Khuyến học
Khuyến học (学問のすゝめ) Tác giả: Fukuzawa Yukichi + Obata Toku Jirō Sách đã có ai đó dịch sang tiếng Việt đầy đủ. Ở đây tôi dịch lại...
Khuyến học (学問のすゝめ)
Tác giả: Fukuzawa Yukichi + Obata Toku Jirō
Sách đã có ai đó dịch sang tiếng Việt đầy đủ.
Ở đây tôi dịch lại một chương cho vui, có giải thích đầy đủ hơn.
Chương một
Tác giả đã qua đời trên 50 năm, luật tác quyền đã hết nên người ta có thể dịch, in tự do.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ta nói, "trời không tạo ra người đứng trên người, không tạo ra người đứng dưới người". Tức là, khi trời sinh ra con người thì vạn người, tất cả ai cũng như ai, không có phân biệt cao thấp sang hèn khi sinh ra, đều hoạt dụng tâm và thân như loài linh trưởng của vạn vật [*1], có thể lấy vạn vật trong khoảng giữa trời và đất mà thỏa mãn nhu cầu y thực trụ [2], đều tự do tự tại sống an lạc ở cõi đời này mà không gây trở ngại cho nhau. Ấy vậy mà, bây giờ thử nhìn ra cõi nhân gian thì thấy có người hiền minh, có kẻ ngu độn, có người nghèo hèn thì cũng có người giàu sang, có người quý phái thì cũng có kẻ hạ tiện. Sự khác biệt đó như mây trên cao với bùn dưới đất, ấy là tại sao vậy? Lý do rất rất ràng. Trong "Thực ngữ giáo" [*3] có câu: "người không học thì không có trí, người không có trí là người ngu". Tức là, khác biệt giữa người khôn với người ngu là ở chỗ có học hay không có học. Và trên đời cũng có việc dễ, việc khó. Ta nói, người làm việc khó ấy là người có thân phận cao sang, còn người làm công việc dễ là người có thân phận thấp kém. Tất cả những việc cần dụng tâm, lo nghĩ đều là việc khó. Còn việc dùng đến chân tay, sức lực là việc dễ. Vậy nên các y sỹ, các học giả, các quan chức chính phủ hay những người buôn bán lớn, những đại nông gia sử dụng nhiều người làm thuê, đều là những người có thân phận cao quý.
Thân phận càng cao quý thì tự nhiên nhà của họ cũng giàu có, những kẻ bên dưới nhìn họ bằng ánh mắt kính nể. Nhưng nếu nhìn vào gốc rễ thì thấy sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do chỗ sức học của người đó mà thôi, chứ không phải là do trời nào sắp đặt.Tục ngữ có câu, "trời không ban phú quý cho người, mà ban nó cho sự khổ nhọc làm việc của họ". Như đã nói trên đây, con người sinh ra đều không có sai biệt về sang hèn, giàu nghèo. Chỉ có người nào có học vấn thì hay sự hiểu chuyện, trở thành quý nhân, thành người giàu có. Còn kẻ vô học thì thành phường nghèo hèn hạ tiện.
Học vấn không phải là biết những chữ khó, không phải là đọc cổ văn khó hiểu, chẳng phải là thứ văn học vô thực vô ích với đời như làm thơ hay vui thú với Waka [*4]. Những thứ văn chương như vậy đều có thể làm lòng người vui thú, nhưng cổ lai, nó chẳng phải thứ đáng để tôn sùng như những nhà Nho học, những nhà Hòa học nói. Cổ lai, không mấy nhà Hán học giỏi trong việc xây dựng kinh tế gia đình, cũng hiếm thấy dân phố chợ [*6] nào giỏi buôn bán mà tinh thông Waka. Vì vậy mà trong số dân kẻ chợ hay nông gia, có người có tâm, hễ thấy con cái dốc sức vào chuyện học hành thì đâm lo lắng rằng chẳng bao lâu sẽ tán gia bại sản. Việc này cũng chẳng phải là vô lý. Rốt cuộc, thứ học vấn đó xa rời cái thực hàng ngày, là chứng cứ cho thấy nó chẳng phù hợp với đời thường nhật.
Vậy bây giờ tạm gác lại thứ học vấn vô thực đó, mà nói về cái thực học gần gũi với đời sống thường nhật của con người mà ta nên chuyên tâm học hành. Chẳng hạn như học 47 chữ trong bảng chữ cái Iroha, học cách viết thư, học cách ghi sổ sách, học cách dùng bàn tính, học cách sử dụng cân. Những thứ cao hơn nữa mà ta cần phải học thì có rất nhiều. Địa lý học là không chỉ dạy về trong nước Nhật Bản, mà còn chỉ vẽ về phong thổ vạn quốc trên Thế giới. Cứu lý học [*7] là học về tính chất của thiên địa vạn vật, là môn học vấn để biết về sự vận hành của chúng. Lịch sử là sách ghi tường tận về niên đại, giúp tra cứu sự tình vạn quốc cổ kim. Kinh tế học là thuyết về sinh kế của từng người từng nhà cho đến tài chính của thiên hạ. Tu thân học [*8] là môn học trình bày cách tu dưỡng hành vi của bản thân để giao tiếp với người, sống trong đời theo đạo lý của trời đất.
Để học những môn học vấn này thì đại để là tra cứu sách phiên dịch của Tây phương, dùng chữ Kana của Nhật Bản mà học theo, hay thấy có người trẻ tuổi mà có văn tài [*9] thì cho đọc theo hàng ngang [*10], từng môn từng ngành đều bám sát theo thực tế, theo những sự những việc ấy mà cầu tìm cái lẽ của sự vật, mà đáp ứng cái cần kíp của hiện tại. Trên đây là những cái thực học bình thường của con người. Phàm đã là con người thì không phân biệt sang hèn trên dưới, tất cả đều nên hài lòng mà tâm niệm như vậy. Khi đã có thực học cho bản thân thì sĩ nông công thương, từng cấp đều có thể làm tròn cái phận của mình, từng người chèo lái gia nghiệp của mình mà khiến bản thân được độc lập, cảnh nhà được độc lập, quốc gia thiên hạ được độc lập.
Điều cốt yếu trong học vấn là phải biết "phận hạn" của mình. Con người sinh ra không bị ràng buộc, không bị câu thúc. Nam nhân, nữ nhân trưởng thành đều là nam nhân nữ nhân tự do tự tại. Nhưng nếu chỉ nói tự do tự tại mà không biết "phận hạn" của mình thì phần nhiều dễ rơi vào sự ích kỷ phóng đãng. Phận hạn tức là dựa trên đạo lý của trời, theo cái tình của người mà đạt tự do của bản thân mà không ảnh hưởng đến người khác. Ranh giới giữa tự do với sự ích kỷ nằm ở chỗ xâm hại đến người khác hay không. Chẳng hạn như việc tiêu tốn tiền bạc của bản thân, phóng đãng chìm đắm trong tửu sắc thì thoạt nhìn có vẻ giống với tự do tự tại, nhưng quyết chẳng phải là như thế. Một người phóng đãng sẽ trở thành hình mẫu cho vạn người, rồi rốt cuộc sẽ làm rối loạn phong tục của thế gian, ảnh hưởng đến sự giáo dục của người khác nên dù tiêu tiền là việc của người đó đi nữa thì cái tội này cũng chẳng thể tha thứ.
Lại nữa, tự do độc lập không chỉ là việc của bản thân, mà còn là việc của một nước. Nước Nhật Bản ta vốn là một đảo quốc tách rời với Á châu về phía Đông, cổ lai không giao tiếp với ngoại quốc mà vẫn chưa hề thiếu thốn về y thực trụ, nhờ vào sản vật của nước ta. Nhưng từ khi người Mỹ đến nước ta vào những năm Kaei thì bắt đầu mậu dịch với ngoại quốc cho đến như hiện nay. Sau khi mở cửa cảng thì cũng có nhiều lời bàn luận, cũng có người làm nhặng lên rằng cần phải tỏa quốc, cần phải nhương di [*11]. Nhưng kỳ thực, cái thấy của họ hết sức hạn hẹp, lời bàn luận của họ chẳng đáng để tâm, thật đúng như câu tục ngữ "ếch ngồi đáy giếng". Nhật Bản và các nước Tây dương đều nằm trong cùng khoảng trời đất, đều được vầng nhật luân soi chiếu, đều ngắm cùng một vầng trăng, đều có chung đại dương, đều trong cùng bầu không khí, đều là các dân tộc có cùng tình cảm con người. Cái gì ta thừa thì cho họ, cái gì họ thừa thì ta lấy, cùng dạy cho nhau, cùng học từ nhau thì chẳng có gì là hỗ thẹn hay tự hào cả. Cùng nhận lợi ích từ nhau, cùng cầu chúc cho nhau hạnh phúc, tuân theo lẽ trời đạo người mà giao kết với nhau. Vì lẽ mà ta ái ngại cho phận nô lệ của Phi châu, vì đạo mà ta chẳng sợ quân hạm Anh quốc, Mỹ quốc. Nhược bằng đất nước bị gây nhục thì từng người dân trên khắp đất nước Nhật Bản, đều chẳng tiếc mạng sống mà giữ không để hạ uy quang của đất nước, thì ấy mới là độc lập tự do của một nước.
Nhưng người Chi Na [*12] cứ coi như chẳng có nước nào khác ngoài nước họ, thấy người ngoại quốc thì cứ kêu là mọi rợ, căm ghét khinh bỉ như thể loài súc sinh đi bằng bốn chân. Họ không tự lượng sức của nước mình mà cứ hô hào đuổi người ngoại quốc, kết quả là bị mọi rợ ngoại bang làm cho khốc hại, quả thực là chẳng biết đến phận hạn của đất nước. Nếu nói như tư cách của một con người thì đó là kẻ rơi vào sự ích kỷ phóng đãng, chẳng đạt được cái tự do tự tại vốn có. Kể từ khi nền vương chế [*13] của nước ta đổi mới thì chính trị Nhật Bản thay đổi rõ rệt, bên ngoài thì theo công pháp của vạn quốc mà kết giao với ngoại quốc, bên trong thì cho nhân dân thấy cái sự độc lập tự do. Việc bình dân được mang họ, cưỡi ngựa [*14] là một mỹ sự từ thuở khai thiên lập địa đến nay. Cần phải nói, đến đây đây đã đạt được nền tảng là sỹ nông công thương, tứ dân đều có cùng vị trí.
Từ nay về sau, nhân dân trong nước Nhật Bản đã không còn chuyện mang thân phận khi chào đời, mà địa vị của một người là do tài đức của người đó mang lại. Dù cho quan lại của chính phủ không bị xem nhẹ là việc đương nhiên, nhưng không phải là bản thân họ tôn quý, mà do họ mang tài đức của mình để làm tròn phận sự, vì quốc dân mà hành xử quốc pháp đáng quý nên họ mới được tôn quý. Con người không tôn quý, chỉ có quốc pháp mới tôn quý. Nghĩ lại chuyện thời Mạc phủ cũ, mọi người ai cũng biết chuyện đám rước bình trà ở Tōkaidō [*15]. Con ưng ngự dụng còn tôn quý hơn cả con người, cả con ngựa ngự dụng cũng khiến khách qua lại phải tránh đường. Tất cả mọi thứ, nếu được gắn hai chữ "ngự dụng" thì dù là hòn đá viên ngói cũng trông quý báu hết mực. Từ cổ, người thế gian từ mấy nghìn mấy trăm năm nay đều ghét việc này, nhưng họ lại quen với nó, cả trên lẫn dưới đều hình thành nên thứ phong tục khó coi như vậy. Rốt cuộc, đây chẳng phải là tôn trọng quốc pháp, cũng chẳng phải tôn trọng vật phẩm mà chỉ là trò khoa trương vô thực chỉ để tạo uy quang cho chính phủ mà dọa nạt người, một cách bỉ ổi xâm hại đến sự tự do của người. Đến ngày hôm nay thì trên khắp đất nước Nhật Bản, những phong tục nông cạn, chế độ hời hợt như vậy đều đã không còn, người người đều an tâm. Giả dụ như có bất bình với chính phủ thì cũng không ngấm ngầm oán hận chính phủ, mà không ngại đưa ra tranh luận trong yên lặng để cầu tìm phương cách giải quyết. Nếu là việc hợp đạo trời, thấy tình người thì cho dù có xả bỏ sinh mệnh cũng phải đấu tranh vì nó. Đây tức là phận hạn của người là nhân dân của một nước.
Như đã nói ở phần trước, vì từng cá nhân, một đất nước dựa trên đạo lý của trời đất mà được tự do, nên nếu có kẻ xâm hại đến tự do của đất nước này thì cho dù có biến vạn quốc trên toàn thế giới thành kẻ thù cũng chẳng sợ hãi, nếu có kẻ xâm hại đến tự do của bản thân thì cho dù đó có là quan lại của chính phủ thì cũng chẳng ngại. Huống hồ là giờ đây nền tảng tứ dân đồng đẳng [*16] đã được xác lập, ai ai cũng đều an tâm mà theo đạo trời để hành xử cho trọn vẹn cái phận của mình. Tuy nói vậy nhưng phàm là con người thì ai ai cũng đều có thân phận của mình, và cần phải có tài đức tương xứng với thân phận. Để trang bị tài đức cho bản thân thì cần phải biết cái lý của sự vật. Để biết cái lý của sự vật thì không thể không học. Đây chính là lý do vì sao mà sự học lại thành nhiệm vụ cấp bách.
Nhìn lại thời thế xưa nay thì thấy, tam dân là nông, công, thương đã có được thân phận gấp trăm lần so với trước, cuối cùng cũng sánh ngang hàng với sỹ tộc. Ngày nay, trong số tam dân này, hễ có người tài thì cũng có đường được tuyển dụng vào chính phủ. Cho nên họ xét kỹ thân phận, họ coi trọng thân phận của mình mà quyết không có hành vi bỉ ổi. Trong đời chẳng gì đáng thương và đáng ghét bằng loại dân vô học vô tri. Cùng cực của sự vô tri sẽ dẫn đến không biết hổ thẹn. Vì bản thân vô học vô tri mà lâm vào cảnh bần hàn, nhưng họ không biết trách tội mình mà chỉ oán hận người giàu có chung quanh, đến cùng cực thì có khi kết bè kết lũ mà nổi dậy trong bạo loạn. Họ chẳng biết hổ thẹn, chẳng biết sợ quốc pháp. Bản thân họ dựa vào luật pháp để được an toàn, để gia tộc kiếm sống, nhưng họ chỉ dựa vào chỗ cần dựa, và sẵn sàng phá bỏ luật pháp chỉ vì tư lợi tư dục. Chẳng phải là vế trước vế sau mâu thuẫn nhau hay sao. Hay như có người có vốn liếng vững chắc, biết tích lũy tiền bạc mà không biết dạy con cháu. Con cháu không được dạy thì trở thành phường ngu dốt cũng chẳng có gì lạ. Rồi cuối cùng, không ít kẻ rơi vào đường ăn chơi phóng đãng, khiến gia nghiệp của tổ tiên tan biến như làn khói.
Để cai trị loại dân ngu như thế này thì chẳng có phương tiện đạo lý gì hết, mà chỉ có cách dùng uy để nạt nộ. Tục ngữ Tây dương có câu, "bên trên dân ngu là một chính phủ hà khắc" chính là việc này. Đây không phải là chính phủ hà khắc, mà là tai họa do dân ngu tự chuốc lấy. Nếu như bên trên của dân ngu là chính phủ hà khắc, thì bên trên lương dân là một chính phủ tốt, âu cũng là đạo lý. Chính vì vậy mà nước Nhật hiện giờ, chính vì có nhân dân thế này nên mới có nền chính trị thế này. Giả dụ như cái đức của nhân dân mà suy đồi hơn so với ngày nay, dân chìm đắm trong sự vô học mông muội thì luật pháp của chính phủ cũng sẽ nghiêm khắc hơn. Còn nhược bằng người dân mà có chí học hành, hiểu biết cái lý của sự vật, đón gió văn minh thì luật pháp của chính phủ sẽ đạt đến chỗ khoang hồng độ lượng. Sự hà khắc hay độ lượng của pháp luật chỉ gia giảm theo đạo đức của nhân dân. Con người thì chẳng có ai yêu chính sách hà khắc mà ghét chính sách khoan hồng cả, chẳng có ai là không cầu nguyện cho sự phú cường của bổn quốc, chẳng có ai cam chịu sự khinh nhờn của ngoại quốc cả. Đây đều là tình cảm thường hằng tự nhiên ở con người. Nếu có người sinh ra trên đời mà mang lòng báo quốc thì chẳng phải lo nỗi lo như khổ nhọc thân xác hay dằn vặt tâm hồn. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng chỉ có một điều, đó là dựa vào tình cảm con người như đã nói để tu dưỡng hành vi của bản thân cho đúng, lập chí học hành cho sâu dày, biết cho rộng, từng người đều trang bị trí đức cho phù hợp với thân phận của mình, khiến chính phủ dễ dàng thi hành chính sách, mọi người dân đều chịu sự cai trị mà không có điều khổ não, cùng nhau làm tròn những chỗ như vậy và cùng bảo vệ nền thái bình của cả nước. Cả việc khuyến học của bút giả cũng có mục đích là ở điểm này.
Lần này bút giả mở trường học ở cố hương Nakatsu nên viết một tập sách về chuyện học hành để tặng bạn cũ đồng. Có người trông thấy rồi khuyên, "đừng để tập sách này cho mỗi người Nakatsu, mà hãy phân phối rộng rãi đến khắp thế gian để được lợi ích lớn". Vì vậy nên in bằng máy ấn loát của trường nghĩa thục Keiō để những người đồng chí được xem.
Tháng 12 năm Meiji thứ tư
Fukuzawa Yukichi
Obata Toku Jirō
Cước chú:
[*1] Linh trưởng: con người là trưởng/đứng đầu trong các loài có linh tính.
[*2] Y thực trụ: nhu cầu thuốc men, cái ăn, chỗ ở.
[*3]Thực ngữ giáo: cuốn sách giáo khoa dạy cho trẻ con đầu tiên ở Nhật, gồm nhiều câu cách ngôn dạy lối sống, mang màu sắc tư tưởng Phật giáo. Không rõ tác giả, nhưng từ nội dung của nó thì được cho là của sư Kūkai (Không Hải) hay các nhà sư Phật giáo khác. Xuất hiện từ cuối thời Heian (794~1185) nhưng đến thời Edo (1603~1867) mới được dùng nhiều trong các trường học Terako-ya.
[*4] Waka (Hòa ca): thể thơ cố hữu của nước Nhật.
[*5] Hòa học: nghành học nghiên cứu về văn hóa địa phương của nước Nhật (Đại Hòa), đối lại với Hán học.
[*6] Chỉ con buôn.
[*7] Cứu lý học: cách gọi cũ (thời Edo) của vật lý học.
[*8] Tu thân học: môn đạo đức, luân lý học.
[*9] Văn tài: có tài về chữ nghĩa.
[*10] Đối lại với lối đọc truyền thống là đọc hàng dọc, từ phải sang trái.
[*11] Tỏa quốc: chính sách đóng cửa, không giao thiệp với ngoại bang. Nhương di: đánh đuổi mọi rợ (người ngoại bang) ra khỏi đất nước.
[*12] Chi Na: nước Tàu.
[*13] Chế độ quân chủ.
[*14] Thời cổ, thường dân Nhật Bản không được phép mang họ, cưỡi ngựa. Đó là đặc quyền của giai cấp thống trị. Đến thời canh tân Meiji thì mới xóa bỏ đặc quyền của giai cấp thống trị, các thành phần dân chúng đều được bình đẳng như nhau.
[*15] Nghi lễ đoàn gia nhân (ngự dụng) của Tướng quân Mạc phủ đưa bình đựng trà từ Uji, Kyōto về Edo. Khi đoàn rước bình trà đi qua thì ngay cả các chúa Daimyō cũng phải xuống kiệu, đường xá được lệnh quét dọn sạch sẽ, ruộng đồng hai bên đường bị cấm cầy cấy.
[*16] Bốn thành phần trong xã hội: sỹ (người có học), nông (nông gia), công (thợ thuyền), thương (nhà buôn) đều bình đẳng như nhau.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất