, viết lách,...), do vậy sự kỷ luật và ép mình đó sẽ có xu hướng bào mòn sức lực của chúng ta thay vì tăng cường năng lượng cho ta; khi ý chí bị bào mòn, ta sẽ dễ buông xuôi và đi tìm những sự giải trí hời hợt, dễ dãi: người ta đa phần dễ thất bại với deep work là bởi lý do này.
Vậy làm sao để ta có thể biết ta thực sự thích công việc đó hay không? Hay liệu chúng ta có thể biến công việc tẻ nhạt đó thành trò chơi thú vị? Đó là những câu hỏi khó, và bạn sẽ cần tự tìm hiểu thêm.

Lời kết


Một cuộc đời chuyên tâm, tất nhiên, không dành cho tất cả mọi người. Nó đòi hỏi sự nỗ lực phi thường để thay đổi thói quen và cuộc sống của bạn. Có những người nghĩ lớn, muốn để danh lại với núi non, nhưng cũng có người chỉ mong hạnh phúc với những điều bình dị, giản đơn; quan trọng là ta biết cái ta thật sự cần, và ta tận hưởng được hiện tại. Deep work là vậy: chìm đắm trong hiện tại.
Và mục tiêu của bài viết cũng chỉ nhằm thay đổi một chút ý tưởng như trên về deep work.
Một đời chuyên tâm là một đời tươi đẹp, luôn luôn là vậy.
(A deep life is a good life, any way you look at it.)
Chúc các bạn thành công.

Đọc thêm:
1. Phần 3.1 có nói hiện tượng Millennials tự gọi mình là thế hệ kiệt sức (burnout generation), bạn có thể đọc thêm các lý do trong bài này:
2. Sách Deep Work của Cal Newport giờ đã có bản dịch tiếng Việt:
3. Nếu muốn tham khảo thêm quanh vấn đề bạn có thực sự thích công việc mà bạn muốn deep work, thì bạn có thể đọc bài này:
4. Deep work đem lại cảm giác rất thỏa nguyện, có thể gọi chúng là những Niềm vui vững bền, các bạn có thể đọc bài này để có thêm động lực deep work: