Chúng ta gán mác cho mọi thứ

Gần như là một phản xạ vô điều kiện khi mọi thứ đến với chúng ta, chúng ta sẽ mặc định gán cho nó một cái "mác" nào đó mà không cần suy nghĩ nhiều. Từ khi còn nhỏ xem các bộ phim hoạt hình ta đã biết phân biệt phe tốt và phe xấu, lớn hơn nữa thì bạn tốt và bạn xấu, rồi điều may mắn và xui xẻo. Nhưng liệu bạn đã bao giờ thắc mắc rằng liệu cái người mà bạn luôn nghĩ là xấu xa đó cũng có mặt tốt? Liệu rằng cái việc mà rõ ràng là may mắn đó hóa ra lại là điều xui xẻo? Liệu mọi việc có cái bản chất thật của nó không? Nó đưa ta tới một khái niệm rất đáng để chú ý, khái niệm về tính không.

Tính không là gì?

Nói về tính không thì đa số các tư liệu trên mạng hay trong sách vở đều dùng các thuật ngữ khá phức tạp, rất khó để tiếp cận cho những ai chưa đọc qua kiến thức nền. Thậm chí một số người hiểu sai và nghĩ tính không là một bản thể phương Đông của chủ nghĩa hư vô (Nihilism). Cho dễ hiểu nhất chúng ta hãy cứ nghĩ: tánh không nghĩa là mọi sự vật, sự việc, con người đều không có tính chất riêng hoặc trung tính (chúng ta khoan nói về tính không bên trong chúng ta đã nhé). Vâng một khái niệm nghe có vẻ rất lạ đúng không, bạn có thể nghĩ rõ ràng người yêu tôi thật đáng yêu, tại sao lại có thể gọi là trung tính được, hay người bạn mà tôi ghét, rõ ràng nó là cái đứa xấu xa. Tôi sẽ giải thích cho bạn về những thắc mắc này. Nhưng theo một cách đơn giản nhất, hãy hiểu tính không là không có tính chất, không tốt, không xấu, hoặc trung tính và vạn vật đều như thế.

Tính không ở xung quanh ta

Theo quan niệm của tính không thì vạn vật đều không có tính chất riêng của nó, mà những "hạt giống" bên trong mỗi chúng ta sẽ cho chúng ta những tính chất đó khi chúng ta tiếp xúc với chúng. Điều đó có nghĩa là, một người mà bạn có thể yêu thương hết mực có thể là người mà bị người khác ghét cay ghét đắng, và một người mà bạn ghét cay ghét đắng, lại có người yêu thương họ hết mực. Vậy thì chính những người xung quanh ta đáng yêu hay đáng ghét? Chẳng ai đáng yêu hay đáng ghét cả, những hạt giống bên trong ta quyết định điều đó (tôi sẽ nói về phần này ở bài sau).
Hãy tưởng tượng về sếp của bạn lúc ông ấy mắng bạn. Lúc đó đối với bạn ông ấy thật hung dữ, đáng ghét, ngu muội, và khó ưa. Và từ đó bạn gán cho ông sếp của mình những tính chất mà bạn nghĩ một người khó ưa sẽ có, và công ty này sẽ chẳng đi tới đâu nếu không có bạn. Tuy nhiên, vợ của ông ấy sẽ nghĩ rằng ông ấy thật sáng suốt vì đã tìm ra những điểm yếu của bạn và ông ấy thật rộng lượng vì không đuổi bạn mà cho bạn một cơ hội làm việc. Rồi những đồng nghiệp thích bạn sẽ nghĩ ông ấy xấu xa, những đồng nghiệp ghét bạn sẽ có một trận cười hả hê và nghĩ ông sếp thật sáng suốt vì đã mắng bạn. Vậy thì, có vẻ như ông sếp không có một tính chất của riêng ông ấy, vì nếu có thì tất cả mọi người đã nhìn nhận theo đúng cách đó rồi.
Nếu chúng ta nhìn nhận lại chính bản thân mình. Chúng ta có những "thân phận" và những tính chất khác nhau trong chính chúng ta. Chúng ta có thể là một người con, người cháu trong gia đình, là một người anh, chị, hay em, là một người bạn thân, kẻ thù của ai đó, là người yêu, người yêu cũ của ai đó, là vợ, là chồng, là cha, là mẹ,... Và trong mỗi mối quan hệ chúng ta lại được nhìn nhận bởi những người khác qua những lăng kính khác nhau, mặc dù con người chúng ta là một. Đối chiếu lại với những người khác ta sẽ thấy điều tương tự. Ngẫm nghĩ cho kĩ ta sẽ thấy tính không trong mỗi người xung quanh, nghĩa là mọi người xung quanh ta đều không có tính chất cố định.
Từ đó nếu chúng ta nhìn vào những sự vật, hiện tượng chúng ta cũng sẽ thấy nó cũng có tính không. Ví như một cơn mưa có thể là cơn ác mộng với dân mua bán hoặc người đi làm, nhưng nó là "phước trời ban" cho những người nông dân. Một phiến đá hoa cương trên một tòa cao ốc có thể rất thẩm mĩ trong mắt người ngắm nó, nhưng nó lại là một án tử treo lơ lửng với những người thợ lau kính cho tòa cao ốc đó. Tụ chung lại, nếu nhìn nhận cho kĩ, ta sẽ thấy mọi sự đều có tính không.

Nhìn nhận như vậy đưa chúng ta rút ra được điều gì?

Vậy chúng ta thấy được, có vẻ như mọi điều đều không có tính chất của nó. Nhưng nếu như thế thì tại sao có những thứ khiến chúng ta vui vẻ hài lòng, và có những thứ khiến chúng ta bực dọc khó chịu? Rõ ràng nó không tới từ bản chất của sự việc đó, vì sự việc đó có tính không, hoặc không có bản chất. Nó đưa ta tới một kết luận rằng, phải có một "lực" nào đó tác động đến những vấn đề khiến cho chúng ta đón nhận nó theo một cách khác nhau, chứ không phải do chính vấn đề đó. Vậy cái "lực" đó là gì? Mình sẽ nói về nó trong bài viết tiếp theo của series không tên.
Đây là một series mà đa số thông tin do mình đọc sách và research mà có. Từ đầu tới cuối series, chúng ta sẽ cùng nhau học những phương pháp mới về việc nhìn nhận thế giới này, và cách chúng ta nên phản ứng với chúng. Những bài viết sẽ sử dụng từ ngữ đơn giản nhằm mục đích dễ tiếp cận cho các bạn đọc, những ví dụ đa số cũng do tự mình nghĩ ra. Mình sẽ để link của các tài liệu mình đọc ở bên dưới.