Làm thế nào để tự học hiệu quả (phần 3)
Bài này, mình chia sẻ thêm về các nguyên tắc để gợi nhớ thông tin hiệu quả. Và một điều rất quan trọng mình nhận ra về tự học: tự học hiệu quả gắn liền với việc tự tư duy, suy nghĩ theo cách của chính mình.
Hành trình tự học, như một hành trình phát triển bản thân đầy thú vị, thực sự đã mở rộng tâm trí mình. Ở bài này, mình chia sẻ thêm về các nguyên tắc để gợi nhớ thông tin hiệu quả. Và một điều rất quan trọng mình nhận ra về tự học: tự học hiệu quả gắn liền với việc tự tư duy, suy nghĩ theo cách của chính mình.
Tóm tắt một chút ở kì trước: Phần 1, mình đã viết về trí nhớ, quá trình xử lý thông tin: tiếp nhận (encode), gợi nhớ (retrieve) và thiết lập (consolidate), và nguyên tắc để tiếp nhận thông tin hiệu quả. Phần 2 là chủ đề về tư duy liên hệ (relational thinking), từ đó, sinh ra khả năng tổng quát hóa của chúng ta, hình thành nên các mô hình suy nghĩ (mental model), nhưng cũng dẫn tới những hạn chế nhận thức (ví dụ confirmation bias).
Bài học 1. Cách để gợi nhớ hiệu quả
Vì não ta có xu hướng quên đi những thông tin ít sử dụng (nếu không quên đi chắc đầy ắp mọi thứ mất), để kiến thức được khắc sâu trong tâm trí, ta rất cần gợi nhớ (retrieve) thông tin thường xuyên, và bỏ nhiều công sức (effortful recall) .
Phần đầu của chuỗi bài tự học mình đã nhắc tới "Desirable difficulties", tức là ta cần có một thử thách vừa đủ thì việc học sẽ hiệu quả hơn. Retrieval tốn công một chút, challenging một chút thì sẽ học tốt hơn. Áp dụng tháp Bloom, retrieval kiến thức sẽ hiệu quả hơn nhiều khi mình thực hiện việc áp dụng, phân tích, đánh giá và tự tạo nội dung (như viết blog này) về kiến thức liên tục sau khi tiếp nhận kiến thức.
Spacing/ Spaced repetition là khái niệm để chỉ việc học và ôn tập kiến thức nên được lặp lại trong quá trình học của chúng ta. Chúng ta sẽ quên kiến thức sau một khoảng thời gian, vì vậy, càng bỏ công sức gợi nhớ, tìm kiếm sau khoảng thời gian đầu tiếp xúc với kiến thức thì càng nhớ nó lâu hơn.
Nhưng thật sự, việc chỉ mở lại nhìn những thứ bạn đã học thật nhàm chán và không hiệu quả phải không? Một cách khá thú vị để gợi nhớ thường xuyên mà mình học được gần đây là đắm chìm trong môi trường cần sử dụng kiến thức để có thể liên tục nhớ lại những gì mình đã học và áp dụng nó. Môi trường tuyệt vời là mình được chìm đắm trong môi trường có thế áp dụng liền những gì mình đang học: ví dụ, học về UX/UI thì đang trực tiếp làm phát triển sản phẩm, học data thì cũng đang làm data analysis. Nhưng môi trường cũng có thể do mình tự tạo ra bằng cách chủ động chia sẻ những điều mình đang được học với những người xung quanh, và tìm mọi cơ hội xung quanh để áp dụng nó.
Khi tìm hiểu về mô hình Jobs-to-be-done (JTBD), mình thuật lại kiến thức này cho đồng nghiệp và vài người bạn của mình, vừa nhớ lại những gì đã học, vừa lắng nghe góc nhìn của họ xem có khía cạnh nào mình đã bỏ sót, có khía cạnh nào chưa phù hợp với thực tế. Mình liên tục nghĩ Về cách áp dụng JTBD trong việc thấu hiểu user ở các tính năng hiện tại mình đang phụ trách. Và đưa ra kết luận là cũng khá là khó để áp dụng full flow của JTBD như một công cụ để nghiên cứu định lượng, nhưng vẫn hữu hiệu cho mindset của mình.
Kết hợp giữa spacing với diffused mode tức là giãn cách 1 thời gian để não được thở, tự kết nối, hoạt động trở lại để tự gợi nhớ, xây dựng kiến thức. Diffused mode là trạng thái đầu óc thư giãn để cho phép các liên kết trong não tự do kết nối với nhau. Những ý tưởng vĩ đại đã xuất hiện trong những lúc ta không ở trên bàn làm việc: Eureka đang tắm, Newton đang ngồi dưới gốc táo, Beethoven đang đi dạo dưới ánh trăng,...
Interleaving là việc học các topic khác nhau đan xen nhau, cũng dựa trên nguyên tắc spacing. Sau khi focus học chủ đề A, tới lúc A cần spacing, ta sẽ học chủ đề B. Học đan xen để tìm được những điểm tương đồng của 2 chủ đề giúp mình tăng khả năng áp dụng kiến thức đa lĩnh vực và sáng tạo.
Dạo gần đây, mình thấy rằng việc đọc nhiều quyển sách cùng một khoảng thời gian mang lại sự kết hợp không ngờ so với việc chỉ đọc một quyển sách. Hiện tại, trong lúc học về UX và psychology, mình cũng học về cách học, và thấy não có nhiều giới hạn nhận thức, khiến cách tư duy của chúng ta bị bó hẹp. Đọc về "The laws of human nature" mới thấy con người dễ rơi vào trạng thái để cảm xúc làm chủ lí trí. Điều này có liên hệ với UX khi UX đề cao việc mang tới cho user một trải nghiệm, một cảm xúc phù hợp với ngữ cảnh. Hay mô hình JTBD cũng nói riêng về khía cạnh emotional và social jobs, bên cạnh functional jobs (tư duy lí trí).
Bài học 2. Nghĩ theo cách của bạn
Nghĩ theo cách của bạn giúp bạn tạo connection sâu sắc thực sự với mental model của mình, với những gì bạn đã biết, và giúp kiến thức ghi nhớ lâu hơn.
1.1 Giải thích các khái niệm, tóm tắt theo cách của bạn
Tại sao việc giải thích theo cách của mình lại quan trọng đến vậy? Khi giải thích một khái niệm theo cách riêng của mình, mình đã phải xử lý và hiểu ý nghĩa của khái niệm, cũng như mối liên hệ của khái niệm với những khái niệm khác.
Không chỉ vậy, khi mình học một thông tin mới, bạn đang học nó theo cách hiểu của (1) tác giả, hay (2) người đang truyền dạy cho bạn: giáo viên, blogger (như mình). Thông qua cách hiểu của người khác, concept này đã qua một bộ lọc của họ. Vì, cũng tương tự như bạn, họ có schema của họ. Vì vậy, khi học một khái niệm mới, một thông tin mới, hãy tóm tắt cách hiểu đó theo cách của mình.
Tóm tắt có thể bằng 2 hình thức:
Bằng từ ngữBằng hình ảnh (bao gồm cả đồ thị): concept map, mindmap,...
Encode thông tin bằng hình ảnh được khuyến khích hơn, vì não mình có thể xử lý hình ảnh nhanh gấp 60.000 lần so với text. Theo lý thuyết Dual Coding của Allan Paivio, hình ảnh kích hoạt 2 chế độ xử lý thông tin trong não: 1- image code, tức mã hóa bằng hình ảnh, và 2- verbal code, mã hóa bằng ngôn từ. Trong khi đó, từ ngữ chỉ kích hoạt verbal code. Vì lưu trữ ở 2 hình thức, nên hình ảnh cũng dễ gợi nhớ hơn so với ngôn từ.
Ngoài ra, khi tóm tắt bằng hình ảnh, từ ngữ phải cô đọng, mình đã đúc rút core value của nó. Khi kiến thức càng dày lên, mình không chỉ nhớ một khái niệm, mà còn rất nhiều khái niệm liên quan. Sử dụng concept map (hay các loại map tương đương) có thể giúp mình dễ dàng nhìn thấy bức tranh tổng quan hơn: không chỉ biết concept, mà còn hiểu mối quan hệ giữa các concept. Đây là yếu tố quan trọng để tạo nên transfer learning, tức là việc áp dụng kiến thức trong nhiều context, đặc biệt trong cả khi với những trường hợp bất ngờ - hay chính là những gì cuộc sống thực vẫn luôn bao gồm nhiều điều bất ngờ.
1.2 Unchunk & rechunk
Có thể bạn đã nghe nhiều về chunking - phân nhỏ nội dung cần học. Tại sao chunking hiệu quả? Chúng ta nhớ lại về sự giới hạn của cognitive load, khi working memory làm việc hiệu quả với 4-7 slot để xử lý thông tin. Việc chia nhỏ nội dung cần học là để phù hợp với đặc điểm tự nhiên của cognitive load.
Chunk như thế nào để hiệu quả? Vì não chúng ta bản chất là tư duy liên hệ (relational thinking), não sẽ dễ tiếp nhận, xử lý và gợi nhớ những thông tin có cấu trúc rõ ràng (Mình đã bàn luận khá chi tiết về relational thinking, một khái niêm cơ bản để bắt đầu chặng đường tự học hiệu quả). Những thông tin được sắp xếp có hệ thống cũng sẽ có thể lưu trữ lâu dài hơn trong não chúng ta. Do đó, quy tắc thứ 2 của chunk là chia nhỏ thành các vấn đề và các vấn đề này cần có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Nhưng chunk thôi thì chưa đủ. Khi chúng ta bắt đầu học khái niệm, kiến thức mới, ta thường học cách chunk kiến thức từ người khác, dựa trên outline từ một khóa học, một quyển sách, một bài blog. Tuy nhiên, cách chunk của mỗi người bị ảnh hưởng bởi schema của họ, và rất có khả năng sẽ khác cách suy nghĩ của bạn. Unchunk ở đây có nghĩa là bạn hãy tạm tháo gỡ outline hiện tại, để rechunk - tìm cách chunk kiến thức lại theo một cách phù hợp với mental model của mình.
Ví dụ, lúc mới bắt đầu học về cách học, mình đã tiếp xúc với khá nhiều kiến thức, như trí nhớ, cách não bộ xử lý thông tin, cách ghi chú, highlight,... Sau khi học xong, mình ngẫm lại rằng, việc học hay việc tư duy nói chung của con người gồm 2 thành tố quan trọng: tư duy lí trí và cảm xúc. Tư duy lí trí dẫn dắt phần lớn các kiến thức mình tiếp cận, trong khi đó, khía cạnh cảm xúc lại là thành tố quan trọng để xây dựng và duy trì thói quen học tập. Yếu tố cảm xúc này cũng được nhắc đến rất nhiều trong product management.
Tóm lại là
Gợi nhớ thông tin hiệu quả bằng việc cố gắng recall liên tục trong môi trường xung quanh, cũng như học vài thứ cùng lúc để tăng khả năng sáng tạo. Tạo ra một thử thách vừa đủ (desirable difficulties), và luôn chú trọng các hành động để xử lý thông tin sâu sắc hơn: tạo ra nội dung, đánh giá nội dung, tổng hợp thông tin và phân tích chúng, thay vì chỉ đọc lướt những thông tin đó (tháp Bloom). Kĩ thuật để tư duy tốt hơn còn là việc xử lý thông tin theo cách tư duy của mình: tóm tắt bằng ngôn ngữ của mình, hay tự cấu trúc thông tin theo cách riêng.
Tự học tức là tư duy nhiều hơn, động não nhiều. Còn rất nhiều thứ mình chưa biết và muốn viết trong những bài tiếp theo, như cảm xúc, như cognitive bias. Nhắc nhở bản thân rằng:
“The only thing I know is that I know nothing”
(Còn tiếp)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất