Có phải do người ta “ngu”, “ham-việc-nhẹ-lương-cao” nên mới bị lừa? Còn bạn “khôn” nên không bị?

Từ tấn công chính quy cấp sư đoàn…

Chắc ai cũng từng bật cười trước câu “chữa xương khớp 1 liệu trình, tiểu đường 3 ngày khỏi” tràn lan trên Youtube, và nghĩ rằng, chỉ có đần độn mới tin vào thứ này?
Well, với nguyên liệu đến từ hư không là gỗ mục, khoai mì, và thị trường 14 triệu người trên 60 tuổi, chưa kể con cháu quan tâm đến bệnh tình của họ, doanh thu của “ngành công nghiệp không khói” này, có thể đạt tới hàng chục tỷ mỗi tháng. Không lạ khi chúng sẵn sàng trả tiền quảng cáo gấp 10 lần giá bình quân, và hiển thị toàn quốc mà không cần lọc khán giả, như các doanh nghiệp thông thường.
=> Chúng chỉ cần 0,00x% nạn nhân chứ không cần bạn. Bạn không “khôn” mà là cuộc chơi xác suất của chúng “cho phép” bạn thoát.

… cho đến ném bom chiến lược…

Bạn có bao giờ vừa đặt vé máy bay xong thì nhận được điện thoại từ hãng xe đưa rước không? Chúng thu hẹp mục tiêu bằng thông tin cá nhân.
Những nạn nhân “ngu dốt” trên TV, trong thời khắc tăm tối của cuộc đời, đã đưa tiền cho kẻ nắm được thông tin bệnh án, để được phẫu thuật sớm, được mua thuốc tốt, hoặc kể cả bán một phần cơ thể. Chúng đến thẳng cái khoa mà chúng muốn, gặp thẳng người mà chúng cần, chứ không gõ cửa nhà người “khôn” như bạn và hỏi: “Bán thận không mày?” Đó là người dưng, bạn từng thấy người cô, lừa bán chính người cháu mình chưa?
=> Khi một thứ đần độn mà vẫn có người tin, đơn giản, bạn không phải target.

… và “thiên kiến kẻ sống sót”…

Những năm 90s, các nghệ sĩ đào lửa quốc tế đã sáng tạo ra một kiệt tác như sau:
Chúng chọn một giải đấu thể thao, mà môn đó không cho phép hoà, như tennis, bóng rổ… rồi chuẩn bị một list số điện thoại, email của các nạn nhân. Ở mỗi trận vòng loại, chúng nhắn tin “đội A thắng” cho 50% list (1), và “đội B thắng” cho 50% còn lại (2). Nếu đội A thắng, chúng sẽ lại gửi 2 loại tin nhắn nước đôi cho nhóm (1) và cứ thế chia ra... Trước trận chung kết, chúng sẽ yêu cầu những người sót lại cuối cùng, những người luôn nhận được “chuỗi dự đoán hoàn hảo” của chúng, trả tiền để biết được kết quả.
Người ta chỉ biết trường hợp của mình, mà không biết về những nạn nhân khác, về trận địa lớn hơn. Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao một quán ăn nổi tiếng thường có review xấu không? Vì con người luôn muốn hét lên cho cả thế giới biết khi họ có trải nghiệm xấu, nên bạn không thấy những người hài lòng.
=> Bạn “khôn” trong bối cảnh hẹp, nhưng không hiểu bối cảnh lớn.
img_0

…tất cả là một hiện thực mà tôi gọi là: “Người thắng, kẻ thua và bên hưởng lợi”

Vì vậy, nếu bạn chỉ biết “khôn” và “ngu”, nó như kiểu, kẻ địch tấn công ồ ạt, bạn sung sướng vì thoát được một quả đạn cối đi lạc, và chế giễu đồng loại thương vong mà không biết họ bị target chính xác bằng tên lửa dẫn đường. Cái ngày bạn thương vong, sẽ có một kẻ “khôn” cười trên xác bạn hệt như vậy, còn chiến lợi phẩm luôn về tay kẻ địch.
Báo chí “đần độn hóa” nạn nhân bằng “ham-việc-nhẹ-lương-cao”, “cả tin” và giấu đi ngữ cảnh đặc thù của họ, nó khiến người ta cảm thấy mình “khôn hơn”, dù chẳng có chút thông minh lẫn trắc ẩn nào với đồng loại khốn khổ của mình.
img_1
Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.