Làm gì để khỏi... ấm ớ khi đến những nơi bạn chẳng quen ai?
Tham gia một bữa tiệc hay tới một sự kiện đông người mà chẳng biết ai có thể là một trong những nỗi đáng sợ lớn nhất đối với rất nhiều...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể xem clip tại đây:
Tham gia một bữa tiệc hay tới một sự kiện đông người mà chẳng biết ai có thể là một trong những nỗi đáng sợ lớn nhất đối với rất nhiều người.
Thực ra đôi khi bạn quen chủ nhà—nếu may mắn họ sẽ dẫn bạn đi một vòng và giới thiệu với những người xung quanh, nhưng chuyện đó sẽ không thường xảy ra. Hoặc bạn tham gia một sự kiện cùng với đứa bạn, nhưng nó nhanh chóng biến mất vào đám đông ngay khi vừa tới và bỏ mặc bạn ở đó. Hoặc bạn tới một sự kiện networking, nơi tất cả đều là những người lạ của nhau—nhưng túm lại cũng chẳng khả quan hơn là bao... Trong mọi trường hợp, thì thật không đơn giản tí nào để tránh cái cảm giác... muốn độn thổ. Đến những nơi đông người mà chẳng quen ai là tình huống gây ra không ít lo lắng, khi bạn đứng đó bối rối, trơ trơ như cột điện, chẳng biết phải bắt đầu câu chuyện với ai và như thế nào.
Nếu những cảm giác này đúng với bạn, thì một vài "tuyệt chiêu" dưới đây từ cuốn sách của Jeanne Martinet có tên gọi The Art of Mingling (tạm dịch: "Nghệ thuật trà trộn") có lẽ sẽ rất hữu ích.
Làm thế nào để thực sự tham gia vào một sự kiện
Ngạn ngữ phương Tây có câu "Fake it 'til you make it", đại ý cứ giả vờ cho tới khi bạn thực sự làm được điều gì đó. Dẫu bạn thực sự cảm thấy căng thẳng hay lo lắng, thì cũng hãy cố gắng hành xử theo cách ngược lại. Khi bạn toát ra sự tự tin và thoải mái, thì bạn cũng sẽ có vẻ ấm áp, thân thiện và dễ tiếp cận hơn, đồng thời cũng sẽ bớt luống cuống hơn. Theo Martinet, trong vài phút khó khăn đầu tiên khi hoà vào đám đông, cách bạn thể hiện bên ngoài thực ra lại quan trọng hơn những cảm xúc đang diễn ra bên trọng bạn. Tỏ ra thoải mái trong khi đầu gối đang va lập cập chẳng phải là một trải nghiệm dễ dàng gì, song hãy tự lặp lại với chính mình rằng bạn sẽ vượt qua chuyện đó trong vòng 10 phút mà thôi. Tới thời điểm đó thì "tảng băng" của cuộc hội thoại sẽ được phá tan, và bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn từ chính bên trong mình.
Nói chuyện với một vài nhân vật "cùng cảnh ngộ" trước tiên. Họ—những người cũng đang bối rối y chang bạn—là những người dễ để tiếp cận nhất. Bạn có thể nhận ra họ bằng việc quan sát xem ai đang ăn vận có đôi chút lạc lõng với sự kiện, đứng tách riêng một mình hoặc theo đôi có chủ ý, đi lang thang không định hướng chỉ để ngắm nhìn những bức tranh treo trên tường, hoặc đang nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định. Họ chắc chắn sẽ chào đón sự chủ động của bạn, và cảm thấy "dễ thở" khi có ai đó sẵn sàng bắt chuyện với mình.
Đây là một cách rất tốt để "làm nóng" kỹ năng giao tiếp xã hội của bạn trong một sự kiện. Nếu bạn nhận ra mình và người "cùng cảnh ngộ" này hợp nhau ngay lập tức, thì đương nhiên hãy cứ thoải mái nói chuyện với họ thêm một lúc nữa. Nhưng nếu mục tiêu của bạn khi tới sự kiện là để gặp gỡ nhiều hơn một người, và bạn không thực sự hợp với kẻ "cùng cảnh ngộ", thì sau vài phút trò chuyện bạn nên hướng tới một mục tiêu mang tính thử thách cao hơn: tham gia trò chuyện với một nhóm người.
Hãy tìm kiếm những người mà bạn nghĩ rằng mình có thể kết nối với họ. Khi bước chân vào một bữa tiệc, hầu hết mọi người sẽ nhanh chóng bắt đầu nói chuyện với nhau theo những nhóm nhỏ. Nhiệm vụ của bạn là phải tìm ra nhóm nào để thử gia nhập, và giới thiệu bản thân. Hẳn nhiên là bạn mong muốn tìm kiếm những người trông có vẻ thân thiện và cởi mở. Nhưng bạn cũng có thể tìm kiếm những vị khách cùng tuýp người với mình. Bản năng của bạn sẽ mách bảo bạn rằng liệu một ai đó có phải kiểu người phù hợp với bạn hay không.
Hãy thử tìm kiếm cả những nhóm "đóng" và "mở". Một nhóm "đóng" sẽ gồm những người đứng gần nhau, đôi khi tựa vào nhau, và say sưa trò chuyện. Những vòng-tròn-người này sẽ không chỉ khó gia nhập bởi khoảng cách rất hẹp giữa những thành viên, mà còn bởi việc tham gia của bạn rất có thể sẽ "phá đám" cuộc hội thoại đang hồi gay cấn—tệ nhất là có thể dẫn tới một khoảng lặng khó xử. Thậm chí, một vài người trong nhóm còn có thể cảm thấy hơi khó chịu khi việc bạn chen vào đã phá hỏng khoảng thời gian vui vẻ của họ.
Thay vì cố thực hiện thử thách tham gia trò chuyện trong một nhóm "đóng", hãy tìm một nhóm "mở" hơn. Những thành viên của các nhóm này không quá thân thiết, cuộc nói chuyện cũng nhẹ nhàng hơn, và ngay chính các thành viên của nhóm cũng có thể đang tìm kiếm các cơ hội trò chuyện khác. Việc bạn gia nhập những nhóm kiểu này sẽ dễ dàng hơn, và không tạo ra một sự "phá đám" đáng kể nào.
Tiếp theo là số lượng người. Những nhóm nhỏ khoảng 2 - 3 người là loại khó tham gia nhất. Sự xuất hiện của bạn sẽ rất đáng chú ý, và khả năng cao là bạn sẽ tạo ra một tình huống phá đám không mong muốn.
Gia nhập một nhóm đông người hơn sẽ là một sự lựa chọn đơn giản hơn, bởi bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Dù sự xuất hiện của bạn sẽ ít nổi bật hơn, song cơ hội bạn được ai đó trong nhóm để ý tới và bắt chuyện sẽ cao hơn. Ngay cả khi không ai nhận ra sự có mặt của bạn thì đó cũng là cơ hội tốt: bạn sẽ có thời gian theo dõi xem nội dung cuộc đối thoại đang ở đoạn nào, và chen vào vài lời bình luận ở thời điểm thích hợp để tranh thủ giới thiệu bản thân. Và ngay cả trong trường hợp bạn nhận ra nhóm này không thuộc gu của mình, cũng dễ để "đánh bài chuồn" hơn.
4 cách để gia nhập một nhóm người
Khi bạn đã chọn được một nhóm mình muốn tham gia, thì cách bạn nên mở lời và bắt đầu cuộc hội thoại là gì? Dưới đây là một vài chiến thuật giúp bạn khởi đầu cuộc nói chuyện.
Đưa ra một lời khen. Cách dễ nhất để hoà vào một nhóm người là đưa ra một lời khen cho cả nhóm ("Ở đây mọi người đang có chuyện gì vui vẻ quá!"), hoặc một người cụ thể trong nhóm. Nếu bạn quyết định khen một cá nhân, hãy tập trung vào thứ mà khiến cả nhóm có thể hùa vào tiếp chuyện.
Đặt một câu hỏi. Đây cũng là cách vào đề dễ dàng, và mục đích của nó tương tự như trên cũng là nhằm lôi cuốn sự chú ý của cả nhóm thay vì chỉ một người. "Mấy bạn cho hỏi đằng kia có phải thầy giáo X dạy Triết trường mình nổi tiếng đa tài đẹp trai đó không?". Hỏi ý kiến cũng luôn luôn là một cách hay để khởi đầu một cuộc trò chuyện: "Mọi người thấy món tráng miệng ở đây hôm nay ngon không?".
Tham gia "vô tình" như thể một người qua đường. Vờ đứng "không liên quan" bên ngoài một vòng tròn người đang trò chuyện, cố gắng đừng để bị chú ý. Lắng nghe xem họ đang nói gì, rồi bất chợt buông lời bình luận vào thời điểm hợp lý. Đừng ngần ngại và quá lịch sự, điều đó sẽ khiến cho mọi người thấy bạn giống một kẻ rình mò. Thay vào đó, cứ nói một cách rất tự nhiên như thể bạn chỉ buông lời bình luận một quan điểm của ai đó. Hãy trò chuyện như thể là bạn là một thành viên trong nhóm từ trước.
Cuối cùng là cách tiếp cận theo lối... chân thành. Đôi khi thì việc tỏ ra thành thật lại là kế sách hoàn hảo nhất cho mọi việc. "Chào mọi người, mình xin lỗi nhưng mình không quen ai ở đây cả. Mình là An, có thể cho mình tham gia cùng được không?". Việc đó thực tế cũng không hẳn là đáng sợ cho lắm. Trong nhiều tình huống, mọi người sẽ sàng giúp đỡ bạn thoát khỏi tình trạng bối rối và giúp bạn tham gia vào cuộc trò chuyện.
Vậy thì nên chọn phương án nào? Việc đó tuỳ thuộc vào tính cách của bạn, cũng như hoàn cảnh cụ thể, và đương nhiên là phương án đó sẽ giúp cho mọi chuyện diễn biến theo hướng tự nhiên nhất.
Đương nhiên nếu may mắn, có thể những người khác đã tiếp cận bạn trước khi bạn phải nghĩ tới chuyện làm quen với mọi người. Nhưng dù sao thì trong cuộc sống, người chủ động cũng sẽ nắm bắt nhiều cơ hội hơn phải không nào?
Dịch từ:
Bài cùng chủ đề:
Xem thêm các bài dịch khác của mình:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất