3 năm 3 tháng thực hiện bộ sách “Người trong muôn nghề”, chúng tôi được nghe nhiều tâm sự của mọi người, từ các bạn học sinh cấp 3 trước ngưỡng cửa Đại học, đến những bạn đi làm 2 - 3 năm, và cả những người đi làm 15 - 20 năm. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện tại, làn sóng cắt giảm ngân sách, sa thải nhân sự cuốn đi không chừa một ai, kể cả những vị trí quản lý cấp cao. Thế là bao nhiêu thứ cảm xúc nhộn nhào giữa những con người với nhau: bối rối, hoang mang, hoài nghi, hụt hẫng, uể oải, chán chường,...
Chợt thấy muốn viết vài dòng về những thứ mình từng viết.
Bộ sách "Người trong muôn nghề" đã ra 6 cuốn, bán được 50.000 bản
Bộ sách "Người trong muôn nghề" đã ra 6 cuốn, bán được 50.000 bản
Bộ sách “Người trong muôn nghề” đem đến điều gì, ngoài những thông tin nghề nghiệp ở đa dạng khối ngành?
Không phải là những “hình mẫu” nào đó mà chúng tôi muốn quảng cáo, vẽ ra hình ảnh “thành công”, “giàu có”, “tài năng”, “thiên phú”,... hay bất cứ thứ gì tương tự. Bộ sách này kể những câu chuyện từ đủ các thế hệ đã sống và làm việc xuyên suốt sự phát triển của đất nước 50 năm qua.
- Bạn sẽ gặp người tìm ra đam mê của mình từ rất nhỏ, rồi đi học đi làm đúng đam mê, lúc nào cũng nhiệt huyết, say sưa công việc, trong suốt vài chục năm.
- Bạn sẽ gặp người tìm ra đam mê của mình từ rất nhỏ, rồi đi học trái sở thích, rồi đi làm trái nghề, rồi nghỉ việc để quay lại giấc mơ thưở nhỏ, rồi hạnh phúc.
- Bạn sẽ gặp người nghĩ rằng đã tìm ra đam mê từ rất nhỏ, rồi đi học đi làm đúng sở thích, nhưng sau một thời gian lại thấy bản thân chẳng mê thứ này như từng nghĩ, rồi nghỉ và đi làm một thứ hoàn toàn khác, rồi vui vẻ.
- Bạn sẽ gặp người từ nhỏ đến lớn chẳng biết mình đam mê thứ gì cả, đi học theo định hướng của gia đình, đi làm theo nhu cầu của thị trường, rồi vẫn sống tốt với thu nhập và mãn nguyện với cuộc sống.
- Bạn sẽ gặp người đang thành công trong công việc, và nói rằng sẽ theo đuổi nó đến cuối cuộc đời bằng tất cả niềm hào hứng, sự vui thích.
- Bạn sẽ gặp người đang thành công trong công việc, và nói rằng chẳng biết có tiếp tục công việc này trong tương lai hay không, vẫn kiếm được thì cứ làm thôi.
Rồi còn nhiều lắm những chi tiết khác nữa: có người vì chị gái mắc bệnh ung thư mà quyết định làm tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ bệnh nhân ung thư; có người làm tư vấn cho một ngân hàng quốc tế rồi chuyển sang bán hàng online; có người làm DJ rồi chuyển sang xuất nhập khẩu; có người mê cái đẹp nên làm homestay, lại có người mê cái đẹp và làm thời trang, làm sáng tạo hình ảnh; có người làm sale nhận cuộc gọi của khách hàng bảo: “lên đấm lưng cho anh thì anh ký hợp đồng”; có người bỏ phố về rừng rồi người dân trên đó hỏi: “Cái thằng Hà Nội này lên đây làm gì mà suốt ngày thấy trèo cây, quét lá?”; có người trăn trở làm sao thúc đẩy doanh nghiệp của mình; có người băn khoăn làm sao dành thêm thời gian cho bé con ở nhà; có người tốt nghiệp tại những trường đại học top đầu thế giới; có người bị 3 trường cấp ba đuổi học,...
Những câu chuyện và cảm xúc ấy có khi rất khác thường, có khi rất đời thường. Tất cả hòa quyện tạo nên cuộc sống đa màu sắc mà chúng ta đang sống tại đây, ngay lúc này.
Và đó cũng là điều đội ngũ “Người trong muôn nghề” chúng tôi muốn truyền tải. Chúng tôi tự coi mình là những người du ngoạn qua nhiều cảnh sống khác nhau, nghe và ghi, rồi gửi gắm vào nhiều trang sách. Không nhằm mục đích gì cao rộng, chỉ mong nếu cuốn sách có cơ duyên đến tay một bạn đọc nào đó, dù trẻ hay không còn trẻ, nó sẽ giúp bạn suy ngẫm để nhìn thấy cuộc đời bao la đến thế. Từ đó, bạn có thể phần nào bình tâm, bớt hoang mang hơn, và linh hoạt với những thay đổi của thời cuộc.
Tôi nghĩ, bạn đi đâu không quan trọng bằng bạn là người thế nào trong mỗi hành trình. Như thầy Giản Tư Trung từng nói với chúng tôi vào một chiều hè oi ả:
Mọi sự học của con người đều để đạt tới một thứ duy nhất: “better me" – một con người tốt hơn, một phiên bản tốt hơn của chính mình. Ta không nhất thiết phải tốt hơn ai khác, cũng không cần phải là một good person (người tốt), perfect person (người hoàn hảo), great person (người vĩ đại) hay wonderful person (người tuyệt vời). Trở thành người tốt hơn là cái đích rất khả thi, bởi ai cũng làm được. Còn trở thành người tốt thì có khi mệt lắm. Ấy là chưa kể, nếu trở thành người tốt rồi thì sự học của ta coi như kết thúc (tốt rồi thì cần gì học nữa). Còn trở thành người tốt hơn thì sự học không bao giờ dừng lại, hành trình đó là trọn đời.
Tôi thấy, tự thân từ “hoang mang” đã khiến mọi người, đặc biệt là những người trẻ, cảm thấy không thoải mái, cho dù tôi có dùng nó giản dị đến thế nào đi chăng nữa. Viết nhiều lại thành viết dại, nên tạm xin thay lời kết, tôi trích lại một đoạn viết của một tác giả trong bộ sách “Người trong muôn nghề”:
Sau cùng, có thể bạn sẽ “vặn” tôi rằng: “Sao em đã làm tất cả những thứ đó mà vẫn chưa tìm ra con đường phù hợp? Sao em vẫn còn mơ hồ và hoang mang?”. Cá nhân tôi, đến năm 30 tuổi, tôi thấy mình vẫn chưa phân biệt được đúng - sai, vẫn chưa hết băn khoăn về nhiều điều. Tất nhiên, tôi không dám “vơ đũa cả nắm” tất cả mọi người hay thế hệ nào cũng như vậy. Có điều, trong cuộc đời, ranh giới đúng - sai rất mong manh. Có những quyết định phải nhiều năm sau mình mới biết nó đúng hay không. Thành công không vẩy ra từ cây đũa phép của phù thủy, vậy nên, bạn đừng quá vội vã mong chờ thứ phép thuật thần kỳ nào có thể dẹp bỏ mọi sự mập mờ hay trăn trở của tuổi trẻ. Hãy học, hãy làm, hãy cởi mở và bao dung hơn với cuộc đời, rồi cuộc đời sẽ cởi mở và bao dung lại với bạn.
Bài viết này có tên: “Hoang mang? Đừng sợ!”.
Nhân dịp bộ sách cán mốc 50.000 bản, bọn mình làm kèo sale: Ưu đãi lên đến 15%. TẶNG KÈM sổ xinh xắn và bookmark. FREESHIP khu vực Hà Nội. Link mua hàng: https://b.link/canhancombontmn