Phỏng vấn xin việc chỉ với ...sự thành thật
Ngày ấy tôi là một sinh viên sư phạm (cấp 3) vừa ra trường ở Úc. Đã hơn 1 tháng kể từ khi tôi bắt đầu gửi đơn xin việc tới những trường...
Ngày ấy tôi là một sinh viên sư phạm (cấp 3) vừa ra trường ở Úc. Đã hơn 1 tháng kể từ khi tôi bắt đầu gửi đơn xin việc tới những trường đang tìm giáo viên bộ môn phù hợp với chuyên môn của tôi. Trong suốt quá trình nộp đơn xin việc, tôi vẫn biết rằng mình phải chuẩn bị cho bất cứ cuộc hẹn phỏng vấn bất chợt nào. Nhưng biết chuẩn bị gì đây?
Tôi có thu thập được một số câu phỏng vấn thường được hỏi từ các bạn đã đi phỏng vấn trước đó. Đa phần câu hỏi đều về cách kiểm soát lớp học và học sinh, những thứ mà tôi chỉ có thể có được khi đi làm. Những thứ lý thuyết, những phương pháp hay chiến lược sư phạm tôi học được ở trường đại học đều phi thực tế - đây là điều mà tôi rút ra được từ những lần đi thực tập, cũng như từ chính những giáo viên hướng dẫn của tôi. Chúng chỉ hiệu quả trong một môi trường lý tưởng, nơi có những học sinh theo kiểu "con nhà người ta", và mọi thứ đều vận hành một cách trơn tru không biến cố. Thực tế, đương nhiên, hoàn toàn khác. Có rất nhiều thứ xảy ra trong lớp học hoàn toàn không được đề cập đến trong chương trình sư phạm, và cũng rất nhiều điều mà giáo viên hoàn toàn phải sử dụng kĩ năng con người (interpersonal skill), thay vì những giáo lý sư phạm để hành xử với học sinh. Tóm lại, lý thuyết từ khóa học sư phạm của tôi, cũng như ở hầu hết các ngành khác khác, hầu hết đều trở nên vô nghĩa khi đi phỏng vấn cũng như khi chính thức làm việc.
Vậy thì biết chuẩn bị gì bây giờ? Tôi được khuyên là cố gắng ném vài từ học thuật 'nguy hiểm' xen kẽ vào câu trả lời để chứng tỏ với nhà trường là mình ít nhất cũng chắc lý thuyết. Nhưng với một người có bản chất thật thà như tôi, đó là một hành động lừa dối, nhất là khi tôi biết chúng vô dụng, và tôi cũng không muốn mình được nhận chỉ vì mình chém gió hay. Trừ phi buổi phỏng vấn cho phép tôi dạy thử trong vòng 15' để thể hiện kĩ năng sư phạm của mình, tôi thấy thứ duy nhất tôi có thể mang vào phòng phỏng vấn, đối mặt với ban giám hiệu, là sự thành thật. Tôi quyết định, dù phỏng vấn ở đâu đi chăng nữa, tôi cũng sẽ thành thật về khả năng và kinh nghiệm, và tôi sẽ nói đúng những gì tôi nghĩ thay vì làm màu làm mè.
Đó chính xác là những gì tôi làm ở cuộc phỏng vấn đem lại cho tôi công việc với mức lương mà mọi giáo viên mới ra trường đều mơ ước.
Phỏng vấn 1: thất bại đầu tiên
Trước khi kể về lần phỏng vấn thành công, tôi xin kể về cuộc phỏng vấn đầu tiên ở một ngôi trường khác. Trường đầu tiên gọi tôi tới phỏng vấn là một trường công có tiếng ở thành phố, tuy không ở hàng top nhưng cũng trong nửa trên. Tôi đã gửi online tới trường Đơn Xin Việc, Thư Xin Việc và cả Key Selection Criteria (KSC là một bộ câu hỏi liên quan tới nghiệp vụ mà nhà trường đưa ra trong Tin Tuyển Dụng để các ứng viên trả lời. Họ dựa vào bộ câu trả lời đó để mời ứng viên phù hợp tới phỏng vấn trực tiếp. Thực sự tôi không thích KSC, bởi nó quá khuôn mẫu, và vì được làm ở nhà nên tôi có thể tô vẽ màu mè nó thế nào cũng được. Đành rằng có buổi phỏng vấn trực tiếp sau đó, nhưng KSC vô tình lại loại đi những người giáo viên tiềm năng chỉ vì họ không có kĩ năng 'chém gió' tốt, nhất là những giáo viên không phải người có tiếng Anh là tiếng bản địa.)
