Trong chứng khoán nói riêng và các kênh đầu tư tài chính khác nói chung, có rất nhiều phương pháp giao dịch, nhưng có thể tạm chia ra thành 2 phương pháp chính nhất là Phân tích cơ bản (hay còn gọi là FA - fundamental analysis) - phân tích trên giá trị nội tại của công ty và Phân tích kĩ thuật (hay còn gọi là TA - Technical Analysis) - phân tích trên biểu đồ giá (chart). Tùy mỗi thành phần tham gia thị trường sẽ chọn cho mình một phương pháp phù hợp với bản thân,  có thể là FA hoặc TA hoặc kết hợp cả 2 phương pháp.
Báo chí và truyền thông thường dùng "Nhà đầu tư" để gọi tất cả các thành phần tham gia thị trường tài chính, nhưng trên thực tế thành phần chiếm tỉ trọng cao hơn trong thị trường là những nhà đầu cơ (trader), còn số lượng nhà đầu tư (investor) lại rất ít. Để hiểu thêm về sự khác biệt của 2 thành phần này thì bạn có thể google để tìm hiểu thêm, do đây không phải thứ mình định nói trong bài viết nên sẽ không đi sâu vào.
Về bản thân thì mình là 1 thằng đầu cơ ngắn hạn, sử dụng FA kết hợp TA. Phần FA có rất nhiều sách và bài viết trên mạng nói đến rồi, còn phần TA mình thấy đa phần chỉ nêu lên các mẫu hình giá, cách mua bán dựa theo các mẫu hình giá mà không giải thích cặn kẽ nguyên nhân. Trong nội dung bài viết mình chỉ đề cập đến những điều cơ bản nhất của TA, nhưng sẽ cố gắng giải thích bản chất để bạn nào chưa biết gì đọc vẫn dễ hiểu được. 
Nội dung bài viết:
1/ Phân tích kĩ thuật là gì?
2/ Điều gì quyết định cổ phiếu tăng giá hay giảm giá?
3/ Một số khái niệm cơ bản nhất trong phân tích kĩ thuật
4/ Cách giao dịch dựa trên những khái niệm cơ bản

1. Phân tích kĩ thuật là gì

Theo wikipedia:
Trong tài chính, phân tích kỹ thuật là một phương pháp phân tích chứng khoán dự báo hướng của giá cả thông qua việc nghiên cứu các dữ liệu thị trường quá khứ, chủ yếu là giá cả và khối lượng.
Các dữ liệu thị trường quá khứ được thể hiện qua một thứ gọi là biểu đồ giá (chart)
cái của nợ này đây
Qua cái chart này ta sẽ quan sát được hành động giá, từ đó phân tích được tâm lý hành vi của những đối tượng tham gia thị trường đối với những biến động giá cả trong quá khứ, với kì vọng những gì quan sát và nghiên cứu trong quá khứ sẽ lặp lại trong tương lai, từ đó đưa ra những quyết định mua/bán phù hợp.

2/ Điều gì quyết định cổ phiếu tăng giá hay giảm giá?

Có nhiều định nghĩa cổ phiếu tốt và cổ phiếu xấu khác nhau. Với 1 đứa đầu cơ như mình thì cổ phiếu tốt là cổ phiếu mang lại lợi nhuận cao, còn cổ phiếu không tốt thì ngược lại. Một công ty có nội tại xấu đến mức không thể xấu hơn, giá không thể giảm thêm được nữa, chỉ cần vài tin tức tốt là đủ để làm tăng giá cổ phiếu, đối với mình đó là một cổ phiếu tốt. Một công ty có tình hình kinh doanh rất tốt, lãnh đạo tuyệt vời, nhưng tất cả đã phản ánh vào giá, khó có yếu tố đột biến để giá cổ phiếu tăng mạnh đem lại lợi nhuận cao cho mình, đối với mình đó là một cổ phiếu không tốt. 
Yếu tố quyết định cổ phiếu tăng giá hay giảm giá không phải là công ty tốt hay xấu, mặc dù yếu tố này vẫn có ảnh hưởng, mà là cung và cầu. Khi cầu > cung: giá cổ phiếu tăng, khi cung > cầu: giá cổ phiếu giảm. Mình mua 1 mã cổ phiếu khi có cơ sở để kì vọng trong tương lai cổ phiếu đó có cầu > cung, và bán khi cảm nhận cổ phiếu đang đi vào vùng giá có cung >= cầu, còn lại thì mình không quan tâm.

3/ Một số khái niệm cơ bản nhất trong phân tích kĩ thuật

3.1. Kháng cự và hỗ trợ

Kháng cự và hỗ trợ là vùng giá mà tại vùng giá này nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ đảo chiều. Vùng hỗ trợ và kháng cự có thể là đỉnh và đáy của 1 trendline (xem thêm về trendline ở bên dưới); các đỉnh hoặc đáy của tuần, tháng, năm, nhiều năm; các đường MA (moving average - đường trung bình giá của giá đóng cửa của cổ phiếu trong n đơn vị thời gian trước đó, ví dụ đường MA200 ngày là đường thể hiện mức giá trung bình của cổ phiếu trong 200 ngày trước đó, đường MA9 tuần là đường thể hiện mức giá trung bình của cổ phiếu trong 9 tuần trước đó)
Gặp vùng hỗ trợ thì khả năng đảo chiều từ xu hướng giảm sang tăng cao, gặp vùng kháng cự thì khả năng đảo chiều từ xu hướng tăng sang giảm cao. Nên nhớ là khả năng cao chứ không phải là chắc chắn.

3.2. Xu hướng (trend)

Giá cổ phiếu không biến động theo 1 đường thẳng mà sẽ dao động theo quỹ đạo zigzag, tạo ra các đỉnh và các đáy trên biểu đồ giá.
Nối các đỉnh cũ ta sẽ được đường trendline phía trên vùng giá giao dịch gọi là đường kháng cự, nối các đáy cũ lại với nhau ta sẽ được 1 đường trendline phía dưới vùng giá giao dịch gọi là đường hỗ trợ. Phần giữa hai đường trendline thể hiện xu hướng giá của thị trường (trend)
Có 3 loại trend: uptrend (trend tăng), downtrend (trend giảm) và sideway (trend đi ngang, chưa rõ xu hướng)
Trend tăng: đáy sau cao hơn đáy trước, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Thể hiện tính chất của cổ phiếu tốt dần lên theo thời gian, người mua sẵn lòng trả giá cao hơn quá khứ để mua cổ phiếu dẫn đến đáy sau cao hơn đáy trước, người bán chỉ bán khi giá cổ phiếu cao hơn quá khứ dẫn đến đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.
Trend giảm: đáy sau thấp hơn đáy trước, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Thể hiện tính chất của cổ phiếu xấu dần theo thời gian, bất cứ khi nào giá chớm tăng là người cầm cổ phiếu lại sẵn sàng bán ra, tống khứ cổ phiếu của mình đi, dẫn đến giá cổ phiếu khó tăng nổi.
Sideway: Đỉnh sau bằng hoặc gần bằng đỉnh cũ, đáy sau gần bằng hoặc gần bằng đỉnh cũ
Tùy cách xác định theo thời gian mà sẽ có các loại trend ngắn hạn, trend trung hạn, trend dài hạn. Trend ngắn hơn có thể nằm trong 1 trend khác dài hơn. Ví dụ down trend ngắn hạn màu đỏ nằm trong uptrend trung hạn ở chart bên dưới

4/ Cách giao dịch dựa trên những khái niệm cơ bản

4.1. Giao dịch tại vùng hỗ trợ: Mua tại vùng giá phía trên gần hỗ trợ, bán khi thủng vùng hỗ trợ

Vùng hỗ trợ là vùng giá mà tại đó nếu cổ phiếu đó không có sự kiện gì đột biến làm thay đổi giá trị của cổ phiếu đó, thì đó sẽ là vùng giá mà nhà đầu tư nhận định giá trị (value) của cổ phiếu > giá cả (price) của cổ phiếu , cầu tăng lên và cung giảm xuống, làm đảo xu hướng của cổ phiếu từ giảm sang tăng.
Khi mua tại vùng giá phía trên gần đường hỗ trợ: ta đang kì vọng giá trị cổ phiếu so với quá khứ không có gì đột biến, và tại vùng giá này lượng cầu > lượng cung như những gì đã xảy ra trong quá khứ, làm đảo xu hướng của cổ phiếu từ giảm sang tăng.
Bán khi thủng vùng giá hỗ trợ: vùng giá đảo chiều trong quá khứ bị thủng, tức giá trị của cổ phiếu tại thời điểm này trong mắt nhà đầu tư đã khác so với quá khứ theo chiều hướng xấu, lượng cung hàng lớn hơn lượng cầu tại vùng giá nhạy cảm này. Sau khi thủng vùng giá hỗ trợ lượng cầu hầu như không còn do người mua đa phần đều tập trung mua tại vùng giá hỗ trợ trở lên, dẫn đến giá dễ giảm sâu thêm.
Yếu tố hỗ trợ để tín hiệu giảm thuyết phục hơn: Giá giảm mạnh và khối lượng lớn (vol to): Sự bán tháo hoảng loạn mặc dù đây là vùng cầu > cung trong quá khứ, thể hiện đã có sự thay đổi rất lớn về tính chất của cổ phiếu tại đây.

4.2. Giao dịch tại vùng kháng cự: Mua khi giá phá vỡ đường kháng cự (mua break), bán khi giá gần tăng chạm đến vùng kháng cự

Vùng kháng cự là vùng giá mà tại đó nếu cổ phiếu đó không có sự kiện gì đột biến làm thay đổi giá trị của cổ phiếu đó, thì đó sẽ là vùng giá mà nhà đầu tư nhận định giá trị (value) của cổ phiếu < giá cả của cổ phiếu (price), cung tăng lên và cầu giảm xuống, làm đảo xu hướng của cổ phiếu từ tăng sang giảm.
Khi bán tại vùng giá phía trên gần đường kháng cự: ta đang kì vọng giá trị cổ phiếu so với quá khứ không có gì đột biến, và tại vùng giá này lượng cung > lượng cầu như những gì đã xảy ra trong quá khứ, làm đảo xu hướng của cổ phiếu từ tăng sang giảm.
Mua khi phá vỡ vùng giá kháng cự: vùng giá đảo chiều trong quá khứ bị thủng, tức giá trị của cổ phiếu tại thời điểm này trong mắt nhà đầu tư đã khác so với quá khứ theo chiều hướng tốt, lượng cầu hàng lớn áp đảo lượng cung tại vùng giá nhạy cảm này. Sau khi phá vỡ vùng giá kháng cự, lượng cung còn rất ít do người cần bán đã bán tại vùng kháng cự, dẫn đến giá dễ tăng lên do không còn nhiều lượng cung bán hàng.
Yếu tố hỗ trợ để tín hiệu tăng thuyết phục hơn: Giá tăng mạnh và khối lượng lớn (vol to): Sự mua bất chấp mọi giá của bên cầu, thể hiện đã có sự thay đổi rất lớn về tính chất của cổ phiếu tại đây.

4.3. Giao dịch sau khi vùng hỗ trợ bị thủng hoặc vùng kháng cự bị phá lên

4.3.1. Vùng hỗ trợ sau khi bị thủng sẽ trở thành vùng kháng cự mới cho cổ phiếu. 
Khi vùng giá vốn có cầu > cung trong quá khứ chuyển thành cung > cầu tức giá trị của cổ phiếu đã có sự thay đổi. Vùng hỗ trợ bị thủng được ghi nhận lại là vùng giá mà thị trường đánh giá value của cổ phiếu > price của cổ phiếu, cung > cầu, đây trở thành đường kháng cự trong tương lai.

4.3.2. Vùng kháng cự sau khi bị phá lên sẽ trở thành vùng hỗ trợ mới cho cổ phiếu. 

5. Kết luận

Trên đây chỉ là vài lý thuyết cơ bản, đơn giản nhất trong TA, để làm tăng xác suất thắng của ta khi mua/bán lên, chứ không có phương pháp nào giúp mua/bán chính xác tuyệt đối cả. Thị trường không vận động theo ý muốn chủ quan của ta, mà ta phải vận động theo diễn biến giá của thị trường, nên phải chuẩn bị sẵn kịch bản giá cổ phiếu tăng và cả kịch bản giá cổ phiếu giảm để có thể bình tĩnh xử lí ở bất kì tình huống nào.
Ngoài lề: phân tích kĩ thuật phân tích biểu đồ giá, nên ngoài cổ phiếu có thể áp dụng cho các loại hàng hóa đầu tư tài chính khác như vàng, dầu, coin ngoại tệ đều được.