Mình đã tìm được việc ở Châu Âu nhờ network. Và đây là cách bạn có thể áp dụng cho bản thân dù bạn đang ở đâu
Xây dựng network là chuyện quan trọng để bạn có được một công việc trong mơ dù ở Việt Nam hay Châu Âu. Thị trường lao động luôn tồn...
Xây dựng network là chuyện quan trọng để bạn có được một công việc trong mơ dù ở Việt Nam hay Châu Âu. Thị trường lao động luôn tồn tại những ngõ ngách mà networking dễ dàng giúp bạn chạm tới, có thể là những “hidden jobs”, hay một ngành thân quen nào đó ở một nơi xa xôi đâu đó đang rất thiếu người và nếu bạn biết được những điều này bạn sẽ luôn ở phía trước trong cuộc chiến tìm việc. Trớ trêu là hầu hết người Việt mình hay coi thường chuyện networking này, nên hôm nay mình muốn bàn một xíu về chuyện networking như thế nào để “được việc” mà không cần làm lố.
Đầu tiên mình muốn nói những thứ KHÔNG phải là networking trước đã
“Anh ơi, kết bạn LinkedIn với em nhé, sau này công ty anh có vị trí nào thì giới thiệu em với”
Chuyện căn bản nhất của tuyển dụng là bạn phải làm được việc công ty cần, tiền lương và phúc lợi cho bạn ở EU không hề rẻ - do đó bạn cần cho mình thấy giá trị của mình đem lại được là gì trước khi tự tiến cử bản thân. Ngoài ra, cách tiếp cận trên cũng cho người đối diện thấy bạn không quan tâm gì đến nhu cầu của họ cả, và mình không nghĩ networking có thể xây dựng trên nền tảng này.
Đọc thêm:
“Nếu bạn có năng lực thì chắc chắn sẽ có việc thôi, cần chi phải networking?!”
Điều này không đúng trong thị trường lao động, không đúng xíu nào. Networking là phương tiện, kênh truyền thông để bạn cho những “khách hàng” tiềm năng, những công ty có thể đang cần chuyên môn của bạn, biết tới bạn. Giữa một thế giới hàng tỉ người và bạn sống ở rất xa họ, làm sao một công ty có thể tìm ra bạn được? Nói ví von như bạn nấu phở rất ngon, nhưng bạn chỉ có hai vấn đề là quán bạn ở một huyện xa xôi, lại ở trong hẻm và chẳng ai nói gì về phở của bạn cả, nhưng bạn lại ôm mộng một ngày đón khách Tây nườm nượp?!
“Em không thích đến những buổi networking, rất ngại gửi tin nhắn cho người lạ. Em không thể networking!”
Sai sai! Networking không đồng nghĩa với chuyện lân la tới các sự kiện để “sưu tập” danh thiếp hay LinkedIn profiles. Tiêu chí chất lượng của networking không phải một friend list dài như hóa đơn tiền điện, networking là bạn được gắn bó và CÙNG phát triển với người khác. Và để làm được điều này, bạn không nhất thiết phải ép mình lăng xăng chung quanh những nơi hoặc những người bạn không thích.
Đọc thêm:
Vậy networking là gì?
Theo mình đó là quá trình bạn xây dựng được những mối quan hệ chuyên nghiệp và bền vững mà ở đó cả bạn và người đối diện đều nhận được một giá trị gì đó. Ở bài viết này, “giá trị gì đó” với bạn có nghĩa là một bước tới gần hơn tới job offer ở Châu Âu.
Vậy mình có thể đem lại “giá trị” gì cho người còn lại?
Qéo qèo, đây là nơi hầu hết các bạn lúng túng (hoặc chưa từng nghĩ tới luôn), hầu hết mình thường suy nghĩ “em đang tìm việc, có cái gì mà cho lại được chứ?”, nên dẫn tới các bạn đi network chỉ biết trông cậy vào “lòng tốt” của người bạn nhờ vả. Cách này không có gì sai hay đáng trách cả, tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để gặp một người đủ “tốt” để cam kết giúp bạn đến cùng, hoặc có khi bạn đã bỏ cuộc trước khi gặp đúng người. Hơn nữa, những mối quan hệ lâu dài bền chặt nhất (chắc chỉ trừ với gia đình) đều là những mối quan hệ mà cả hai bên đều thấy niềm vui và giá trị từ đó. Vậy đây là cách mình thay đổi:
1. Bạn nên đầu tư tìm hiểu người bạn định hỏi một xíu
Ý này bắt đầu bằng một câu hỏi: làm sao biết mình không giúp được gì người khác nếu bạn chưa từng bỏ công tìm hiểu họ cần gì? Bạn cần hiểu, những người bạn định hỏi han nhờ vả đều “có vẻ” đang có tất cả những gì bạn muốn, nhưng điều này không đồng nghĩa họ đang không theo đuổi hay muốn điều gì trong đời nữa. Hướng tiếp cận là mình cần biết họ đang ấp ủ điều gì, và mình giúp đỡ được cách nào với họ không.
LinkedIn, Facebook đã giúp cho thực hiện điều này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn luôn có thể tìm hiểu được một người đang quan tâm điều gì dựa vào những gì họ làm trên mạng xã hội. Một vài gợi ý:
- Họ có đang thực hiện một dự án cộng đồng nào đó không? Bạn có thể giúp dự án của họ được nhiều người biết đến, tăng tương tác hơn chứ? Hoặc bạn có kiến thức, kinh nghiệm nào có thể chia sẻ?
- Họ có đang theo đuổi một sở thích nào đó mà bạn có thể chia sẻ cùng? Thời COVID này có vẻ Nấu Ăn hay Đọc Sách, Chơi Game là những sở thích tân thời.
- Họ có đang loay hoay giải quyết sự cố gì đó trong công việc không? Mình từng có xây dựng một connection lâu năm và vẫn rất thân thiết khi mình phát hiện anh này đang khổ sở với…Excel. Mình đã giúp anh này với cái report cùng deadline sát cửa và đổi lại, mình biết được khá nhiều những khó khăn của công ty anh đang gặp, điều này giúp mình tạo ấn tượng đầu với sếp ảnh, như thể mình là lời giải cho bài toán mà công ty họ đang bí vậy.
2. Bạn nên có những câu hỏi hợp lí cho network của bạn.
Bạn không thể mới gặp một người lạ mà đã hỏi “anh có thể giới thiệu em và công ty hay không?” hay “anh xem qua cái application rồi cho em ý kiến được không?” – LinkedIn cũng giống như phiên bản đeo cà vạt của Tinder vậy, bạn không thể bắt người ta cưới bạn hay đòi một món quà mắc tiền ngay lần gặp đầu! Mức độ hợp lí sẽ được quyết dựa và mức độ hai bạn hiểu nhau và sự nhiệt tình của cả hai. Một vài gợi ý mình đã làm (và có việc 😊 ):
- Hey Peter, mình tên Thông ở cùng diễn đàn Supply Chain Copenhagen trên LinkedIn, mình nghĩ mình có câu trả lời cho mấy ý cậu hỏi trên group. Nhưng cho mình hỏi thêm để hiểu vấn đề của cậu được không? – Yes, chắc rồi Thông!
- Ôi, cám ơn Peter đã reply nhé. Mình thấy cậu ghi cậu đang tìm người giúp công ty tối ưu hóa chi phí đầu vào nguyên liệu, vậy cụ thể cậu đang có vấn đề gì với đống nguyên vật liệu vậy?
- Yeah yeah, đúng rồi, tụi mình mua cà phê nguyên liệu ở tận Việt Nam, mỗi lần mua hàng, tụi mình khổ sở với đặt hàng lắm, đặt nhiều thì giá rẻ mà dễ xài không hết rồi hủy, mà đặt ít thì đi hàng không bõ!
- À…ra là cái vòng luẩn quẩn kinh điển đó. Cậu biết đấy, mình cũng từng khổ sở như vậy ở FrieslandCampina, cho tới khi mình thử kết hợp đặt nhiều loại hàng một lần giao, làm vậy mình không phải đặt mỗi thứ quá nhiều mà vẫn đủ số container.
- Ôi..hay thế. Khi nào mình nói thêm cái này được không?
- Chắc rồi! Cậu có rảnh thứ 4 tuần sau, ngay sau giờ làm không?
Mình đã đạt được cái mình cần, là có một kết nối chất lượng, từ đó hiểu sâu hơn về thị trường bên này và mình có thể cho họ thấy mình có thể giúp họ giải quyết vấn đề - chứ mình không xuất hiện như một người khổ sở, tất cả chỉ nhờ mình tập trung vào những gì người kia cần.
3. Vậy lỡ cái họ cần là cái mình không đáp ứng được hay mình chẳng thể biết họ cần cái quái gì trên đời?
Kinh nghiệm của mình thì hơn 80% những vấn đề mọi người gặp, mình để có thể ít nhiều góp sức, bạn cũng cần hiểu, người khác có cảm tình với bạn là nhờ vào thái độ của bạn hơn là những thứ “vật chất” bạn đem lại cho họ. Tuy nhiên, nếu thực sự mình không thể làm gì thì…mình đành phải trông cậy vào sự tốt bụng của họ.
Networking, và bất kì việc gì, nằm ở việc theo đuổi tới cùng những ai phù hợp và mạnh dạn từ bỏ những người không dành cho mình. Nhưng quan trọng nhất, là bạn phải phân biệt được hai thể loại đó 😉
Mình đến từ page Săn Học Bổng Cùng Alumni
Đọc thêm:
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất