Luật hấp dẫn phát biểu đại loại rằng:
“Những gì bạn nghĩ hay những gì bạn chú ý sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống.”
vnexpress.net
Thế là có người dùng nó để lý giải những sự việc xảy ra trong cuộc sống:
- Bạn chưa giàu là do bạn còn giữ tư duy nghèo đói.
- Bạn chạy xe ra đường cán phải đinh thì lỗi là do bạn thu hút đinh.
- Bạn mắc covid là do suy nghĩ của bạn hấp dẫn covid.
- Bạn bán hàng online gặp phải khách hàng cục súc, order mà không nhận hàng thì lỗi do bạn thu hút kiểu khách hàng này.
- Bạn đang đi đúng luật giao thông mà bị một thằng trẩu tre tông trúng thì lỗi do bạn thu hút trẩu tre.
- Bạn bị hấp diêm thì lỗi do bạn…
Có bạn gửi cho tôi một ảnh cap màn hình nói về một cách tư duy theo luật hấp dẫn:
Theo tôi, đoạn trên dịch từ cuốn The Secret, cụ thể là lời của diễn giả Bob Proctor:
Diễn giả Bob Proctor (trong cuốn The Secret) khuyên rằng khi mắc bệnh thì đừng nói đến bệnh tật mà hãy tự nhủ rằng mình rất khỏe… khiến tôi nhớ về người bà đã mất của mình. Khi bà bệnh, bà không muốn con cháu phải lo lắng và nghĩ chắc là bệnh nhẹ, dăm bữa nửa tháng sẽ khỏi thôi, nên bà chẳng nói với ai, và cư xử rất bình thường. Đến khi bà đau quá không giấu được nữa, con cháu phát hiện ra, mang bà đi viện xét nghiệm thì mới biết bà đã bị ung thư đến giai đoạn 2B rồi. Bà tôi chẳng biết gì về luật hấp dẫn, nhưng đã vô tình hành xử giống như lời khuyên của Bob Proctor.
Bệnh tật chính là dấu hiệu báo động cho ta biết có điều gì đó không ổn trong cơ thể để ta kịp thời sửa chữa, nhưng các diễn giả luật hấp dẫn lại khuyên ta cứ lờ nó đi bằng cách tự lừa mình rằng mọi thứ vẫn tốt đẹp. Để khi bệnh nặng rồi thì chạy chữa có còn kịp?
Mặt khác, nếu một người đang mắc bệnh mà áp dụng cái bí quyết về luật hấp dẫn trong ảnh trên: nghĩ rằng “tôi thấy rất khỏe” thì làm sao ăn uống, kiêng cữ, sinh hoạt tuân theo đúng chế độ của một người đang trị bệnh? Có nhiều quy tắc cần phải chú ý đối với người đang bị bệnh, ví dụ: người bị tiểu đường phải ý thức được mình đang bệnh để kiêng ăn đồ ngọt, hạn chế tinh bột và tiêm insulin đúng giờ…; người bị viêm gan thì chú ý tránh ăn đồ ăn có dầu mỡ, nhiều gia vị, đồ hộp, rượu bia…; người bị viêm phổi phải tránh hút thuốc, tránh những nơi có khói thuốc, nơi có nhiều khói bụi…; người bị suy thận thì chế độ kiêng khem trở thành cơn ác mộng luôn...
Lừa người khác thì dễ, nhưng lừa chính mình thì khó, thế mà các “thầy” còn khuyên ta lừa cả vũ trụ rằng mình đang khỏe mạnh để nhận được “năng lượng” từ vũ trụ!
Xét ở khía cạnh nào đó, tôi cho rằng luật hấp dẫn có tồn tại, nhưng nó không thật sự "hấp dẫn" đến thế. Nó cũng bình thường như luật nhân quả, thậm chí là nằm dưới sự chi phối của luật nhân quả.
Tôi đã đọc nhiều cuốn sách nói về luật hấp dẫn cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, trải nghiệm các khóa học dạy về luật hấp dẫn, nhưng tôi chưa thấy diễn giả, tác giả nào nói một cách "khiêm tốn" về luật hấp dẫn cả. Cũng hợp lý thôi, nói về luật hấp dẫn mà nghe không "hấp dẫn", không "vi diệu", không "khác thường", không "một tấc đến giời" thì làm sao lùa được gà? Họ thổi phồng nó lên x1000 nhằm đánh vào tâm tham con người để bán sách, bán khóa học. Họ đã biến luật hấp dẫn trở thành một môi trường để tâm tham vận hành, một công cụ để người ta đổ lỗi lên nạn nhân (victim blaming), sống ảo tưởng và thẩm du tinh thần... Nói về mặt trái của thứ luật hấp dẫn này thì vẫn còn nhiều, tôi đã đề cập đến nó ở một số bài viết trước đây nên ở bài này không tiện lặp lại.
Tóm lại, kể chuyện cổ tích cho con nít nghe thì không giàu, nhưng kể chuyện cổ tích cho người lớn nghe thì rất nhanh giàu. Hầu hết những diễn giả về luật hấp dẫn đều là những người có tài kể chuyện cổ tích.
Bài liên quan: