Tôi thấy mình như là những chiếc bản lề cửa sổ hiện đại, vá chằng vá đụp trên khung cảnh gia đình truyền thống và xưa cũ (Ảnh: Dân Trí)
Tôi thấy mình như là những chiếc bản lề cửa sổ hiện đại, vá chằng vá đụp trên khung cảnh gia đình truyền thống và xưa cũ (Ảnh: Dân Trí)
Chuyện là, dạo này, bố tôi dạo này nghiện tiktok các bạn ạ.
Sáng nay bố gửi vào nhóm gia đình một video của sư ông Làng Mai, sư ông nói rằng:
...Có khi nào quý vị đã có cơ hội ngồi lại với bố mình, và nói chuyện với bố "Bố ơi, trong cuộc đời của bố, bố có ước mơ gì bố chưa thực hiện được mà bố muốn con thực hiện được giùm cho bố hay không?"
...Hừm, ý bố là gì nhỉ?
Thi thoảng, bố mẹ có thói quen hay nói bóng, nói gió, muốn mượn lời người này người kia để nói ra tâm sự của mình. Đấy là cách giao tiếp của họ, chứ không đi thẳng vào vấn đề như tôi hay nhiều bạn mong muốn. Tôi kịp type vội một dòng thấu tình đạt lý, đại ý là, vậy thì bố có ước mơ gì, bố cứ nói ra để các con cùng suy nghĩ xem có thực hiện được không nhé. Ôi, nếu là một ước mơ giàu sang phú quý con đàn cháu đống thì hơi khó cho tôi rồi. Thôi thì, đến bước đó tôi lại tính kế tiếp theo. Tôi cũng đã quen với việc giải trình =))))
Ơ nhưng mà, không phải!!! Bố tôi nhắn thêm thế này kìa!!!!
"Vẫn thiếu … sao bố mẹ lại kg hỏi thế các con thích gì nhỉ …? Bố chỉ mong các thành viên trong gia đình luôn được mạnh khoẻ , sống lương thiện và thương yêu chia sẻ bao bọc nhau trong cuộc sống !
"Trời ơiiiii!!!! Hoan hỉ thực sự đó.
Thêm một chút background để các bạn thấy rõ được câu chuyện này nó cảm lạnh như nào. Bố tôi ngày xưa trọng nam khinh nữ. Ngày xưa, bố tôi cho rằng con gái không cần học hành tử tế, chỉ cần một tấm chồng giàu. Bố tôi cũng cho rằng con gái là phải nhịn nhục, chịu đựng thì mới "thành công".
Ngày xưa tôi nghe vậy chỉ biết có vậy. Càng lớn, tôi mới càng hiểu quan điểm về phụ nữ của bố từ đâu mà ra.
Ông nội tôi ngày xưa tài giỏi, giàu có. Khi đã bước qua nửa bên kia cuộc đời, ông cưới vợ ba. Vợ ba của ông chỉ bằng tuổi con vợ cả. Bố là con của vợ ba, còn tôi là cháu út của bà ba. Thật chẳng có cái vị trí nào thấp hèn hơn trong cái gia phả gia đình này.
Trộm vía, tôi sinh ra khi gia đình làm ăn phát đạt. Càng nhận được từ cha mẹ bao nhiêu, bố vàng hy vọng tôi tam tòng tứ đức bấy nhiêu cho nở mày nở mặt. Có thế thì mới lấy được chồng giàu chứ. Phải lấy được chồng giàu như bà thì mới có phúc được. Phụ nữ là phải sống dựa vào đàn ông...
Khổ nỗi. Tôi là tổng hợp của tất cả những gì ngược lại với sự mong đợi của bố... vụng về, hay la hét, dễ nổi nóng, đi đứng cục mịch, ghét mặc váy, lại còn học giỏi!! Tôi với bố thường ít khi nói chuyện cho tới mãi 3, 4 năm trở lại đây...
Như tôi đã nhiều lần chia sẻ, sự thay đổi này không hề đến từ một phía hay một người cụ thể. Một chút thay đổi ở một người sẽ giúp những người khác cảm thấy dễ chịu hơn. Cảm thấy dễ chịu, nghĩ gì cũng thông, nói lời dễ nghe, thương nhiều hơn hận. Thay vì tôi cãi lại một câu, bố hay anh tôi mắng thêm một câu, cả hai cùng cười xuề xoà cho qua câu chuyện, dù trong lòng có thể chẳng phục chút nào.
Tôi được cái hay chữ, nổi tiếng trong nhà là giỏi võ mồm. Tới dạo gần đây, tôi thấy con chữ của tôi đi vào lòng người dễ dàng hơn hẳn mấy câu xoen xoét, đi kèm với gương mặt khó chịu của tôi lúc "gân cổ" lên nói. (Vì sao tôi lại biết mặt tôi khi nói trông như nào? Gần đây tôi làm podcast, đi nói chuyện, hay phải nhìn lại chính cái mặt mình khi nói đến cái gì không vừa ý. Mặt bitchy thật luôn á...). Vậy nên, tôi để dành ý tứ, thay vì cãi, tôi viết hẳn mấy bài, mỗi bài bài dài gần ngàn chữ. Bao nhiêu vốn liếng nghiên cứu Tâm lý, văn chương lai láng, kỹ năng điều hoà cảm xúc, tôi đem ra dùng.
Ai đọc tới đâu thì đọc, hiểu được lòng tôi tí nào thì hay tí nấy. Hiểu thêm được một chút về mấy cơ chế tâm lý oái oăm duy trì nỗi đau từ đời này qua đời khác thôi cũng là quý lắm rồi.
Mưa dầm thấm lâu, tích tiểu thành đại, có công mài sắt, có ngày nên kim, tôi niệm thần chú liên tục!!
Xét cho cùng... có những quan điểm khác nhau sẽ không thể dung hoà. Nếu muốn sống cùng nhau trọn vẹn, MỖI NGƯỜI đều phải học cách hạ cái tôi của mình xuống, học cách hiểu cho quan điểm của người kia một tẹo. Để dù có khác nhau đến mấy, vẫn có thể cùng nhau sống trong yên bình. Từ khóa ở đây là "mỗi người" bạn ơi.
Nếu người thân họ có chưa sẵn sàng thay đổi thì cũng do họ chưa tới được khúc cua đó cuộc dời. Thậm chí, có những người sẽ chẳng bao giờ tới được khúc cua đó... Mỗi lần nghe chuyện về những gia đình tới tận khi người nhà nằm trên giường bệnh hấp hối vẫn chưa ai nói được lời tha thứ, tôi buồn và bất lực... Tôi nghĩ rằng, điều tốt nhất mình có thể làm đó là trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi của cha mẹ.
Tôi biết ơn nhiều vì mình may mắn hơn nhiều người tôi đã gặp, có nhiều kiến thức hơn một chút, cũng không phải đi trên con đường chuyển hoá một thân một mình. Chuyện đây kể lại, tôi chỉ hy vọng rằng, những hạt giống bao dung, cảm thông, thấu hiểu cũng sẽ tiếp tục sinh sôi nảy mầm trong cả những gia đình khác.
Hiểu và thương,
Keira - 22/02/2022