Quay trở lại với hôm phỏng vấn. Ngồi với tôi trong phòng lúc đó có Trợ lý hiệu trưởng, Tổng phụ trách bộ môn, và giáo viên bộ môn. Trước khi phỏng vấn 10', tôi được trao cho 1 tờ giấy có 6 câu hỏi, được tự chuẩn bị trong vòng 10' đó, và sau đó từng người trong ban phỏng vấn sẽ hỏi tôi chính xác những câu hỏi ấy.
Trong 6 câu hỏi này, có một nửa là về chuyên môn, và một nửa là về cách kiểm soát lớp học. Ngồi trong phòng riêng để chuẩn bị, nghĩ về cách mình sẽ trả lời chúng ra sao, tôi chợt nghĩ "Với kinh nghiệm ít ỏi từ thực tập, mình thực sự không thể nói được nhiều". Tôi không phải là người không có kĩ năng thể hiện bản thân hay kĩ năng thuyết trình, nhưng là một sinh viên mới ra trường, tôi thực sự không có nhiều đất để sử dụng kinh nghiệm thực tế để trả lời câu hỏi. "Hay là mình cứ chém mấy lý thuyết học thuật vào?". Cái ý nghĩ ấy thực sự rất hấp dẫn, và tôi thậm chí đã viết một vài từ chuyên môn lên bản nháp để...phòng hờ.
Hết 10', tôi được mời trở lại phòng phỏng vấn và chính thức bắt đầu. Câu đầu tiên tôi được hỏi, như mọi khi, là giới thiệu về bản thân. Sau khoảng 2' nói về mình, tôi như tìm thấy lại sự thật thà trong mình, và quyết định úp tờ giấy nháp xuống và trả lời những câu hỏi kia từ chính những gì mình nghĩ trong đầu.
Buổi phỏng vấn diễn ra nhìn chung trôi chảy, vì họ cũng chỉ hỏi và lắng nghe, ghi chú lại những gì tôi trả lời, và cho tôi ra về. Khoảng 1 tuần sau tôi nhận được cuộc gọi từ chối từ họ.
Tôi đón nhận thất bại này khá dễ dàng. Không phải vì không mong đợi, nhưng với tâm thế của một sinh viên mới ra trường thì đây không nên là một điều gì đó to tát. Khi tôi hỏi nhà trường lý do họ từ chối tôi, thì họ nói do câu trả lời của tôi còn 'non', còn chung chung chưa cụ thể. Họ muốn nghe cái gì đó ... chuyên nghiệp hơn. Không sao, họ nói thì tôi nghe. Trong khi tiếp tục tìm kiếm những cuộc phỏng vấn tiếp theo, tôi lại ngẫm nghĩ về những nhận xét ấy.
Tôi nghĩ thật kĩ về những câu trả lời của mình. Tôi đã nói hết những gì tôi biết chưa? Rồi. Có điều gì tôi có thể tự bổ sung thêm mà không cần phải đi dạy thực tế không? Không. Vậy thì có lẽ để câu trả lời trở nên tốt hơn, như nhận xét, thì tôi thực sự phải nói rõ ra rằng ở tình huống này, với học sinh này, tôi sẽ dùng chiến lược ABC theo mô hình XYZ hay đại loại vậy chăng? Đó có lẽ là cách mà thế giới này vận hành chăng? Tôi bắt đầu ngồi và liệt kê hết 1 loạt những mô hình giảng dạy, những chiến lược tâm lý, những phương pháp sư phạm mà tôi đã được học qua, hay thậm chí chỉ là biết đến, khi còn trong trường đại học, tổng cộng được gần 100 từ nghe rất ... ảo.
Và chiều hôm ấy, khi đang ngồi lẩm nhẩm học thuộc chúng trên ghế sofa ở nhà thì tôi nhận được cuộc gọi.
Phỏng vấn 2: phỏng vấn cuối cùng
Đó là một ngôi trường tư cách nhà tôi 30' lái xe. Tôi nhận được phỏng vấn của trường qua một trung tâm giới thiệu việc làm, nơi mà tôi mới chỉ gửi 1 tờ resume đơn giản liệt kê thành tích học tập và lịch sử thực tập, trong khi Thư Xin Việc và KSC mới là thứ tôi đầu tư chăm chuốt nhiều nhất. Tôi thậm chí còn tự học coding trong 1 tuần và tạo ra 1 website dành riêng để làm CV cho bản thân, để chứng minh là tôi học rất nhanh và có nhiều kĩ năng đa dạng. Tôi đã tự nhủ sẽ chí ít cho họ xem website đó lúc phỏng vấn để gây ấn tượng mạnh. Tôi đâu biết tôi thậm chí còn không cần dùng tới nó.
Khi này dịch Corona ở Úc đã bắt đầu nguy hiểm dần, trường mà tôi tới phỏng vấn thậm chí phải cho học sinh nghỉ hết kì sớm 1 tuần. Tôi đã tự nhủ, kể cả có là trường nhỏ hay không tốt đi nữa thì nếu họ nhận tôi cũng vẫn hài lòng. Tôi cần có kinh nghiệm để làm bàn đạp tiến tới nấc thang mới, và tôi cũng cần có tiền, một nguồn thu nhập ổn định trước khi toàn bang lockdown bậc 3. Vì vậy tôi đã không quá chú trọng tới việc tìm hiểu về ngôi trường. Tất cả những gì tôi biết về trường là nó là trường tư, chấm hết (riêng ở cái này các bạn sinh viên mới ra trường đừng như tôi nhé :D). Tôi có đọc trên website của trường, nhưng cũng như các trường khác, nội dung ở mục About cũng chỉ xoay quanh ở mấy mục tiêu như "giúp học sinh phát triển hết tiềm năng" hay "giúp các em trở thành công dân toàn cầu có ích", không giúp ích được nhiều cho buổi phỏng vấn.
Sáng hôm đó tôi đến sớm trước giờ hẹn hẳn 20'. Ngôi trường không được đẹp như ngôi trường trước, nhỏ hơn. Có lẽ vì đây chỉ là một nhánh nhỏ của trường chính. Tranh thủ thời gian chờ đợi, tôi nghĩ về chiến lược trả lời của mình. Thất bại từ buổi phỏng vấn trước trong việc thuần túy sử dụng sự thành thật, cộng thêm áp lực từ việc phải có công việc sớm, thực sự khiến tôi đau đầu. Cuối cùng, vài phút trước khi được gọi vào, tôi tự nhủ: "F*ck it! Mình đã chuẩn bị hết những gì có thể rồi. Nếu nó không thành công, thì nó không thành công. Mình sẽ không thêm thắt cái gì hết!"
Tôi khá bất ngờ khi họ không cho tôi danh sách các câu hỏi như buổi phỏng vấn trước (hay như các buổi phỏng vấn mà các bạn tôi kể lại) mà phỏng vấn trực tiếp luôn. Khi được mời vô phòng, mọi người đều cười tươi chào đón, nhưng mỗi người ngồi một góc và không bắt tay, đương nhiên vì dịch Corona. Trong phòng lúc này có Tổng phụ trách bộ môn, Hiệu Trưởng và Chuyên viên tư vấn giảng dạy. Họ thay phiên nhau đưa ra câu hỏi.
Tôi còn nhớ rất nhiều về buổi phỏng vấn này, một phần vì nó giúp tôi có được việc ^^, nhưng có lẽ phần lớn là vì sự cởi mở của mọi người ở đó. Một số câu hỏi ở buổi phỏng vấn:
Interviewer 1: Bạn làm thế nào để đảm bảo mọi học sinh trong lớp đều học tập hiệu quả?Tôi: Tôi tin rằng học sinh chỉ có thể học tập hiệu quả khi các em cảm thấy an toàn khi ở trong lớp. Không chỉ an toàn về mặt thể chất, mà còn an toàn khi đưa ra ý kiến hay mắc sai lầm. Vì thế ngay từ những buổi đầu tiên tôi sẽ đưa ra những luật lệ giúp tạo nên một môi trường học tập cởi mở, khích lệ học sinh đưa ra ý kiến, chào đón những lỗi lầm để cùng nhau khắc phục chúng. Ngoài ra các em cũng cần được tôn trọng để dễ đón nhận góp ý từ giáo viên hơn. Vì vậy tôi cũng sẽ giao tiếp với các em như những người bạn, dù vẫn giữ vai trò giáo viên, trên tinh thần bình đẳng công bằng.Trong đợt thực tập thứ hai, tôi đã phải đuổi một em học sinh lớp 9 ra khỏi lớp sau hai lần cảnh cáo vì em quá mất trật tự. Nhưng rồi sau buổi học, tôi đã tìm em, ngồi xuống nói chuyện với em để đảm bảo em hiểu rằng việc tôi yêu cầu em ra khỏi lớp không phải vì tôi ghét em, mà vì lợi ích chung của cả lớp. (thật may khi cậu bé vốn dĩ là một cậu bé ngoan, hiểu chuyện, và khi tôi giảng giải thì em có tiếp thu và nói xin lỗi với sự tôn trọng mà tôi hiếm khi thấy được ở VN) Việc tìm em học sinh và nói chuyện đó, tôi không được dạy ở đại học. Tôi tự sử dụng kĩ năng con người của tôi và common sense để làm điều đó. Vì vậy tôi tin Giáo viên không nên là một performer (người biểu diễn, đại ý muốn nói giáo viên nên 'diễn' trước học sinh) mà nên là một communicator (người giao tiếp, biết kết nối với học sinh bằng sự chân thành).Interviewer 2: Đây là một campus chỉ nhận học sinh nam. Tôi có thể thấy bạn đã từng đi thực tập ở trường Co-ed (cả nam và nữ). Theo bạn thì việc kiểm soát lớp học và hành vi học sinh ở đâu dễ hơn và bạn sẽ kiểm soát một lớp toàn nam thế nào?Tôi: Chà, tôi chưa bao giờ được hỏi câu này. Trường đại học cũng không dạy tôi cái này. Chờ tôi nghĩ một chút... (nghĩ khoảng 10 giây). Tôi nghĩ quản lý lớp học ở trường co-ed sẽ dễ hơn, bởi phần lớn những rắc rối trong lớp thường đến từ học sinh nam. Nếu có sự hiện diện của học sinh nữ ở đó, các em sẽ hành xử khác. ***Interviewer gật đầu hưởng ứng***Còn ở các lớp toàn nam, nam giới nói chung thường có bản tinh cạnh tranh cao, cái tôi lớn, nên tôi nghĩ chỉ cần tôi không đe dọa cái tôi ấy, và đối xử với các em bằng sự tôn trọng và công bằng, tôi sẽ ổn. ***Interviewer gật đầu, cười, tỏ ra hài lòng với câu trả lời***Interviewer 3: (hiệu trưởng) Nửa sau của lớp 12, môn Accounting, các em sẽ học những gì?Tôi: Tôi xin lỗi, tôi không biết. Trong 3 đợt thực tập tôi chỉ được dạy lớp 11, do các giáo viên không dám cho sinh viên thực tập chúng tôi dạy lớp 12. ***Interviewer 2 tỏ ra đồng cảm*** Hiện tại trong thời gian rảnh tôi vẫn đang làm giáo án của riêng tôi cho lớp 11. Phải sang tuần tôi mới bắt đầu với lớp 12.(Lại một lần nữa, các bạn sinh viên đừng bắt chước tôi ở điều này. Nên nắm vững những gì mình có thể tự học được trước khi đi phỏng vấn. Ở thời điểm này tôi mới tự tìm hiểu tới nửa đầu SGK của lớp 12, bởi tôi không học cấp 3 ở đây nên nói riêng về SGK tôi phải tìm hiểu từ đầu)Interviewer 3: vị trí mà chúng tôi đang tuyển sẽ nhận 3 lớp: 10, 11 và cả 12. Bạn sẽ bắt đầu dạy vào kì 2 (một năm có 4 kì). Bạn không có kinh nghiệm thực tế, cũng chưa nắm vững nội dung chuyên môn. Bạn có tự tin sẽ đảm nhiệm tốt công việc này chứ?Tôi: Thứ nhất, ngay bây giờ tôi có thể nói ra hàng tá những từ 'nguy hiểm' khiến tôi trở nên chuyên nghiệp và đáng tin cậy hơn, nhưng tôi biết hầu như không có một lý thuyết nào ở trường đại học có thể áp dụng được vào thực tế *** hai interviewer còn lại gật đầu lia lịa ***, và có rất nhiều thứ mà chỉ khi đi dạy tôi mới học được. Đó là lý do nãy giờ trong các câu trả lời của tôi hoàn toàn không có một từ học thuật nào, vì tôi hoàn toàn dựa vào kĩ năng sư phạm và con người vốn có của tôi để xử lý tình huống. Đó là minh chứng tốt nhất cho khả năng sư phạm thực sự của tôi.Thứ hai, bất cứ ai trong vị trí của tôi bây giờ, muốn có được công việc này, dĩ nhiên sẽ nói có. Hiện tại tôi chỉ có thể nói như sau: Tôi tự tin vào khả năng học rất nhanh của tôi. Nếu ông cho tôi 1 ngày, chắc chắn tôi sẽ nắm vững kiến thức của cả năm lớp 12 (vì tôi có sẵn kiến thức nền tảng từ trước). Tôi tự tin rằng tôi sẽ không bị choáng ngợp bởi khối lượng công việc, vì tôi yêu thích công việc này. Tôi tự tin rằng tôi sẽ chỉ có thể đảm nhiệm tốt công việc VỚI sự giúp đỡ từ các giáo viên cùng bộ môn và giáo viên hướng dẫn. Nếu không có chúng, tôi biết tôi sẽ khó có thể hoàn thành tốt công việc như mong đợi. Tôi tự tin rằng tôi sẽ làm với tất cả khả năng mình có.(Phải, đó chính xác là những gì tôi nói. Khi phỏng vấn xong, nghĩ lại tôi cũng nghĩ là liều :D)
Đó là những câu hỏi mà tôi còn nhớ rõ nhất từ buổi phỏng vấn ấy. Sau khi xong thì tôi được mời ra về và nói sẽ nhận được câu trả lời vào ngày hôm sau. Sau khoảng 45' kể từ khi tôi rời đi, tôi nhận được cuộc gọi từ trung tâm giới thiệu việc làm thông báo rằng họ sẽ nhận tôi.
Tôi đã rất bất ngờ trước quyết định ấy, nhất là khi tôi đã không trả lời được câu hỏi về nội dung giảng dạy của thầy hiệu trưởng, lại còn là cho lớp 12 - một năm vô cùng quan trọng của học sinh.
Kết
Sau hôm đó, tôi phải quay lại trường để bắt đầu thiết lập các tài khoản trên cổng thông tin của trường. Tôi có gặp lại một trong những người đã phỏng vấn tôi, và tôi hỏi "Tại sao cô lại quyết định nhận tôi cho một vị trí quan trọng thế này, khi tôi lại không có kinh nghiệm?"
Cô nói: "Tôi rất ấn tượng với sự thành thật của bạn. Chúng tôi thà nhận một người thừa nhận họ không biết và đặt ra nhiều câu hỏi, còn hơn là nhận một người tỏ ra biết nhiều nhưng lại làm không tới nơi tới chốn".
Bài viết thuần túy để kể câu chuyện đi xin việc. Đó là do tôi may mắn, gặp được nhà tuyển dụng có quan điểm nhân văn, hay do sự thành thật thực sự có hiệu quả, điều đó cho các bạn tự đánh giá. Với riêng tôi, đành rằng tôi có những kĩ năng và tư duy của một nhà giáo, và sự tự tin (có cơ sở) vào khả năng của mình dù thiếu kinh nghiệm, nhưng những thành công của tôi tới giờ, bao gồm cả có được công việc này, có phần lớn là do sự thành thật.
P/s: sau khi nhận được việc, tôi mới tìm hiểu kĩ hơn về ngôi trường tôi sắp dạy. Hóa ra, trường tôi được nhận lại còn tốt hơn cả trường đã từ chối tôi, cả về mặt học thuật lẫn mức lương. Chắc là cái số chăng :D
P/s 2: Bài viết hoàn toàn không có ý gạt đi sự quan trọng không hề kém của khả năng chuyên môn và kĩ năng thuyết trình/ thể hiện bản thân.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất