Chiêm nghiệm về "Bắt trẻ đồng xanh"
"Bắt trẻ đồng xanh" là không chỉ là câu chuyện về sự nổi loạn tuổi thiếu niên hay những vấn đề tình dục vị thành niên; mà sâu hơn thế,...
"Bắt trẻ đồng xanh" là không chỉ là câu chuyện về sự nổi loạn tuổi thiếu niên hay những vấn đề tình dục vị thành niên; mà sâu hơn thế, đó là câu chuyện về một nỗi sợ rất hồn nhiên - nỗi sợ trưởng thành của một thiếu niên đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành người lớn với câu hỏi mà người trẻ nào cũng luôn đau đáu: "Tôi là ai? Tôi thuộc về đâu?"
J.D Salinger, tác giả của cuốn tiểu thuyết, đã viết một số seri truyện ngắn mà sau này trở thành nền móng cho cuốn tiểu thuyết "Bắt trẻ đồng xanh" từ những năm đầu của thập niên 40. Mãi cho tới năm 1951, cuốn tiểu thuyết mới được xuất bản chính thức. Ngay khi vừa ra mắt độc giả, nó đã tạo ra sự tranh cãi lớn với những luồng quan điểm trái chiều. Do cuốn sách có nhiều từ ngữ tục tĩu, xúc phạm và chạm vào những vấn đề rất nhạy cảm với các nhân vật hầu như là trẻ vị thành niên. Vì vậy, cuốn sách đã từng bị kiểm duyệt rất gắt gao. Một giáo viên ở Hoa Kỳ đã từng bị sa thải vì giới thiệu và giảng dạy về cuốn sách vào năm 1960. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tác phẩm này với quan điểm văn học cần phản ánh và bám sát hiện thực thay vì làm một "ánh trăng lừa dối" thì đây quả là một tác phẩm vĩ đại.
Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, đưa chúng ta theo hành trình của Holden Caufield, 17 tuổi - một cậu chàng có tiền sử bị đuổi học và chuyển trường vì kế quả học tập và thái độ kém lại mới nhận thêm tin sẽ bị đuổi học ở trường nội trú Pencey, ngôi trường trung học thứ ba, thứ tư cậu theo học. Và cậu quyết định sẽ rời trường, tạm lánh mặt đâu đó và sẽ về nhà sau khi bố mẹ cậu nhận được tin báo từ trường và đã có thời gian để nguôi giận. Và cứ thế ta theo chân của Holden lang bạt khắp New York, từ quán bar cho tới khách sạn, gặp những đứa bạn "khốn nạn", "giả tạo" cho tới cả gái điếm.
Có rất nhiều chỉ trích dành cho "Bắt trẻ đồng xanh", trong đó phổ biến nhất là những chỉ trích về vấn đề ngôn ngữ dung tục và cốt truyện thiếu kịch tích, không có cao trào. Thêm vào đó, một số người chê Holden là một nhân vật nhạt nhòa, lời thoại và hành động lặp đi lặp lại, không có đột phá.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận "Bắt trẻ đồng xanh" ở một lăng kính khác, xoáy sâu vào những thông điệp và hình ảnh ẩn dụ của J.D Salinger ta sẽ thấy ông viết nên một Holden rất thật và có mục đích.
Trước hết, hãy nói về hành trình của Holden. Rời khỏi Pencey trong đêm, Holden quyết định không về nhà ngay mà tìm một chỗ tá túc. Nhưng cậu luôn tìm cách kết nối, và chạm tới những người khác. Cậu đã lang thang khắp New York, tìm cách trò chuyện và gặp gỡ với rất nhiều người, thậm chí là gọi cả gái điếm lên phòng khách sạn, chỉ để trò chuyện. Đó không phải là cuộc chạy trốn sự phẫn nộ của cha mẹ mà là hành trình mà Holden tìm kiếm một nơi cậu thuộc về, một nơi có thể được lắng nghe, được thấu hiểu và sẻ chia. Nhưng cả hành trình đó chỉ đem lại cho cậu sự thất vọng vì càng đi, cậu càng thấy sợ hãi và ghê tởm sự giả tạo, hào nhoáng và những ám ảnh nhục dục bẩn thỉu như một khối u ung thư đang ngày càng lan rộng trong xã hội.
Và dần dần, ta nhận ra, nỗi sợ của Holden cũng như thông điệp của câu chuyện này. "Bắt trẻ đồng xanh" là không chỉ là câu chuyện về sự nổi loạn tuổi thiếu niên hay những vấn đề tình dục vị thành niên; mà sâu hơn thế, đó là câu chuyện về một nỗi sợ rất hồn nhiên - nỗi sợ trưởng thành của một thiếu niên đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành người lớn với câu hỏi mà người trẻ nào cũng luôn đau đáu: "Tôi là ai? Tôi thuộc về đâu?". Trong truyện có rất nhiều tình tiết hay hình ảnh chứng minh điều này. Nhưng trong phạm vi bài viết này, có ba điều nổi bật nhất ta có thể kể đến.
Thứ nhất, đó là chiếc mũ săn mỏ vịt đã trở thành biểu tượng của câu chuyện và luôn gắn cùng với Holden. Đây là chiếc mũ người ta thường đội khi đi săn với thiết kế đặc biệt phủ kín hai bên tai nhằm giữ ấm, cản gió mưa. Thế nên, sẽ là rất kì cục nếu ai đó đội thứ mũ này trong thành phố, đặc biệt là đội mũ trong nhà. Thế nhưng Holden luôn tìm cách đội nó mọi lúc có thể và đặc biệt là luôn thông báo cho người đọc mỗi khi cậu làm thế. Nhưng, một chi tiết khác rất quan trọng đó là Holden luôn bỏ mũ xuống khi cậu gặp người quen. Cái mũ kì lạ cũng tượng trưng cho cá tính và bản ngã của Holden. Cậu đeo nó lên khi cậu muốn thể hiện sự khác biệt của bản thân để tách biệt với thế giới xung quanh. Nhưng hễ gặp người quen, Holden chọn cách bỏ nó xuống vì sợ nó sẽ khiến cậu bị cô lập. Như vậy, ta thấy rõ trong con người cậu là sự đấu tranh và mâu thuẫn giữa hai nhu cầu rất con người: nhu cầu được là chính mình và nhu cầu kết nối, hòa đồng với xã hội.
Thứ hai, đó là hình tượng những con vịt. Khá nhiều lần trong truyện, Holden tỏ vẻ quan tâm đặc biệt tới sự biến mất của những con vịt vào mùa đông, khi nước hồ đã đóng băng và tự hỏi chúng đi đâu. Không chỉ vậy, Holden còn hỏi người lái xe taxi rất nhiều lần về sự biến mất của những con vịt nhưng đáp lại, câu trả lời cậu nhận được là sự khó chịu và thái độ không quan tâm. Thậm chí người ta còn cho rằng cậu bị thần kinh khi cậu tò mò đám vịt đi đâu, hay hồ nước đã đóng băng thì những loài cá sẽ sống thế nào? Phải chăng ở đây tác giả đang muốn nhấn mạnh sự thờ ơ và hời hợt trong cách sống, suy nghĩ của "người lớn" về những thay đổi xung quanh họ; phải chăng họ đã mất đi sự tò mò và đam mê khám phá thế giới mà đứa trẻ nào cũng từng có? Lũ vịt đã đi đâu? Sự ngây thơ, hồn nhiên và tò mò của người lớn đã biến đi đâu khi họ trưởng thành.
Cuối cùng, không thể không kể đến tiêu đề: "Bắt trẻ đồng xanh" đã được giải thích cụ thể trong tưởng tượng của Holden về một đồng cỏ xanh tươi, yên bình. Ở đó, có rất nhiều trẻ em đang vô tư chơi đùa mà chúng chẳng để ý rằng mình đang tiến tới gần vực sâu gần đó. Ước mơ của Holden là trở thành một "catcher" - một người trông cõi lũ trẻ và sẽ chạy lại bắt (catch) đứa nào chuẩn bị rơi xuống vực và đưa chúng trở lại vùng thảo nguyên an toàn. Từ giấc mơ này, cho tới những hành động được cài cắm suốt truyện, từ việc đánh nhau với bạn cùng phòng vì nghĩ hắn lợi dụng sự ngây thơ để quan hệ tình dục với cô bạn gái Holden thích mà không đủ dũng cảm nói ra, tới việc xóa những dòng chữ tục tĩu trên tường cạnh cầu thang ở trường học của đứa em gái,...đều thể hiện rằng Holden rất trân trọng vẻ đẹp hồn nhiên của tuổi thơ và ghê sợ vực sâu đen tối của thế giới người lớn đầy giả tạo, hợm hĩnh và tẻ nhạt. Lúc này, độc giả đã hiểu ra, lớp vỏ bọc ngông nghênh, nổi loạn với những ngôn từ tục tĩu chỉ là thứ mà Holden tạo ra, vừa để chống đối xã hội, vừa để hòa nhập với nó. Cậu hiểu rằng cái giá của sự trưởng thành sẽ là sự hồn nhiên của tuổi thơ và cậu ước mong được bảo vệ những đứa trẻ khác.
Vậy, Holden Caufield là ai? Một cậu nhóc nổi loạn, ngỗ ngược hay một tâm hồn đẹp đầy cô đơn chưa muốn lớn, mời bạn đọc tự đánh giá.
-Đồng Lão-
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất