Trong các tác phẩm kinh điển của văn học cổ đại Trung Hoa, có lẽ Phong Thần Diễn Nghĩa là bộ tiểu thuyết kỳ lạ nhất đối với mình, cả từ nội dung lẫn ý nghĩa truyền tải của nó mà mỗi lần đọc lại mình đều cảm thấy tràn đầy phức cảm.
Không quá đồ sộ về hệ thống nhân vật, khảo cứu hay tinh tế trong văn chương như Tứ đại danh tác (Tam quốc diễn nghĩa - La Quán Trung; Thủy hử - Thi Nại Am; Tây du ký - Ngô Thừa Ân; Hồng Lâu Mộng - Tào Tuyết Cần) nhưng Phong Thần Diễn Nghĩa lại tạo được một thế giới riêng của mình, mà qua đó truyền tải đậm sắc những thông điệp đầy tự do của Đạo Giáo.

CỐT TRUYỆN

Có nhiều ý kiến trái chiều về tác giả của bộ tiểu thuyết này, thế nhưng đa phần công nhận đó là Hứa Trọng Lâm. Là một bộ tiểu thuyết được viết lại trên cơ sở cuốn Vũ Vương phạt Trụ bình thoại thời nhà Nguyên, Phong thần diễn nghĩa xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu (1040-256 trước CN).
Khởi nguồn từ việc Trụ Vương xúc phạm Nữ Oa, bà đã sai Hồ ly Đắc Kỷ lẻn vào cung, mê hoặc vua, đánh sập nhà Thương để trừng phạt. Dưới sự mê hoặc của Đắc Kỷ, Trụ Vương trở nên vô cùng tàn bạo, dân chúng lầm than. Các chư hầu cố gắng khuyên can Vua, thế nhưng lại bị hành quyết, dẫn đến căng thẳng bùng nổ, Tây Bá Hầu Cơ Xương quyết định thành lập nhà Chu, phất cờ khởi nghĩa.
Trước sự lộng hành điên rồ của Đắc Kỷ, Phong Thần - là tên của kế hoạch được Nguyên Thủy Thiên Tôn - chủ Côn Lôn Đảo, người đứng thứ hai trong Tam Thanh của Tiên giới tạo ra để bình ổn thiên hạ, và để mọi thứ "quay theo đúng bánh xe lịch sử" bằng cách phong ấn 365 linh hồn có tên trong Bảng phong thần, phò tá nhà Chu diệt Thương và sắp xếp lại trật tự nhân giới.
Trụ Vương và Đắc Kỷ
Trụ Vương và Đắc Kỷ
Thế nhưng Tiên giới không chỉ có một chiều quan điểm. Một số đạo sĩ/tiên nhân lại ủng hộ nhà Thương. Từ đó kế hoạch Phong thần đã thống nhất các tiên nhân chỉ được phép tham chiến khi tiên nhân ở phe đối nghịch vi phạm thỏa ước giết người thường hoặc sử dụng pháp bảo (bảo bối của thần tiên) trước trong trận chiến.
Những diễn biến lịch sử có thật cho đến khi đánh bại được Trụ Vương để lập nên nhà Chu, cùng với những nhân vật có thật được "tiên" hóa, khéo léo đan xen các yếu tố hư cấu tạo nên sự mê hoặc với mọi lứa tuổi và mọi thời kỳ của lịch sử.

THẾ GIỚI CÁC VỊ THẦN TIÊN

Yếu tố thần tiên trong các tác phẩm kinh điển của Trung Hoa vốn không quá lạ lẫm, thế nhưng nếu trong Tây Du Ký, khi thần tiên chỉ được nhờ thu phục yêu quái, hoặc cùng lắm là Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung, chúng ta mới thấy được thần thông của họ, thì với Phong Thần, đó là những trận đánh vô tiền khoáng hậu của Thần tiên với nhau. Đây là một điểm cực kỳ táo bạo của Hứa Trọng Lâm trong thời kỳ đó.
Ở Phương Tây cũng có một bộ tiểu thuyết kinh điển tương tự như Phong Thần, đó là sử thi Iliad của Homer, nói về trận chiến thành Troy; khi các thần cổ đại cũng hạ giới trợ chiến cho cả hai phe.
Hồng Quân Lão Tổ là vị thánh từ thuở hồng hoang, có tất cả 3 đệ tử, gọi là Tam Thanh, bao gồm: Thái Thượng Lão Quân là đại sư huynh, sau đến Nguyên Thủy Thiên Tôn, cuối cùng là Thông Thiên Giáo Chủ.
Tam Thanh của Đạo Giáo
Tam Thanh của Đạo Giáo
Kế hoạch Phong Thần với vai trò lãnh đạo được giao cho Khương Tử Nha (Thái Công Vọng), một đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Khương Tử Nha là người chuẩn mực, thừa hành tuyệt đối mệnh trời, phò tá cho nhà Chu trong chiến tranh phạt Trụ.
Trợ giúp cho Khương Tử Nha là Côn Lôn Đảo với những cái tên vô cùng quen thuộc (mà ta từng gặp trong Tây Du Ký): Na Tra, Phổ Hiền Chân Nhân, Văn Thù Quảng Pháp, Lý Thiên Vương...
Ở phe đối lập đứng đầu là Thái Sư Văn Trọng; cùng với đệ tử số một của Nguyên Thủy Thiên Tôn - Thân Công Báo. Do bực tức vì không được làm người nhận trọng trách, Thân Công Báo gia nhập nhà Thương và phò tá cho Trụ Vương. Đây cũng là nhân vật vô cùng đặc biệt, là nhân vật mình thích nhất của Phong Thần, khi ý nghĩa của ông lại chính là ý chí của Hứa Trọng Lâm muốn gửi gắm vào bộ truyện - mình sẽ nhắc đến ở sau.
Về cơ bản thì nhà Chu được hậu thuẫn bởi Côn Lôn Đảo và Thái Thượng Lão Quân; còn nhà Thương được hậu thuẫn bởi Kim Ngư Đảo.
Điểm thú vị thứ hai trong Phong Thần đó là hệ thống các bảo bối thần tiên (còn gọi là Pháp bảo). Ngoài khả năng phép thuật, các thần tiên của Phong Thần Diễn Nghĩa còn phụ thuộc rất nhiều vào pháp bảo. Mỗi pháp bảo đều có tính năng độc đáo riêng, khắc chế lẫn nhau, không quá phụ thuộc vào sức mạnh của người sử dụng. Đây cũng là điều khiến mình mê mẩn Phong Thần Diễn Nghĩa khi đọc lần đầu tiên khi còn bé. Các trận chiến dù được miêu tả bằng ngôn từ, nhưng với trí tưởng tượng của trẻ con, nó không khác gì các trận đánh trong phim điện ảnh Siêu anh hùng của Marvel hay DC bây giờ.
Các trận đánh giữa thần tiên huyền diệu
Các trận đánh giữa thần tiên huyền diệu
Điểm đặc sắc thứ ba của Phong Thần, đó là mô tả xuất thân của một số tiên nhân đặc biệt như Na Tra, Nhị Lang, Lý Tịnh trước khi họ trở thành tiên chính thức như trong Tây Du Ký. Đây có thể coi là một "tiền truyện" trước khi các sự kiện trong Tây Du Ký diễn ra.
Lấy bối cảnh là cuộc chiến tranh của con người, giữa hai quốc gia của con người, thế nhưng Phong Thần Diễn Nghĩa lại mô tả rất sâu vào Thần tiên, với các pháp bảo đa dạng và mạnh mẽ. Do những tác động này, nên các trận đánh thường xoay quanh phép thuật là chính. Con người dường như trở nên vô cùng nhỏ bé trước thần tiên. Thế nhưng, ý nghĩa sâu xa hơn của Phong Thần không phải ở yếu tố chiến tranh, mà là về giá trị cốt lõi của Đạo giáo.

ĐẠO GIÁO TRONG PHONG THẦN DIỄN NGHĨA

TƯ TƯỞNG CHỦ ĐẠO

Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Đạo giáo bắt đầu phổ biến từ thời nhà Chu, điều này giải thích rõ ràng cho việc Phong Thần Diễn Nghĩa (viết vào thế kỷ 16) thấm đượm tinh thần của Đạo giáo. Đại diện nổi bật nhất của Đạo giáo là Lão Tử, sau này được phổ biến rộng rãi nhờ Trang Tử.
Hegel, một trong những triết gia vĩ đại nhất đặt nền móng cho Triết học phương Tây đã từng nhận xét: "Tư tưởng của đạo Khổng thì nghèo nàn, còn Lão Tử mới xứng đáng là người đại diện cho tinh thần phương Đông cổ đại". Bản thân Khổng Tử cũng phải cung kính tôn bái Lão Tử làm thầy vì độ uyên sâu của ông.
Hình ảnh Lão Tử trong truyền thuyết
Hình ảnh Lão Tử trong truyền thuyết
Triết lý cốt lõi của Đạo giáo là "vô vi", nghĩa là muốn làm việc gì, phải đi từ điểm đối lập, phải vô vi (không làm). Vô vi không có nghĩa là hoàn toàn không làm gì, mà là hòa nhập với tự nhiên, đừng làm gì thái quá. Đây là điểm đối lập chính thống lớn nhất với Khổng giáo - "hữu vi". Lão Tử xuất hiện trong Phong Thần Diễn Nghĩa còn gọi là Thái Thượng Lão Quân - người đứng đầu Tam Thanh. Đây chính là điểm chính dẫn dắt cả thế giới Phong Thần, bởi Tam Thánh của Đạo Giáo.

Ý CHÍ XUYÊN SUỐT

Chính vì chịu ảnh hưởng của dòng chảy Đạo giáo, với cốt tủy "vô vi", các tiên nhân của Côn Lôn Đảo ủng hộ việc thuận theo ý trời, thuận theo tự nhiên, như một phần của "bánh xe lịch sử". Khương Tử Nha từng trả lời trước khi nhận lãnh đạo kế hoạch Phong Thần, rằng khí nhà Thương đã tận, sẽ bại trong 28 năm tới, vì vậy việc cần làm đó là hỗ trợ nhà Chu trở thành vai trò kế tiếp của lịch sử.
Đó là một con người thuần Đạo. Khương Tử Nha hữu vi trong vô vi, ông tin rằng số phận đã an bài cho mỗi người trong vũ trụ, không được chống lại tự nhiên, không được cưỡng lại ý chỉ của tạo hóa.
Quay lại một chút về sự ra đời của Đạo giáo.
Trong Tam Thanh, Lão Tử và Nguyên Thủy Thiên Tôn lập ra Xiển Giáo; ngược lại vị thứ ba Thông Thiên Giáo Chủ lập ra Triệt Giáo. Đây là hai nhánh hoàn toàn đối lập của Đạo giáo.
Xiển Giáo (Xiển trong từ khuếch đại) là Giáo phái tu tập mà mỗi vị Đạo sĩ thường chỉ thu nhận 1-3 đệ tử. Những đệ tử này được lựa chọn rất kỹ lưỡng, có Tiên Phong Đạo Cốt. Xiển giáo có chút tương đồng với Tiểu Thừa trong Phật giáo (Hyayana) - nghĩa là chỉ những người được tu luyện với có thể giác ngộ.
Triệt Giáo (Triệt trong triệt để) là Giáo phái mà các vị Đạo sĩ ra sức độ duyên cho chúng sinh từ cỏ cây, sắt đá, cầm thú, phi nhân cho đến con người chỉ cần có duyên tu tập. Triệt giáo tương đồng với Đại Thừa trong Phật giáo (Mahayana) - nghĩa là ai ai cũng có thể giác ngộ nếu chấp độ tu hành.
Như vậy, xét về yếu tố bản chất, trong Phong Thần Diễn Nghĩa thì Triệt giáo của Thông Thiên Giáo Chủ có xu hướng chống lại vòng quay số phận. Họ cho rằng duyên số là do con người định đoạt, không chấp nhận sự sắp đặt trước của số phận; bởi nếu như vậy thì con người không khác gì quân cờ trên bàn cờ, mọi sự phấn đấu hay nỗ lực đều là vô nghĩa nếu đã được định sẵn. Tuy nhiên, giai đoạn thời nhà Chu, Đạo giáo vẫn chưa được hiểu thật sự chính xác.
Sinh thời, Lão Tử từng thốt lên rằng "Lời nói của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, thế mà thiên hạ không ai hiểu, không ai làm". Đạo giáo vốn không phải là sự chấp nhận số trời và nằm im chờ đợi sự định đoạt. Đạo giáo chỉ lấy "vô vi" làm xuất phát điểm của các hành động. Cho đến thời của Trang Tử, Đạo mới dần được đi về đúng hướng vốn có của nó.
Chính vì bánh xe lịch sử đã định (nhà Chu thay thế nhà Thương); và bởi xã hội phong kiến thời điểm đó chưa chấp nhận ý tưởng Tru Thiên (diệt Trời, diệt số); nên phe Triệt Giáo được miêu tả như một dạng "phản diện" và Thông Thiên Giáo Chủ được mô tả như hóa thân của tà ma. Tác giả Hứa Trọng Lâm đã làm điều tối đa ông có thể, khi đưa vào tác phẩm hai Pháp trận mạnh nhất của Thiên giới khi Triệt giáo chống lại Xiển giáo là "Tru Tiên" và "Vạn Tiên". Cho dù cả hai trận đều thất bại khi phe Xiển giáo phải kêu gọi cả hai Phật đến từ Tây Phương trợ giúp; và hai trận pháp này đã tiêu diệt kha khá nhân lực của phía Côn Lôn Đảo, nhưng đây cũng là tiếng lòng được thốt lên phản kháng của chính Hứa Trọng Lâm khi không thể thay đổi cục diện.

NHÂN VẬT THÂN CÔNG BÁO

Đây là một nhân vật cực kỳ thú vị và cổ quái.
Vốn xuất thân là đệ tử xuất chúng nhất của Nguyên Thủy Thiên Tôn, thánh của Xiển Giáo; thế nhưng khác với mô tả trong tiểu thuyết, Thân Công Báo được cho là một người có tư tưởng giống Triệt Giáo hơn.
Đạo sĩ Thân Công Báo
Đạo sĩ Thân Công Báo
Thân Công Báo sử dụng Lôi Công Tiên, một trong 7 siêu pháp bảo của thế giới Phong Thần, có khả năng triệu hồi sấm sét và sức công phá mạnh ngang với Kim Tiên của Văn Trọng, pháp bảo lợi hại nhất. Cưỡi trên Hắc Điểm Hổ, một thần thú vô địch; Thân Công Báo được ví có sức mạnh ngang hàng với Văn Trọng và thậm chí là Tam Thiên.
Với khả năng đó, rất dễ hiểu khi ông bị quy chụp gia nhập hàng ngũ phò Trụ Vương chỉ vì ghen tức với Khương Tử Nha, người được đánh giá có năng lực thua kém rất nhiều với ông. Thậm chí trước khi chiến tranh nổ ra, cả Văn Trọng, Đắc Kỷ lẫn Khương Tử Nha đều gặp hỏi ông rằng có tham gia chiến tranh hay không, bởi với sức mạnh của mình, Thân Công Báo hoàn toàn có thể khiến chiến thắng thuộc về nhà Thương.
Ông tin vào việc con người sẽ làm chủ được số phận của mình, và cũng tin một phần vào bánh xe lịch sử; thế nên thay vì trực tiếp tác động như Khương Tử Nha, trong cả thời gian diễn ra Phong Thần, Thân Công Báo hầu như không bao giờ trực diện ra mặt tấn công nhà Chu mà chỉ đứng sau "giật dây" các đạo sĩ khác. Đến cuối đời, ông vẫn chống đối lại Khương Tử Nha đến cùng, cho dù phải vi phạm lời thề độc với sư phụ Nguyên Thủy Thiên Tôn và bị dìm chết ở biển Đông Hải. Khác với Văn Trọng khi ngu trung chiến đấu đến chết vì nhà Thương; Thân Công Báo chỉ chiến đấu vì niềm tin của bản thân vào con người. Cho dù cả đời chống lại Đảo Côn Lôn, nhưng đến khi chết, linh hồn Thân Công Báo vẫn được ghi nhận cho phép được Phong Thần.

MỆNH TRỜI ĐÃ ĐỊNH - DÙ CÓ MẠNH MẼ ĐẾN ĐÂU

Khi đọc hay xem Phong Thần Diễn Nghĩa, chúng ta thường có cảm giác nhà Chu - phe Khương Tử Nha/Côn Lôn Đảo là chính nghĩa; và nhà Thương - phe Văn Trọng/Kim Ngư Đảo là phản diện. Vì suy nghĩ này nên ta rơi vào lầm tưởng phe chính nghĩa sẽ được thiên vị hơn về lực lượng; thế nhưng thực tế lại ngược lại.
Nhà Chu sở hữu những đạo sĩ mạnh mẽ như "Pháp bảo nhân" Na Tra, Thiên tài Dương Tiễn, Hồng Cẩm, Lôi Chấn Tử... với sự hậu thuẫn của hai trong số ba Tam Thanh. Ngược lại, phía nhà Thương lại toàn nhân vật máu mặt như Văn Trọng, Thân Công Báo, Khổng Tuyên (người solo nguyên băng nhà Chu, đánh bại cả Nhiên Đăng đạo nhân, Lục Yểm), hay Trương Khuê (thậm chí còn mạnh hơn Khổng Tuyên)... Cơ bản toàn là những đạo sĩ thuộc nhóm mạnh nhất. Cuối cùng cho dù có mạnh mẽ đến đâu thì cũng phải tuân theo mệnh trời; khi các tướng nhà Thương toàn đánh một mình còn phe Chu toàn chơi hội đồng.

TRỤ VƯƠNG CÓ THẬT SỰ LÀ HÔN QUÂN?

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ xem xét với Phong Thần Diễn Nghĩa.
Trụ Vương và Đắc Kỷ
Trụ Vương và Đắc Kỷ
Xét về bản chất các hành vi, đúng, Trụ Vương chắc chắn là một hôn quân khi đọa đầy chúng sinh bởi sự mê hoặc của Đắc Kỷ, với Nhục Lâm - Tửu Trì - Lộc Đài - Sái Bồn - Bào Lạc.
Thế nhưng hãy nhìn nhận một chút về thời điểm trước khi có sự xuất hiện của Tô Đắc Kỷ. Trụ Vương từng là một người văn võ song toàn, dũng mãnh nhất thiên hạ. Trong Sử ký Tư Mã Thiên, ông là con của Đế Ất, từ nhỏ có tiếng thông hiểu sách vở, vẻ ngoài tráng kiệt lạ thường. Sách Tuân Tử cho biết ông từ nhỏ nổi tiếng tuấn kiệt, có thể gọi là anh hùng đương thời.
Nhiều tài liệu lịch sử đã cho rằng các hình phạt hay hưởng lạc nêu trên trong tiểu thuyết là hư cấu; Trụ vương không dùng kẻ quyền thế mà dùng dị sĩ có tài, ấy là đang triệt gốc rễ của đám thế gia môn phiệt vì thời đó chỉ có hàng giàu sang phú quý mới được học chữ. Ông là người trọng nghĩa trọng tài.
Việc Trụ Vương sa lầy xuất phát từ việc xúc phạm Nữ Oa và bị mê hoặc bởi Đắc Kỷ. Lúc này ông bị ảnh hưởng bởi Mê Hồn Hương và hành xử theo lệnh Đắc Kỷ; có thể coi là một người mất trí.
Việc đánh giá người mất trí hay lịch sử do người chiến thắng viết ra, chúng ta không bàn; chỉ biết rằng kế hoạch Phong Thần được lập ra với cái tên cốt lõi là Trụ Vương, và cuối cùng ông cũng được Phong Thần.Xét cho cùng, Phong Thần Diễn Nghĩa là một bộ tiểu thuyết hư cấu dựa trên các sự kiện có thật trong lịch sử; đúng hay sai hãy cứ để cho hậu nhân nhận xét mà thôi.

MỘT SỐ ĐIỀU THÚ VỊ KHÁC

1. Không phải chỉ có mình Na Tra có phép ba đầu sáu tay.
Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, có 4 nhân vật có thể biến hóa (hoặc tự nhiên) có ba đầu sáu tay (nghĩa là nhân 3 sức mạnh) là:
- Na Tra, một sản phẩm nhân tạo của Thái Ất Chân Nhân. - La Tuyên, bạn của Thân Công Báo, sử dụng Vạn Lý Vân Yên đốt cả Tây Kỳ trong biển lửa) - Lữ Nhạc, đạo sĩ của Kim Ngư Đảo, sử dụng vũ khí sinh học là bệnh dịch. - Ân Giao, thái tử nhà Thương, con cả của Trụ Vương - do ăn phải quả lạ trên Tiên giới.
2. Dương Tiễn đã đánh nhau với "Tôn Ngộ Không" phiên bản Phong Thần Diễn Nghĩa
Đó là Viên Hồng, nguyên soái cuối cùng của nhà Thương; vốn từ một con khỉ trắng tu luyện thành tinh.
Trong Phong Thần Diễn Nghĩa là Dương Tiễn được coi là một trong những đạo sĩ hùng mạnh nhất (thời điểm đó chưa trở thành tướng thiên đình); thế nhưng cũng không thể nào đánh bại được Viên Hồng - kẻ đứng đầu Mai Sơn Thất Quái. Chỉ khi Nữ Oa xuất hiện, sử dụng Sơn Hà Xã Tắc Đồ, Viên Hồng mới bị bắt. Thậm chí khi bắt được rồi, quân Chu cũng khốn khổ mãi mới tìm được cách tử hình Viên Hồng.
3. Khương Tử Nha đã từng bị giết 3 lần trong Phong Thần Diễn Nghĩa. Nhưng đều được hào quang nhân vật chính cứu sống trở lại.
4. Các Siêu pháp bảo.
Hệ thống pháp bảo trong Phong Thần Diễn Nghĩa là cực kỳ đa dạng; có nhiều dị bản của tiểu thuyết này, thế nhưng nổi bật nhất là "7 Siêu pháp bảo", với những người sở hữu như sau:
- Thái Cực Đồ - Lão Tử - Bàn Cổ Phiên - Nguyên Thủy Thiên Tôn - Lục Hồn Phiến - Thông Thiên Giáo chủ - Kim Tiên - Văn Trọng - Kim Giao Tiễn/Định Hải Thần Châu - Triệu Công Minh/Vân Tiêu - Khuynh Thế Nguyên Nhương - Đắc Kỷ - Lôi Công Chùy - Thân Công Báo
Một số pháp bảo khác cũng khủng bố như Tứ Đại Bảo Kiếm được sử dụng trong trận Tru Tiên là Tru Tiên, Hãm Tiên, Tuyệt Tiên, Lục Tiên; hay Sơn Hà Xã Tắc Đồ tuy nhiên các pháp bảo này không mấy khi được sử dụng cả.
Ngoài còn một nhân vật đặc biệt khác, Na Tra còn được gọi là "Pháp bảo nhân" vì trên người mang đầy pháp bảo như một kho vũ khí: Trên tay thì có vòng Càn Khôn, quấn quanh người là Hỗn Thiên Lăng, tay cầm Đả Tiên Kim Chuyên, Cửu Long Thần Hỏa Trạo, Song Kiếm Âm Dương, Hỏa Tiêm Thương, Gạch Vàng, dưới chân thì có Phong Hỏa Luân. Bản thân cơ thể của Na Tra cũng là "nhân tạo" được tạo thành từ bông hoa sen, thế nên Na Tra cơ bản không có linh hồn, điều này khiến Na Tra có thể miễn nhiễm với các phép thuật hệ tâm linh, giải cứu phe nhà Chu không ít lần.