Nói chuyện truyền thông nhân việc bà Phương Hằng "nã súng" vào showbiz
Bà Phương Hằng không nói ra điều không ai biết, bà chỉ nói ra điều, ai cũng biết mà không một ai dám nói ra. Vì vốn dĩ là, ngành nghề...
Bà Phương Hằng không nói ra điều không ai biết, bà chỉ nói ra điều, ai cũng biết mà không một ai dám nói ra. Vì vốn dĩ là, ngành nghề nào cũng vậy, có những góc khuất mà người trong cuộc ai ai cũng tỏ, nhưng người ngoài không mấy ai biết.
Thật ra mình không care và không xem bất cứ thứ gì liên quan đến lùm xùm gần đây của bà "chính đạo" Phương Hằng. Mình thừa biết giới showbiz hay ngành nghề nào cũng vậy, có những góc khuất mà người trong cuộc ai ai cũng tỏ, nhưng người ngoài không mấy ai biết. Mọi thứ, cứ thế mà hoạt động trơn tru.
Điều khiến mình bất ngờ duy nhất trong sự việc này, hoá ra là cái luật định ngầm vốn điều khiển "mọi thứ" như thế, lại vô cùng mong manh.
Người ta thì thầm cho nhau, người ta nháy mắt nhau, người ta truyền tai nhau, người ta dạy dỗ nhau rằng, đấy là vùng cấm không-thể-đụng-vào, nếu không thì sẽ đáng sợ lắm. Một thứ luật bất thành văn, ai cũng tin và ai cũng theo. Đáng sợ là như vậy, nhưng chẳng ai biết rõ cái hình thù quái gở của thứ "Đáng sợ" ấy là như thế nào. Chỉ thuần là một nỗi sợ vô hình.
Và đến giờ phút này, khi có một người "không có tóc" thực sự đứng ra để mở cánh cửa vào "vùng cấm địa", người ta mới thấy cái sự đáng sợ ấy chẳng có gì đáng sợ :)))))
Cái cơ chế hoạt động chủ yếu dựa trên niềm tin: Niềm tin vào nhau, niềm tin vào thế lực bảo vệ, niềm tin vào niềm tin của khán giả. Người ta đã quá tự tin vào nó đến nỗi quên đi việc phải có với nhau một thứ gì đó gọi là cam kết. Và bỗng dưng, một ngày, niềm tin ấy sụp đổ, boom, mọi thứ biến mất, không còn có "nhau", thế lực bảo vệ biến mất không sủi tăm, khán giả quay lưng với mình.
Giờ nhìn mà xem, giới showbiz đang có hàng vạn con mắt dõi theo, mà không thể có bất cứ một phản ứng nào để tự bảo vệ mình. Họ co cụm lại với nhau, im lặng, chấp nhận đối diện với sự thật là ngày mai, ngày kia, một buổi live stream nào đó, người ta sẽ động đến tên mình, và không -một-ai, nhắc lại là không-một-ai sẽ đứng ra bảo vệ mình khỏi tình huống ấy.
Sự việc nổi hứng bất tử của một cá nhân không chỉ còn là một câu chuyện phiếm vỉa hè, "không vui cũng nổi một vài trống canh" nữa, mà là một phát súng, bắn thẳng vào, không chỉ người trong cuộc, mà là một cơ chế, một thứ luật rừng bất thành văn. Thứ tiếp theo mà mình chờ đợi, cơ chế tưởng chừng như bất khả xâm phạm đó sẽ phản ứng ra sao, chuyển mình thế nào trước vết thương tuy chưa quá sâu, nhưng lại là ĐẦU TIÊN này.
Để kết bài, mình xin được trích đăng stt của nhà báo Đinh Đức Hoàng (Hoàng Hối Hận) về nhận định của người làm báo chuyên nghiệp sau sự việc lần này, để các bạn thấy một góc nhìn của người tương-đối-trong-cuộc.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Khoảng trống của nền truyền thông
Trong Gái già lắm chiêu 2, nếu bạn đã xem (hoặc nếu bay tàu A350 của VNA lần sau thì xem), Ninh Dương Lan Ngọc đóng vai một MC quyền lực. Chương trình của cô tên là Bí mật showbiz. Trong tưởng tượng của các đạo diễn, Lan Ngọc cùng ê kíp xây dựng một chương trình khá lý tưởng: họ thực sự tiến hành các cuộc điều tra, theo phong cách Dispatch của Hàn Quốc, The Sun của Anh hoặc TMZ của Mỹ, để vạch trần các bí mật của showbiz, các khoảng tối từ giới sao.
Hình dung của các đạo diễn Namcito và Bảo Nhân, khá dễ hiểu, là một chương trình như thế sẽ vô cùng ăn khách và biến người dẫn trở thành một nhân vật tạo ảnh hưởng toàn showbiz.
Nhưng một chương trình như vậy sẽ không bao giờ ra đời tại Việt Nam. Nếu có, nó sẽ là biểu hiện của một nền truyền thông lành mạnh, nơi các tờ báo và nhà đài thực sự sống bằng việc bán tin tức. Nhưng thực chất, vì nhiều lý do quá dài để phân tích, nền truyền thông Việt Nam nói chung không kiếm sống bằng việc bán tin tức trực tiếp, mà thường phải phục vụ các nhóm quyền lợi khác nhau. Bạn sẽ nhận ra rằng cái việc "bóc phốt" - hay là một thứ báo chí điều tra nghiêm túc về bất kỳ chủ đề gì - nó thậm chí hiếm hoi cả ở lĩnh vực kinh tế, xã hội, và tất nhiên là văn hóa.
Không phải tất cả, nhưng phổ biến: phóng viên chơi với quan chức, doanh nghiệp, ngôi sao như cứt với đít. Lợi ích của tòa báo cũng bị gắn chặt với các thiết chế không phải là độc giả. Động vào đâu cũng thấy anh em. Thôi thôi, đưa mấy cái tin ở bề mặt là được rồi, người ta đút cho cái gì thì đăng chứ điều tra đụng chạm lắm.
À thỉnh thoảng mình sẽ làm sang bằng các bài quan điểm nói leo khi sự đã rồi. Bảo là đi bới móc bí mật của người ta thì thôi đi.
Nó hiếm đến mức như các bạn đã biết, chỉ cần khoác chữ "điều tra" lên những tác phẩm thông minh gì đâu rớt từ cung trăng xuống công chúng cũng xúc động xít khóc.
Có một khoảng trống truyền thông - mà nghĩ lại thực sự cay đắng - đang tồn tại. Và có lẽ lỗi cũng không hẳn ở những người làm truyền thông. Nhưng đó có lẽ là một phần nguyên nhân khiến toàn dân ngồi xem livestream của chị Phương Hằng hôm qua.
Một số cá nhân thượng đẳng nói rằng bóc phốt showbiz thì có gì hay, toàn chuyện thị phi không có đóng góp gì cho xã hội. Nhưng thực chất, xã hội vẫn tiêu thụ các sản phẩm giải trí, và giới giải trí vẫn tác động trực tiếp vào dòng chảy vật lý của xã hội. Một ngôi sao giải trí vẫn sẽ là người bảo vệ tê giác hoặc bán thực phẩm chức năng; kêu gọi chống buôn bán trẻ em hoặc mời chơi crypto đa cấp; giải ngân tiền từ thiện đúng đắn hoặc om lại 6 tháng. Mặc mẹ bạn cố tỏ ra thượng đẳng (và vẫn nghĩ xem TV show của Mỹ làm mình thông minh hơn bọn xem TV show Việt Nam, ủa), giới showbiz vẫn tạo ra tác động trực tiếp lên xã hội.
Và trong cuộc livestream xuất chúng của chị Phương Hằng tối qua - nếu chiêm nghiệm lại - ta nhận được những thông điệp cao hơn chuyện của cá nhân các nghệ sĩ.
Từ các câu chuyện của showbiz, chúng ta luôn có thể phát triển được thành các chủ đề về văn hóa, lối sống và thậm chí chính sách pháp luật. Dispatch chẳng bóc ra cả một thế giới tội phạm nhờ theo dõi group chat của mấy cậu diễn viên Hàn Quốc. Chị Hằng hỏi ta về "từ thiện bầy đàn", về thói quen "tạm ứng niềm tin", và chị Hằng đặt dấu hỏi cho phương pháp làm từ thiện ủy nhiệm, hay cao hơn là cho cơ chế của niềm tin. Chị làm việc đó bằng một nghệ thuật dẫn chuyện bậc thầy.
Buổi livestream này, hoàn toàn có thể đi vào lịch sử, là dấu mốc để một tập hợp công chúng khổng lồ xem xét lại cách họ làm từ thiện. Nếu điều đó diễn ra, chị Hằng Đại Nam khiến cho bao học giả trí thức nhà hoạt động - trong đó có chính tôi - phải ôm nhục.
Nhưng hoa nở không có nghĩa là xuân về. Điều đáng buồn của cái livestream và cuộc điều tra bóc phốt này, là nó được thực hiện bằng tiền của cá nhân chị Hằng. Tức là hôm nào chị chán chơi stream, thì khoảng trống còn nguyên đó. Ta lại đọc tin cãi nhau trên phây, tin đi sự kiện, tin unfollow nhau.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất