Lịch sử dòng game Megaman/Rockman
Khi nhắc đến một dòng game gắn liền với tuổi thơ, chắc chắn sẽ có nhiều người nghĩ ngay đến Megaman, hay còn được biết đến với cái...
Khi nhắc đến một dòng game gắn liền với tuổi thơ, chắc chắn sẽ có nhiều người nghĩ ngay đến Megaman, hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn là Rockman. Megaman chính là một trong những dòng game có tuổi đời lâu nhất của Capcom nói riêng và của cả ngành công nghiệp game nói chung. Khởi đầu từ năm 1987, tính đến nay, Megaman đã trở thành một thương hiệu lớn, một cái tên khá quen thuộc, sở hữu hàng chục tựa game lớn nhỏ khác nhau và xây dựng được một cộng đồng vững mạnh. Tuy quen thuộc với cộng đồng game thủ Việt Nam, nhưng chính vì số lượng các phần game quá nhiều nên rất ít người biết được đầy đủ về dòng game này. Vì vậy, đây sẽ là một bài viết ngắn gọn nhất có thể để giúp mọi người hiểu hơn về dòng game có tuổi đời khá cao này.
ORIGINAL SERIES
Lịch sử của dòng game Megaman bắt đầu từ tận những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, chính xác là vào năm 1987. Tại thời điểm đó, cỗ máy chơi game NES của Nintendo đang làm mưa làm gió trên thị trường. Các ông lớn như Konami, Nintendo hay Capcom đều ra sức chạy đua để cho ra mắt những sản phẩm chất lượng cho NES. Trong hoàn cảnh ấy, một nhóm gồm sáu người ở Capcom đã được giao cho một nhiệm vụ: tạo ra một tựa game với một phong cách mới, khác biệt so với những game mà công ty đã ra mắt trước đó. Và như vậy, tựa game Rockman đầu tiên ra đời, sau này được biết đến ở phương Tây với cái tên là Megaman. Giám đốc sáng tạo của game - ông Akira Kitamura, đã từng có những chia sẻ về quá trình cả nhóm hình thành nên Megaman như thế nào. Theo như Kitamura thì Megaman được tạo nên theo một cách khá đặc biệt, nó không phải một ý tưởng của riêng người nào mà được tạo nên từ ý tưởng của cả nhóm. Ngoài ra, chia sẻ thêm về tựa game, Kitamura nói rằng ngay từ ban đầu, định hướng của cả nhóm đã là tạo nên một tựa game với nhiều màn chơi. Người chơi có thể hoàn thành hết các màn trong khoảng một giờ, nhưng chúng lại đủ hấp dẫn và thử thách để khiến họ quay lại nhiều lần. Hơn nữa, người chơi có thể tự do lựa chọn thứ tự màn chơi mà mình muốn đi, điều này là để phục vụ cho cách thiết kế hệ thống “vũ khí khắc chế” của game.
Như chúng ta đã biết, cơ chế đặc trưng của Megaman là cứ mỗi khi đánh bại được một con trùm thì ta sẽ sử dụng được vũ khí của chính con trùm đó. Ngoài ra, mỗi con trùm sẽ có một điểm yếu riêng, một khắc tinh là vũ khí của một con trùm khác. Hệ thống này được lấy ý tưởng từ chính trò chơi “kéo búa bao”. Áp dụng vào Megaman ta sẽ thấy được một vòng tròn: vũ khí của trùm 1 khắc trùm 2, vũ khí của trùm 2 khắc trùm 3, cứ như thế cho đến khi vũ khí của con trùm cuối cùng trong dãy lại khắc chế được con trùm đầu tiên. Cơ chế này đã được vận dụng cho gần như tất cả các phần Megaman về sau và trở thành thứ tạo nên thương hiệu của cả dòng game. Chính vì thế, việc cho phép người chơi chọn lựa thứ tự các màn chơi theo ý mình chính là để phát huy tối đa cái hay của hệ thống “vũ khí khắc chế” này, đồng thời cũng tạo nên sức hấp dẫn và tăng giá trị chơi lại cho game.
Còn về phần nhân vật chính của game - một anh chàng robot màu xanh với cái tên là Rockman, hay ở phương Tây thì được gọi là Megaman. Hơn ba mươi năm sau, Megaman đã trở thành một trong những nhân vật game nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng ít ai biết một sự thật khá thú vị rằng, Megaman không phải là nhân vật chính trong giai đoạn đầu làm game của nhóm thiết kế. Cũng theo lời ông Kitamura thì ban đầu, Cutman - về sau trở thành một trong 6 con trùm chính của game - mới là nhân vật chính nguyên bản. Kitamura nói rằng ý tưởng ban đầu của ông về nhân vật chính là một nhân vật có khả năng sử dụng vũ khí là kéo để hạ địch cũng như phá hủy các vật thể. Tuy nhiên dần dần, thêm nhiều ý tưởng về những nhân vật với vũ khí khác nhau xuất hiện và cuối cùng Kitamura quyết định để Cutman cũng như những nhân vật mới kia trở thành những con trùm của game - những Robot Master. Còn về phần nhân vật chính, nhóm phát triển dần hình thành ý tưởng tạo nên một nhân vật có khả năng sử dụng vũ khí của các con trùm sau khi đánh bại chúng. Màu chủ đạo của Megaman được chọn là màu xanh vì nó là màu rất dễ nổi trong hệ thống bảng màu của NES. Keiji Inafune, người sau này hay được gọi là “cha đẻ của Megaman” chính là người đã vẽ nên những thiết kế ban đầu của nhân vật chính và cuối cùng, như chúng ta đã thấy, Megaman ra đời.
Cốt truyện của Megaman, cũng như đại đa số game NES thời kỳ đó, tương đối đơn giản và dễ hiểu. Câu chuyện xoay quanh hai tiến sĩ chuyên ngành chế tạo robot là Thomas Light và Albert Wily. Tuy nhiên, Tiến sĩ Wily dần nảy sinh lòng đố kỵ với tài năng của tiến sĩ Light. Khi tiến sĩ Light nhận được giải Nobel Vật lý, mâu thuẫn bùng nổ, dẫn đến việc tiến sĩ Wily đoạn tuyệt quan hệ với tiến sĩ Light và biến mất. Sau đó, nhờ vào công trình nghiên cứu của mình, tiến sĩ Light chế tạo ra nhiều robot tân tiến khác nhau như Megaman, Roll hay chính các Robot Master. Tuy nhiên, tiến sĩ Wily một lần nữa trở lại, đánh cắp các Robot Master của tiến sĩ Light và biến chúng thành tay sai cho mình để tàn phá thành phố. Và như thế, hành trình đánh bại tiến sĩ Wily của Megaman bắt đầu. Ta có thể thấy rằng motip câu chuyện của Megaman có nhiều nét tương đồng với một bộ anime nổi tiếng thời kỳ những năm 1950 - 1960. Đó chính là bộ anime Mighty Atom, hay còn được biết đến rộng rãi hơn dưới cái tên Astro Boy, chuyển thể từ bộ manga cùng tên của Tezuka Osamu. Có thể nói là Megaman lấy cảm hứng khá nhiều từ Astro Boy và thậm chí rất nhiều người tin rằng Megaman chính là game chuyển thể của Astro Boy. Dĩ nhiên điều này hoàn toàn không đúng khi thực tế là một game Astro Boy cho NES được phát triển bởi Konami đã ra mắt vào tháng 2 năm 1988. Bản thân Keiji Inafune cũng đã từng xác nhận rằng Megaman và Astro Boy hoàn toàn không liên quan đến nhau, nhưng chính vì những sự tương đồng nhất định giữa cả hai nên nhiều người vẫn cứ nhầm lẫn, thậm chí đến tận ngày nay.
Vào ngày 17/12/1987, Capcom chính thức phát hành game ở thị trường Nhật Bản dưới cái tên là Rockman. Mặc dù những ai chơi game đều cực kỳ thích nó, nhưng đáng tiếc là doanh số bán game lại không thực sự cao và nổi trội. Nguyên nhân của việc này là thoạt nhìn thì Rockman có vẻ không phải một game hay. Chỉ những ai thực sự chơi game mới nhận ra game xuất sắc đến thế nào. Mặc dù không trở thành một game bom tấn, nhưng thành công của Rockman là đủ để Capcom tính đến việc cho game ra mắt ở thị trường nước ngoài, đầu tiên là Mỹ. Tuy nhiên, có một vấn đề khi đem Rockman đến Mỹ, đó là vấn đề bản quyền thương hiệu. Thật trùng hợp khi ở Mỹ lúc bấy giờ, có một thương hiệu khá nổi tiếng đã lấy cái tên Rockman - một công ty chuyên cung cấp các thiết bị âm thanh điện tử. Chính vì vậy nên Capcom đã phải đổi tên Rockman sang một cái tên khác. Cuối cùng, cái tên được chọn là Megaman, từ “Mega” ám chỉ đến sức mạnh của nhân vật chính và theo như chi nhánh Capcom ở Mỹ thì cái tên “Megaman” hay hơn nhiều so với “Rockman”. Megaman được ra mắt không lâu sau Rockman ở Nhật và cũng được đón nhận vô cùng tích cực.
Thế nhưng, dù doanh số bán của cả hai thị trường đều tốt, Capcom ban đầu lại không hề có ý định cho ra mắt một hậu bản trực tiếp. Kitamura cùng nhóm của mình đã rất buồn về điều đó. Sau này, ông chia sẻ rằng ngay từ khi mới bắt đầu làm Rockman, cả nhóm đã biết thương hiệu này chắc chắn có thể kéo dài vì tiềm năng của nó là rất lớn. Chính vì thế nên Kitamura mới cố gắng thuyết phục ban lãnh đạo của Capcom đồng ý bật đèn xanh cho Rockman 2. Mặc dù cuối cùng Capcom cũng đồng ý tiếp tục cấp kinh phí để thực hiện Rockman 2, nhưng dự án này không phải dự án trọng điểm nên các thành viên của nhóm chỉ có thể bắt tay vào làm game trong thời gian nghỉ giữa các dự án khác mà họ phải tham gia. Cho dù vậy, vì Rockman 2 là dự án cả nhóm đều thực sự muốn làm nên họ đã dồn hết tâm sức vào phát triển game. Inafune còn nói rằng hồi đó có ngày cả nhóm làm việc đến 19-20 giờ đồng hồ một ngày, nhưng lại chẳng cảm thấy mệt vì đây là thứ mà tất cả thành viên đều thích và muốn biến nó thành hiện thực. Vì vậy cho nên mặc dù chỉ có 4 tháng để phát triển, cả nhóm vẫn có thể hoàn thành Rockman 2 một cách tốt nhất có thể. Rockman 2 sử dụng lại hầu hết những cơ chế đã làm nên thành công của phần đầu tiên, nhưng giờ đây, họ đã có thể đưa vào 8 con trùm chính đầu game thay vì chỉ 6 như phần đầu và từ đó về sau, motip 8 con trùm chính đầu game chính thức trở thành thứ mà đại đa số các game Megaman tuân theo.
Rockman 2 lên kệ vào ngày 24/12/1988 tại thị trường Nhật Bản. Megaman 2 ra mắt ở thị trường Mỹ tháng 6 năm 1989 cùng thị trường châu Âu vào đầu năm 1990. Game tiếp tục được đánh giá cao và giờ đây đã được biết đến nhiều hơn. Fan từ phần đầu tiên nhanh chóng yêu thích nó, những người mới chơi cũng bị ấn tượng ngay lập tức và bắt đầu tìm chơi phần đầu tiên. Đến cuối cùng, Megaman 2 bán được tổng cộng 1,5 triệu bản trên phạm vi toàn cầu và nhờ thế, Capcom cuối cùng đã nhận ra tiềm năng thực sự của con gà đẻ trứng vàng này. Megaman nhanh chóng được bật đèn xanh cho phần tiếp theo, tiếp theo nữa và trở thành một series dài hơi. Mặc dù Kitamura đã nghỉ hưu vào năm 1990, nhưng điều đó không thực sự ảnh hưởng nhiều đến Megaman khi giờ đây, Inafune đã trở thành linh hồn của cả dòng game. Ông trở thành thành viên chủ chốt của cả series Megaman và tiếp tục tham gia phát triển nhiều game trong series suốt 20 năm tiếp theo. Thế là lần lượt các hậu bản tiếp theo được ra đời như Megaman 3, 4, 5, 6, 7, 8 từ năm 1990 đến năm 1996. Megaman Soccer, một game spinoff thể thao năm 1994. Megaman: The Power Battle và Megaman 2: Power Fighters cho máy Arcade năm 1995 và 1997. Megaman & Bass năm 1998. Tất cả chúng đều được đánh giá tốt và góp phần xây dựng nên thương hiệu Megaman cũng như tạo cho mình một cộng đồng fan vững mạnh.
Sức sống của series này (về sau được gọi là Original series - series nguyên bản, nhằm phân biệt với các series khác cùng thuộc dòng Megaman) là rất lớn. Nó lớn đến mức vào thế hệ console thứ bảy là PS3 và Xbox 360 nhưng Capcom vẫn cho ra mắt Megaman 9 và Megaman 10 với cùng kiểu đồ họa 16 bit như những game cũ và vẫn được đón nhận rất tốt. Tuy nhiên, Megaman cũng đã từng rơi vào thời kỳ khủng hoảng và gần như biến mất hoàn toàn, nhất là sau khi Keiji Inafune rời Capcom năm 2010. Kể từ đó, gần như không có một game Megaman nào mới được ra mắt, cùng lắm thì chỉ là những phiên bản Collection mà thôi. Tuy vậy, Megaman chưa bao giờ thực sự bị lãng quên, và vào cuối năm 2018, Capcom đã chính thức hồi sinh Megaman trở lại với Megaman 11 - hậu bản trực tiếp của series nguyên bản. Megaman 11 đã thay đổi hoàn toàn series nguyên gốc với đồ họa tiên tiến và được các fan khắp thế giới đón nhận nồng nhiệt. Tính đến tháng 2 năm 2019, Megaman 11 đã tiêu thụ được 870 ngàn bản trên cả 4 hệ máy PS4, Xbox One, PC và Nintendo Switch. Có thể đây không phải một con số quá lớn, nhưng với một game platforming với lối chơi đã quá quen thuộc thì đó lại là điều ấn tượng. Sự thành công của Megaman 11 cũng đã khẳng định được sức sống mãnh liệt của Megaman và là lời khẳng định gián tiếp của Capcom: Megaman sẽ không chết. Trong tương lai, chắc chắn Megaman sẽ còn tiếp tục ra mắt, và trong 1-2 năm tới, có lẽ chúng ta sẽ được đón nhận Megaman 12 chăng?
MEGAMAN X SERIES
Tạm khép lại lịch sử của Megaman series nguyên bản, chúng ta sẽ cùng đến với series mà có lẽ được đông đảo game thủ Việt Nam biết đến nhất: Megaman X.
Năm 1990, Nintendo cho ra mắt hệ máy chơi game tiếp theo của họ là Super Famicom (sau này được gọi là SNES ở các thị trường ngoài Nhật Bản). Ngay từ lúc đó, Capcom đã bắt đầu tính đến việc đưa Megaman lên hệ máy tiếp theo. Tuy nhiên Inafune cùng đội ngũ của mình không chỉ đơn thuần muốn đưa Megaman lên SNES. Họ muốn Megaman thay đổi nhiều hơn thế, họ muốn thay đổi Megaman không chỉ về đồ họa mà còn về cả gameplay nữa. Do đó, ý tưởng về việc tạo nên một series Megaman khác dần nhen nhóm. Đó chính là tiền đề cho sự khai sinh của Megaman X.
Việc lên ý tưởng và thiết kế thế giới/nhân vật cho Megaman X diễn ra cùng lúc khi series nguyên bản tiếp tục được ra mắt. Tuy nhiên, vì muốn Megaman X là game đầu tiên của dòng game Megaman đặt chân lên SNES nên các hậu bản của series nguyên gốc như Megaman 3, 4 và 5 tiếp tục ở lại với NES. Inafune cùng với học trò của mình là Hayato Kaji bắt đầu vạch ra những thay đổi mới mẻ hơn để tách biệt gần như hoàn toàn Megaman X khỏi Megaman nguyên bản. Chính họ đã đặt ra ý tưởng cho nhân vật chính thêm khả năng thu thập các bộ phận nâng cấp cho chân, tay, thân và đầu để tạo nên một bộ giáp hoàn chỉnh. Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ cơ chế thu thập trang bị của các game nhập vai, vốn đang làm mưa làm gió vào thời điểm ấy.
Inafune cũng chính là người đã tạo nên nhân vật Zero. Một lần nữa, ý định ban đầu là không để Megaman tiếp tục làm nhân vật chính mà game sẽ có một nhân vật chính khác - đó là Zero. Inafune muốn thiết kế lại gần như hoàn toàn game Megaman mới này. Ông muốn một game Megaman hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, bởi vì hình ảnh của Megaman đã quá quen thuộc và lo rằng các fan sẽ phản ứng tiêu cực với việc thay đổi nhân vật chính, cuối cùng Zero bị đẩy xuống hàng nhân vật thứ hai. Ngoài ra, kẻ địch cuối của game cũng được thay đổi, không còn là tiến sĩ Wily nữa. Nhóm thiết kế đã tạo nên một kẻ phản diện mới, lấy cái tên là Sigma. Khác với tiến sĩ Wily khi nguồn cơn của mọi việc chỉ từ lòng đố kỵ với tiến sĩ Light thì Sigma lại là một kẻ phản diện khác hoàn toàn. Hắn ta đã từng là một nhân vật chính diện, nhưng rồi biến cố xảy ra đã biến hắn thành một kẻ hoàn toàn độc ác. Động cơ trở thành kẻ ác của những con trùm giờ đây cũng phức tạp hơn chứ không còn đơn giản như series nguyên bản nữa. Bên cạnh đó, dù Megaman X vẫn giữ lại motip 8 con trùm chính khởi đầu nhưng thiết kế của chúng đã thay đổi. Nếu như thiết kế của các con trùm ở series nguyên bản vốn dựa theo dạng người giống Megaman thì ở Megaman X, thiết kế của chúng phần nhiều dựa vào động vật hoặc thực vật. Và sau này, xuyên suốt các phần game Megaman X, ta có thể thấy đại đa số các con trùm của game đều dựa theo một con vật hoặc một loại thực vật nào đó.
Câu chuyện của Megaman X được viết lại gần như toàn bộ, dù nó vẫn có gắn kết với series nguyên bản. Theo đó, Megaman X diễn ra ở cùng một thế giới với series gốc nhưng ở thời điểm 100 năm sau. Nhân vật chính Megaman X, gọi tắt là X, cũng là một phát minh của tiến sĩ Light, nhưng vì sức mạnh, tiềm năng của X quá lớn nên tiến sĩ Light đã niêm phong X lại. 100 năm sau đó, một nhà khoa học có tên là Cain đã tìm thấy X và khởi động cậu. Nhân vật phụ Zero thì lại là một sáng chế của tiến sĩ Wily. Câu chuyện dần trở nên phức tạp hơn qua các hậu bản sau này và đến phần game mới nhất trong series là Megaman X8, mọi chuyện vẫn còn bỏ ngỏ.
Megaman X được ra mắt tại thị trường Nhật Bản vào ngày 17/12/1993 cho SNES và đến tháng 1 năm sau thì game ra mắt ở Mỹ. Megaman X nhận được đánh giá vô cùng tích cực vì đồ họa cùng lối chơi được cải tiến nhưng vẫn giữ được cái chất của Megaman nguyên bản. Đến cuối cùng, Megaman X đã tiêu thụ được khoảng gần 1,2 triệu bản trên toàn cầu, mở đường cho những hậu bản kế tiếp của riêng nó. Lần lượt vào năm 1994 và 1995, hai hậu bản của Megaman X được ra mắt là Megaman X2 và Megaman X3. Chúng tiếp tục nhận được đánh giá tích cực và nhờ đó, bên trong cộng đồng hâm mộ Megaman dần hình thành nên một cộng đồng hâm mộ của riêng Megaman X.
Ngay từ Megaman X3, game đã được đem lên các nền tảng khác ngoài SNES. Megaman X3 cùng với Megaman 8 là hai game Megaman đầu tiên đặt chân lên PlayStation của Sony. Tuy nhiên, Megaman X3 chỉ đơn thuần là một bản port từ SNES đưa lên PlayStation nên đồ họa không có gì thay đổi. Phải đến Megaman X4 thì Capcom mới chính thức phát triển Megaman cho các hệ máy của Sony và cũng nhờ đó, Megaman X4 trở thành một tượng đài không thể xô đổ của Megaman X nói riêng cũng như của toàn dòng game Megaman nói chung. Cho đến tận bây giờ, Megaman X4 vẫn là game Megaman yêu thích nhất của nhiều người và với rất nhiều game thủ Việt Nam thì nó chính là tuổi thơ của họ. Sau Megaman X4, Capcom tiếp tục cho ra mắt Megaman X5 và dự định ban đầu của Inafune là kết thúc câu chuyện của Megaman X ở X5 với một cái kết đóng hoàn toàn. Tuy nhiên, vì sức hút của Megaman X đã dần trở nên quá lớn và có phần lấn át cả series nguyên bản, cũng như do series nguyên bản đã tạm ngưng ra mắt game nên Capcom muốn tiếp tục cho ra mắt Megaman X6. Bây giờ nhìn lại, có lẽ quyết định đó thực sự sai lầm. Megaman X6 là một game được ra mắt một cách miễn cưỡng cho nên mọi thứ của nó đều là một đống hổ lốn. Zero hy sinh ở cuối Megaman X5 nhưng giờ đây hồi sinh ở X6 bằng một cách không ai hiểu nổi. Thiết kế màn chơi của X6 cũng bị đánh giá là khá tệ, khó một cách rất ức chế chứ không còn tính thử thách như các phần trước. Việc Zero của X6 trở nên mạnh một cách phi lý cũng là một điểm trừ không nhỏ với phần game này. Hậu quả là Megaman X6 nhận được những điểm số rất kém. Nhưng vì danh tiếng của Megaman X cho nên doanh số của X6 vẫn được coi là tốt, và lẽ đương nhiên, Capcom tiếp tục ra mắt Megaman X7 và lần này, mọi chuyện còn kinh hoàng hơn.
Ở thời điểm bắt đầu phát triển Megaman X7, cỗ máy PS2 đang ở giai đoạn đỉnh cao của nó, cho nên đương nhiên là Capcom muốn Megaman X7 trên PS2, nhưng chuyện không chỉ có thế. Lần này, Capcom muốn biến Megaman X thành một game với đồ họa 3D chứ không còn là game 2D như trước. Có lẽ thành công đến từ hai phần game 3D trước đó là Megaman Legends và Megaman Legends 2 đã khiến Capcom tự tin về Megaman X7. Megaman X7 cũng là tựa game đầu tiên của series đem vào cơ chế thay đổi nhân vật giữa trận đánh, khi giờ đây dàn nhân vật điều khiển được đã có thêm một nhân vật mới. Bắt đầu mỗi màn chơi, người chơi sẽ có thể chọn 2 trong số 3 nhân vật để chiến đấu. Nghe qua thì rất hay, nhưng đáng tiếc là Megaman X7 đã thất bại hoàn toàn trong công cuộc cách tân của mình. Tới tận bây giờ, Megaman X7 vẫn bị coi là một trong những game Megaman kém nhất từng được làm ra. Lý do thì khá nhiều như: Zero bỗng trở nên vô dụng một cách kỳ lạ. Tên game là “Megaman X” nhưng mãi đến nửa sau của game chúng ta mới được điều khiển X? Thiết kế màn chơi không có gì nổi trội, tận dụng môi trường 3D không tốt. Tuy vậy, Megaman X7 vẫn được đánh giá tương đối ổn vào thời điểm nó ra mắt. Ngay sau Megaman X7, Capcom tiếp tục có một thử nghiệm khác với Megaman X là biến nó thành một game RPG theo lượt, đó chính là Megaman X Command Mission. Tựa game này mặc dù có chất lượng ổn nhưng lại không nổi tiếng và cũng không đạt được nhiều thành công lắm. Cuối cùng, Capcom vẫn quay lại truyền thống của họ với Megaman X8.
Megaman X8 đã đưa phong cách platforming 2D trở lại, nhưng model nhân vật thì vẫn là 3D. So với Megaman X7 thực sự tệ hại thì Megaman X8 đã khá hơn rất nhiều, nhưng nó vẫn chịu chỉ trích từ các fan là lối chơi kém hơn so với Megaman X4 hay X5. Đó thực sự là những lời chỉ trích quá khắt khe khi Megaman X8 cũng có những cái hay của riêng nó, nhưng như thế là không đủ. Cũng chính vì những thất bại từ X6 và X7 nên lòng tin của fan với Capcom dần tan biến và chất lượng của X8 không đủ để giữ cho Megaman X tiếp tục. Vì vậy cho nên đã 17 năm trôi qua nhưng Megaman X vẫn còn bỏ ngỏ và năm này qua năm khác, người hâm mộ vẫn chờ đợi Megaman X9 để có thể chứng kiến một cái kết thực sự cho series này.
MEGAMAN ZERO/ZX SERIES
Cả hai series lớn của Megaman là series nguyên bản và Megaman X đều không có được một cái kết thực sự. Nhưng trong khi series nguyên bản vẫn sống tốt thì Megaman X lại khó có cơ hội tái xuất. Megaman Zero chính là series Megaman đầu tiên có được một cái kết hoàn chỉnh.
Megaman Zero là series được phát triển riêng cho máy cầm tay Gameboy Advance, tuy nhiên Capcom lại không trực tiếp phát triển series này. Họ giao trọng trách phát triển Megaman Zero cho một studio còn khá non trẻ là Inti Creates, thành lập từ các cựu thành viên Capcom. Vốn chỉ được phát triển cho máy cầm tay nên cũng không nhiều người nghĩ Megaman Zero sẽ làm nên kỳ tích, ấy thế mà mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Megaman Zero đạt được thành công vô cùng to lớn, mở đường cho 3 hậu bản kế tiếp và biến series này trở thành series Megaman được nhiều người đánh giá là xuất sắc nhất.
Megaman Zero lấy bối cảnh ở cùng thế giới với Megaman X sau cái kết ở Megaman X5 (cái kết thực sự mà Inafune đã muốn để chấm dứt dòng thời gian của Megaman X). Quãng thời gian giữa Megaman X và Megaman Zero là 100 năm, lần này Zero đã thực sự trở thành nhân vật chính. Những gì có thể nói về Megaman Zero được gói gọn trong hai từ “khác biệt”. Megaman Zero là series có phong cách thiết kế nhân vật rất khác biệt so với Megaman nguyên bản hay Megaman X, đến mức thoạt nhìn không ai nghĩ là ba series này cùng một thế giới cả. Cốt truyện của Megaman Zero cũng đen tối hơn rất nhiều khi nó biến X từ một người hùng trong Megaman X trở thành một kẻ sa ngã và trở thành một tên độc tài. Thậm chí mọi việc còn khủng khiếp hơn khi sự kiện kết nối giữa hai series Megaman X và Megaman Zero lại là một cuộc chiến khủng khiếp mà đã suýt xóa sổ toàn nhân loại và cũng chính là nguyên nhân khiến X "bị sa ngã" (ừ tôi biết sự thật nó khác, nhưng hãy tạm để đó đã mà không bàn sâu hơn). Nói như vậy để thấy Megaman Zero đã phá cách như thế nào, từ thiết kế nhân vật cho đến bối cảnh, cốt truyện và cả gameplay.
Nếu như ở Megaman nguyên bản hay Megaman X, chúng ta đã quen với việc đánh trùm để lấy vũ khí và thu thập giáp để mạnh lên thì với Megaman Zero, mọi thứ khác biệt hoàn toàn. Megaman Zero không có vũ khí đặc biệt hay kĩ năng đặc biệt, nhưng Zero lại có thể sử dụng 4 thứ binh khí khác nhau với công dụng hoàn toàn khác biệt. Zero sẽ không có áo giáp nâng cấp như X, bù lại thì game có hệ thống các vật phẩm hỗ trợ đặc biệt rất hữu dụng được gọi là Elf. Chúng có thể giúp Zero hồi máu, tăng lượng máu tối đa, hay cứu Zero khỏi những cái bẫy chết người, thậm chí có những Elf còn có công dụng yểm trợ hỏa lực. Tính cơ động của Zero đã được nâng lên khá nhiều so với Megaman X khi giờ đây người chơi có thể vừa chạy hoặc trượt vừa tấn công. Nhưng nếu Zero được nâng cấp một thì kẻ địch được nâng cấp đến mười. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Megaman Zero được đánh giá là series Megaman có độ khó nhất cả dòng game, nhất là phiên bản Megaman Zero đầu tiên. Cách di chuyển và hitbox của kẻ địch trong game thực sự khó chịu và cần phản xạ cũng như căn chỉnh thật tốt để có thể tránh được. Ngoài ra, Megaman Zero cũng đem vào một chút yếu tố RPG khi để thu thập được nhiều Elf mạnh thì cách duy nhất là cày cuốc. Chính điều đó đã khiến thời lượng chơi của game tăng lên đáng kể.
Liên tiếp trong 4 năm từ 2002 đến 2005, 4 phiên bản Megaman Zero lần lượt được ra mắt và giành được những thành công vang dội. Ngoài ra, Megaman Zero cũng là series đầu tiên của cả dòng game có được một cái kết thực sự chứ không phải chịu cảnh bỏ ngỏ như series nguyên bản hay Megaman X. Ngay tiếp sau Megaman Zero, Capcom tiếp tục giao cho studio Inti Creates nhiệm vụ tạo nên một series khác nữa giành cho Nintendo DS. Và đó chính là series Megaman ZX, lấy mốc thời gian 200 năm sau các sự kiện của Megaman Zero. Megaman ZX tiếp tục đạt được nhiều thành công và có cho mình một hậu bản là Megaman ZX Advent vào năm 2007. Đầu năm 2020, Capcom đã chính thức đem cả hai series này lên các hệ máy hiện đại dưới cái tên Megaman Zero/ZX Collection. Một tín hiệu đáng mừng cho các fan của hai series này và có lẽ cũng là hy vọng cho một hậu bản kế tiếp của Megaman ZX chăng?
MEGAMAN LEGENDS/BATTLE NETWORK/STAR FORCE SERIES
Bên cạnh những series với lối chơi thiên về platforming thì chúng ta cũng có một vài series Megaman với lối chơi khác biệt. Đầu tiên phải kể đến Megaman Legends - series đầu tiên của Megaman được làm với phong cách đồ họa 3D. Gameplay của Megaman Legends theo dạng bắn súng góc nhìn thứ ba và lấy bối cảnh một thế giới khác hoàn toàn so với chuỗi các series nguyên bản - Megaman X - Megaman Zero - Megaman ZX. Có thể coi Megaman Legends như một sự thử nghiệm của Capcom và nó đã thành công. Một game prequel của Megaman Legends đã được ra mắt năm 1999 và một hậu bản trực tiếp là Megaman Legends 2 được ra mắt năm 2000. Mặc dù sở hữu số lượng game trong series khá khiêm tốn nhưng cũng có nhiều người yêu thích Megaman Legends vì sự độc đáo của nó. Hậu bản tiếp theo là Megaman Legends 3 đã được phát triển và thông báo tới fan, nhưng dự án đó đã bị hủy bỏ năm 2011 mà không rõ lý do thực sự. Điều này đã khiến các fan của Megaman Legends cực kỳ nuối tiếc và họ vẫn mong một ngày nào đó Capcom sẽ hồi sinh lại Megaman Legends 3.
Ngoài ra, Capcom cũng phát triển hai series Megaman thiên về lối chơi RPG là Megaman Battle Network và Megaman Star Force. Battle Network là series được phát triển cho hệ máy Gameboy Advance còn Star Force thì dành cho Nintendo DS. Cũng giống Megaman Legends, Battle Network và Star Force lấy bối cảnh ở một thế giới khác hoàn toàn so với các series kia và cũng như trường hợp của Megaman Zero, Megaman Battle Network là series thứ hai có được một cái kết thực sự (dù rằng Star Force sau đó lấy bối cảnh ở tương lai xa của Battle Network). Battle Network và Star Force cũng là hai series game Megaman có cho riêng mình những bộ anime chuyển thể. Megaman NT Warrior là anime chuyển thể của Battle Network còn Megaman Star Force là anime chuyển thể cùng tên của series game. Lối chơi của cả Battle Network lẫn Star Force đều thuộc thể loại kết hợp giữa hành động nhập vai và hệ thống thẻ bài. Đây là những thay đổi thú vị so với lối chơi truyền thống của Megaman là thuần hành động. Nó bắt người chơi phải vận dụng tính chiến thuật nhiều hơn và cũng tốn thời gian cày cuốc hơn. Cả hai series Battle Network và Star Force mặc dù không nhận được những đánh giá quá cao nhưng cũng nằm ở mức khá và đủ thành công để có cho mình một cộng đồng fan nhất định. Tuy nhiên, series Star Force lại phải chịu cảnh bỏ ngỏ khi dự án Megaman Star Force 4 đã bị Capcom hủy bỏ năm 2010 do doanh thu kém cỏi từ hai tựa game Megaman Star Force 3 và Rockman EXE Operation Shooting Star. Hy vọng rằng trong tương lai, với sự hồi sinh mạnh mẽ của thương hiệu Megaman thì Star Force 4 sẽ có thể được phát triển trở lại.
KẾT
Trên đây là lịch sử cơ bản và vắn tắt nhất về dòng game Megaman và các series game chính của nó. Hiện nay, chúng ta không rõ kế hoạch của Capcom với thương hiệu lâu đời này ra sao, nhưng hy vọng rằng sẽ có một ngày, họ tiếp tục phát triển các hậu bản tiếp theo của các series game này, và thậm chí có thể tạo ra một series mới với lối chơi mới mẻ hơn để bắt kịp với thị trường game hiện đại. Biết đâu được, đâu có ai đánh thuế giấc mơ?
Đọc thêm:
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất