Nhưng đó chính là điều kỳ diệu ở con người; con người không bao giờ đâm ra nản chí hay ghê tởm đến độ thôi không làm tất cả các việc đó thêm lần nữa, bởi anh ta biết rất rõ nó là việc quan trọng đáng làm.

1. Thông tin chung

- Tên tác phẩm: 451 độ F (Fahrenheit 451, 1953)
- Tác giả: Ray Bradbury
- Thể loại: Tiểu Thuyết Viễn Tưởng - Phản Địa Đàng

Khi đọc cuốn Trại Súc Vật của George Orwell, tôi đã nghe về thể loại Dystopian (Phản Địa Đàng) và đã tải sẵn 45 độ F vào máy đọc sách, nhưng chưa hề có ý định đọc 🙂.
Cho tới cách đây vài hôm, đi nhà sách kiếm mấy cuốn đọc Tết thì bị hấp dẫn với cái bìa đỏ (cứ đỏ là khoái mà), thế là mua và đọc ngay, bất chấp cả đống truyện trinh thám đang chờ.

2. Đánh giá tổng quan

Đầu tiên phải giải thích 1 chút về thể loại Dystopian.
Dystopia, trái ngược với Utopia - thế giới lý tưởng - là thế giới tương lai u tối. Là từ để chỉ thế giới hoặc xã hội tương lai phát triển theo hướng tiêu cực đáng sợ. Thực ra khái niệm này khá quen thuộc qua các bộ phim bom tấn giả tưởng "hậu tận thế" gần đây như Mad Max, Maze Runner hay The Hunger Games.

Vậy 451 độ F có gì đặc biệt hơn những bộ phim bị gắn mác "giải trí" mà hầu hết cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết kia?
Vì nó được viết vào năm 1953, bối cảnh là cuối thế kỉ 21. Đúng vậy, một cuốn sách viết về tương lai của hơn 60 năm trước, và nó rơi đúng vào thời hiện tại của chúng ta. Và lý do nó được xếp vào hàng kinh điển là vì, những gì tác giả đã tiên tri lại đúng đến đáng sợ.

Truyện về một thế giới bị thống trị bởi truyền thông và các chương trình giải trí "mì ăn liền", trong khi sách - nguồn tri thức lâu đời - lại bị coi là vật cấm và phải bị tiêu hủy. Nhân vật chính Montag là một anh lính "phóng hỏa" có nhiệm vụ đi tiêu hủy sách. Câu chuyện là hành trình thay đổi nhận thức của Montag khi niềm tin của anh bị lung lay trước những việc anh vẫn làm một cách máy móc hàng ngày. Vậy thôi, thế giới giả tưởng đó không được khắc họa quá nhiều mà chỉ tập trung vào chủ để "đốt sách", ấy thế mà vẫn hấp dẫn và chứa đựng nhiều thông điệp giá trị đến bất ngờ, vì - một lần nữa phải nhắc lại - nó đúng với hiện thực một cách đáng sợ.

Văn phong thiên về miêu tả nội tâm, tác giả dùng nhiều phép so sánh tới nỗi mà nhiều khi, tôi tưởng như đang tả thời tiết mà khi hoang mang phải ngoành lại mới phát hiện ra đang miêu tả tâm lý nhân vật, dị vậy đó, mà hay 😄.
Truyện gồm 3 chương, tương ứng với 3 giai đoạn của sự thay đổi nhận thức của Montag, theo đó mà lối kể cũng thay đổi theo. Từ trần thuật đều đều, rời rạc ở chương 1, sau đó là những suy tưởng liền mạch ở chương 2, rồi bùng nổ và dồn dập ở chương 3. Độ dài hơn 200 trang vừa phải, không quá nặng nề, khá dễ đọc với một cuốn gắn mác "kinh điển".

Tuy nói là dễ đọc nhưng tôi biết, chỉ qua 1 lần đọc thì không thể nào chạm tới được hết cái hay và ý nghĩa của một tác phẩm như vậy được (như với The Great Gatsby). Nhưng không sao, đó là do tôi chọn như vậy, tôi xác định đọc tiểu thuyết là để nuôi dưỡng cảm xúc, để phát triển não phải, chứ không theo hướng phân tích chuyên sâu, phải làm rõ mọi vấn đề cuốn sách đặt ra mới thôi. Tôi không đọc như vậy, tôi cảm nhận tác phẩm theo đúng những kinh nghiệm mà tôi có khi đọc, không cố ép mình phải "học thêm" để hiểu hết một cuốn sách quá sức với mình, vì tôi tin, không cần quá nhiều kiến thức tôi vẫn có thể sống một đời vui vẻ.

Fact
451 độ F cũng đã được chuyển thể thành phim, phiên bản 2018 với sự góp mặt của Michael B. Jordan, chỉ được chấm 4.9/10 trên IMDB33% tươi trên Rotten Tomatoes nên không có động lực xem 😞.
Hợp với ai?
- Yêu thích thể loại Sci-fi nhưng lại "hiện thực"
- Tìm một cuốn sách "đỏ" cho ngày Tết :))

Tiếp theo đọc gì?
Cửa hiệu tự sát (Le Magasin des suicides - Jean Teulé - 2006) và Người truyền ký ức (The Giver - Lois Lowry - 1993) cùng thể loại (qua giới thiệu của kênh cà rốt và thỏ)

3. Tản mạn

Sau đây là vài lời tản mạn về các chủ đề khiến tôi đồng cảm, hoàn toàn là cảm nhận cá nhân, không phải đánh giá nội dung cuốn sách.

Nàng Thơ
"Có gì đó không ổn, thói thường của anh đã bị phá vỡ. Một thói thường đơn giản, đúng, được hình thành nên chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, thế nhưng mà...? Thiếu điều anh đã quay lưng để đi lại lần nữa quãng đường đó, để cho nàng có thì giờ xuất hiện. Anh tin chắc rằng nếu anh thử đi lại cùng con đường đó, mọi thứ rồi sẽ ổn. Nhưng đã muộn, và khi tàu đến thì kế hoạch của anh dừng lại."

Trong truyện, gã đàn ông Guy Montag bắt đầu nhen nhóm sự tò mò và biết đặt câu hỏi "tại sao" sau khi gặp được cô bé Clarisse McClellan trong sáng và kì lạ. Những người có thể gieo mầm dẫn tới những cảm hứng chưa bao giờ có này, tôi gọi họ là các Nàng Thơ.

Quả thật, ai cũng nên có một (hoặc vài) Nàng Thơ của riêng mình, chẳng nhất thiết phải yêu đương, chẳng cần phải đầu ấp môi kề, chỉ cần khi nghĩ đến họ, là có thể cảm nhận được niềm cảm hứng dạt dào đang cuộn chảy trong mình. Họ là chất xúc tác để đẩy trí tưởng tượng của ta tới những miền lạ, cảm nhận những điều mới, khơi gợi trí tò mò. Nói chung, họ làm cho cuộc sống tinh thần của ta thêm phần phong phú.

Vậy các Nàng Thơ có dẫn tới rủi ro nào không? Có chứ, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Cũng như rượu vậy, một chút trong bữa cơm sẽ khiến ta ngon miệng hơn, nhưng quá chén thì sẽ say và mất kiểm soát. Thế nên phải "điều độ", buông thả tâm trí thì cũng phải nắm chắc lấy mỏ neo để tránh bị cơn sóng cảm xúc đánh trôi đi quá xa bờ. Các Nàng Thơ tuyệt thật đấy, nhưng đừng để họ can dự vào đời thực của chúng ta, nơi ngoài cảm xúc còn cần sự tình táo và trách nhiệm.
Lảng tránh
“Đừng đối mặt với các rắc rối, mà hãy đốt nó.”

Hôm bữa được nghe về "nút thắt Gordian" qua clip của 7 Ngày Chơi Game. Đại khái là thời cổ đại có một nút thắt dây thừng chưa ai gỡ được, lời tiên tri nói rằng ai có thể cởi nút thắt Gordian sẽ cai trị toàn bộ châu Á. Và Alexander Đại đế đã giải quyết được bằng cách... chém đứt nó =))
Trong truyện cũng vậy, chính phủ đối mặt với vấn đề sách bằng cách "đốt" chúng, bằng bạo lực, bằng đàn áp. Khỏi nói thì ai cũng biết, bạo lực chưa bao giờ thu phục được lòng dân, nên sự phản kháng âm ỉ là điều khó tránh khỏi.

Rõ ràng cách của Alexander đem lại hiệu quả tức thì, thể hiện sự sáng tạo, không theo lối mòn của nhà cầm quân vĩ đại. Nhưng đứng từ góc nhìn khác, thì đây chẳng khác gì một kiểu lảng tránh, đi đường tắt (hoặc đường vòng) để tránh việc đối mặt trực tiếp với vấn đề. Lảng tránh được và quên luôn thì tốt, coi như vấn đề đã xong, nhẹ cái đầu, nhưng làm sao sánh được bằng cảm giác sung sướng khi thật sự giải quyết được tận gốc của vấn đề cơ chứ. Thôi thì, nên biết cả 2, lảng tránh những chuyện nho nhỏ, và dành thời gian ưu tiên cho những vấn đề quan trọng hơn.
2020.01.08
Phúc