Với mình, nói là hành động hướng ra, là kết quả, là output. Mà muốn nói hay, phải input tốt. Giống như muốn viết hay thì phải đọc nhiều đã. Mình nghĩ, nói hay không nhất thiết phải dùng ngôn từ hoa mỹ kèm theo năng lượng hừng hực và nụ cười luôn thường trực trên môi. Nói hay là truyền tải được tâm ý của mình, đúng với mong đợi của người nghe, một cách chân thành và trọn vẹn. Khi đó, giọng bạn có dở, câu từ ấp úng, phương ngữ đặc sệt, bạn nói vẫn hay.
Hồi mới bắt đầu xem những bài diễn thuyết trên mạng, mình bị cuốn hút bởi video của những diễn giả hoạt ngôn, tự tin làm chủ sân khấu cùng một nguồn năng lượng như muốn bùng nổ. Nhưng sau này, mình hơi "nhợn" với những video như vậy mà bị cuốn hút bởi những chia sẻ tỉ mẩn, đúng trọng tâm, có chiều sâu và đầy tâm huyết của người nói.
Quay lại chủ đề bài viết, bạn chẳng input được nếu bạn nói mà chẳng nghe, mải mê tuôn trào mà không để ý bối cảnh, mối quan tâm hay không khí của cuộc trò chuyện. Khi đó, lời nói của bạn sẽ có tác dụng dẹp tan sự hứng khởi, nhận những cái cười gượng rồi dần dà, chẳng ai muốn nói chuyện với bạn nữa, trừ khi bắt buộc. Muốn nói hay, phải nói đúng trước đã. Mà muốn nói đúng, phải lắng và nghe. Vậy nên, muốn nói hay? Đừng nói nhiều!
Biết phải nghe là vậy, nhưng chất lượng thông tin bạn thu thập được còn tùy thuộc rất nhiều vào một kỹ năng quan trọng trong quan hệ xã hội là thấu cảm - dịch đơn giản là thấu hiểu cảm xúc. Như một đầu sách mình từng đọc, khổ đau của con người trong đời sống phần lớn đến từ mối quan hệ giữa người với người. Và xuất phát điểm của khổ đau đó là không hiểu chính mình. Chúng ta phớt lờ đi những đặc thù về cơ thể, vùng miền, tư duy, cảm xúc để biến mình thành những cỗ máy giao tiếp theo các phương pháp đúng chuẩn mực xã hội. Nói nhanh, nói nhiều, luôn tươi vui, mang tâm trạng tích cực, dùng những ngôn ngữ phức tạp, lâu lâu chêm Tiếng Anh (như mình. kkk) và thể hiện mình luôn biết câu trả lời, để không bị lép vế trong giao tiếp.
Có lẽ, giải pháp này có giá trị nên mới được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, mình cho rằng chúng ta không nghe được khi phải nghĩ đến quá nhiều điều không phù hợp với bản thân. Để rồi, giảm đi chất lượng cuộc đối thoại cũng như không tạo dựng được niềm tin hay mối quan hệ sâu sắc từ hai hoặc nhiều phía. Vậy nên, để giao tiếp hay, phải hiểu mình trước đã. Khi nói đủ nhiều, mình nhận thấy bản thân có đặc điểm là khi nói dài sẽ dễ bị đuối sức về sau. Hoặc với bản tính hướng nội, minh sẽ mất năng lượng khi không có những khoảng lặng để kết nối với chính mình. Dần dà, mình chủ động ngắt câu và dừng lại hít thở vài ba giây khi nói một đoạn hoặc chia sẻ một thông tin quá dài. Tự mình thấy, câu nói được truyền tải tốt hơn, thuyết phục hơn và hiển nhiên, ít mệt hơn.
Có một sự hiểu bản thân nhất định là nền tảng của kiểm soát cảm xúc bản thân và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Chẳng ai thích trò chuyện với một quả bong bóng căng phồng có thể vỡ tung bất cứ khi nào bị tác động. Và không ít người gại bắt chuyện với ai đó chỉ mải nói điều mình, điều mình muốn, mình cần, nói để lấn át và áp đặt quan điểm bản thân, thay vì đối thoại hai chiều và có sự tôn trọng lẫn nhau khi nói chuyện. Hiểu mạnh, biết yếu giúp bản thân có cách bộc lộ phù hợp hơn. Cũng như khi lắng lại để nghe, chúng ta thấu hiểu thực sự tâm ý của nhau để lựa lời, ngôn từ và cách truyền đạt phù hợp. Nếu không, cuộc giao tiếp chỉ là một chiều và sẽ luôn có kẻ thắng người thua, dẫu tất cả mọi người đều nở nụ cười.
Gần đây mình có trao đổi với một số bạn nhân viên xảy ra sự cố trong quá trình làm việc. Như mình thấy và các bạn cũng chia sẻ đã nỗ lực làm tốt nhất, đúng nhất và chỉn chu nhất công việc của mình. Tiếc thay, hành động đó chưa xuất phát từ việc lắng để nghe, chưa rõ thông tin mà đã muốn hành động, dẫn đến kết quả lại đối nghịch với điều bạn muốn, trở nên xấu đi. Mình cũng đang dần sửa chữa điều này khi nhận ra điểm yếu nói nhanh và thói quen lấn át khi tranh luận.
Hồi trước, mình nói nhanh lắm, mình nói như sợ bị mất phần và cũng nói nhiều lập luận cùng lúc để giành phần thưởng, tận hưởng sự hả hê của kẻ thắng cuộc. Để rồi, mình nói chẳng hay, kết quả cũng không ra gì và mối quan hệ dần có nhiều vết rạn. Nên mình tập nghe nhiều hơn chút, nói chậm hơn chút và đưa ra ý kiến cẩn trọng hơn chút. Có lẽ, quá trình sẽ chậm hơn và kết quả sẽ khác đi điều mình mong. Nhưng, mình bớt phải hối tiếc khi nhìn lại.
Mình chẳng phải là một người nói hay. Bởi lẽ, có những người sống bằng nghề nói thì hay là tiêu chí bắt buộc để mưu sinh. Và tuyệt nhiên, mình không so sánh với họ được. Mình chỉ dám nhận bản thân là một người biết sắp xếp ý, hiểu được tông giọng và phát âm của bản thân, tích lũy một vốn từ đủ để truyền tải điều bản thân muốn nói. Với hành trình mình đã trải qua thì cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng giao tiếp là phải đối thoại với chính mình và mọi người. Trên chặng hành trình dài, biến chuyển và không ít lần tự vấn, lắng lại để nghe rõ là điều cần phải làm để khi bạn nói, ai cũng muốn lắng nghe.