Năm mới bắt đầu khai phím trên Spiderum với mấy dòng chia sẻ về cuốn sách vừa đọc xong. Chả là năm ngoái đọc được ít quá nên năm nay quyết tâm đọc có kế hoạch, ấy thế mà chưa gì 2 tuần đầu tiên của tháng 1 bận sấp mặt nên fail ngay kế hoạch cho cuốn đầu, chiều 28 tết vứt ngay 1 đống sách vào Kindle để nhẩn nha đọc những ngày tết, chắc mẩm cả tết cùng lắm được 1/2 cuốn, ai ngờ chưa hết ngày mùng 1 đã xong 1 cuốn mà mình đánh giá, đây là cuốn thứ 3 (sau Suối nguồn và Người đua diều) lại làm mình đọc "phê" như vậy - ấy là "Quân khu Nam đồng".
Cũng đã biết đến cuốn sách này kể từ khá lâu, thế mà cứ lần chần đưa vào danh mục sách cần phải đọc, chủ yếu mình bị tưởng tượng lại là 1 quyển sách về lính, về chiến tranh như những quyển sách khác mình đã đọc như Phía Tây không có gì lạ, Nỗi buồn chiến tranh (đọc 2 quyển này xong cách đây 2 năm, kết hợp thêm quả năm ấy xem Schinder's list làm cho buồn nẫu hết cả ruột). May thay Quân khu Nam đồng không những không nẫu ruột tí nào mà còn khiến cho mình, đang ngủ trưa với vợ con mà phải chạy sang phòng bên cạnh để cười. Cái cười kiểu "đến là ạ" với trò nghịch ngợm của các anh em quân khu - những học sinh cấp 3 của Hà Nội những năm 1970. Đánh nhau, yêu đương, đi lính, rồi kể cả đi tù nữa, đọc đến những dòng cuối vẫn cảm thấy cái đáng yêu của 1 thuở 17,18 tuổi vô tư, trong sáng. Có đến 1/3 truyện là kể về thời yêu đương của các nhân vật, nhưng mình thấy cách Bình Ca kể chuyện không đi vào motip sến súa như Nguyễn Nhật Ánh (cũng là người viết rất nhiều truyện yêu đương tuổi mới lớn - mà trong đó Mắt biếc Còn chút gì để nhớ là 2 cái truyện mình cú nhất vì kết cục không có hậu :))). Hay là vì Quân khu Nam đồng viết về bọn trẻ con của miền Bắc, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng lòng tự hào, hãnh diện lại rất cao, khác với cái ướt át, ủy mị của miền Nam hồi đó. 
Một điều cũng ấn tượng, thậm chí còn ấn tượng hơn, là tình bạn trong Quân khu Nam đồng. Có nhau trong mọi thứ, từ đánh nhau, đá bóng, nói dối thầy cô, thậm chí là một thằng viết thư tình cho cả đống. Cái cách mọi người cùng nhau bảo vệ cái uy, cái danh tiếng của "quân khu" thật đáng mến, đáng yêu và cũng buồn cười nữa. Chính vì tình bạn cao cả của những Việt, Hòa, Hoàng, Bích, Quang Anh, Ngọc, Đính, Giang Cận...mà khó để nói rằng ai là nhân vật chính của truyện này. Thật là vui nếu có 1 tuổi thơ tràn đầy tình bạn như vậy để sau này khi nhớ về, luôn nở 1 nụ cười thật tươi.
Trải qua mấy trăm trang sách, có nhiều đoạn đọc cười bò ra, tự dưng nhớ ra 1 đoạn để kết lại bài này :)), để thấy mình đã may mắn chọn 1 cuốn sách như nào để bắt đầu 1 năm mới mà mình mong là nó sẽ thật vui:D
 Ở khu tập thể Nam Đồng, trò chơi được ưa thích nhất là đá bóng. Trước mỗi khu nhà đều có sân đá bóng, dù to hay nhỏ. Cái môn này chẳng riêng trẻ con, người lớn cũng thích. Vì vậy, các trận bóng luôn gồm đủ loại cầu thủ, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Mấy đứa con gái thỉnh thoảng cũng xông vào đá chung với con trai. Cầu thủ lớn tuổi nhất là tướng Vũ Yên (*). Ông mê đá bóng một cách đặc biệt. Ở đơn vị thì bận rộn, phần vì quân kỷ quân phong, ông không được chơi môn này. Tính tình ông vốn thân thiện, hòa đồng và quý trẻ con. Mỗi lần về nhà, ông hay gạ bọn trẻ con cho đá bóng cùng. Hôm nào ra muộn, không còn chỗ đá với đội lớn, ông nằn nì bọn con nít cho đá “gôn tôm”. Bọn con nít khi đá bóng hay có trò cá cược, nên lắm lúc nếu ở phe thua ông cũng bị chúng nó búng tai. Nếu không chịu, lần sau chúng sẽ không cho chơi. Có hôm đang đá, ông mới biết chúng đổi hình thức phạt từ búng tai sang búng chim. Nghĩ cảnh Tư lệnh Quân khu phải đứng cho bọn con nít búng chim, ông ngần ngại, không chơi nữa. Chúng dè bỉu: “Có mỗi cái búng chim mà bác cũng sợ đau thì sao bác đánh giặc được?” Hóa ra chúng đang rèn luyện tính gan dạ để sau này lớn lên đi bộ đội. Ông tức khí, lại xỏ giầy đá tiếp. Chơi bóng với bọn con nít mà ông phải đá một mất một còn, như đang đá trận tranh cúp thế giới!
(*) Thiếu tướng Vũ Yên (1919-1979) là một tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, tư lệnh quân khu Hữu Ngạn




HAPPY NEW YEAR!!!