Đã đến lúc hàn gắn những trải nghiệm tiêu cực tuổi ấu thơ
Ngay cả khi đã đi trị liệu tâm lý, đôi khi, trong một môi trường mới với những tương tác mới, mình lại thấy có những vấn đề mới mọc rễ từ quá khứ
Lần đầu tiên mình biết tới khái niệm "trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực" là qua bộ môn "Sức khoẻ Tinh thần Cộng đồng" vào năm ba đại học. Mình giật mình khi nghe định nghĩa và các câu chuyệm ví dụ của giảng viên về một tuổi thơ bất ổn. Giảng viên của hôm đó là người da màu, cũng đồng thời là nhân viên công tác xã hội lâm sàng, và là nhà nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ phát triển tâm lý xã hội cho những khu vực nghèo và bất ổn trong thành phố.
Những câu chuyện của bà có sự tương đồng mạnh mẽ với trải nghiệm thơ ấu của một cô bé lớn lên giữa lòng Phố cổ của thủ đô Hà Nội, nơi mà từng có một thời, mơ ước duy nhất của cha mẹ là con cái không nghiện hay vào tù ra tội, nơi mà mới chỉ một thế hẹ trước đó thôi, gia đình năm thế bảy thiếp vẫn còn sống chung một mái. Cách dạy dỗ khắc nghiệt của cha mẹ ngày đó cũng phần nào phản ánh quá khứ và những nỗi sợ kinh hoàng này của họ. Trên thực tế, ở các khu vực bất ổn của Anh, cụ thể là Birmingham, thành phố nhập cư nơi tôi theo học đai học, chính phong cách dạy dỗ nghiêm khắc này lại là yếu tố bảo vệ trẻ em trước sự bất ổn xã hội trong khu vực.
Vì vậy, bạn hãy khoan nghĩ tới việc bị cha mẹ đánh mắng hay kiểm soát quá mức khi nhắc tới cụm từ "trải nghiệm tiêu cực tuổi ấu thơ". Vậy,
TRẢI NGHIỆM TIÊU CỰC TUỔI ẤU THƠ LÀ GÌ?
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC, các dấu hiệu trải nghiệm tiêu cực tuổi ấu thơ [adverse childhood experiences - ACE] bao gồm:
1. Bạo hành thể chất
2. Bạo hành tinh thần
3. Bạo lực tình dục
4. Bỏ mặc về thể chất
5. Bỏ mặc về tinh thần
6. Gia đình có người thân có vấn đề về sức khoẻ tinh thần
7. Gia đình có người thân từng có tiền án tiền sự
8. Gia đình có người thân là nạn nhân của bạo lực9. Gia đình có người thân nghiện chất
10. Gia đình đổ vỡ
Hai nghiên cứu độc lập của Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh vào năm 2015 và của Tiến sĩ Trần Quỳnh Anh năm 2022 trên những người trẻ tuổi ở Việt Nam đã cho thấy trên 70% người tham gia có ít nhất 1 dấu hiệu của trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, và khoảng 25% có 3 dấu hiệu hoặc nhiều hơn.
CÁC TRẢI NGHIỆM NÀY CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO?
Tuy chưa có quá nhiều nghiên cứu nào ở Việt Nam nhấn mạnh mối quan hệ trực tiếp giữa số liệu trên và các vấn đề sức khoẻ tinh thần nhưng các nghiên cứu ở nước ngoài đã quan tâm tới chúng từ rất lâu rồi.
Tổng hợp các nghiên cứu về chủ đề này trên CDC cho thấy, số lượng và cường độ của các trải nghiệm tiêu cực tuổi ấu thơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của não bộ, và làm rối loạn phản ứng của cơ thể (hay hệ thần kinh) với sự căng thẳng. Các trải nghiệm này còn liên quan tới các vấn đề sức khoẻ mãn tính, rối loạn tâm thần, và lạm dụng chất gây nghiện ở người trưởng thành.
Một ảnh hưởng dễ thấy nhất đõ là sự xúc động khó có thể kiềm chế khi nhắc tới một hay nhiều kỷ niệm gây đau buồn trong quá khứ. Mình lưu ý ở đây, việc xúc động tới mức không thể cất giọng, cảm thấy run rẩy toàn thân rất khác với sự xúc động thường thấy khi nghĩ tới một tình huống nào đó giàu cảm xúc. Hiện tượng này có liên quan mật thiết tới chấn thương tâm lý tuổi ấu thơ, tuy nhiên không phải là yếu tố duy nhất cho thấy liệu bạn có đang gặp chấn thương tâm lý tuổi ấu thơ hay không.
Trong bài TEDx của mình tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà nội, sau 8 năm học và làm việc trong ngành Tâm lý, trong đó có một năm trị liệu tâm lý với nhiều người khác nhau, lần đầu tiên, mình có thể kể lại những câu chuyện cuộc đời mà mình đã từng giấu kín với một thái độ bình thản và an nhiên như vậy.
Mình có nấc lên một vài tiếng, nhưng những tiếng nấc đó chỉ là những phản ứng hoàn toàn tự nhiên trước một câu chuyện cảm động, chứ không còn sự đau buồn, thù hằn, hay ghét bỏ.
Trong những câu chuyện mình kể lại, quãng thời gian khó khăn nhất là những năm đại học. Bố mình bị tấn công và chấn thương nghiêm trọng. Đây cũng là lúc mình phát hiện ra bố đã có con riêng từ vài năm trước đó. Cảm xúc lẫn lộn về tình cảm gia đình ngày càng thêm hỗn loạn. Khi ấy Mình chọn cách tự tách mình ra khỏi gia đình để tìm kiếm sự bình yên và tập trung học tập. Càng tách mình ra, mình càng xa rời những tổn thương gia đình để lại.
Chúng như những tiếng gào thét từ tận sâu bên trong, nhưng liên tục bị nhấn chìm bởi guồng quay điên cuồng của học hành, tập luyện, công việc, rượu bia và chất cấm.
Trong thời điểm đó, tất cả chỉ một cuộc sống rất bình thường, đầy màu sắc của một cô sinh viên học ra học, chơi ra chơi. Ngay cả việc mình liên tục nôn ra khi ăn vào hay đi tập 2 lần một ngày cũng chỉ là những thứ rất bình thường một cô gái khao khát có được thân hình instagram promote...
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NÀY CÓ THỂ ĐƯỢC "CHỮA KHỎI" HOÀN TOÀN KHÔNG?
Môn học của năm ba cũng là lần đầu tiên, mình có những ý thức sơ khai nhất về ảnh hưởng của quá khứ lên bản thân trong hiện tại. Và đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên của một hành trình vẫn còn đang kéo dài mãi. Ngay cả khi đã đi trị liệu tâm lý, đôi khi, trong một môi trường mới với những tương tác mới, mình lại thấy có những vấn đề mới mọc rễ từ quá khứ. Khi ấy, mình lại tiếp tục lò dò nhắn tin cho nhà trị liệu.
Sau những phiên trị liệu, mình đã học được cách xâu chuỗi được các sự kiện cuộc đời một cách mạch lạc và khách quan, học được cách không đổ lỗi vào mình hay vào ai, mà thay vào đó tập trung vào giải pháp. Mình cũng học được cách quản lý cảm xúc tốt hơn.
Từ một người gặp vấn đề nghiêm trọng với sự giận dữ, nay, mình cũng sẵn sàng xin lỗi và kiễn nhẫn lắng nghe khi cần.
Việc chia sẻ được những câu chuyện này từ đầu tới cuối với một người hoàn toàn xa lạ cũng cho mình thêm niềm tin và sức mạnh để đứng lên sân khấu TEDx dùng nó làm bài học hay viết ra cả những dòng chữ này cho bạn.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa trải nghiệm tiêu cực tuổi ấu thơ và các vấn đề tinh thần còn chịu tác động (cả tiêu cực lẫn tích cực) từ các yếu tố nguy cơ và các yếu tố bảo vệ khác. Giả sử, không phải ai trải qua bạo lực tinh thần cũng gặp khó khăn tâm lý. Nếu như họ có sự hỗ trợ của người thân, hoặc thậm chí là cho rằng mình đang được hỗ trợ (trong nghiên cứu gọi là perceived social support), hõ cũng sẽ có thể tự phục hồi các chấn thương tinh thần. Mình rất hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những nghiên cứu ở Việt Nam khám phá các khía cạnh khác nhau của vấn đề này.
Để biết những trải nghiệm này đã in hằn lên bạn chính xác điều gì và có thể bắt đầu từ đâu để hàn gắn chúng, hãy tìm kiếm tới sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý: chuyên gia tham vấn trị liệu, chuyên gia tâm lý lâm sàng và/hoặc bác sĩ tâm thần. Còn trong thời điểm hiện tại, mình chỉ hy vọng câu chuyện và tiếng nói của bản thân chạm tới được những tâm hồn còn đang gồng mình sống tiếp với những vết thương của quá khứ. Nếu thấy mình gồng đã hơi mỏi, thử tìm một nơi để dựa vào bạn nhé.
Hiểu và thương,
Keira Ngo
- Theo dõi bài chia sẻ của mình tại TEDxHUS "It is not weak to seek mental health support…and when should we do it?" tại đây
- Đọc thêm các bài viết của mình tại fanpage The PsychNotes 🌸
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất