TÌM MÌNH TRONG THẾ GIỚI THÈM SỰ KẾT NỐI
Trước khi đọc quyển sách này mình đã lấy đà rất nhiều, hít sâu thở đều chuẩn bị tâm lý cẩn thận. Bởi mình biết bên trong là hàng chục...
Trước khi đọc quyển sách này mình đã lấy đà rất nhiều, hít sâu thở đều chuẩn bị tâm lý cẩn thận. Bởi mình biết bên trong là hàng chục câu-chuyện-có-thật đau thắt lòng từ những người trẻ chỉ trạc tuổi mình thôi. Đây là trần tình của các bạn trẻ người Việt Nam về cuộc sống khốn khổ của họ với ông bà, cha mẹ.
Phew, hoá ra cuốn sách không đáng sợ đến thế. Bởi dễ đến...80% những tình huống trong đó mình đã nghe nhiều rồi! Với nhiều bạn ở thế hệ mình, chuyện thế này nhan nhản. Từ lớp thiền, từ các hội nhóm của người trẻ, từ chính các bạn mình, từ bạn bè của bạn mình, thậm chí có một nhân vật mà mình nhận ra ngay từ câu giới thiệu đầu tiên - một người chị cùng trường mà trước nay mình rất ngưỡng mộ, có lúc còn ao ước đạt thành tích như chị ấy. Tất nhiên, đã là nhân vật trong này thì ai cũng là con người đầy thương tổn, vật lộn chống chọi với sự ngược đãi (chủ yếu là) tinh thần từ chính người thân của họ.
Cuộc đời họ bi đát lắm. Có người là thủ khoa đầu ra một trường ĐH tốt; có người thường xuyên được bố mẹ chu cấp tiền; có người được mẹ chăm lo, vạch sẵn con đường sự nghiệp thẳng tắp chỉ việc thong thả sống; người thì từ nhỏ đã biết cáng đáng mọi chuyện, chưa tốt nghiệp đã có việc làm ổn; có người tự kiếm được học bổng du học ở Mỹ, ở Anh...
Bạn không nghe nhầm đâu. Họ đau khổ lắm.
Jim Carrey từng nói một câu mà mình thường hay trích dẫn: "Tôi ước tất cả mọi người đều trở nên thật giàu và nổi tiếng, để họ nhận ra những thứ đó đều không phải câu trả lời."
Là một đất nước Á Đông lại trải qua biến động của chiến tranh, đói nghèo, bất ổn, người Việt Nam trở nên yêu chuộng hoà bình nhưng cùng lúc - họ cũng thèm cái ổn định, thèm được hưởng sự thoải mái vật chất. Văn hoá Á Đông coi trọng khoa cử nên muốn sướng thì kiếm cái bằng thật cao thật oách vào. Đời trước không có điều kiện, không được yêu chiều thì với đời con mình phải chiều nó cho thật lực. Những phụ huynh trong cuốn sách điên cuồng cung cấp cho con họ tất cả những thứ (họ tưởng là) chắc chắn gắn với hạnh phúc: một mái nhà đủ bố và mẹ; tiền; tham vọng kiếm tiền; làm hộ con tất cả mọi thứ những mong đời con được "ổn định" - con chỉ việc học thôi...
Quá vất vả. Quá đau khổ. Quá nhiều áp lực. Trong khi tất cả những gì một đứa trẻ cần chỉ là sự ấm áp; được lắng nghe; được tin rằng mình có giá trị; và hơn hết là có khoảng trống để đi tìm danh tính mà không bị phán xét, lúc khó khăn vẫn có tổ ấm để quay về. Thì các phụ huynh ấy đều bỏ qua, họ cho rằng đó là điều vớ vẩn, không đáng quan tâm. Con học giỏi, con được chu cấp - sướng thế rồi kêu ca gì nữa!
Thật ra "ổn định" không xấu. Chỉ là định nghĩa "ổn định" giờ đây đã lỗi thời. Bản thân mình cũng thích ổn định. Nhưng với mình và các bạn cùng thế hệ, định nghĩa ổn định của bọn mình là "cảm giác bình an trong tâm hồn."
Khi chiến tranh loạn lạc, thường người ta chỉ dám mơ về cuộc sống hoà bình, có một mái nhà, có ít tiền tiêu, có công việc nuôi sống bản thân và gia đình, có cơ hội đạt học vấn cao thì càng tốt. Nó gần với định nghĩa của phụ huynh thời nay về "ổn định".
Nhưng chiến tranh lùi xa tới nửa thế kỷ rồi. Quá đủ cho những đổi khác khổng lồ. Giữa thời bình, người ta hoàn toàn có thể sống vui vẻ hạnh phúc mà không nhất thiết phải làm công chức nhà nước hay tốt nghiệp Ngoại thương.
Và đó là một lí do lớn cho bao mâu thuẫn, những tra tấn tinh thần dai dẳng đã trực tiếp làm khổ các nhân vật trong sách. Thế nhưng, nếu chỉ dừng ở chiến tranh đói nghèo thì cuốn sách này sẽ chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Vả lại, nó là tác phẩm của Đặng Hoàng Giang, tác giả những cuốn sách nhìn sâu vào sự thấu hiểu giữa người với người.
Nếu chỉ do chiến tranh hay nghèo khổ, thì tại sao các nước phương Tây cũng sôi sục đi tìm câu trả lời và phương cách chữa lành cho những con người...y hệt trong sách này? Tại sao lại có hẳn một cuốn "Cha mẹ độc hại" được xuất bản và đón nhận tại Mỹ?
Bởi vì, ở đất nước nào và thời nào cũng thế thôi, sẽ luôn có những người cha người mẹ xao nhãng con mình; hoặc bất hoà hành hạ nhau trút cả giận lên con cái; hoặc không thể chăm sóc nổi bản thân, để đứa con phải tự chăm sóc rồi hoá phụ huynh đi chăm ngược lại họ luôn... Hoá ra, chính các bậc cha mẹ ấy cũng không được ai dạy, rồi không có điều kiện để hiểu bản thân mình. Họ cũng có chấn thương tâm lý và quá tải bởi cảm xúc mạnh, rồi cứ tưởng đứa con chính là nguyên nhân. Khi giải quyết cảm xúc, sẽ có một số yếu tố thế này:
Họ có nhận diện được cảm xúc không?
- Mình có thực sự muốn con hạnh phúc, hay chỉ đang sợ người ngoài đánh giá con mình dốt rồi đánh giá luôn cả mình?
Họ có biết ứng phó với cảm xúc ấy khi nó xảy ra?
- Mình đang sợ bị người ngoài đánh giá, nhưng thật ra điều đó không quan trọng bằng sự bình an của mình và hạnh phúc của con, mình không nên đánh con vì điểm kém.
- Mình đang tự ti vì không kiếm được nhiều tiền bằng em gái, nhưng đó không phải lỗi của con, mình không nên áp đặt con phải làm việc nó căm ghét (mà lương cao) chỉ để xoa dịu nỗi tự ti đó.
Và còn nhiều khía cạnh khác sẽ dần được đề cập dễ hiểu trong cuốn sách này. Đối với mình, đây là một cuốn sách nên đọc cho cả hai phía: con cái và phụ huynh. Nhiều câu chuyện bao gồm cả tâm sự của cha mẹ - những người mà thực chất cũng chỉ là nạn nhân của chính cha mẹ họ và bối cảnh xã hội khắc nghiệt.
Cuốn sách tuy đầy những cuộc đời buồn, nhưng vẫn ánh lên niềm hi vọng về lòng thấu cảm. Nhiều nhân vật đã và đang trên con đường chữa lành bản thân, nhiều phụ huynh cũng đang học cách tìm lại chính mình. Để rồi chúng ta tin một ngày nào đó, những gia đình ấy, từng cá nhân ấy sẽ đi đến bình an, một sự "ổn định" đích thực.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất