Mỗi lần đi trung tâm thương mại, tôi đều cố tìm ra cửa hàng bán nhạc cụ trong đó rồi háo hức bước vào như một đứa trẻ. Lần nào cũng vậy, tôi đều không giấu nổi ánh mắt, nụ cười cứ tự nhiên rạng lên theo mỗi bước chân lạc vào thế giới của những chiếc đàn, bộ trống đang nằm im lặng, tỏa sáng dưới ánh đèn. Người đi cùng thường bảo tôi hãy chơi thử một bản nhạc nào đó, còn tôi chỉ thích thú đi lại giữa những cây đàn piano, lướt tay tên bề mặt nhẵn bóng của một chiếc bất kì. Cứ như vậy, không biết chán. Giống như anh chàng Tsukuru trong “Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương” (Haruki Murakami) có một niềm say mê không lý giải nổi với các ga tàu, tôi cũng bị mê hoặc bởi những phím đen trắng lấp lóa nối tiếp nhau của dương cầm. Đến khi người đồng hành đã bắt đầu có dấu hiệu muốn rời đi, tôi vẫn còn muốn ở lại thật lâu, thật lâu giữa những cây đàn ấy.
Suốt thời thiếu niên, chiếc đàn piano luôn là một điều đẹp đẽ xa vời đối với tôi. Những bản nhạc của Chopin, Liszt, Debussy, Joe Hisaishi mà tôi nghe đều được phát ra từ TV, máy tính hay radio. Chưa một lần tôi được nhìn thấy một chiếc dương cầm thưc sự hay nghe ai đó trực tiếp chơi đàn. Loại đàn có phím duy nhất tôi tiếp xúc khi ấy là organ, qua những tiết học thêm không mấy hứng thú. Rồi những giờ học ấy cùng bạn bè cũng biến mất khi chúng tôi vào cấp Hai để nhường chỗ cho các môn khác như Toán, Anh. Theo thời gian, tôi cứ nghĩ mình sẽ quên, giống như bố mẹ tôi đã quên ước muốn tôi sẽ biểu diễn thật hay trước khán giả mà đưa tôi đến lớp học organ hàng tuần. Nhưng hóa ra tôi vẫn không quên được niềm say mê với chuỗi âm thanh như nước mỗi lần nghe một bản nhạc được chơi bằng piano. Tôi ước mình cũng khiến cho cây đàn lên tiếng, cất lên những thanh âm trong trẻo ấy, hai tay trái-phải chuyển động liên tục trên những phím trắng, đen, đưa những chiếc búa nhỏ gõ vào dây kim loại ẩn sau lớp vỏ gỗ. 

Và dù không có ai thúc giục mình ngồi vào đàn như trước đây, tôi vẫn bắt đầu tập đàn trở lại trên chiếc organ cũ giờ đã có một mấy phím bấm khó ra tiếng. Cả số phím đàn, độ nặng và sâu của phím lẫn âm thanh đều không thể so sánh với một chiếc piano đích thực, nhưng tôi vẫn gắng hoàn thành bản nhạc Sadame theo một clip hướng dẫn trên mạng. Sau khi học xong bài vào buổi tối, tôi lại ngồi vào đàn, trong đầu óc dần hiểu ra chơi piano nghĩa là kết hợp các âm thanh như thế này. Không biết đọc bản nhạc, tôi đành nhìn theo những phím đàn mô phỏng trên phần mềm Synthesia trong clip để tập theo từng chút một, hệt như một người học nói bằng cách bắt chước khẩu hình và âm thanh của người khác. Mất đến hàng tháng tôi mới hoàn thành bản nhạc dài ba phút. Và sau đó ba năm tôi mới lần đầu được nghe một nghệ sỹ chơi dương cầm trên sân khấu Nhà hát lớn, trong một buổi trình dẫn của nhóm tứ tấu đến từ nước Đức.

Khi bắt đầu học đàn piano một cách bài bản, tôi đã 20 tuổi – lứa tuổi không còn phù hợp để bắt đầu theo đuổi con đường trở thành một nhạc công chuyên nghiệp (pianist). Một người lớn đã khuyên tôi nên gác lại sở thích và tập trung làm những điều thực tế hơn, bởi tôi không còn là đứa trẻ để có thể làm tất cả những gì mình hứng thú mà không suy tính gì. Nhiều người khác cho rằng học một nhạc cụ khi đã trưởng thành là đã muộn. Còn tôi, dù hoang  mang với tất cả mọi lời khuyên, chỉ biết rằng đây chính là thời điểm để đáp lại tiếng nói đã vang lên trong suốt những năm qua, tiếng nói nhắc tôi nhớ rằng mình vẫn luôn yêu âm nhạc, yêu tiếng đàn lúc dịu êm, khi dữ dội. Tôi vẫn học đàn, dù hàng giờ luyện ngón hay chơi đi chơi lại theo máy đếm nhịp, hàng tháng hiểu được và tập được một bản nhạc có thể không giúp tôi trở thành một người thành công hơn, có được thu nhập cao hơn hay nhiều mối quan hệ hơn.
Ngay từ khi bắt đầu những buổi học đàn đầu tiên, tôi đã chỉ cần chơi đàn cho chính mình, lắng nghe âm thanh tạo ra ngày càng sâu sắc, chắc chắn và mềm mại hơn. Càng chơi đàn nhiều hơn, tôi càng nghe ba tiếng “Đã muộn rồi” nhỏ dần đi, lùi xa cùng nỗi lo lắng và sợ hãi mơ hồ vốn được dựng nên từ hàng loạt định kiến và sự e dè trước mọi thay đổi. Có sao đâu nếu như ta không sống theo thời điểm của người khác? Không bao giờ là quá trễ để bắt đầu thực hiện giấc mơ của đời mình, dù đó là học một nhạc cụ, một ngôn ngữ mới, làm một công việc khác hay khởi hành một chuyến đi thật xa, trừ khi bạn là ông toán sư trong tiểu thuyết của Murakami ước ao được đến Hy Lạp và học violin sau khi nghỉ hưu nhưng trước đó đã mất ý thức mãi mãi sau một thí nghiệm trong não.
Kể từ ngày dần gặt bỏ sự e dè và làm bạn với cây đàn, chính tôi cũng ngạc nhiên khi chứng kiến mình bớt vội vã, hấp tấp, sau hàng giờ tự động viên bản thân kiên nhẫn với các bài tập dày đặc đủ loại nốt đen, trắng, móc đơn, móc kép, thăng, giáng. Vượt qua được nóng vội ban đầu muốn lập tức thể hiện được các bản nhạc hay và phức tạp, tôi dần hiểu được quá trình học piano phải tính bằng năm chứ không phải vài tuần, vài tháng. Đôi lúc tôi cũng tự hỏi tại sao lại cứ phải là piano chứ không phải một nhạc cụ dễ di chuyển, gọn gàng hơn như guitar hay sáo. Nhưng có lẽ chính sự cầu kì trong cấu tạo của dương cầm, vốn đòi hỏi trình độ kĩ thuật cao và độ nhạy bén về âm thanh của thợ chế tạo đã khiến tôi không bao giờ đánh mất sự tò mò, khâm phục đối với piano và người làm ra chúng. 

Một lần tình cờ tôi xem một phóng sự về những người thợ Nhật Bản chuyên tạo ra các viên bi sắt phục vụ cho Thế vận hội Olympic, họ tỉ mỉ từng chút một để đảm bảo trọng tâm của viên bi khi đúc ra sẽ rơi vào chính giữa khối cầu. Họ - những bậc thầy thủ công ấy làm đi làm lại một công việc với độ cầu toàn gần như tuyệt đối, nên những viên bi sắt từ bàn tay của họ luôn được tin tưởng sử dụng ở những sự kiện thể thao uy tín nhất. Và chính tinh thần làm việc ấy của mọi nghệ nhân Nhật Bản đã tạo nên chiếc đàn piano Shigeru Kawai dù mới ra đời chưa đầy một thế kỉ, đã nổi tiếng khắp thế giới với âm sắc hoàn hảo, bộ cơ vượt trội, sánh ngang với Steinway and sons của Đức hay Fazioli của Ý. Mỗi dịp được ngắm nhìn và chạm vào những chiếc đàn được làm thủ công hoàn toàn ấy, soi vào hình bóng mình phản chiếu trên mặt gỗ sáng như gương, tôi lại thấy mình may mắn vì được tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật đích thực – niềm tự hào của những nghệ nhân chế tạo đàn thầm lặng.
Sau từng ấy năm, thật lạ lùng khi tôi vẫn giữ nguyên vẹn sự say mê với một nhạc cụ, vẫn không ngăn nổi niềm phấn khích khi có được chiếc piano đầu tiên trong đời. Con người xưa nay tạo ra đồ vật có phải một phần là để truyền đi xúc cảm, tư tưởng và hoài niệm, để dù cho sinh mệnh ngắn ngủi có lần lượt mất đi, thì vẫn có những sợi dây được tiếp tục nối đến cuộc đời sau này? Giống như khi tôi chơi Sonata 15 của Mozart, tôi đã gặp gỡ Mozart dù ông không còn sống. cũng như gặp gỡ hàng triệu con người khác nhau trên thế giới cũng từng chơi bản nhạc tươi vui ấy trên hàng triệu chiếc piano, chia sẻ hàng loạt suy tưởng, tình cảm khác nhau với cùng một giai điệu và hòa âm. Giống như bức tranh “Sự dai dẳng của kí ức” (Dali) vẫn xuất hiện trong các bộ phim, trong các câu chuyện về nghệ thuật của bao người. Những chiếc đồng hồ tan chảy trong tranh vẫn kết nối tâm trí người ta theo một cách nào đó, giống như cách các bản nhạc cổ điển vẫn làm. Chúng ta, dù nhỏ bé và mong manh, vẫn là một phần của dòng chảy kì diệu bất tận trong vũ trụ này. Những gì ta chạm vào, thưởng thức, say mê, bồi hồi, ám ảnh đều có thể là cây cầu nối ta với quá khứ, hiện tại, tương lai, và với nhau.

Cảm ơn tôi của năm 20 tuổi vì đã đặt chân đến lớp học piano sau bao lần ngần ngại, bước vào đó giữa những học viên nhỏ tuổi, gặp thầy giáo và gửi một lời chào. Kí ức về cửa hàng nhạc cụ rực sáng, về buổi học dương cầm đầu tiên, về tất cả những bản nhạc tôi từng chơi, một ngày nào đó sẽ theo tôi biến mất. Nhưng những cây đàn và bản nhạc vẫn luôn còn đó, chờ đợi những cô bé, cậu bé, người lớn tiến đến làm quen, đặt tay lên phím đàn, từ đó khởi đầu tất cả những háo hức, mê đắm, làm sống dậy kỉ niệm, gợi mở những câu chuyện trong tâm hồn và nối dài mãi những giấc mơ.