“Tình yêu với loài vật không nên dừng lại ở vài giọt nước mắt khi nhìn thấy gia súc, gia cầm bị giết dã man trong các nhà máy thịt, nhưng rồi vẫn tiếp tục tiêu thụ thịt với một chiếc nịt che mắt. Tình yêu đó cũng không nên dừng lại ở những giải pháp không đến nơi đến chốn như ăn chay.” - Vũ Hoàng Long từ cuốn "Chuyện người chuyện ngỗng"
Khi viết nên 2 câu này, tác giả của cuốn sách đang nuôi một cặp ngỗng. Không phải để thịt, cũng không phải để bán, tác giả nuôi chúng ban đầu vì tính tò mò, và về sau là vì tình yêu to lớn, vượt ra khỏi những khuôn tư duy thông thường của con người về “thú nuôi”. Lựa chọn dũng cảm này khiến tôi thực sự trăn trở về cách mà con người dành tình yêu cho động vật. 
Tại sao chỉ có chó mèo mới có đặc quyền trở thành “thú cưng”? Còn nếu  nuôi một con ngỗng, hay bất cứ bò, lợn, vịt, ngan… mọi người sẽ mặc định ngay là nuôi để thịt? Và kể cả thế, thì tại sao chó và mèo vẫn bất đắc dĩ trở thành món ăn của những quốc gia châu Á như Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay? Thậm chí, để lấy thịt của chúng, nhiều người còn chấp nhận phạm pháp?

Ăn thịt (bao gồm thú nuôi) luôn là nhu cầu thiết yếu của con người

Để hiểu ngọn ngành vấn đề này, chúng ta cần quay ngược thời gian về thời điểm chó và mèo xuất hiện trong cuộc sống loài người.
Tổ tiên của con người đã tồn tại được 5-7 triệu năm trước, và hồi đó thì chắc chắn rằng chúng ta chưa có khái niệm thuần hóa động vật để làm thú nuôi. Tự mình lo mà sinh tồn đã là tốt lắm rồi. Tạo hóa không cho loài người bộ vuốt nhọn hay bộ hàm khỏe để săn mồi, họ chỉ tìm được xác động vật và cố gắng tìm cách để “ăn được” chúng. Ấy là cho tới khi họ bắt đầu mày mò ra các công cụ bằng đá để giã vỡ xương, xẻ thịt bên trong rồi bỏ vào miệng mà nhai và nuốt. Đó là vào 2.5 triệu năm trước, “thịt là thịt”, không có ngoại lệ. Mối quan hệ giữa người tiền sử và động vật là mối quan hệ của thợ săn và con mồi. Loài người chỉ xem động vật là thức ăn và da để may quần áo, giữ ấm vào mùa đông lạnh giá. 
Các nghiên cứu ngày nay xác định chó sói là giống loài được thuần hóa trở thành thú nuôi đầu tiên trong lịch sử. Điều này xảy ra ít nhất 12.000-14.000 năm trước, khi con người phát hiện ra rằng chó con thì phục tùng họ, khi chúng lớn lên thì có thể huấn luyện để giúp con người săn bắt dễ dàng hơn. Mối quan hệ của loài người và loài chó bắt đầu gắn kết hơn, yếu tố đạo đức cũng bắt đầu được hình thành để người ta không còn coi chó, loài vật giúp con người sinh tồn trong môi trường tự nhiên, là thức ăn nữa. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, không phải nền văn minh nào cũng như vậy. 
Ở đế chế Aztec cổ đại, họ đã cố gắng lai ra giống chó Mexican không lông (và thiến chúng) để lấy thịt. Theo như mô tả trong các bức vẽ được khắc lên gốm, giống chó này còn được bán ở chợ của thành phố như một loại nhu yếu phẩm. Việc ăn thịt chó cũng được phát hiện ở Trung Quốc từ khoảng năm 500 TCN, thậm chí có thể sớm hơn. Các tài liệu cho thấy rằng ở miền nam nước này, chó sói đã được thuần hóa để lấy thịt. Mạnh Tử cũng đã nói rằng thịt chó là một loại thịt ăn kiêng. Người da đỏ khu vực Bắc Mỹ cũng có văn hóa truyền thống liên quan tới việc ăn thịt chó và coi nó như một món ăn ngon, như người Kickapoo, họ còn đưa thịt chó con vào nhiều lễ hội truyền thống. Ngày nay, vẫn còn tồn tại các lễ hội thịt chó như ở Ngọc Lâm - Quảng Tây, Trung Quốc; lễ hội Bok Nal ở Hàn Quốc. 
Gian hàng tại lễ hội thịt chó tại Ngọc Lâm - Trung Quốc
Gian hàng tại lễ hội thịt chó tại Ngọc Lâm - Trung Quốc
Riêng ở Việt Nam, văn hóa thịt chó cũng đã tồn tại từ lâu. Nhiều cư dân tại Sài Gòn cũ cho biết rằng các quán thịt chó xuất hiện bắt đầu từ những năm 30-40 của thế kỷ trước, nhưng cũng chỉ bó hẹp trong cộng đồng người Bắc vào Nam lập nghiệp. Nhà văn Vũ Bằng đã viết trong tập sách “Miếng Ngon Hà Nội” vào mùa thu năm 1952: “Ngả con cầy ra đánh chén! “Sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?”. Trong văn hóa Việt Nam, “thịt chó” vốn là món ăn vào dịp cuối tháng, cuối năm với quan niệm “giải vận”. “Đánh bạc thua liền ba đêm, này! Ăn một bữa thịt chó, có người gỡ lại hết cả tiền thua, mà lại còn được thêm là khác. Thử hỏi trong tất cả các món ăn trên thế giới có món ăn nào khả dĩ lại di chuyển được vận hạn của con người đến thế hay không?” 
Xét về độ phổ biến thịt chó thì chẳng đâu mà bằng được ở Việt Nam. Mỗi năm, người Việt tiêu thụ khoảng 5 triệu con cho nhu cầu ăn uống. Kéo theo đó là các lò mổ quy mô vẫn tồn tại và phát triển, như là lò mổ ở Chương Mỹ. Tuy vậy, trên thế giới hiện tại chỉ còn Việt Nam và 2 quốc gia khác là Trung Quốc và Hàn Quốc không cấm việc ăn thịt chó. Việc ăn thịt chó cũng hay được văn hóa phương Tây cho vào khuôn mẫu của người Châu Á và đùa về nó.
"When do we eat dog" - <a href="https://www.youtube.com/watch?v=HLfnbq-0QSk&amp;ab_channel=EricCartman">Link</a>
"When do we eat dog" - Link
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao việc “ăn thịt chó” nói riêng và “ăn thịt thú nuôi” nói chung không còn được chào đón như trước nữa?

Vì sao ăn thịt vật nuôi không còn được phổ biến và dần bị đào thải

Có nhiều lý do để việc “ăn thịt vật nuôi” không còn phổ biến ở thời đại ngày nay. Mấu chốt là động vật thông qua trí tuệ và cảm xúc mà đã có tác động cảm xúc rất rõ rệt đối với con người. 
Đối với chó mèo, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chúng là những sinh vật có trí tuệ và cảm xúc. Nguồn của nghiên cứu này thì vô số kể, như là “Journal of Comparative Psychology”, “Animal Cognition”, và “Journal of Veterinary Behavior”. Thậm chí các loài động vật khác như dơi, vượn, voi và khỉ cũng được chỉ ra rằng có trí tuệ và cảm xúc tương tự. Nên việc giết hại và ăn thịt chúng là không nhân đạo và bị lên án. Các loài động vật bị mặc định là thức ăn cũng đã có những nghiên cứu tương tự. Ví dụ như nghiên cứu Pigs Animal Welfare Science (PAWS) tại Đại học Bristol về lợn cũng chỉ ra chúng có thể cảm xúc và trí khôn. Hay nghiên cứu Chickens Welfare Science” về gà cũng cho ra kết quả giống vậy. 
Nhưng trí thông minh hay khả năng cảm nhận, thể hiện cảm xúc không phải tất cả.
Sự khác biệt giữa chó mèo và các động vật khác chủ yếu do cách mà xã hội loài người phân cấp cho các loài. Từ trước tới nay, loài người luôn tự mình định dạng và phân loại cho các loài động vật:
“Khi con người đứng đầu chuỗi thức ăn, họ cho mình quyền đánh giá giá trị và lợi ích của một số loài khác đối với mình. Giá trị của con vật cho ta sức kéo, thịt, hay tình cảm, có thể rất khó so sánh với nhau. Nhưng xét về mặt đạo đức, loài người cho rằng việc đối xử tốt với một số loài (thú cưng) mang giá trị cao hơn việc đối xử tốt với một số loài khác (thú lấy thịt). Những thứ bậc tưởng tượng giữa giới động vật đã được tạo ra bởi con người.” 
Điều quyết định việc “ăn hay không” hiện nay không phụ thuộc vào sự phân cấp nữa, mà do sự phát triển tình cảm của con người dành cho động vật. Việc động vật có nhận thức và khả năng thể hiện cảm xúc thông qua hành động khiến con người có mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ mà chi phối những quyết định xung quanh.
Hiện tại, chó mèo vẫn là loài động vật có được sự ưu tiên vì lịch sử thuần hóa lâu đời của chúng. Phải chăng cũng đã đến lúc để chúng ta bắt đầu cho các loài động vật khác một cơ hội? Tôi vẫn biết rằng ngoài kia vẫn có rất nhiều cá nhân nhận các loài vật mà tôi coi là “gia súc - gia cầm” kia làm thú nuôi, và tình cảm của họ cũng chẳng thua kém gì tình cảm tôi dành cho con mèo cưng ở nhà, chẳng hạn như tác giả Vũ Hoàng Long với 2 chú ngỗng. Nhưng dù có là nuôi gì đi chăng nữa, sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu mối quan hệ giữa người và động vật được chung sống yên bình và không có gì tác động vào. 

Những hành động đáng bị lên án

Theo báo cáo của Tôi chỉ tìm được số liệu chính thống tổng hợp từ tổ chức “Four Paws”, công khai có 153 báo cáo, ước tính 1.737 con chó và 562 con mèo bị ảnh hưởng bởi các hình thức buôn bán chó, mèo. Nhưng chắc chắn rằng con số thực tế phải cao hơn hẳn. Ở trên mạng xã hội như Facebook, các group tìm chó mèo thất lạc hay bị bắt trộm vẫn có hàng chục, có khi hàng trăm thông báo được đăng hàng ngày.
Theo luật Việt Nam, trộm chó mèo được xét vào tội “trộm cắp tài sản” và bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng cho mỗi lần “bị bắt”. Có khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trị giá tài sản thực sự lớn. Tuy nhiên, án phạt này vẫn không là gì cả và rất khó để mang tính răn đe các đối tượng. Giá phạt thì quá nhẹ, trong khi giá bán cho các lò mổ thì cao. Nếu lỡ có bị bắt được thì lại đi trộm thêm đôi ba con là bù lỗ. Bởi vậy mà nạn trộm chó mèo vẫn tràn lan và khó có thể ngăn chặn triệt để. 
Hung thần với các thiên cẩu
Hung thần với các thiên cẩu
Trong khi đó, ở các nước khác thì án phạt nặng hơn hẳn. Ở Mỹ, người ta phạt tù 7-10 năm và 3.000 đô kèm lao động công ích. Một vài nước khác thì căng thẳng hơn, họ cấm luôn việc ăn thịt thú nuôi và đưa lệnh phạt cho nó. Như là ở Đài Loan, hành vi giết mổ và ngược đãi động vật có thể bị phạt tù đến 2 năm kèm theo khoản tiền phạt lên tới 1.48 tỷ đồng, buôn bán và tiêu thụ thịt chó mèo cũng phải chịu khoản phạt tương đương 185 triệu đồng và bị công khai tên tuổi, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông. 
Cấm ăn thịt chó cũng là một phương pháp, vì nếu triệt tiêu nhu cầu thì sẽ giảm thiểu nguồn cung. Nhưng điều đó không đúng ở Việt Nam bởi văn hóa ăn thịt chó vẫn còn tồn tại rất mạnh mẽ. Quốc hội cũng đã có động thái, nhưng chỉ có thể dừng lại ở việc giảm thiểu và hạn chế vì “đảm bảo sức khỏe cộng đồng” vì thịt động vật nuôi có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, chứ vẫn chưa thể cấm mạnh tay được. Các phong trào phản đối của người dân có tồn tại, nổi bật nhất là quy định cấm hẳn thịt chó mèo tại Hội An. Nhưng khi hỏi về nguyên do phản đối thì hầu hết là do lo ngại về nạn bắt trộm chó mèo và lý do nhân đạo. Nhưng theo tôi thì việc vì phản đối mà bắt ép tất cả phải phản đối cùng cũng là một hành động không hợp lý, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do  của mỗi người. 
"Chó là bạn, không phải tôi"
"Chó là bạn, không phải tôi"
Điều nên lên án và ngăn chặn triệt để là những hành động bắt trộm chó mèo và thu mua chó mèo bị mất trộm của các lò mổ.. Việc này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn là hành động tàn bạo và vô tình đối với những sinh vật vô tội, gây ra nỗi đau không đáng có. 
Đồng thời, để cùng nhau xây dựng một xã hội tôn trọng và yêu quý mọi hình thái sống, chúng ta nên hỗ trợ các chương trình giáo dục và tuyên truyền nhằm thúc đẩy nhận thức về quyền sống của các loài động vật, từ đó thúc đẩy sự chấm dứt việc ăn thịt chó mèo một cách lành mạnh. Còn nếu như các bạn không đồng ý, tôi vẫn tôn trọng quyết định của các bạn, miễn là các bạn cũng tiêu thụ thịt chó mèo từ các lò mổ chuyên nuôi thịt một cách lành mạnh và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. 
Nếu bạn quan tâm tới chủ đề này, thì "Chuyện người chuyện ngỗng" có thể là một cuốn sách thách thức lại những quan niệm truyền thống của bạn về mối quan hệ giữa con người và vật nuôi. Tìm hiểu tại đây nhé: Chuyện người chuyện ngỗng.