Chắc nhiều bạn đã biết, mình hiện đang là giáo viên dạy bậc Secondary ở Melbourne, Úc. Trước đây mình đã nói về hệ thống giáo dục ở bên này qua bài Dạy cấp 3 ở Melbourne. Bài viết lần này sẽ nói đi cụ thể hơn 1 chút về quá trình trở thành giáo viên ở Úc, cũng như một ngày làm việc của mình, với mục đích là ...'gạ gẫm' các bạn trẻ VN trở thành đồng nghiệp của mình sau này nhé :D

1. Quá trình trở thành giáo viên ở Úc

***Mình sẽ nói từ góc nhìn của 1 du học sinh nhé***
Để trở thành giáo viên ở Úc, bạn có 2 con đường: một là học từ bậc ĐH, bằng Bachelor of Education (Cử nhân giáo dục) 4 năm; và hai là nếu bạn đã có bằng ĐH ở một ngành khác, thì bạn phải học Master of Teaching (Thạc sĩ Sư Phạm) 2 năm. Tùy vào cấp bạn muốn dạy mà bằng của bạn có thể là Primary (tiểu học) hay Secondary (trung học). Bằng Secondary được phép dạy cả ở primary lẫn secondary, nhưng primary thì chỉ được dạy primary thôi.
Điều kiện đầu vào cho các khóa học này thay đổi tùy vào trường ĐH bạn theo học, nhưng có vài điểm chung như sau:
- Điều kiện tiếng Anh: do tính chất nghề giáo viên phải nói và nghe nhiều nên rất dễ hiểu khi các trường đều đòi bạn phải có 2 kĩ năng trên ít nhất là 8.0 trên bằng IELTS, hai kĩ năng còn lại là Đọc và Viết thì không được dưới 7.0. Điều kiện tiếng Anh này là bắt buộc cho cả bậc Bachelor lẫn Master.
- Nếu bạn đăng ký học bậc Bachelor of Education: điểm trung bình trên bằng cấp 3 phải là 8.0 trở lên.
- Nếu bạn đăng ký học bậc Master of Teaching: bằng bachelor trước đây của bạn phải cover ít nhất 2 lĩnh vực có liên quan tới những môn học được dạy ở primary/secondary school (vì nếu bạn học ngành chẳng liên quan gì tới những gì được dạy ở trường thì bạn có bằng sư phạm cũng chẳng dạy được cho ai, đúng không ^^). Ngoài ra, điểm trung bình cho các môn đã học ở Bachelor phải ít nhất 6.5.
Nếu bạn đã hoàn thành bậc Bachelor ở Úc, nhiều trường có thể sẽ bỏ qua điều kiện tiếng Anh cho bạn khi bạn đăng ký khóa học Master.
- Trước khi hoàn thành khóa học, bạn phải trải qua 1 bài kiểm tra tâm lý (tên là Casper test) do 1 tổ chức bên ngoài thực hiện để đảm bảo bạn có tâm lý ổn định cũng như biết những cách ứng xử hợp lý trong những tình huống trên lớp. Bài kiểm tra tâm lý này mặc dù bị chê và lên án khá nhiều, bởi tính chủ quan của nó khiến nhiều người trượt. Tuy nhiên tới giờ nó vẫn chưa bị gỡ bỏ, và các sinh viên sắp ra trường vẫn phải chật vật vì nó. Có cả các trung tâm, khóa học dành riêng cho bài kiểm tra này, và có những người vì trượt quá nhiều lần mà từ bỏ luôn ước mơ theo ngành sư phạm.
Câu hỏi trích ra từ bài thi Casper thật
Câu hỏi trích ra từ bài thi Casper thật
- Tiếp đó, bạn sẽ phải hoàn thành bài kiểm tra về Toán học và khả năng Đọc hiểu (gọi là LANTITE), cũng được 1 tổ chức bên ngoài thực hiện . Hai bài kiểm tra này khá dễ để vượt qua. Nếu quy ra tiếng Việt thì nó giống như yêu cầu sinh viên ĐH làm bài kiểm tra của bọn nhóc cấp 1 vậy.
Một câu ví dụ trong bài thi Toán học
Một câu ví dụ trong bài thi Toán học
Hai bài kiểm tra này bạn đều phải tự bỏ tiền túi ra để làm chứ không được bao gồm trong học phí. Thực ra thì mấy bài kiểm tra này cách đây độ 10 năm không tồn tại. Chẳng qua là vì có một dạo, một làn sóng các phụ huynh, vì không hài lòng với điểm số của con cái họ ở trường, bèn đổ hết lỗi cho chất lượng giáo viên và yêu cầu nâng cao chất lượng đầu ra cho giáo viên. Từ đó mới sinh ra đủ loại kiểm tra để làm an lòng các vị phụ huynh.
- Cuối cùng, sau khi đã vượt qua hết các bài kiểm tra trên, bạn sẽ phải làm lý lịch tư pháp (police check) để đảm bảo bạn không có tiền án tiền sự nào, đồng thời xin giấy phép làm việc với trẻ em (Working with Children check) để đảm bảo bạn an toàn với trẻ em dưới vị thành niên (ở bên này, cứ động tới trẻ con là họ kĩ lắm ^^)
Mẫu lý lịch tư pháp
Mẫu lý lịch tư pháp
Mẫu thẻ WWCC
Mẫu thẻ WWCC
Nhìn chung, với những bạn sinh viên quốc tế muốn theo ngành sư phạm ngay từ đầu, tức là theo học bằng Bachelor of Education thì khó khăn lớn nhất là đầu vào tiếng Anh. Nhiều bạn gặp khó khăn với việc có được Speaking 8.0. Sau đó là tới các bài kiểm tra phụ kia. Các giấy phép khác nhìn chung có thể đạt được dễ dàng.
Với số lượng ít ỏi giáo viên người Việt mình từng tiếp xúc bên này, đa phần họ đều là những người đã có bằng Bachelor ở 1 lĩnh vực khác, sau đó mới học Master of Teaching để trở thành giáo viên. Một phần là vì rất ít người ở VN muốn đi du học và nghĩ rằng sẽ theo ngành sư phạm. Thường khi nghĩ tới du học, họ nghĩ tới việc học Kinh Tế, IT, Kiến Trúc Sư v..v.... Đó là chưa kể, Bachelor of Education là 4 năm, dài hơn 1 năm so với thời lượng trung bình cho bằng Bachelor là 3 năm. Phần khác là do nhiều người học Bachelor một ngành khác để tìm đường định cư, định cư xong rồi họ mới theo học ngành họ thực sự thích làm. Úc thiếu giáo viên nên khi đã có thẻ xanh, bạn sẽ được chính phủ cho khá nhiều tiền học (không phải trả lại). Bản thân mình đi theo cách sau, tức là định cư rồi mới học Master, nên đáng nhẽ phải đóng $37,000/năm, mình chỉ phải đóng $7,000/năm.
Khi bắt đầu vào học thì bên cạnh những môn học trên trường, bạn sẽ phải hoàn thành một thời lượng thực tập nhất định. Nó có thể được quy định theo số ngày hoặc số giờ trên trường, dài ngắn tùy vào trường ĐH yêu cầu và tùy vào bậc học. Bachelor of Education là 4 năm, dài hơn Master of Teaching 2 năm nên thực tập cũng lâu hơn.
Nhìn chung vì là ngành Sư Phạm nên học về lý thuyết là nhiều. Các assignments ở các môn học thường ít nhất là 3,000 từ, đôi khi lên tới 5,000 hoặc 7,000 từ. Không có final exam, cứ hoàn thành hết các assignment ở tất cả các môn học là bạn tự động tốt nghiệp (đương nhiên phải đạt yêu cầu ở các lần thực tập nữa). Nhìn chung, khóa học sư phạm, dù là Bachelor hay Master, không dạy bạn cách dạy riêng một môn học cụ thể nào đó, mà chỉ cho bạn kĩ năng sư phạm nói chung để bạn có thể dạy bất cứ môn nào. Khi ra trường, bằng cấp của bạn cũng không quy định cụ thể bạn CHỈ được dạy môn nào, và khi được nhận việc ở trường rồi thì họ cũng cho phép bạn dạy bất cứ môn nào mà bạn thích, miễn là có slot cho bạn dạy. Tuy nhiên, trong khi học thì họ vẫn chia ra các lớp tùy vào kiến thức nền của bạn.
Cái khó khi hoàn thành các assignment của ngành Sư Phạm là lý thuyết rất nhiều. Bạn phải research rất nhiều, đọc rất nhiều các bài báo khoa học để có thể pass môn. Nhiều khi để viết được 1 câu trong bài, bạn phải đọc tới 5 bài báo khoa học. Khá là mất thời gian.
Khi đi thực tập, đa phần các giáo viên hướng dẫn đều muốn giúp đỡ sinh viên thực tập nên họ đều khá là dễ tính khi chấm điểm và nhiệt tình khi đưa ra feedback. Rất ít sinh viên nào fail phần thực tập, trừ phi gặp phải giáo viên hướng dẫn quá khó tính hoặc sinh viên đó quá hồi hộp/căng thẳng mà không đứng lớp được. Cái khó mà sinh viên sư phạm thường gặp không phải là đạt yêu cầu ở đợt thực tập, mà là tìm kiếm trường đồng ý nhận sinh viên thực tập. Đợt COVID, rất nhiều sinh viên do không xin được chỗ thực tập mà bị lỡ hẳn 1 kì, thậm chí 1 năm so với lịch tốt nghiệp.
Mẫu bảng đánh giá sinh viên thực tập
Mẫu bảng đánh giá sinh viên thực tập
Sau này khi đi dạy rồi thì mình mới thấy là đi thực tập còn mệt hơn đi dạy chính thức rất nhiều. Bên cạnh việc phải làm quen với việc đứng lớp, soạn giáo án, bạn còn phải đảm bảo là đã thu thập đủ chứng cứ (evidence) theo yêu cầu của khóa học để chứng minh cho trường ĐH là bạn đã đạt yêu cầu của đợt thực tập. Song song với đó, bạn gần như phải trở thành cái bóng của giáo viên hướng dẫn, họ đi đâu bạn theo đó, vừa là để học hỏi, vừa là để tạo ấn tượng tốt với họ. Mình thì may mắn khi gặp được toàn giáo viên dễ tính ở 3 đợt thực tập, nên họ cứ để cho mình ra về khi không còn lớp dạy. Các bạn khác thì hay phải ở trường tới tận cuối ngày, phải tham gia cả các buổi họp không nằm trong yêu cầu của khóa học, hoặc phải giúp giáo viên hướng dẫn làm việc này việc kia.
Sau khi hoàn thành hết tất cả các môn học, đạt yêu cầu ở tất cả các đợt thực tập, có được mọi chứng chỉ/giấy phép cần thiết, bạn sẽ báo lên Bộ giáo dục để đăng ký giấy phép hành nghề. Khi vừa tốt nghiệp, bạn sẽ chỉ có Giấy phép hành nghề tạm thời (provisional license).
Mẫu Giấy phép hành nghề tạm thời
Mẫu Giấy phép hành nghề tạm thời
Trong vòng 2 năm kể từ khi có giấy phép hành nghề tạm thời, bạn phải hoàn thành 1 bộ tài liệu khác (again @@) rồi nộp lên bộ giáo dục, chờ họ chấp nhận rồi mới có được Giấy phép hành nghề chính thức. Bộ tài liệu này khá dài, trong đó yêu cầu bạn chọn ra 3 đối tượng học sinh, tổng hợp lại cách bạn dạy các em những cái gì, như thế nào, trình ra những evidence về cách bạn dạy, chỉ ra evidence chứng minh các em đã có tiến bộ ra sao, với mục đích đảm bảo bạn biết ứng dụng đúng những gì bạn học được ở trường sư phạm vào đời thực.
Mẫu giấy phép hành nghề chính thức - không có chữ Provisional nữa
Mẫu giấy phép hành nghề chính thức - không có chữ Provisional nữa
Dù bạn đang có giấy phép hành nghề tạm thời hay chính thức thì tên và số hiệu giấy phép của bạn đều được hiển thị trên database của bộ giáo dục mà ai cũng có thể truy cập:
Tìm kiếm tên và số hiệu của mình
Tìm kiếm tên và số hiệu của mình
Trong vòng 2 năm kể từ khi có giấy phép hành nghề tạm thời mà bạn vẫn chưa làm xong bộ tài liệu trên (một điều khá phổ biến đợt COVID), thì bạn phải xin phép bộ giáo dục gia hạn thêm. Lý thuyết là vậy nhưng mình biết nhiều giáo viên ở trường mình đang dạy còn chẳng thèm làm Giấy phép hành nghề chính thức. Họ cứ renew bằng Provisional nhiều lần và vẫn cứ dạy gần 10 năm nay. Giấy phép hành nghề chính thức về mặt lý thuyết không làm bạn có thứ hạng cao hơn trên bảng lương, đâm ra họ cũng chẳng có động lực mà làm.
Khi hoàn thành bộ tài liệu này, bạn sẽ phải trình bày nó với những người lãnh đạo ở trường dưới dạng thuyết trình. Họ chấp nhận rồi sẽ gửi một lời Recommend tới bộ giáo dục, bộ giáo dục thường cũng chỉ cần Approval từ nhà trường là cũng cho qua luôn chứ họ cũng chẳng thèm đọc bộ tài liệu mấy chục trang dày đặc chữ để làm gì :v

2. Một ngày làm việc của giáo viên tại Úc

***Nếu ai muốn biết về quá trình xin việc thì các bạn có thể đọc bài Phỏng vấn xin việc chỉ với sự thành thật của mình.***
Một ngày làm việc của giáo viên bên này thường bắt đầu từ lúc 8.30, là khi giáo viên phải có mặt ở trường, và kết thúc lúc 3.00 chiều hoặc 3.40 chiều tùy trường. Và cũng tùy trường mà giáo viên hoặc là phải ở lại tới tầm 4.00, hoặc là được về luôn ngay khi hết tiết.
Việc đầu tiên khi tới trường là sign in (và khi rời trường thì sign out). Ở VN thì hay gọi là chấm công đó, nhưng việc sign in sign out bên này không liên quan tới tiền lương, mà là để nhà trường có thể theo dõi có bao nhiêu người đang ở trong khuôn viên của trường. Biết vậy để nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra đòi hỏi phải sơ tán mọi người trong trường thì người ta có thể biết được ai còn đang bên trong, ai đã ra ngoài rồi. Còn việc lương lậu ở đây dựa theo số năm kinh nghiệm chứ không liên quan tới số giờ làm :D
Khi tới trường thì bạn thường có khoảng nửa tiếng để chuẩn bị cho ngày mới. Mình hay dành thời gian này để in những tài liệu cần thiết như đề ôn tập, đề cương, hay bài kiểm tra nếu hôm đó có, check email của thầy tổng phụ trách xem hôm đó có sự kiện gì mới không, tuần đó có lịch họp gì không, xem ngày hôm đó có phải dạy thay lớp nào không. Nếu không có gì đặc biệt thì thời gian này đơn giản là chill và chờ vào lớp thôi :D
Mô hình lớp học. Khá truyền thống. Sĩ số tối đa: 24/lớp
Mô hình lớp học. Khá truyền thống. Sĩ số tối đa: 24/lớp
Ở bên này, do học sinh được chọn môn nên học sinh mới là người phải rời khỏi lớp và đi tới lớp của các thầy cô dạy môn mình chọn. Vì lẽ này mà đa phần các thầy cô được chỉ định sẵn 1 phòng học riêng, và tất cả các lớp mà thầy cô đó dạy sẽ được dạy trong phòng đó. Hiếm khi nào thấy thầy cô phải đi sang phòng khác để dạy môn khác.
Mỗi lớp đều được trang bị máy tính, smart board và white board. Máy tính được kết nối với mạng nội bộ của trường. Mỗi giáo viên đều có tài khoản riêng và lưu trữ những tài liệu riêng, nhờ vậy mà không bị lẫn các file khác của các giáo viên khác. Khá tiện :D
Khi bắt đầu một lớp, việc đầu tiên bạn phải làm là điểm danh. Việc điểm danh ở bên này rất quan trọng và nghĩa vụ được đưa vào luật. Nếu bạn điểm danh sai, ví dụ nếu học sinh không có ở trường mà bạn lại đánh có, thì nếu học sinh đó ra ngoài và bị tai nạn, bạn và nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, điểm danh ở tiết 1 và tiết 2 là điều được các giáo viên thực hiện rất kĩ càng và cẩn thận. Nếu học sinh vắng mặt ở tiết 1 và 2, văn phòng chính của nhà trường sẽ gọi ngay cho bố mẹ để xác nhận việc nghỉ học. Nếu học sinh có mặt ở trường ở tiết 1 và 2 nhưng vắng mặt ở các tiết sau thì giáo viên sẽ phải gọi báo ngay cho văn phòng chính để họ cập nhật tình hình và tìm học sinh đó nếu không thấy giấy xin phép nghỉ. Việc điểm danh này được thực hiện trên web app quản lý của nhà trường, vì vậy bất cứ ai cũng có thể truy cập được tình hình vắng mặt/có mặt của mọi học sinh vào bất cứ lúc nào.
Cách điểm danh trên web app. Fake names nên mình không che nữa :D
Cách điểm danh trên web app. Fake names nên mình không che nữa :D
Sau khi hoàn thành việc điểm danh thì bạn có thể bắt đầu bài học. Nhà trường và bộ giáo dục chỉ đảm bảo bạn dạy đủ và đúng những nội dung học sinh cần học, còn cách bạn dạy thế nào nội dung đó là do bạn toàn quyền quyết định. Bạn có thể dạy theo kiểu truyền thống là giảng bài rồi cho học sinh làm bài tập. Bạn có thể cho học sinh xem video và tóm tắt nội dung. Bạn có thể chia lớp ra và cho các nhóm tự cạnh tranh trả lời câu hỏi. Hoặc hôm nào chán chán, bạn không muốn giảng bài, thì bạn có thể chia bài ra thành vài phần, cho mỗi nhóm học sinh 1 phần tự học, sau đó giảng lại bài cho cả lớp :D Thậm chí, nếu bạn không đồng ý với thứ tự các chương trong SGK, bạn hoàn toàn có thể dạy theo thứ tự mà bạn muốn, miễn là học sinh hiểu bài và vẫn cover đủ những gì BGD yêu cầu.
Ở bên này không được dạy gì ngoài SGK, vì vậy giáo viên không phải đi tìm mua những cuốn sách nâng cao để tìm những bài khó cho học sinh. Nhờ đó mà việc dạy cũng như làm đề kiểm tra rất nhàn :D
Sau mỗi tiết học, học sinh sẽ có 5' để rời lớp, tới locker thay sách vở, và đi tới lớp tiếp theo. Trường mình thì một ngày có 7 tiết, mỗi tiết 45'. Sau tiết 3 sẽ có 1 giờ ra chơi (Recess) 25', sau tiết 5 sẽ có giờ ăn trưa (lunch) 50'.
Thời gian biểu 1 tuần. Thời gian biểu này sẽ được dùng cho cả năm học.
Thời gian biểu 1 tuần. Thời gian biểu này sẽ được dùng cho cả năm học.
Đôi khi trong Recess hay Lunch Time, giáo viên sẽ phải làm Yard Duty, tức là đi lại một số khu vực được chỉ định để trông chừng học sinh. Trông xem nếu có ai bị thương hay cãi nhau đánh nhau để can thiệp kịp thời. Dựa theo thời khóa biểu bên trên thì nếu thứ 3 và thứ 4 mình không phải dạy thay vào tiết 6 tiết 7, thì cứ xong Yard Duty là mình được về luôn :D
Trung bình 1 ngày mình phải dạy 4-5 tiết. Những tiết còn lại thì hoặc là trống, hoặc là phải dạy thay. Mình thường tranh thủ những tiết trống để chấm bài, soạn giáo án hay làm đề kiểm tra cho tuần tới. Mình trộm vía được cái đọc hiểu khá nhanh, làm việc khá năng suất và hiệu quả nên dù là chấm bài hay làm đề mình cũng đều làm khá nhanh chóng, nhanh hơn khá nhiều so với các giáo viên khác (Brag tí :v). Nhờ vậy mà mình thường hoàn thành mọi thứ mình cần làm khi đang ở trường, về nhà mình chỉ có nghỉ ngơi thôi :D
Niềm vui nho nhỏ khi chấm bài học sinh :D
Niềm vui nho nhỏ khi chấm bài học sinh :D
Dạy thay thì thực ra cũng chỉ là ngồi trông lớp. Mặc dù có hướng dẫn của giáo viên dạy môn đó để lại cho giáo viên dạy thay nhưng các bạn biết lũ học sinh khi không có thầy cô giáo của chúng ở đó thì nào có ai chịu học :v
Những lúc nào có tiết trống mà mình đã hoàn thành hết những việc cần phải làm rồi (thường xảy ra vào mấy tuần cuối của học kì) thì mình có thể ra ngoài, đi tới trung tâm thương mại gần đó ăn trưa, làm cốc cà phê, hoặc mua đồ chuẩn bị cho bữa tối. Khá là nhàn nhã :D Hoặc nếu mình mang đồ ăn trưa đi thì sẽ vào phòng của giáo viên để ăn và uống cà phê.
Mình nhớ là ở VN, các giáo viên thường chỉ có 1 phòng giáo viên để sinh hoạt chung. Ở đây thì các trường đều có 1 phòng lớn gồm những khu vực bàn nhỏ riêng cho từng giáo viên (portable). Đây là nơi các giáo viên để những giấy tờ, sách vở, các tài liệu khác hoặc làm việc của riêng mình.
Kiểu thế này
Kiểu thế này
Đồng thời cũng có 1 phòng sinh hoạt chung để các giáo viên có thể cùng xem tivi, ngồi nói chuyện, nghỉ ngơi, ăn trưa hoặc uống cà phê/trà được cấp bởi nhà trường. Thi thoảng trường mình cũng cấp luôn cả bữa trưa nhẹ cho nhân viên :D
Kiểu thế này
Kiểu thế này
Mình thi thoảng vào phòng sinh hoạt chung ăn trưa thì cũng gặp các giáo viên khác, và thế là ngồi chit chat đến hết tiết luôn :D Cũng vui, cơ mà đa phần mình thường ngồi ở phòng học của mình để tập trung làm việc hơn.
Đến tiết cuối, trước khi ra về, học sinh sẽ phải bỏ hết ghế lên bàn như ảnh mình chụp lớp học bên trên để người lao công (janitor) vào dọn dẹp cho tiện.
Hôm nào được về sớm thì mình có thể về từ 2pm. Hôm nào về đúng tiết cuối thì được về lúc 3.40pm. Giờ giấc như vậy nên nếu sau này mình có con thì việc đưa đón nó cũng khá tiện vì nó tan thì mình cũng tan :D Còn hôm nào họp thì sẽ họp từ 3.50pm tới khoảng 4-4.05pm. Trường mình là trường tư nên không nhiều thủ tục rườm rà như trường công, họp là vào thẳng việc chính và cho ra về sớm vì ai cũng muốn về cho mau. Khoảng 2-3 tuần mới họp 1 lần. Một số trường công hầu như tuần nào cũng họp, mỗi lần họp ít nhất nửa tiếng mà toàn nói chuyện phiếm là chính chứ nội dung chẳng có mấy, rất là phiền hà.
Vì mình sống cách xa trường nên thường mất khoảng 45' lái xe, về đến nhà thường tầm 4.30 rồi. Tuy nhiên mình vẫn có đủ thời gian để nghỉ ngơi, sau đó tập gym ngay trong tòa nhà, sau đó nấu nướng và sẵn sàng ăn tối lúc 6 giờ, 6 giờ hơn. Ăn uống xong xuôi, rửa bát là 7 giờ. Nghỉ ngơi tới 7.30 thì đi tắm, đánh răng rửa mặt. Thời gian còn lại thì thích làm gì thì làm cho tới 11h15 là lên giường đi ngủ để sáng hôm sau 7h15 dậy chuẩn bị đi làm :D

KẾT

So với các ngành văn phòng khác (white collar) thì mình nghĩ giáo viên là best job ever :D Cứ làm 2 tháng thì được nghỉ 2 tuần, hè thì được nghỉ 6 tuần, đều full lương. Công việc (với mình) thì nhàn dù mình dạy 4 lớp học để thi ĐH. Mọi vấn đề của học sinh bao gồm vấn đề liên quan tới học lực hay thái độ hành vi mình đều ngay lập tức ghi lại lên hệ thống VÀ báo cáo cho phụ huynh nên chưa bao giờ mình có vấn đề gì trong công việc. Lương lậu mà nói thì khá là tốt so với công sức mình bỏ ra (và lượng thời gian mình được nghỉ :D), lương hưu cũng cao. Lương cứ lên theo năm kinh nghiệm, và tới năm thứ 7 trở đi thì lương có thể nói là cao gần bằng hiệu trưởng, mà không phải đấu đá hay nhận thêm trách nhiệm gì. Tuy nhiên, nhược điểm của ngành này là không có nhiều nhánh rẽ để thăng chức như corporate world nên chỉ hợp với những ai thích an phận thủ thường như mình :D
Có lẽ vì trường mình là trường tư nên hầu như chẳng có drama gì giữa các đồng nghiệp, hay giữa giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Các vấn đề đều được giải quyết một cách minh bạch, bình đẳng và rõ ràng. Nghe kể lại từ các đồng nghiệp ở các trường công thì thấy cũng lắm drama lắm :v Nhưng nhìn chung nếu chỉ tập trung vào dạy không thôi thì cũng không tới nỗi ;)
Fun fact là giáo viên với Giấy phép hành nghề chính thức được phép làm công chứng giấy tờ :D thế là đủ thấy giáo viên ở bên này cũng được đánh giá cao về mặt đạo đức đấy chứ :D
Như vậy là đủ để các bạn mường tượng được cuộc sống của 1 giáo viên ở bên Úc rồi. Nếu bạn nào có hứng thú trở thành 1 giáo viên ở Úc thì có thể để lại comment để mình trả lời nhé :D
🔔 Spotify Channel: https://open.spotify.com/show/7qO7dCB9fV4uZ1J7iUEp4M
🔔 Apple Podcast https://podcasts.apple.com/vn/podcast/%C4%91%C3%A0n-%C3%B4ng-h%E1%BB%8Dc/id1562611531
🔔 Facebook group: https://www.facebook.com/groups/325356731763071/
🔔 Spiderum: limitless.spiderum.com