Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể xem clip tại đây:


Chú thích: 
"Đu đỉnh" là hành động mua các tài sản như chứng khoán/tiền điện tử đúng giai đoạn giá cao nhất với kỳ vọng giá sẽ cao hơn nữa để có được lợi nhuận. Sau đó, không có sau đó.
Nguồn: trên ảnh
Hồi năm 2017 mình gia nhập Đu Đỉnh Hội sau khi nghe theo tiếng gọi nơi hoang dã của ông bạn già Huskywannafly, ông anh già Alfred Alfie (tech lead Spiderum) và ông em Tuấn Cùi (developer của Spiderum) - nay đã bị anh em đổi tên thành Tuấn Coin sau những màn x5 x10 ngoạn mục. Tất cả những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử, mình trở thành triệu phú, sống giàu sang, phú quý suốt đời.
Đấy là mình nghĩ thế, thực tế như người ta hay nói, lịch sử thường được viết bởi bên thắng cuộc, còn mình ở bên nào thì các bạn cũng biết rồi. Do đó, bài viết này không phải là một bài chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, mà đơn giản chỉ là trải nghiệm của một thanh niên từng ăn ngập hành vì đam mê giàu sang mà bán đi hạnh phúc đời mình :'(
Trong không khí crypto (tiền mã hóa) tăng ngút trời như hiện tại, mình tin rằng những chia sẻ từ "bên thua cuộc" như mình sẽ có giá trị tham khảo nhất định, giúp các bạn đỡ lâm vào tình trạng đang yên đang lành lại đi tập bơi rồi không biết mấy năm nữa mới thấy bờ.

Khi tình yêu bắt đầu

Đó là hồi đầu năm 2018, khi mình vẫn còn đang đi làm full-time ở ngoài và chưa quay trở lại làm Spiderum. Một ngày nọ, Huskywannamoney inbox với mình:
- Ông ơi, mua coin không? Tui mới tìm hiểu mấy đồng này hay lắm. 
- Nghe hay đấy nhưng tôi chưa biết mua thế nào
- Không lo ông ơi, để tui chỉ cho.
Vì nể sự nhiệt tình này (chứ hoàn toàn không phải vì ham mê giàu sang) nên mình đã bắt đầu hành trình đu đỉnh. Khi đó, mình nghe theo ông bạn già mua đồng XRP (Ripple) ở giá 2.6 USD, cùng một số đồng khác. Ở thời điểm mình viết bài này thì XRP đang ở mức loanh quanh 0.4 - 0.5 USD gì đó, đó là sau cả những pha biến động giá ngoạn mục mà cơn sốt hiện tại mang lại. Tức là nếu còn giữ thì tiền của mình còn khoảng... 20% sau ba năm nằm gai nếm mật. Đó là nếu, còn trên thực tế thì mình chán nên bán từ lâu rồi, dĩ nhiên là với mức giá thấp hơn nhiều.
Nhưng thôi, mình ở đây để chia sẻ về hành trình ly kỳ mang tên đu đỉnh nên chúng ta sẽ không đi sâu hơn vào chi tiết này. 
Trước khi bắt đầu, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số thông tin dựa trên hiểu biết của bản thân về thị trường, nếu có gì thiếu sót các bạn cứ bình luận góp ý thêm giúp mình. Về cơ bản, trong thị trường tiền mã hóa hay chứng khoán (hồi đó mình chơi cả hai), sẽ có một số cách đầu tư chính:
- Đầu tư dài hạn: Mua một tài sản, ví dụ như 10 đồng ETH hay 1000 cổ phiếu Vinamilk ở mức giá phù hợp, sau khi đã có những phân tích phù hợp và tin tưởng rằng giá trị của tài sản này sẽ tăng mạnh nữa trong tương lai. Sau đó, bạn giữ tài sản này trong một thời gian dài (tính bằng năm chẳng hạn) và chờ thời tới cản không kịp. Chẳng hạn như bạn mua 100 đồng bitcoin ở thời điểm năm 2009 khi giá chỉ có 1 USD thì tới nay bạn thành triệu phú sau hơn 10 năm, 100 USD của bạn khi ấy giờ đã là 5 triệu USD. Thông thường với các thị trường tài chính truyền thống như chứng khoán, bạn sẽ sử dụng các phương pháp phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) để lựa chọn ra công ty/mã cổ phiếu để đầu tư, nguyên tắc là lựa chọn những công ty có tiềm năng phát triển và tạo ra lợi nhuận tốt. Bạn có thể làm được điều này vì chứng khoán là thị trường được kiểm soát kỹ càng bởi các quy định của Chính phủ, các công ty đều có thông tin tài chính minh bạch (nhưng chưa chắc 100% là chính xác nha, tình trạng "xào nấu" số liệu cũng không phải hiếm) để các nhà đầu tư tính toán và nghiên cứu trước khi ra quyết định. Còn đối với thị trường như cryptocurrency thì... hên xui, lý do là bạn không thể biết và có số liệu rõ ràng để biết rằng các đồng tiền này và ứng dụng của chúng liệu có trở thành hiện thực hay không (vì chúng có thể lên sàn thậm chí từ khi chưa được phát triển xong). Trên thực tế, hầu hết sẽ thất bại hoặc không bao giờ có ứng dụng cụ thể, đồng nghĩa với việc khoản đầu tư của bạn hoàn toàn có thể đi về nơi xa lắm. Lúc này, thứ duy nhất bạn còn sót lại là những câu chuyện đạo đức để kể cho con cháu quanh bếp lửa khi về già, kiểu như "Trong cuộc đời chúng ta, ai ai cũng từng mắc sai lầm..." 
- Đầu tư lướt sóng: Bạn mua một tài sản (chứng khoán, tiền mã hóa) ở mức giá thấp, đợi một thời gian ngắn cho giá tăng (sóng lên) và bán đi để chốt lời. Với cách đầu tư này, thông thường bạn có thể sử dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật (Technical Analysis) để "mua đáy, bán đỉnh" (nếu fail thì sẽ ngược lại). Đối với hình thức đầu tư này, thị trường tiền mã hóa khác so với thị trường chứng khoán ở chỗ mức thay đổi là cực kỳ nhanh và khủng khiếp do độ biến động (volatility) vẫn rất cao vì thị trường còn lâu mới đi vào ổn định. Ví dụ như bạn có thể mua một đồng A ở mức giá 10 USD nhưng 15' sau giá giảm còn 7-8 USD (tương đương với việc tiền của bạn bay hơi 20 - 30%) là chuyện hết sức bình thường, bay hơi 80-90% cũng... bình thường luôn. Vậy nên áp lực là cực kỳ cao, không phù hợp với những trái tim yếu mềm, ham lướt sóng thì rất dễ bị sóng đánh tụt quần.
- Đầu tư từ trứng nước: Đây là một trong những hình thức hấp dẫn (và dĩ nhiên là nhiều rủi ro) nhất. Tương tự như việc các nhà đầu tư thiên thần hay các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các công ty/ý tưởng sơ khai, bạn cũng có thể mua một số đồng tiền mã hóa thông qua các hoạt động ICO (Initial Coin Offering) - hay gần đây hơ là IDO (Initial Dex Offering) hay IEO (Initial Exchange Offering) - mà qua đó công ty kêu gọi vốn đầu tư cho các hoạt động phát triển. ICO/IDO/IEO cũng có thể hiểu tương tự như IPO, nhưng khác với IPO ở chỗ nó rủi ro (đồng thời cũng nhiều lợi nhuận) hơn rất rất nhiều. Có thể hiểu đơn giản thế này, việc đưa được một công ty lên sàn thông qua IPO cần rất nhiều công tác kiểm tra, rà soát để tránh lừa đảo, do đó khả năng công ty đột nhiên biến mất là tương đối thấp. Ngược lại, việc bạn mua một số lượng đồng crypto X và sau đó thấy đồng này không bao giờ xuất hiện hoặc có xuất hiện nhưng lẹt đà lẹt đẹt là chuyện... thường. Lúc đó thì cơ bản là mất hết thôi, không có cách nào thu hồi vốn được hết cả. Theo thống kê, dưới 50% đồng ICO còn tồn tại sau 4 tháng kể từ khi mở bán, đồng thời gần một nửa số ICO trong năm 2017 đã thất bại và biến mất trước tháng 2/2018 (Wikipedia). Ngoài ra, có một lưu ý nữa là bạn thường sẽ mua được token ở giai đoạn public sale (bán ra công chúng), tức là sau khi những người thân người quen của đội ngũ làm sản phẩm, và cả các quỹ chuyên đầu tư sớm đã mua rồi. Do đó, đừng tưởng là cứ mua vào sớm thì chắc chắn lên, vì có thể bạn sẽ mua được chính hàng xả của những người mua vào trước bạn va đang hạnh phúc chốt lời đó.
Bản thân mình vốn đã thử trải nghiệm cả ba cách tiếp cận trên, kết quả khả quan thì ít mà khả ố thì nhiều. 
Mình từng xác định sẽ hold XRP (Ripple) mãi vì tin rằng đồng này có xuống nhưng rồi sớm hay muộn cũng sẽ được ứng dụng rộng rãi, tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính và dẫn tới giá trị thực tăng. Kết quả, như mình nói ở trên, sau ba năm thì chán quá nên cuối cùng bán quách luôn cho đỡ mệt. 
Mình cũng từng lần mò lên Binance trade qua trade lại theo kiểu lướt sóng mấy đồng như NEO, NCASH, NANO... nhưng càng trade càng toang. Nhìn biểu đồ với bản điện tử xanh đỏ cứ nóng hết cả mông, đoán già đoán non rồi rốt cục số lần mua đỉnh bán đáy vẫn cứ là đa số. Mà không phải chỉ có mình, hầu hết những anh em mình biết khi bập vào con đường này thì thường là đều bị sóng đánh tụt quần, khi đi tự tin, lúc về thì thân xác hoang tàn không nhận ra, tưởng sẽ cưỡi sóng mà ngờ đâu nằm im cho nó cưỡi, càng chống cự nó càng đè ra. Nhưng không phải là không có các cao thủ kiếm được tiền từ bộ môn này. Hồi đó một ông anh bạn thân của mình có ở trong một group gọi là Shaolin Coin hay gì gì đó gồm các yaosu chuyên ngồi phân tích, dự đoán và phím kèo, nghe đâu tỉ lệ trúng cũng cao. Đúng là không hổ danh Thiếu Lâm Tự danh môn chính phái, bảo sao mà chẳng bá chủ Trung Nguyên. Mình thì không nội công thâm hậu được như các cao thủ này, nhiều khi cũng đú thông tin được tuồn ra mà mua theo thử nhưng... cũng toàn tạch vì "rút không kịp". Như mình đã nói, tốc độ thay đổi giá ở thị trường crypto là tương đối khủng khiếp (ít nhất với mình), nên việc giữ vững tâm lý và không cay cú khi mất tiền là rất khó. Mình đã không ít lần mua vào, thấy giá lên một chút nhưng cố giữ thêm vì nghĩ "đà này thế nào chẳng lên tiếp", tới lúc giá giảm vèo từ lãi thành lỗ thì lại nghĩ "nhịp giảm chút thôi rồi tăng lại ấy mà". Ai ngờ đâu giá còn giảm tiếp, tới lúc này mới hoảng và bắt đầu nghĩ tới chuyện cắt lỗ (như một nhà đầu tư đầy kỷ luật). Cắn răng cắt lỗ bán đi xong thì tự nhiên lại thấy liền mấy cái cột tăng giá xanh lè to đùng (tụi mình hay gọi đùa là cột chống trời). Lúc đó thực sự là tim tao đau quá man. Điều đau đớn nữa là bạn có thể gặp tình trạng như vậy vài lần trong ngày, lần sau lại càng tệ hơn lần trước vì tâm lý vốn đã dao động, lại muốn gỡ nên tiếp cận theo kiểu còn sống là còn gỡ, ngã ở đâu đứng lên ở đó, gấp đôi đến chết...
Mình cũng từng mua ICO hồi 2018 sau khi được anh em phím hàng, kết quả may cũng không lỗ vì được hưởng cảm giác x3 một lần, vậy nên đủ để... bù cho mấy kèo thua. Trò ICO này cơ bản siêu hên xui cho nên tốt nhất đừng bao giờ để tất cả trứng vào 1 giỏ. Với mình thì phương pháp đầu tư từ trứng nước này có lẽ là hấp dẫn và nhiều tiềm năng nhất. Theo Investopedia, trong năm 2017, có tất cả 435 thương vụ ICO thành công, mỗi thương vụ huy động được trung bình 12.7 triệu đô. Tổng số tiền huy động được là 5.6 tỷ đô, trong đó 10 dự án lớn nhất huy động được 25% trong số này. Ngoài ra, các đồng tiền mã hóa mua trong giai đoạn ICO đem về tỷ suất lợi nhuận trung bình 12.8 lần so với khoản đầu tư ban đầu tính theo USD. Nghe hấp dẫn đúng không? Lý thuyết thì là thế, còn trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể đầu tư vào 10 thương vụ ICO và... thua hết. Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng kẻo lại thất vọng. Khi bập bõm tham gia vào thị trường này, chắc chắc bạn sẽ nghe không ít thông tin kiểu "đồng này tiềm năng lắm vì abcxyz, chắc chắn sẽ x5 x10", "đồng này có quỹ này quỹ nọ chống lưng, có ông A ông B làm cố vấn, không thể tạch được". Nhưng bạn của tôi à, chúng nó tạch được hết đấy, hầu hết thông tin các bạn sẽ nghe được chỉ là thông tin được đưa ra để bơm thổi và câu kéo mấy con gà như chúng ta mà thôi.

Vậy tóm lại: Mình học được gì?



Đặt kỳ vọng hợp lý
Phần lớn chúng ta sẽ đến với đầu tư như một kênh phụ để gia tăng thu nhập, bên cạnh nguồn thu nhập chính từ công việc. Chính vì vậy, việc đặt ra những kỳ vọng theo kiểu "phải giàu, phải đổi đời" là không hợp lý và dễ dẫn tới quyết định sai lầm. Mình luôn quan niệm nếu nằm trong phần đông và muốn kiếm được tiền, bạn sẽ phải bỏ công sức xứng đáng. Nếu chỉ bỏ công sức theo kiểu "phụ" mà mong được như "chính" thì liệu có hợp lý không? Bình thường không phải chúng ta vẫn hay mỉa mai chuyện "việc nhẹ lương cao" đấy còn gì? Giờ muốn việc phụ lương chính ngay thì nghe chừng hơi... tiêu chuẩn kép. Tất nhiên đến một thời điểm nào đó, khi tích lũy đã đủ lớn thì bạn có thể đạt đến ngưỡng này, nhưng đó là kết quả của rất nhiều tích lũy cả về tài sản, thời gian và kinh nghiệm.
Trong trường hợp của mình, không ít lần vì kỳ vọng cao quá mà không chịu chốt lời, tới lúc lỗ sml rồi mới cuống hết lên thành ra toàn mua đỉnh nhưng bán đáy. Hay chốt được lời rồi nhưng sau đó thấy giá tăng tiếp nên tiếc rẻ sao mình chốt sớm quá và lại lao đầu vào rồi... mất. Đó là lý do tại sao mình từ bỏ không chơi trò lướt sóng nữa vì người ta đầu tư full-time còn chẳng ăn ai, mình chỉ nhìn bảng điện tử mua ra bán vào một tí mà đòi thắng thì nghe chừng hơi phi logic. Mà những thứ phi logic thì khó lòng kiểm soát được lắm.
Đó là còn chưa kể đến chi phí cơ hội mình phải bỏ cho việc đầu tư theo kiểu này. Dĩ nhiên ngồi canh bảng điện tử thì mình sẽ mất thời gian và tâm trí lẽ ra cần tập trung cho công việc chính, dẫn đến kết quả không đạt được mức tối đa, ngoài ra thì sức khỏe cả thể chất và tinh thần cũng ảnh hưởng ít nhiều.
Chính vì thế nên về sau mình mới quyết định chỉ đầu tư theo năm (tức là dài hạn một chút) và từ trứng nước (trong trường hợp này là mua ICO). Khi xác định mua như vậy thì mình không phải nghĩ quá nhiều, không phải ngồi mò đủ loại tin tức (mà hầu hết là fake news) hay theo dõi giá cả từng giờ từng phút; cũng không phải chịu cảm giác "nóng đít", phân vân nên giữ hay nên bán liên tục. Nhờ đó mà mình tiết kiệm được thời gian và tâm trí để tập trung vào những chuyện quan trọng hơn, ví dụ như xây dựng Spiderum chẳng hạn (đây thật ra cũng chính là đầu tư từ trứng nước đấy). Vì đây là hình thức phù hợp với người như mình (vốn tương đối dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc trong ngắn hạn vì... cay cú ăn thua, nhưng tương đối xuề xòa và dễ tính khi nhìn dài hạn) nên từ khi áp dụng, mình vừa thấy bản thân thoải mái, nhẹ nhàng hơn, có thua cũng không cảm thấy quá nặng nề, mà thắng thì vui cực kỳ. Đó là còn chưa kể đến công việc chính cũng nhờ vậy mà phát triển tốt nữa, nhất tiễn hạ song điêu. 

Chỉ đầu tư số tiền bạn sẵn sàng mất

Đây là điều hầu như ai cũng nói nhưng mình vẫn phải nói lại vì nói thì đơn giản chứ làm thì khó lắm. Tại sao lại như vậy? 
Vì khi mất tiền rồi, bạn rất dễ cay cú ăn thua, tự huyễn hoặc bản thân rằng "lần trước chẳng qua thiếu kinh nghiệm, lần này sẽ khác". Kết quả là số tiền bạn sẵn sàng mất lúc ban đầu dần dần trở thành số tiền sẵn sàng mất + X, rồi +Y, +Z. Kết quả không mấy chốc mà thành số tiền bạn không sẵn sàng mất ngay. Ngã ở đâu đứng lên được chứ ngã ở đây thì đứng lên khó lắm, đừng gấp đôi đến chết không là chết trôi đến gấp... Cứ tưởng tượng thử mua coin đúng đỉnh rồi bị giảm chỉ còn 10% thì bạn định gấp 10 để đứng lên à?
Mất tiền đã vậy, nhưng được tiền thì cũng không khá hơn. Đôi khi kiếm tiền dễ thì hay ham, muốn kiếm nhiều hơn nên vay mượn để bơm thêm, cuối cùng có "biến", dẫn đến nợ nhiều hơn số khả năng chi trả và tự nhiên rơi vào cảnh "tham thì thâm". Đợt coin tụt từ đỉnh khoảng 2-3 năm trước xuống đáy, hình như cũng có kha khá người vì khô máu quá nên nợ nần chồng chất, thậm chí tới mức phải tự tử.
Như mình bây giờ xác định luôn tiền còn lại trong ví crypto và trong tài khoản chứng khoán là tiền có mất mình cũng chẳng ảnh hưởng gì, có lãi thì mình đầu tư ngược lại thêm, lỗ thì cũng kệ. Nếu may mắn giả sử tới được một mức tiền nào đó thì mình sẽ rút sau, còn chưa tới mức đó thì thôi cứ quay vòng, quyết định nhanh, không nghĩ ngợi nhiều. Kể từ khi chuyển sang lối suy nghĩ như vậy, mình thấy bản thân đỡ bị FOMO, đỡ đu đỉnh và cũng có kết quả khả quan hơn (tất nhiên cũng phần lớn là do may mắn, mình sẽ nói rõ hơn về yếu tố này ở phần sau)

Kiến thức thì tốt đấy, nhưng đừng áp dụng một cách máy móc

Hồi còn học đại học, mình rất thích học Tài chính và thậm chí đã từng dự tính sẽ sang Tây Ban Nha học Master chuyên ngành này. Thời còn học bên Phần Lan, mình có học môn Portfolio Investment tập trung vào việc đầu tư cổ phiếu sao cho khoa học và ít rủi ro nhất. Sau đó, mình cũng có học thêm một loạt các môn về đầu tư trong thời gian học trao đổi ở Úc như Futures, Options and Risk Management. Thế nên ban đầu mình cũng dự định sẽ áp dụng các kiến thức đã học để đầu tư như một ngôi sao. Mình cũng tính toán sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư (diversify portfolio) để hạn chế rủi ro, rồi thậm chí là thử tìm hiểu về hedging để xem có áp dụng được gì không. Kết quả là... cũng chẳng áp dụng được mấy, và cuối cùng chỉ quay lại đầu tư 1 vài mã khá lớn (do đó độ an toàn cũng khá cao). Ví dụ như coin thì cá nhân mình thấy ở thời điểm hiện tại có lẽ an toàn nhất là đu các coin lớn kiểu BTC, ETH, BNB chẳng hạn, tất nhiên là... cũng vẫn không an toàn đâu, nhưng ít ra chắc vẫn an toàn hơn mấy đồng khác. Mà mức lợi nhuận tính ra cũng không hề nhỏ, chẳng hạn nếu mua BTC hồi năm ngoái thì tài sản của bạn tính đến giờ cũng x15 lần rồi.
Lý do mình chọn cách tiếp cận này là vì nếu có một khối tài sản đủ lớn thì việc hạn chế rủi ro bằng cách diversify hay hedging sẽ hợp lý, chứ còn chỉ có một khoản tiền nho nhỏ cho vui như bản thân mình thì việc này sẽ chỉ làm cho khoản đầu tư trở nên phức tạp không cần thiết, lợi nhuận đạt được hay thua lỗ chặn được nếu có cũng... chẳng đáng với thời gian và công sức bỏ ra. 

Relax, take it easy

Khi tham gia vào thị trường tiền crypto hay chứng khoán, bạn chắc chắn sẽ nghe không ít về các triệu phú, tỷ phú, hoặc những chàng trai/cô gái 20 tuổi làm giàu từ tay trắng, nay sở hữu tài sản blah blah blah. Gần gũi hơn, chắc chắn bạn sẽ có những người bạn của bạn của bạn giàu nứt đố đổ vách.
Bạn cũng sẽ được nghe không ít về những công thức thành công từ những người thành công trong thị trường này. Hoặc bạn cũng có thể tự rút ra công thức cho riêng mình sau một vài lần thành công rực rỡ. Lời khuyên của mình trong trường hợp này là hãy cẩn trọng và đừng tự tin vì mình đã tìm ra chân kinh còn con đường làm giàu đã mở ra trước mắt.
Trong cuốn Fooled by Randomness, tác giả Nassim Nicholas Taleb lập luận rằng sự may mắn đóng vai trò quan trọng (nhưng thường không được thừa nhận) trong sự thành công, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Hầu hết các quỹ đầu tư với kiến thức và chiến lược đầu tư được nghiên cứu kỹ lưỡng còn gặp khó khăn trong việc ổn định được mức lợi nhuận của họ, như vậy chắc các bạn cũng có thể hình dung khả năng tìm ra một công thức thần kỳ nào đó là khó đến thế nào. Nếu không tin, bạn có thể xem biểu đồ sau từ Bloomberg để thấy việc duy trì phong độ đầu tư là khó thế nào:

Hay như những bạn học tài chính chắc hẳn không lạ gì câu chuyện về Long-term Capital Management, quỹ đầu tư với cố vấn là Robert Merton và Myron Scholes, tác giả của mô hình Black-Scholes từng được giải Nobel Kinh tế. Một công thức tính toán để chặn gần như mọi rủi ro và từng được coi là "bất khả chiến bại" như vậy cuối cùng cũng phải chịu thua sự khó lường của thị trường sau khủng hoảng kinh tế ở Châu Á và Nga giai đoạn 1997-1998. Các bạn có thể đọc thêm toàn bộ câu chuyện ở đây.
Mình không tin có mấy ai trong chúng ta đủ khả năng toán học và kinh tế học để nghĩ ra một mô hình ưu việt có khả năng chiến thắng thị trường, những công thức mà bạn thấy trôi nổi khắp nơi phần lớn chỉ được rút ra và đóng gói một cách phi khoa học và dựa trên kinh nghiệm chủ quan. Ngay cả chính chúng ta cũng vậy, 1 lần thắng chắc chắn không đồng nghĩa với thành công, thậm chí 10 lần thắng liên tiếp nhiều khi cũng vẫn chỉ là may mắn. Có một câu chuyện kinh điển thế này:
Bạn có 1000 người subscribe vào mailing list để nhận lời khuyên đầu tư 1 mã cổ phiếu. Ngày 1 bạn gửi cho 500 người khuyến nghị rằng giá cổ phiếu này sẽ tăng, và 500 người còn lại khuyến nghị rằng giá cổ phiếu sẽ giảm. Ngày thứ 2 bạn tiếp tục chia đôi nhóm 500 người này thành 250-250 và làm tương tự. Ngày thứ 3: 125-125. Cứ thế mãi thì sau 10 ngày, có 1 người sẽ nhận được 10 khuyến nghị chính xác liên tiếp từ bạn. Nếu nghe người này nói rằng: "Tôi từng tận mắt trải nghiệm chuyện ông X dự đoán trúng 10 lần liên tiếp" thì chắc cũng khủng khiếp đấy, nhưng thực chất thì cũng... không khủng khiếp lắm.
Với cá nhân mình, mình nhận thức rất rõ chiến thắng (nếu có) của bản thân phần nhiều là do may mắn, do đó nếu không thắng thì cũng chẳng phải quá bận lòng. Mình nghĩ hầu hết mọi người đều dễ trách chính mình để rồi bị cảm xúc chi phối và hành động phi lý trí khi nhận thấy sai lầm là ở bản thân mình chứ không phải do yếu tố bên ngoài; điều tương tự cũng xảy ra với chuyện ảo tưởng sức mạnh, dẫn đến sấp mặt vào những thời điểm tự tin bay cao nhất.

Một số rủi ro

Nếu bạn đã đọc đến đây và vẫn muốn tiếp tục đầu tư vào tiền mã hóa thì đây là một số vũng lầy mà bạn nên cố gắng biết để tránh. Phần này cũng thay cho lời kết của bài viết của mình, hẹn gặp lại trong một bài viết khác.

Coin scam

Đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân của mình: Những thứ như Pi Network, hay những mô hình farming ko từ các dự án uh tín hầu hết là scam. Hứa hẹn lãi cao nhưng thông tin mập mờ, không có mã nguồn công khai, không có dấu hiệu phát triển thêm sản phẩm... là một vài dấu hiệu để nhận biết; nhưng bạn có đủ tỉnh táo để nhìn nhận ra chúng hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn biết là đa cấp nhưng vẫn đâm đầu vào sớm để... ăn mấy ông đằng sau thì... cũng là một cách (mặc dù cá nhân mình thấy rủi ro cao mà lợi nhuận thu về cũng hơi kỳ).

Chuyển sai/nhầm

Khác với giao dịch ngân hàng khi ngân hàng là bên trung gian đảm bảo bạn sẽ không mất tiền nếu chuyển sai/nhầm địa chỉ, đối với cryptocurrencies, chính tính phi tập trung của nó khiến bạn lỡ có chuyển sai/nhầm địa chỉ thì khả năng mất luôn là cực kỳ cao. Không biết tới bây giờ tình hình có thay đổi nhiều chưa và bạn có thể nhờ support trong trường hợp nhầm lẫn được hay không, bạn nào biết thì bổ sung để mình có thể cập nhật thêm nhé

Mất ví/quên ví

Rủi ro này thì khỏi nói luôn. Theo Dân Việt, "khoảng 20% trong số 18,5 triệu Bitcoin hiện có trên thế giới đang nằm trong ví tiền ảo bị mắc kẹt do chủ sở hữu quên mật khẩu, và chúng hiện có trị giá khoảng 140 tỷ USD".
Theo JumpStart, chỉ trong năm 2019, có tất cả 12 phi vụ hack liên quan tới tiền kỹ thuật số, với tổng 292 triệu đô và 500,000 thông tin khách hàng bị đánh cắp. Đó là các phi vụ hack lớn được ghi nhận, còn vô số những vụ nhỏ hơn tấn công vào các ví cá nhân của người dùng nhưng không được chú ý nữa. Về cơ bản, để đảm bảo an toàn, bạn nên cập nhật những phương thức lưu trữ và bảo mật mới nhất, tránh tình trạng cốc mò cò xơi. Tất nhiên là nếu bạn không có nhiều tài sản quá thì cũng không quá sợ đâu, nhưng ở đời ai mà biết được, chủ quan là chết ngay...