Từ thiện và tái chế là những việc tưởng chừng như rất tốt, là những hành động mang đầy tính vị tha. Nhưng mà không phải vậy.

Từ thiện, như cách ta vẫn từ thiện, ấy là đưa tiền cho ca sĩ, diễn viên hay nhân vật công chúng nào đó. Có vấn đề gì, ví dụ miền trung bão lũ, ta luôn có thể ủy thác một nửa tháng lương hoặc mấy trăm ngàn đồng là xong nghĩa vụ với đồng bào. Từ thiện thì để đấy thôi, nếu tiện có thể lên trang cá nhân của người nghệ sĩ kia để share bài, vui vẻ cho rằng mình đã giúp đỡ phần nào.
Từ thiện như vậy nó không hẳn là xấu. Có cái tâm đã là một nửa quãng đường. Nhưng từ thiện như vậy, trước hết phải hiểu mình đang giúp mình. Mình đang làm cho bản thân thấy bớt tội lỗi, bớt bất lực trước đồng bào đi thôi. Trong một xã hội mà mọi thứ đo được bằng tiền thì lòng tốt cũng có mệnh giá của nó, và cách thể hiện lòng tốt là ném tiền đi.

Ném tiền đi nhưng ca sĩ, diễn viên kia có biết cách tiêu không? Bao nhiêu tin bài về việc những người ở vùng đầu tập kết, đã bị ngập ít hơn bình thường lại còn nhiều đoàn đến, cứ hàng xe tải mì tôm một nhà, trong khi những nhà ở vùng xa vẫn đang ngồi mái ngói uống milo. Rồi từ thiện có kế hoạch gì không? Bắt đầu từ đâu, từ thiện thế nào? Thậm chí, câu hỏi đơn giản nhất, những người cần được cứu, họ có thật sự cần được cứu không? Họ cần từ thiện không mà cứ ném tiền, ném mì tôm cho họ? Đấy còn chưa nói đến việc ăn chặn tiền từ thiện, mà ngoài những celeb to đùng ngã ngửa mới bị khui ra gần đây thì năm nào cũng có cả đống.

 Thực ra đối với người cho tiền cũng chẳng quan trọng. Vì đối với họ, việc ném tiền ra hay là việc thể hiện cảm xúc đã hoàn thành rồi. Đương nhiên họ vẫn thấy tức khi tiền mình bị ăn quịt. Nhưng có lẽ, nếu không có một bà nhà giàu nào đó bóc phốt, ta sẽ chỉ tặc lưỡi coi như mất hai trăm và triệu bạc. Nhiều người phẫn nộ vụ Công Viên Thủy Tinh nhưng chẳng mấy ai theo đến cùng là vì vậy. Thực ra giúp hay không giúp được ai cũng chẳng khác nhau nhiều lắm, cái chính là tự thấy lòng nhẹ nhõm hơn.

Đương nhiên là khi có người lên tiếng thì mọi thứ vẫn tương tự. Thay vì đeo đuổi sự việc như những người có trách nhiệm với đồng tiền của mình, thật dễ dàng khi có ai đó đủ tiềm lực nói chửi hộ lại chúng ta, và sự công phẫn của chúng ta cũng được giải tỏa nhờ cách này.

Tái chế cũng vậy. Những diễn ngôn "tái chế" thực ra bắt đầu từ các tập đoàn khổng lồ như Cocacola. Đến khi tình trạng ô nhiễm trở thành vấn nạn, được người dân quan tâm hơn, những tập đoàn này mới cho phát các đoạn quảng cáo kiểu: "Hãy tái sử dụng, hãy vứt rác vào đúng vị trí, trách nhiệm là của bạn!"

Vấn đề nằm ở chỗ "của bạn". Việc bảo vệ môi trường, vốn người bình thường dân ngu cu đen chúng ta làm chỉ đóng góp một phần siêu siêu siêu siêu nhỏ, không đáng kể. Nhưng hầu hết mọi diễn ngôn hiện đại đều cổ vũ cho một thứ đáng ghê tởm gọi là tư bản xanh, nơi người ta vẫn tiêu thụ hàng loạt sản phẩm nhưng thay vì những sản phẩm "đáng sợ" như nhựa thì người ta sử dụng các loại sản phẩm mới, tái sử dụng/tái chế được. Việc "giải cứu môi trường" bị biến thái thành diễn ngôn "tiêu dùng đúng cách". Chỉ cần bạn làm những việc đúng cách, bạn hãy cứ vô lo mà tiêu thụ. Tư bản xanh = Tư bản bình thường trừ đi cảm giác tội lỗi khi mua đồ.

Chuyện này dẫn đến hệ quả khá bất ngờ. Đấy là người ta trở nên vô ý thức hơn về việc tiêu dùng. Ở các nước ngoài, ngoài thùng rác hữu cơ bình thường, nhà nào cũng có thùng rác tái chế, cho những vật liệu tái chế. Năm 2019, khi mình vẫn ở Úc, Chính phủ Úc đưa ra cảnh báo sẽ loại bỏ thùng rác tái chế này. Ai cũng ngỡ ngàng, nhiều người phẫn nộ vì Chính phủ Úc dường như đang bỏ rơi việc phấn đấu cho một xã hội xanh hơn.

Thực ra không phải vậy. Thực ra, người Úc đã coi thùng rác tái chế như một loại "túi thần kỳ". Họ bỏ vào đó tất cả những gì họ nghĩ là có thể tái chế được, từ vỏ lon, chai rỗng cho tới hộp pizza, cốc giấy... Mà cốc giấy hay hộp pizza thì nào có thể tái chế, vì ngoài lớp giấy còn phủ lớp nhựa chống thấm hay dính dầu ăn.... Tất cả những chuyện này thì chẳng ai quan tâm. Lượng rác tái chế ngày một chất đống, công cuộc phân loại rác thì ngày càng nặng nề hơn, tính hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường lại không tăng. Họ đưa ra cảnh báo như vậy cũng có lý của họ lắm chứ.

Việc bỏ tiền cho celeb để người ta đi từ thiện giúp mình hay việc bỏ rác vào thùng tái chế nó giống nhau ở chỗ, chúng ta cho rằng mình đã làm được một việc gì đó tốt. Việc tốt đó lại quá sức đơn giản, như đã nói, là trách nhiệm "của bạn". Bạn bỏ tiền ra là mua được lòng vị tha, bạn bỏ rác vào thùng là đã bảo vệ môi trường. Chúng ta chỉ hời hợt dừng lại khi làm một việc nhỏ nhất và gọi đó là đấu tranh, là giúp đỡ. Nhưng, ngay trong chính những việc nhỏ bé đó cũng đã có muôn mặt để lưu tâm. Người nhận từ thiện họ nghĩ gì? Liệu rác của mình có tái chế được?

Nó dường như cũng làm mờ suy nghĩ của chúng ta về việc bảo vệ và phòng tránh. Thay vì hỗ trợ các dự án quan trọng để chống lũ hằng năm vào mùa không có lũ, chúng ta chỉ thấy muốn bỏ tiền ra khi chuyện đã rồi, khi người đã trôi và nhà đã nát. Thay vì tập trung giảm thiểu sử dụng tài nguyên, giảm thiểu mua sắm hàng hóa không cần thiết hay lên án các nhà máy, xí nghiệp, tập đoàn... chúng ta chỉ cần "bỏ rác đúng chỗ". Việc tốt trở thành một điều gì đó vô cùng cá nhân còn chúng ta trở thành một anh hùng bất đắc dĩ trong cuộc sống hằng ngày, và chúng ta ngủ quên trên sự anh hùng của mình.

Bản thân tôi, tôi không quan tâm. Tôi tin rằng con người đáng bị như vậy. Tôi có từ thiện, và mỗi lần từ thiện tôi cũng hiểu rằng mình làm vậy vì mình. Tôi không muốn đẻ con vì tôi cũng quan tâm đến con tôi, tôi không muốn nó ra đời trong một xã hội kiểu này. Nhưng về cơ bản, tôi thấy bình thường. Chẳng quan trọng, sao cũng được.