Bài viết này đáng lẽ nên ra vào một thời điểm đẹp hơn, ví dụ như đầu năm, đầu Tết khi khí thế, dự định của chúng ta còn đang hừng hực. Đến hiện tại, Hà Nội đang trải qua những ngày mưa phùn lạnh, dịch CoVid-19 thì hoành hành khắp nơi, còn chúng ta không rõ là đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm kế hoạch một năm của mình.
Thèm một bầu trời cao và xanh ở HN...
Nhưng có lẽ, trong hoàn cảnh ngặt nghèo như này, một vài lời động viên, khích lệ nho nhỏ lại khiến chúng ta kiên cường hơn trên chặng đường không mấy dễ dàng của cuộc sống. Và cũng là mục tiêu mà mình hướng tới trong bài viết này: Sự kiên trì - Patience.
Không biết các bạn đã từng nghe qua 1 hiệu ứng có tên “hiệu ứng lãi kép” (Compound effect) hay chưa? Nghe có vẻ liên quan đến tiền nong đó, nhưng thực ra, nó áp dụng cho rất nhiều khía cạnh cuộc sống của chúng ta.
Theo bác Darren Hardy, tác giả cuốn sách “The Compound Effect”, hiệu ứng này nói về việc bạn có thể đạt những kết quả siêu to khổng lồ từ những việc khôn ngoan, nho nhỏ mà bạn làm hằng ngày, chủ đích hay không chủ đích.
Compound Effect: reaping huge rewards from a series of small, smart choices. Steps feel insignificant, results are massive. - The Compound Effect - Darren Hardy
Còn đây là công thức để bạn có thể tạo ra sự khác biệt:

Small smart choices + consistency + time = RADICAL DIFFERENCE

“Bạn có 2 lựa chọn A và B. Lựa chọn A cho bạn 3 triệu đô ngay lập tức, còn lựa chọn B cho bạn 1 penny được gấp đôi giá trị mỗi ngày trong vòng 30 ngày. Liệu bạn sẽ chọn A hay B?”

Nếu bạn biết về bài toán này, chắc hẳn bạn sẽ chọn B, bởi sau 30 ngày, về tổng giá trị nhận được, bạn sẽ thu được một con số kinh ngạc như sau:

Nguồn: Faster to Master
Đến ngày thứ 30, tổng số tiền mà lựa chọn B giúp bạn thu lại được gấp hơn 3 lần số tiền 3 triệu mà lựa chọn A trao cho bạn. Thế nhưng, để ý kĩ mà xem, chỉ đến ngày thứ 29, sự khác biệt mới thật sự rõ ràng. Tức là trong vòng 29 ngày, nếu bạn có đủ tin tưởng vào lựa chọn của bản thân (tức lựa chọn B), vượt qua được áp lực xã hội khi rất nhiều người xung quanh bạn chọn A hay những suy nghĩ tiêu cực mà bộ não liên tục gửi cho bạn, kiểu như: tại sao mày lại chọn B, đến giờ vẫn chưa bằng A này? Phải chờ đến bao giờ thì mới vượt được A chứ? Có thật sự là mình đã chọn đúng hay không? Vân vân và mây mây.

Ngoài ra, khi chúng ta đã sống trong một xã hội với mọi thứ đều có ngay lập tức: mì ăn liền, cà phê pha sẵn, thanh toán trực tuyến trong vòng 5 phút, thông tin truy cập với tốc độ nhỏ hơn 30s thì thứ gì cần kiên nhẫn hơn với kết quả đến phút 89 mới có, chúng ta ắt hẳn sẽ không dễ dàng gì mà làm được. Bởi chúng ta không có thói quen chờ đợi, chúng ta không sinh ra để kiên nhẫn. Vậy nên, trong bài toán trên, dù bạn có chọn A, hoặc đã chọn B nhưng sau đó đổi sang A cũng là lẽ thường tình.

Vậy giờ, khó thế này, biết làm sao?
Tưởng khó nhưng không hề khó. Nhưng dễ mà cũng không có dễ dàng cho lắm :). Thế mà không phải không có cách. Theo bác Darren Hardy thì chúng ta sẽ cần làm như sau:

1.  Ý thức về bản thân

Việc đầu tiên là ý thức về bản thân, nhận thức được thói quen hàng ngày của bạn, cả tốt lẫn xấu. Bởi như kết quả ở ví dụ trên đó, những việc làm hàng ngày, nó sẽ tạo nên hiệu ứng lãi kép. Cái gì tốt, làm liên tục đều đặn thì nó được tốt lên cấp số nhân. Cũng như vậy, cái nào xấu, làm hàng ngày thì cũng sẽ xấu theo cấp số mũ ^^ Vậy nên, việc bạn ý thức được càng cụ thể càng tốt thói quen hàng ngày của bạn thì bạn sẽ biết sau đó, việc nào nên làm, không nên làm, lượng thời gian cho việc gì nên tăng lên hay giảm đi.
Ví dụ như, một ngày mình dùng điện thoại hết 4-5 tiếng, mỗi lần dùng khoảng 30 phút để xem Youtube với lướt Instagram, Facebook thì mình nên có biện pháp kiềm chế bản thân, giảm thiểu thời gian mình lạc trôi trên những mạng xã hội này. Hoặc như việc nấu nướng hết 1 tiếng rưỡi mỗi ngày nhưng nó khiến mình cảm thấy dễ chịu, mình có thời gian chăm sóc bản thân mình thì mình sẽ duy trì nó, mặc dù có những ngày mình bận hoặc lười nấu.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách theo dõi thời gian sao cho hiệu quả thì có thể tham khảo qua video của anh Matt D’Avella - một filmmaker về Personal Growth có tiếng tăm trên Youtube ở dưới đây:

2. Chịu trách nhiệm

Điều thứ hai, chịu trách nhiệm cho những việc gì mình làm. Mình tin là không cần giải thích dài dòng nhiều vì chúng ta đều hiểu và đọc kha khá các bài viết về chủ đề này nhiều như thế nào. Nếu việc xảy ra không đúng ý mình, trước tiên nó sẽ do mình mà ra.

3. Kiên trì

Điều thứ ba và cũng là điều quan trọng nhất, KIÊN TRÌ. Con số không biết nói dối, và ở trên đã có số liệu chứng minh cho bạn rằng khi bạn đủ nhẫn nại thì bạn sẽ đạt được thứ bạn mong muốn, thậm chí có thể tạo cho bạn những bước nhảy vọt đột phá. Vì vậy, đừng từ bỏ. Thậm chí, nếu có “lủng” giữa chừng, nó không đồng nghĩa bạn thất bại mà quan trọng là bạn bắt đầu lại.

Ví dụ như bạn mới tập thể dục được 1 tháng, tết đến nghỉ mất tiêu 1 tuần, thế là bạn bị hẫng. Giờ vừa thấy thiếu động lực đi tập, vừa chán bản thân vì không nghiêm túc tập, bạn có nên đi tập tiếp không? Mình tin là có và đây là cách mà mình giải nguy trong những tình huống này. Phương pháp này vừa giúp mình duy trì những thói quen mình muốn xây dựng mà cũng cho bản thân những giây phút lười biếng vừa đủ.

Phương pháp này gọi là Luật 2 ngày (The Two Day Rule). Hiểu nôm na thì trong bất cứ thói quen gì bạn muốn xây dựng, đừng bỏ quên nó quá 2 ngày. Bạn cho phép bản thân mình được nghỉ 1 và 2 ngày là tối đa. Sau đó, hãy quay lại với thói quen đó. Thời gian này sẽ cho bạn 1 khoảng nghỉ mà vẫn đảm bảo bạn giữ được động lực làm tiếp việc mình cần làm.

Để hiểu rõ hơn, hãy xem qua video này nhé:
Nói tóm lại, để thay đổi bản thân mình trở nên tốt hơn, khỏe mạnh hơn không có dễ. Bạn cần một chút  hiểu mình để đưa ra những lựa chọn tốt, một chút trách nhiệm và nhiều phần kiên trì.
Và lan man một chút từ mình, từ ngày bắt đầu ý thức được việc làm thế nào cho bản thân mình khỏe mạnh hơn về trí tuệ, thể chất, tinh thần và xã hội, mình phát hiện ra mức độ khoai của bài toán mang tên "bản thân mình" như thế nào ^-^’. Có lẽ hành trình này của mình mới chỉ là những bước chập chững của các bé lên 2. Thế nhưng, mình luôn tin khó là tốt, có khó mới lớn được.

Vì vậy, lời chúc năm mới có thể đã muộn, chúc các bạn năm nay thật nhiều KIÊN TRÌ

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo:
1. The Compound Effect - Darren Hardy
2. The Slight Edge - Jeff Olson