Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:




I.

Bố tôi từng dạy học ở một trường đại học. Ngày bé, cứ đến ngày sắp bảo vệ đồ án tốt nghiệp đại học, nhà tôi lại có khách. Khách là các bạn sinh viên đi cùng bố mẹ đến để "thăm thầy." Cách tổ chức của trường bố tôi là sinh viên kỳ cuối sẽ làm một đồ án lớn với thầy năm cuối cùng để tốt nghiệp. Thường thì thầy trò tự tổ chức gặp nhau, nhiều sinh viên cả kỳ tuần nào cũng đến hỏi bài thầy vào buổi tối. Nhưng những sinh viên "thăm thầy,"  nhất là thăm với bố mẹ thì thường là cả năm không thấy mặt đâu, bỗng dưng tuần cuối lù lù vác xác tới. Hồi đó người ta hay mang đi tặng theo chai rượu Johnnie Walker "nhãn đen." Bố tôi chỉ nhận hoa, chứ chai rượu chắc chắn bắt mang về. Nhưng hoa thì cũng phải cẩn thận vì có cài phong bì vào đấy. Bố thường từ chối, bảo "Nhà nước trả tôi đủ tiền rồi, bác không cần phải trả ơn tôi bằng cách đó." Có tối tôi học bài trên tầng lầu, tới 10 giờ mà sân nhà cứ ỳ xèo. Bố bắt người ta mang rượu về, nhất quyết không nhận. Mẹ tôi nói, anh không nhận thì làm gì phải gay gắt thế...
Bố tôi cũng có nhiều dịp có thể được cất nhắc lên chức cao, nhưng bố quyết tâm không làm. Bố bảo, làm như thế thì phải ăn bẩn, không giữ được sự trong sạch của mình. Thế là bố đâm đầu đâm đuôi vào làm đến 2h sáng nuôi gia đình mình.
Tôi nghĩ ông gàn.


Đọc thêm:

II.

Lần đầu tiên tôi đi ăn ở một nhà hàng, là khoảng năm 10-11 tuổi. Chứ thường thì chỉ ăn cơm ở nhà. Chứ không, cùng lắm là mẹ dẫn tôi đi ăn phở, hoặc bố chở đi ăn phở buổi sáng. Đó là lần đầu tiên cả nhà bỏ ra buổi tối đi ăn cùng nhau, ở tận nhà hàng trên Hà Nội.
Lần đầu tiên cả nhà đi nghỉ mát với nhau là năm tôi 15 tuổi. Cả nhà đi Sầm Sơn, cả bốn người thuê một căn phòng. Tôi nhìn thấy mẹ cười hạnh phúc. Anh em tôi đi dạo về, thấy cửa phòng khoá trái. Anh em tôi lại đi ra ngắm cảnh một lúc rồi mới về phòng nhà mình.
Tôi không giỏi và không thích giao du, nhưng tôi không ngại gặp gỡ mọi người. Lớn lên cùng thời những diễn đàn, tôi có mối quan hệ và biết nhiều người. Tới năm 19 tuổi, tôi đi làm. Tôi được bác sếp -- cũng cầm tinh con mèo -- rất quý, làm gì, đi đâu đều được chỉ bảo. Bác sếp dạy cho tôi đi nhậu, đi hát karaoke, đối nhân xử thế với đối tác như thế nào cho khéo léo. Công ty có những hợp đồng rất lớn. Bác sếp là người có ảnh hưởng rất lớn tới những gì tôi nghĩ và làm từ khi đó. Có lần ngồi ăn cơm, tôi hào hứng kể chuyện sếp mình. 
Tôi hỏi, sao bố không làm như bác sếp? Tại sao bố không nghĩ rằng mình làm lãnh đạo thì có thể làm tập thể tốt hơn người đang hiện tại lãnh đạo mình? Bố bảo, mày không hiểu gì hết, nên im đi. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên bố giận mình. Tôi không bao giờ nhắc lại câu hỏi đó nữa.

III.

Cũng 19 tuổi. Tôi bị đuổi học khỏi đại học. Con đường duy nhất lúc bấy giờ là dẹp đi, làm lại từ đầu, đi ra nước ngoài du học.
Tôi có những người bạn cũng là sinh viên du học. Hồi học đại học, thì phần lớn là con nhà giàu có nhà ở phố, bố mẹ làm kinh doanh buôn bán thành công. Tôi học ở nơi khỉ ho cò gáy, cố lắm may ra tiêu được ngàn đô một tháng, mà có đứa tiêu cả chục ngàn trong 3 tháng, thỉnh thoảng lại xin bố mẹ bơm cho ít. Lên sau đại học, thì ít nhà giàu hơn, mà có những người nhà nghèo tự túc xin đi theo học bổng VEF. Có người đi làm rồi xin học bổng. Có người thì xin tiền bố mẹ đi học bằng Masters.
Có người bạn tôi thời sau đại học có gia đình khá giả, bố làm chức to. Bạn ấy không bao giờ nói bố bạn ấy làm gì với bạn bè - nhưng tin bố bạn ấy chẳng làm gì trái với lương tâm mình. Đó là con người giữ được sự trong sạch trong một môi trường toàn những sự dối trá. Bạn ấy thường bảo, bố mẹ bạn chẳng nghi ngờ sự bẩn thỉu, mục nát trong cái bộ máy bố bạn ấy làm. Nhưng bố bạn ấy là người tỉnh táo, không bị tẩy não, không bám gót ai cả. Bác ấy là người trong sạch. Tôi tin bạn mình.

Đọc thêm:

IV.

Tôi sang tuổi 30. Tôi đi làm ở Silicon Valley. Silicon Valley là mảnh đất mà tôi có nằm mơ cũng không thấy. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, hiền hoà bốn mùa. Con người ở đây là những người làm khoa học, công nghệ, nghiên cứu ở những mảng đột phá nhất. Nơi đây quy tụ những người Việt tôi vẫn ngưỡng mộ từ lâu. Bây giờ được nhìn mặt, bắt tay, làm việc với họ. Một phần không nhỏ những người (Việt, hoặc không phải là Việt) làm ở Silicon Valley là làm cho những công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Uber, Twitter, Cisco, Netflix. Thỉnh thoảng đi gặp người này người kia lại gặp người đang làm cho họ.
Ở đó, có một số rất lớn xe lưu thông trên đường là Audi, Mercedes, BMW, Tesla, Lexus. Ăn uống thì ăn bình dân cũng độ 15-20 USD một người một bữa. Nhà thì có thể thuê một phòng trong một căn nhà để tiết kiệm tiền, một tháng giá thuê một phòng, rẻ là 1500 USD.

V.


Ai có bạn làm ở Facebook thì được dẫn bạn vào trong khuôn viên của những công ty này thăm thú. Khuôn viên của Facebook nhìn ra vịnh, thiết kế như một cái Hẻm Xéo thu nhỏ. Ở đấy muốn ăn gì thì ăn, muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn ăn lúc nào thì ăn, có đủ đồ Mỹ, Âu, Á: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam cái gì cũng có từ sáng đến tối. Tất cả đều miễn phí cho nhân viên. Ai có bạn bè thì bạn bè cũng được ăn miễn phí. Ai có vợ chồng con cái ở nhà thì có thể mang đồ ăn từ công ty về nhà cho người nhà. Người ở Facebook khi bay đi làm việc công ty thì từ lập trình viên mới tuyển cũng được bay hạng thương gia. Đây là giá Facebook trả cho lập trình viên của họ. Đó là chưa kể cổ phần được chia khi bạn làm cho Facebook. Khi bạn đóng vào quỹ tiết kiệm hưu trí của cá nhân mình một đồng, Facebook sẽ đóng thêm một đồng nữa cho bạn, đến một mức trần nào đấy, đại loại như mười ngàn USD.
Hôm nọ tôi có đi cùng một người làm ở Facebook cùng một nhóm bạn. Đi cùng một cậu tôi bảo hay nhỉ, các cậu không bao giờ có cái gì trên người, kể cả bảng tên cũng không có logo công ty. Bạn ấy nói, Facebook không được lòng mọi người ở đây. Người của Facebook không khoe ra là mình làm ở Facebook. Xong khi đi ăn, mọi người có hỏi về chuyện Facebook làm gì. Bạn ấy có nói, bạn ấy chỉ là một nhân viên làm về thuần tuý kỹ thuật, không động chạm đến quảng cáo, không động chạm đến xã hội gì cả. Công ty có thể có nhiều scandal này nọ, nhưng việc bạn ấy làm là một việc tốt. Tôi cũng tin bạn mình.

VI.

Nơi tôi làm không hề có những bữa ăn miễn phí. Mỗi người vẫn phải trả tiền cho bữa ăn của mình. Tôi cũng không hề được đối xử tốt một cách đặc biệt như Facebook đối xử với những người nhân viên của họ. Nhưng khi đi với bạn bè, tôi không cần phải giải thích là mình đang làm một việc tốt, tôi không cần nói tôi là một ngoại lệ. Tôi không cần phải khẳng định tôi là một người làm việc tốt, vì không ai hỏi tôi những việc đó.
Và tôi một ngày kia khi tôi không còn tin vào công việc của mình làm là cùng những người khác làm việc tốt nữa, thì tôi chắc chắn sẽ lập tức bỏ đi không chút do dự.
Và có lẽ đó là cái thuế bạn phải trả khi bạn ở một nơi có quyền lực tuyệt đối, khi bạn giàu có, no đủ, được đối xử đàng hoàng, nhưng có ít niềm tin. Cái họ có thể mua được của bạn chính là câu nói cửa miệng của mình: Riêng ở cái đầm đầy bùn đó, riêng có tôi là không bị tẩy não, riêng có mình tôi là bông hoa sen.
Về nhà tôi viết những dòng này. Vì tôi là người tự do, tôi có thể nói được những gì mình nghĩ mà không cần quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Vì tôi đã đóng phần thuế của mình cho những gì mà tôi không nhận được.

Hoặc cũng có thể nói theo cách khác, nếu bạn không phải đóng thuế về tiền, thì bạn sẽ phải đóng thuế giải thích cho người khác mình là người tốt. Con cái bạn sẽ phải đóng thuế giải thích cho bạn bè của chúng bố mẹ chúng là người tốt. Và bạn bè bạn có thể không tin, con cái của bạn bè bạn có thể không tin. Đó là quyền của họ -- không phải quyền của bạn. Vì bạn đã chọn tiền và sự im lặng.
Và nghĩ lại, có thể thuế giải thích cũng là khoản thuế bố tôi không thích đóng.