Làm thế nào để xác định được một bộ anime đáng xem ?
Lưu ý : Bài viết này chỉ phù hợp với những bạn mới bắt đầu xem anime, những bạn muốn thực sự tìm hiểu về anime hay những bạn muốn mở...
Lưu ý: Bài viết này chỉ phù hợp với những bạn mới bắt đầu xem anime, những bạn muốn thực sự tìm hiểu về anime hay những bạn muốn mở rộng thêm hiểu biết của mình về anime.
Thời điểm bài viết này ra đời cũng là gần sang năm mới rồi, tôi tự nhủ với mình rằng nên làm cái gì đó để lại một dấu ấn đặc biệt. Vậy nên, đó là lý do mà bài viết này ra đời, và tôi cũng mong các bạn sang năm mới cũng học được nhiều điều mới và bớt tồi tệ hơn năm trước.
Quay trở lại vấn đề, tôi đoán rằng những ông vào bài viết này chủ yếu là mấy ông wibu (ở đây tôi không có ý kì thị), hoặc cũng là những người đang bắt đầu tìm hiểu về anime. Thế nên tôi xin khiêm tốn dùng tầm nhìn của mình để chia sẻ với các bạn về cách để tìm ra một bộ anime đáng xem.
Đọc thêm:
1. Anime là gì:
Words, visuals and sound... when a viewer experiences the amount of information that all of them combined has, their feelings may sway. - Naoko Yamada.
Dịch: Từ ngữ, hình ảnh và âm thanh,... khi một người xem trải nghiệm lượng thông tin do những yếu tố trên kết hợp lại, cảm xúc của họ cũng sẽ bị tác động theo.
Anime is one frame by one frame with something a human has created to move around. It's that 'animation' process that moves people. You have to never forget that intent when creating something. - Naoko Yamada
Dịch: Anime là những khung hình nối tiếp khung hình, thứ mà con người tạo ra để chúng có thể chuyển động. Chính cái 'sự chuyển động' ấy làm lay động người xem. Bạn đừng nên bao giờ quên yếu tố đó khi tạo ra bất cứ thứ gì.
Bây giờ, ta đã có một định nghĩa về anime từ nữ đạo diễn Naoko Yamada. Nếu bạn không biết thì Naoko Yamada là nữ đạo diễn đã làm nên bộ phim A Silent Voice (Koe no Katachi) đình đám một thời, và bạn có thể tham khảo thêm trên Wikipedia. Nhưng đấy không phải là thứ ta cần bàn, thứ ta cần là cái nhìn chuẩn xác, khách quan nhất về anime.
Theo Yamada, anime là thứ do con người tạo ra, và chúng là những dãy khung hình nối tiếp nhau. Trong những dãy khung hình đó có hình ảnh, âm thanh và từ ngữ của các nhân vật,... Có lẽ đây gần như là một motif bình thường của hầu hết tất cả bộ anime hiện nay. Vậy làm thế nào để dựa trên khái niệm trên, ta có thể xác định được bộ anime nào đáng xem và không đáng xem đối với chính bản thân ta. Cái đó là do tự bản thân bạn tìm lấy, còn tôi xin nêu ra cảm nhận của cá nhân của mình.
Theo tôi, một bộ anime hay thực sự là phải thực tế. Tôi xin nhắc lại rằng đó là ý kiến cá nhân của tôi. Cho nên tôi không bác bỏ hoặc lên án chê bai khẩu vị anime của các bạn, thay vào đó tôi sẽ đi vào phân tích hiện trạng ngày nay để rút ra bài học cho mỗi chúng ta.
Đọc thêm:
2. Hiện trạng ngày nay:
Theo như kinh nghiệm quan sát mấy năm nay của tôi, hầu như trên các bảng xếp hạng top anime của tháng trên các website anime hiện nay, lúc nào ít nhất cũng có một bộ anime isekai (và những bộ anime nhảm nhí khác). Còn những bộ thực sự hay thì hầu như tôi rất hiếm khi thấy. Tại sao lại có hiện trạng này ?
Nếu bạn chịu khó để ý quan sát, thì bạn cũng có thể thấy ngay bên cạnh mình cũng xuất hiện hiện tượng này. Hầu như mọi người hiện nay đều chỉ hấp thụ thông tin theo kiểu gà công nghiệp, tức là chỉ xem mà chẳng đọng được gì. Lũ con gái thì xem phim Hàn Quốc, để ngắm mấy anh Hàn Quốc mà chúng cho là đẹp trai. Còn lũ con trai thì đua nhau trên mạng thể hiện rằng mình là bad boy đối với lũ bạn, lũ con gái và những em khoá dưới. Tất nhiên chúng đều có những cái tốt riêng, nhưng hầu như chẳng có giá trị gì quá to lớn, hay có thể nói là không có gì tốt đẹp, và chúng cũng chỉ là những phong trào nhất thời mà thôi. Năm trước thì bé Lê Văn Đạt, năm nay thì Gái Nhật Đó. Hầu như các phong trào hiện nay đều chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, rồi cũng biến mất đi theo thời gian khi chúng không còn giá trị lợi dụng đối với chúng ta.
Đáng buồn hơn, hầu như trong các thành phần anime, tôi thấy thành phần 'trẻ trâu' là chủ yếu (chuyên đi làm anh hùng bàn phím trên mạng), còn thành phần tri thức, chăm lo tìm hiểu, suy ngẫm và chắt lọc cho riêng mình những bộ anime giá trị thì rất ít. Thử hỏi một người xem hàng ngàn bộ anime, liệu rằng họ có nhớ hết những điều cốt lõi của từng bộ đó không, hoặc ít nhất là chỉ nhớ một chữ trong tên của chúng !
3. Lời khuyên:
Trước tiên, tôi xin phân biệt một bộ anime thành công và một bộ anime thất bại. Một bộ anime thành công cũng chưa hẳn là hay (tốt), và một bộ anime thất bại cũng chưa hẳn là dở (xấu). Ý tôi muốn nói ở đây là gì? Tôi muốn các bạn nhận thức được rằng những bộ anime nổi tiếng hiện nay cũng chưa hẳn là hay, nên điều thứ nhất, tôi khuyên những bạn mới tập tành xem anime thì đừng nên xem những bộ anime trong top trending một cách quá vội vàng. Thay vào đó, tôi mong muốn các bạn hãy tìm hiểu về một bộ anime nào đó thực sự rõ ràng, rồi mới quyết định có chọn xem hay không. Cũng giống như một quyển sách vậy, bạn không thể đánh giá nội dung của nó chỉ qua bìa sách. Vì vậy, xin hãy cố gắng tìm hiểu trước nội dung rồi hãy bắt đầu xem, chứ đừng nên phán xét một bộ anime nào đó (hay ngành công nghiệp anime) là nhảm nhí khi bạn không thực sự tìm hiểu về giá trị cốt lõi của nó.
Điều thứ hai, với những bạn xem anime lâu năm, đối với những bạn đã quá quen với một khẩu vị anime nào đó rồi, tôi khuyên bạn nên xem đa dạng nhiều thể loại, chứ đừng nên đứng về một phía quá nhiều. Tôi xin thú nhận bản thân đã từng là một người xem thể loại isekai (chuyển sinh) rất nhiều, nhưng bây giờ tôi có thể nói rằng tầm nhìn của mình đã rộng hơn khi chuyển sang xem nhiều thể loại anime khác nhau, trong đó tôi thích nhất thể loại tâm lý. Vì vậy, tôi mong các bạn hãy cố gắng mở rộng tầm nhìn của chính mình, bởi thật ngu ngốc khi lặp đi lặp lại một hành động mà đòi một kết quả mới. Nhưng, tôi phải thành thật lưu ý với bạn rằng bạn nên hạn chế xem những thể loại anime nhảm nhí hoặc những bộ màu mè mà không có chiều sâu bên trong, cứ như một con người đẹp nhưng tâm hồn lại mục nát, chán nản vậy.
4. Cảm nhận:
Về khẩu vị của tôi, tôi thích những bộ anime thực sự hay. Những bộ anime mà chúng thực sự khiến tôi đồng cảm với nhân vật, và chúng sở hữu trong mình một chiều sâu thực sự. Đồng thời, như đạo diễn Yamada đã nói, 'sự thực tế' trong anime cũng là một điều không thể thiếu, thứ mà đã thể hiện rất rõ trong hầu hết mọi tác phẩm của cô. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn các bạn hãy tự tìm lấy một vài tác phẩm làm dấu ấn cho thời thanh xuân của mình, để không uổng phí những năm tháng mà chính mỗi bản thân chúng ta đã dành cho anime-thứ nghệ thuật giản dị nhưng thực sự cao quý.
Peace.
P/s: Cảm hứng giúp tôi viết nên bài này một phần là từ Oldcat-san, vì vậy, tôi thật sự cảm thấy rất biết ơn nếu bạn có thể ủng hộ anh ấy, không chỉ trên Youtube mà còn cả trên Facebook.
Đọc thêm:
Otakulture
/otakulture
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất