Tỏ ra lạnh lùng, dè chừng hay quá cởi mở khi trò chuyện với người mới quen có lẽ đều không phải là cách để gây ấn tượng tốt. Muốn trở nên hấp dẫn và bí ẩn hơn trong mắt đối phương, chỉ nên tiết lộ một lượng thông tin vừa đủ ban đầu - vừa khiến đối phương cảm thấy đủ gần gũi nhưng vẫn vương vấn đâu đó chút bí ẩn, khiến họ phải tò mò về bạn. 
Vậy bao nhiêu là đủ? Đây quả là một câu hỏi khó!
Nếu bạn đang cảm thấy các mối quan hệ mới của mình thường có khuynh hướng “chết yểu” thì rất có khả năng bạn đang hơi quá cẩn trọng. Một chút thông tin về bản thân ban đầu có thể tạo cho đối phương sự tò mò và sức hấp dẫn nhất định. Và đôi khi, sự kín đáo của bạn sẽ bị hiểu như là sự lạnh lùng, thiếu quan tâm, hay thậm chí bị coi là bạn đang cố giấu diếm một điều gì đó về bản thân - cho dù có thể thực tế chỉ đơn giản là bạn không có gì nhiều để thể hiện.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, những người cởi mở thường tạo được thiện cảm hơn những người khép kín. Tiết lộ thông tin cá nhân với người mới quen cho họ cảm giác bạn tin tưởng họ, đánh giá cao họ, và muốn mối quan hệ này gần gũi hơn. Như chúng ta đã biết, trong một mối quan hệ, sự hứng thú phải đến từ hai phía. Bằng cách thể hiện cho ai đó thấy rằng bạn đang quan tâm đến họ thì nhiều khả năng họ cũng sẽ quan tâm đến bạn.
Trong các mối quan hệ mới, chúng ta luôn có tâm lý muốn biết đối phương là ai, chúng ta khó có thể nảy sinh tình cảm với một người lạ: không thể có sự gần gũi nếu không thấu hiểu. Nếu bạn không tháo lớp mặt nạ bảo vệ xuống, dần dần đối phương sẽ cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ mối quan hệ này.
Vậy nên việc tự tiết lộ về bản thân là một điều cực kỳ cần thiết cho việc xây dựng mối quan hệ gần gũi với người khác. Vấn đề là nên tiết lộ bao nhiêu? Bởi vì quá cởi mở cũng là một điểm khiến bạn trở nên thiếu hấp dẫn. 
Làm thế nào để có thể tránh rơi vào cái bẫy “overshare”? Một vài nguyên tắc cơ bản sau đây sẽ rất hữu ích để giúp bạn gây ấn tượng tốt với người mới quen.
How much should you disclose to someone new?

Cân bằng thông tin

Đây là nguyên tắc đầu tiên cần ghi nhớ về việc tiết lộ thông tin cá nhân. Bạn nên tiết lộ những thông tin tương tự như thông tin mà đối phương đưa ra.
Tác giả cuốn First Impressions (Ấn tượng đầu tiên) đã áp dụng quy tắc tương tự trong trò chơi Poker: bạn sẽ không thể ngồi ở đó mà không có gì trong khi tất cả mọi người đều được trang bị đầy đủ.
Nguyên tắc thứ hai sau đây sẽ giúp bạn rõ cách để giữ lượng thông tin cân bằng với đối phương.

Từng bước khiến cuộc trò chuyện trở nên sâu sắc hơn

Trong cuốn Conversationally Speaking, chuyên gia truyền thông Alan Garner mô tả 4 giai đoạn để một cuộc trò chuyện có tiến triển tốt, trở nên quan trọng và có ý nghĩa hơn, bao gồm:
GĐ1 - Sáo rỗng: "lời chào hỏi" - đây là những nghi thức cơ bản để khởi đầu các cuộc trò chuyện. Bạn có thể bắt đầu với những câu đơn giản như: "Xin chào! cậu khỏe chứ?" hay "Rất vui khi được gặp em!"
GĐ 2 - Sự thật: Sau khi qua màn chào hỏi, mọi người bắt đầu trao đổi một số thông tin cơ bản về bản thân như quê quán hay công việc,... Garner lưu ý ở giai đoạn này mỗi người đều cố gắng tìm hiểu liệu mối quan hệ này có đủ để chúng ta chia sẻ và biến nó trở nên tốt đẹp hơn hay không.
GĐ 3 - Quan điểm: Khi đã hiểu hơn về nhau, họ bắt đầu chia sẻ về quan điểm sống, góc nhìn về các sự kiện diễn ra xung quanh hay các vấn đề liên quan đến tiền bạc, tình yêu,...
GĐ 4 - Cảm xúc: Garner cũng cho biết, "cảm xúc" khác với "sự thật" và "quan điểm" vì nó không chỉ mô tả những gì đã xảy ra và cách bạn quan sát chúng, nếu những thông tin ở giai đoạn 2 và 3 khiến cuộc trò chuyện trở nên hơi cứng nhắc và khô khan, thì đây chính là lúc thể hiện con người bạn. Cảm xúc mới chính là trái tim bạn, thứ thực sự khiến đối phương quan tâm và bị hấp dẫn.
"Cảm xúc" có thể là thứ đáng mong chờ nhất trong một cuộc trò chuyện nhưng bạn không nên vội vàng chia sẻ chúng. Hãy tiến hành từng giai đoạn một, từ những thông tin ngoài lề, rồi mới từ từ đào sâu vào những vấn đề mang tính cảm xúc nhiều hơn, nên thay đổi các chủ đề từ mức độ nhẹ đến mạnh.
Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để nhận biết đối phương đã sẵn sàng chuyển từ giai đoạn này qua giai đoạn khác? Bí quyết để kiểm soát tốc độ cuộc hội thoại là nếu bạn nhận ra bạn đang nói chuyện với một người mà bạn không muốn biết thêm về họ, hay bạn hi vọng mối quan hệ này sẽ kết thúc sớm, bạn có thể giảm tốc độ cuộc trò chuyện lại bằng cách chỉ nói về những điều “nông cạn”, không thay đổi quá nhiều chủ đề. Nhưng, nếu bạn phát hiện ra rằng, bạn đang bắt đầu hứng thú với đối phương, bạn muốn trở nên gần gũi với họ hơn, hãy tăng tốc độ lên một chút.
Trong trường hợp thứ hai, một khi bạn nghĩ rằng bạn đã dành đủ thời gian cho giai đoạn nào đó, hãy tiết lộ một chút thông tin trong giai đoạn tiếp theo để thử xem đối phương có hứng thú hay không. 


Đọc thêm:

Ví dụ, nếu bạn đang ở giai đoạn “sự thật”, hãy là người đưa ra "quan điểm" trước, nếu người đó trao đổi lại một cách nhiệt tình thì nghĩa là bạn nên sẵn sàng để bắt đầu giai đoạn tiếp theo. Trong trường hợp họ vẫn muốn tiếp tục chia sẻ về thông tin cá nhân, hãy tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi trước khi gửi một tín hiệu khác.

Bắt đầu với các thông tin tích cực

Kể từ khi bước qua giai đoạn tạo sự thân mật, bạn có thể bắt đầu chia sẻ các vấn đề “nặng ký” hơn, ví dụ như về quá khứ không mấy đẹp đẽ hay vấn đề tài chính của bạn,...
Tuy nhiên, khi mới bắt đầu chia sẻ về cảm xúc và quan điểm của bản thân, hãy bắt đầu bằng các thông tin tích cực trước. Hãy để đối phương có cảm nhận tích cực về bạn trước khi muốn họ đón nhận những thông tin tiêu cực. Điều này sẽ giúp đối phương cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đón nhận những thông tin đó. 

Cân bằng giữa việc hỏi và đưa ra các bình luận

Đặt nhiều câu hỏi là một cách để thể hiện sự quan tâm và thiện chí xây dựng mối quan hệ. Đây cũng là cách để giúp bạn kiểm soát cuộc trò chuyện (có thể đây là một điều giúp bạn lợi thế). Nếu bạn tự tin về kiến thức xã hội, bạn có thể hướng cuộc trò chuyện này về những chủ đề mà bạn quan tâm, hay giúp những người có tính cách nhút nhát có điều kiện để thoát khỏi vỏ bọc của họ.
Dùng câu hỏi để trả lời cho một câu hỏi khác cũng là một cách thông minh nhằm tránh tiết lộ bất cứ điều gì về bản thân bạn. Tuy nhiên đôi khi nó sẽ bị coi là quá cẩn trọng, khiến đối phương cảm thấy bạn có điều gì đó muốn che giấu hoặc bạn chẳng có gì hay ho để chia sẻ cả.
Dẫu việc đặt nhiều câu hỏi còn tốt hơn là cứ liên tọi nói về bản thân mình, tuy nhiên cũng đừng nên quá lạm dụng đặt câu hỏi nếu không muốn biến cuộc trò chuyện trở thành một buổi thẩm vấn. Hãy để đối phương có cơ hội được đặt câu hỏi ngược lại.
Đôi khi biết lắng nghe cũng là một nghệ thuật!

Đọc thêm:

Một cách để đánh giá xem bạn có đang tiết lộ quá nhiều thông tin so với đối phương hay không là hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân: những thông tin mà bạn có được về người bạn mới có bằng lượng thông tin mà họ biết được về bạn hay không?
Nếu câu trả lời là không, nghĩa là bạn đang nói về bản thân mình quá nhiều trong khi lại đặt quá ít câu hỏi hoặc bạn đã hỏi quá nhiều mà quên mất chia sẻ về bản thân mình. Hãy cân bằng lại điều này trong những mối quan hệ mới để tạo nên sự hấp dẫn và thu hút cần thiết.
Và cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng: cái gì nhiều quá cũng không tốt, vừa đủ mới là nhất. Chúc các bạn sẽ áp dụng được các tips trong bài này để cải thiện các mối quan hệ một cách tốt nhất.
Bài dịch đã được thêm đầu thêm đuôi cho có mở có kết và thay đổi thứ tự đoạn. Nếu bạn quan tâm có thể xem bài viết gốc tại đây: