Không khó để một người đi từ suy nghĩ "Mình cần thay đổi" đến hành động "Làm cái này để thay đổi". Chỉ cần suy nghĩ thay đổi mang đến cảm xúc tích cực thì ta có xu hướng lao vào hành động ngay lập tức.
Dĩ nhiên, chẳng có thói quen hay thay đổi nào có thể hình thành sau ba ngày đến một tuần thực hiện. Mỗi lúc như vậy, phần lớn chúng ta sẽ dừng lại, đánh giá mức độ khả thi của phương pháp, rồi quyết định đi tìm cách khác phù hợp hơn. Một số ít xuất sắc hơn thì kiên trì đạt mục tiêu mong muốn. Những cá nhân xuất sắc ấy chia thành hai nhóm: hoặc vui sướng vì đạt kết quả kỳ vọng, hoặc chán nản nhận ra đây chưa hẳn là thay đổi mình chờ mong.
Cho nên, việc thay đổi như ý và tích cực không chỉ phụ thuộc vào tính kiên trì sẵn có. Điều ta cần làm, trước hết, là đánh giá mức độ phù hợp của phương pháp và kết quả đầu ra.

Ba khía cạnh cần xem xét cho sự thay đổi phù hợp.

Mình từng thuộc cả ba nhóm người nêu trên trong quá trình thay đổi lịch sinh hoạt sáng để cân bằng cuộc sống. Và để hình thành cũng như duy trì thói quen lành mạnh ấy, bên cạnh tìm ra phương pháp phù hợp, mình đã cần nhìn nhận lại bản thân ở 3 khía cạnh: Thể trạng, Môi trường sống Niềm tin cá nhân.
Tìm hiểu về đồng hồ sinh học và mức năng lượng theo Chronotype.
Tìm hiểu về đồng hồ sinh học và mức năng lượng theo Chronotype.
Về khía cạnh cơ thể, mình thuộc tuýp người có nhiều năng lượng vào cuối buổi sáng đến chiều (từ 10h sáng - 16h chiều) và ban đêm (sau 8h tối). Bởi vậy, việc lựa chọn lối sinh hoạt cải thiện năng lượng vào buổi sáng sẽ giúp mình tỉnh táo để hoàn thành công việc hiệu quả hơn.
Và vì làm việc hiệu quả hơn vào trong giờ hành chính, gánh nặng mang việc về nhà và chờ đến tối mịt mới làm của mình cũng giảm thiểu đáng kể. Điều này đồng thời tác động tích cực tới mối quan hệ giữa mình và người thân. Không còn những lời cằn nhằn vô bổ, việc dậy sớm hơn so với mọi người còn giúp mình có được thời gian và không gian chất lượng dành cho bản thân.
Như vậy, việc thay đổi lịch sinh hoạt sáng theo Huberman là phương án phù hợp và tối ưu nhất cho thể trạng và môi trường mình đang sinh sống.
Nhà khoa học về thần kinh Andrew Huberman.
Nhà khoa học về thần kinh Andrew Huberman.

Vậy nếu phương pháp đã đúng, kết quả đã đủ thì cần gì đến khía cạnh niềm tin?

Niềm tin là chất xúc tác để một người bắt đầu hành động thay đổi cũng như định hình đích đến của hành trình đổi thay. Chia sẻ rằng, giai đoạn đầu khi thực hành lịch sinh hoạt mới, mình đã có khoảng thời gian quay lại với nhịp sống thức khuya dậy muộn như xưa.
Vì sao vậy? Mình từng tin rằng thông qua việc điều chỉnh lịch sinh hoạt bản thân sẽ phân bổ được thời gian và năng lượng để cân bằng cuộc sống. Nhưng trên thực tế, điều mình muốn lại là có thêm thời gian chăm sóc bản thân. Việc dậy sớm và trở nên năng suất hơn không giúp mình cảm thấy thỏa mãn bằng việc cố thức thêm 1-2 tiếng để xem phim. Chỉ khi mình bỏ đi niềm tin rằng bản thân cần dành tối đa thời gian thức giấc để làm việc và giảm thiểu thời gian ngủ để "chăm sóc tinh thần" thì lúc đó, mình mới thực sự duy trì được lối sống lành mạnh kể trên.
Vậy mình đã làm thế nào để có được những niềm tin phù hợp và đúng đắn hơn?
Trước tiên là định nghĩa lại sự phù hợp mà bản thân tìm kiếm. Mình nhận ra quy chuẩn về một cuộc sống hạnh phúc, với mình đã không còn là có được nguồn thu ổn định từ công việc nhà nước như 3 năm trước đây. Cho nên, những thói hư cần thay đổi hay những thói quen cần hình thành cũng ngày một khác đi. Bởi vậy, để biết được mình thực sự mong muốn điều gì, ở thời điểm hiện tại, thì hãy ngồi lại rồi tự hỏi xem cách đây 3 năm, 1 năm và bây giờ:
(1) Bạn coi thế nào là một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy?
Câu hỏi (1) sẽ giúp bạn nhìn rõ bức tranh toàn cảnh hay đích đến mà bản thân hướng tới. Bởi vậy hãy mô tả chi tiết nhất có thể về cuộc sống hạnh phúc theo tiêu chuẩn của bạn.
(2) Vì sao bạn lại muốn có một cuộc sống như vậy?
Câu hỏi (2) khơi gợi ra một số niềm tin về một cuộc sống "phù hợp" và những khía cạnh mà ta còn vướng mắc.
(3) Để đạt được cuộc sống mong muốn ấy, bạn sẽ cần thay đổi điều gì và không cần thay đổi điều gì? Vì sao?
Mình đoán chúng là những danh sách khác nhau, được mở rộng hoặc rút ngắn bởi vô vàn lý do. Hãy để ý đến chúng! Bởi tất cả những lý do ấy đều được xây dựng dựa trên một thứ duy nhất - Niềm tin về sự An Toàn hay nói cách khác là Vùng An Toàn cá nhân.

Vùng An Toàn - Điểm xuất phát của sự thay đổi bền vững.

Nếu hành trình thay đổi bản thân là hành trình trồng cây hái quả thì Vùng An Toàn chính là mảnh đất đầu tiên ta có. Vùng An Toàn (hay Comfort zone) là trạng thái tâm lý nơi mà cảm giác lo âu, thiếu thốn được giảm thiểu; thay vào đó, sự tự tin và cảm giác an toàn được nâng cao. Như vậy, ta có thể hiểu rằng Vùng An Toàn được hình thành dựa trên niềm tin về sự tự chủ và đầy đủ của một người trong cuộc sống.
Nhưng nếu niềm tin này không thực sự có ích trong thực tế và sự phát triển toàn diện của bản thân thì sao? Đã đến lúc bạn xem xét và cải tạo lại Vùng An Toàn của mình rồi.
Đôi khi cuộc sống bạn mong muốn lại nằm ngoài Vùng An Toàn hiện có.
Đôi khi cuộc sống bạn mong muốn lại nằm ngoài Vùng An Toàn hiện có.
Cải tạo Vùng An Toàn chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đó là một trong những công cuộc khó khăn và tốn nhiều thời gian. Nhưng cũng chính tại thời điểm ấy mà hạt giống thay đổi thực sự nảy mầm. Việc cải tạo niềm tin cũng không phải điều mới lạ. Bạn có thể tìm thấy vô số nghiên cứu cùng phương pháp để thay đổi niềm tin từ gốc rễ. Nhưng điều này sẽ tốn kha khá thời gian và công sức nếu bạn là người mới và chưa biết bắt đầu từ đâu.
Bởi vậy, trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ tóm gọn 5 bước cơ bản và phổ biến nhất để một người phá bỏ niềm tin giới hạn cá nhân. Từ đó, bạn dễ dàng tìm hiểu sâu hơn về phương pháp, cách thức thực hiện cũng như một số blog hay về chủ đề này được gợi ý dưới đây.
Bước 1: Kiểm tra lại danh sách niềm tin.
Ai cũng có những nhận định riêng về cuộc sống. Và rất có thể một số góc ấy đang níu chân bạn trong Vùng An Toàn. Bởi vậy, hãy liệt kê những niềm tin bạn đang có tương ứng với các khía cạnh cuộc sống và tự quán chiếu xem chúng có đáp ứng, bổ trợ cho sự thay đổi bạn mong muốn hay không.
Mô hình Wheel of Life (Bánh xe cuộc sống).
Mô hình Wheel of Life (Bánh xe cuộc sống).
Bước 2: Tìm kiếm nguồn gốc của niềm tin giới hạn.
Niềm tin được sinh ra bởi trải nghiệm và được khẳng định bởi suy nghĩ. Đặc biệt là những niềm tin tiêu cực, giới hạn - chúng thường có xuất phát điểm từ những sự kiện tổn thương khi còn bé và được phát triển trong quá trình lớn lên. Bởi vậy, sau khi đã có danh sách niềm tin giới hạn, bạn nên tìm hiểu xem bạn đã có niềm tin này như thế nào, khi nào, ở đâu và từ ai.
Nguồn gốc của niềm tin giới hạn.
Nguồn gốc của niềm tin giới hạn.
Bước 3: Thách thức niềm tin giới hạn nêu trên.
Khi đã có danh sách về niềm tin giới hạn, điều ta cần làm là chọn ra từ 1-3 niềm tin đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn khiến bạn cảm thấy khó khăn để duy trì sự đổi thay.
Trích Đô đốc William F. Halsey Jr
Trích Đô đốc William F. Halsey Jr
Có rất nhiều phương pháp giúp bạn đối mặt với niềm tin giới hạn. Bạn có thể chi tiền để ngồi trò chuyện với chuyên gia tâm lý hay bỏ vài giờ đồng hồ để viết xuống những điều cần nhận diện,... Tất cả đều có thể giải quyết tùy thuộc vào khẩu vị, tình trạng tâm lý và cách bạn tiếp cận vấn đề. Một số bài tập giúp bạn đối mặt và vượt qua niềm tin giới hạn của bản thân:
1. Viết Journal
2. Thực hành phương pháp "Đúng rồi, VÀ..."
3. Tạo list "Được và Mất" cho niềm tin giới hạn.
Bước 4: Tạo dựng niềm tin mới
Như đã đề cập ở bước 2, niềm tin chỉ được tạo dựng khi có sự kết hợp của trải nghiệm và suy ngẫm. Cho nên bước đầu tiên ta cần làm chính là tìm kiếm được niềm tin mới, phù hợp trước khi trải nghiệm. Và để biết đâu là niềm tin phù hợp, thay vì tìm kiếm bên ngoài, bạn hãy tự nhìn lại bức tranh cuộc sống viên mãn ban đầu viết ra cùng với danh sách những điều cần thay đổi.
Hãy viết niềm tin này thật chi tiết kèm hành động thực thi cụ thể. Bởi chúng ta còn 1 bước cuối cùng quan trọng cần triển khai.
Bước 5: Thực hành thôi!
Để thực hành bền bỉ những niềm tin, thói quen mới cũng cần phương pháp phù hợp. Hai phương pháp mình đã áp dụng để thành công nuôi dưỡng lối sinh hoạt sáng gồm:
- Hiệu ứng cộng dồn: Là việc duy trì tần suất thực hiện 1 hành động nhỏ, có chủ đích tại cùng 1 thời điểm trong ngày giúp mình hình thành thói quen dễ dàng hơn. Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu dậy sớm từ 5h30 sáng ngay từ ban đầu, mình đã đặt mục tiêu dậy sớm hơn 10-15 phút trong 1 tuần và số giờ sẽ được tăng lên ở mỗi tuần kế tiếp.
- Quy luật 66 ngày: Theo nghiên cứu năm 2009, một người cần tối thiểu thực hành 66 ngày liên tục 1 hành vi để có thể biến chúng trở thành thói quen. Bởi vậy đừng dừng lại cho đến khi số ngày bạn thực hành đạt mốc 66!
Hy vọng bài chia sẻ này giúp bạn rút ngắn được thời gian, công sức và tiến nhanh trên hành trình thay đổi để hoàn thiện bản thân.
--------
Kênh mình chia sẻ về Thực hành Framework, Productivity & More.