Tôi, 26 tuổi, tính theo tuổi mụ là 27, còn tính theo tuổi các cụ thì cũng đã xập xình 30.
Có rất rất nhiều người nói với tôi rằng, là con gái thì đừng học cao quá làm gì, khó lấy chồng lắm. Có nhìn thấy cái A nhà bà B không? 30 tuổi đầu mà chưa lấy được chồng. Trai nó thấy học cao nó chạy mất dép! Mà học cao cũng có để làm gì đâu, con gái chỉ cần một tấm chồng tốt, một cuộc sống ổn định, một gia đình hạnh phúc, cái đó thì đâu cần tấm bằng cao học.
Nếu đang “in relationship” nữa thì càng nên nghiêm túc nghĩ đến việc lập gia đình đi thôi. Yêu xa khó lắm, không bền được. Cũng đừng để muộn quá rồi mới lập gia đình và sinh con, lúc đấy không còn trứng mà đẻ nữa đâu!
Những điều này, bạn nghe có thấy quen không?
Đó là những điều mà cách đây hơn 3 năm, tôi “được” nghe nhiều tới mức đi ngủ nằm mơ cũng thấy.
Những câu nói quen thuộc tới mức ám ảnh. Đến mức mà tôi phải tự hỏi mình rất nhiều lần rằng: Liệu mình có sai không? Liệu mình có đang mơ mộng viển vông quá không? Liệu mình có nên dừng lại và đi tìm một tấm chồng tốt rồi ổn định cuộc sống khi chưa quá lứa nhỡ thì? Liệu mình có nên sống theo tiêu chuẩn xã hội này để khỏi phải nghe những “lời dậy khôn” ấy nữa?
Năm 26 tuổi, tôi quyết định nghỉ việc.
Tôi chạy trốn khỏi những tiêu chuẩn xã hội. Trở thành một đứa vừa già, vừa ế, vừa nghèo trong mắt người ta. Tôi tự học tiếng Anh, nộp hồ sơ tìm học bổng. Tôi đọc sách. Tôi âm thầm và cố gắng với chút hy vọng cuối cùng, để hoàn thiện giấc mơ còn dang dở từ thời cấp 3: đi du học.
Sau 3 năm nhìn lại, giờ đây tôi có gì?
- Đã hoàn thành ước mơ du học bậc Thạc sĩ, với học bổng chính phủ toàn phần, của một trong những nước xịn sò nhất thế giới.
- Một tấm hộ chiếu đóng đầy dấu của gần 20 quốc gia trải khắp 3 châu lục.
- Có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.
- Tìm được một anh bạn thân yêu thương và luôn ủng hộ những điều mình làm.
- Cùng nhau trải qua 2 năm yêu xa ở hai đầu quả đất và giờ đã về chung một nhà.
- Chuẩn bị bước sang tuổi 30, nhưng chưa bao giờ thấy mình già. Ngược lại, tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng để được đi, được làm, được học hỏi nhiều điều hơn nữa!
3 năm nhìn lại, giờ đây, tôi hoàn toàn tự tin nói với những người đã ngăn cản ước mơ trước đây của mình: rằng họ đã nhầm rồi…
Sẽ có người nói “đó chỉ là sự may mắn thôi”. Tôi không phủ nhận và luôn biết ơn điều đó. Nhưng để đạt được 1% may mắn ấy, là những năm tháng bền bỉ với 99% nỗ lực, miệt mài, và thất bại. Sự may mắn đó, tôi tin, là phần thưởng cho những tháng ngày không bỏ cuộc.
Bài viết này dành tặng cho những bạn gái đang loay hoay đấu tranh tư tưởng với việc nên tiếp tục phát triển bản thân, hay nên dừng lại và an phận với cuộc đời.
Đây là những bài học tôi đã rút ra, khi quyết định đi ngược lại với những định kiến xã hội, để sống với ước mơ của mình. Hy vọng bạn sẽ tìm được một nguồn năng lượng tích cực, để biết rằng mình không cô đơn, và để đưa ra những lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Đặt cho mình câu hỏi: Điều gì sẽ khiến bạn hối hận hơn nếu từ bỏ?

Tôi đã từng sợ nhiều thứ: sợ già, sợ ế, sợ không bằng bạn bằng bè, sợ sự đánh đổi, sợ một tương lai khó nắm bắt. Đó là thời điểm đấu tranh tư tưởng mãnh liệt tới mức cùng kiệt giữa một bên là ước mơ và đam mê suốt một thời tuổi trẻ, với một bên là những điều-nên-làm của một người con gái, bởi vì con gái có thì…
Nếu bạn cũng đang loay hoay với những nỗi sợ đó, vậy hãy ngồi xuống, dành thời gian để tĩnh tâm, đối diện với chính con người bên trong của mình, và hãy thật thành thật trả lời câu hỏi này: 
Nếu bạn từ bỏ bây giờ, điều gì sẽ khiến bạn hối hận hơn?
Bạn sẽ tiếc vì mình không lấy chồng sớm hơn? Hay sẽ tiếc vì mình bỏ lỡ cơ hội được đi ra thế giới, gặp gỡ những người bạn mới, hiểu thêm về những nền văn hóa mới?
Bạn sẽ tiếc vì bỏ lỡ một cơ hội thăng chức, tăng lương? Hay bạn sẽ tiếc vì từ bỏ việc trau dồi thêm tri thức và tạo thêm cho mình những cơ hội lớn hơn sau này?
Bạn sẽ tiếc nếu phải chia tay mối tình lâu năm chỉ vì khoảng cách không gian và thời gian? Hay bạn sẽ tiếc vì mình đã đánh mất bản thân và cơ hội của chính mình, chỉ vì một người vốn không dành đủ yêu thương để vượt qua chút thử thách?
Đây là lời khuyên tôi luôn dành cho những người bạn của mình.
Bởi sự thật là, sau này khi nhìn lại, bạn sẽ chỉ tiếc nuối với những điều mình không làm, chứ không phải với những điều mình đã làm.
Nếu bạn vẫn chưa thể trả lời được liệu mình có hối hận hay không, ít nhất, hãy cố gắng hết sức mình trước đã. Hãy bắt tay vào làm, và làm cho tới cùng.
Bạn muốn được đi du học? Hãy bắt đầu học tiếng Anh để lấy chứng chỉ, đặt bút viết những bài luận đầu tiên.
Bạn muốn viết sách? Hãy bắt đầu với những bài blog nhỏ, mỗi ngày viết một chút.
Bạn muốn đi du lịch vòng quanh thế giới? Hãy bắt đầu tiết kiệm bằng cách ngừng mua những thứ không cần thiết, như trà sữa chẳng hạn.
Bạn muốn khởi nghiệp? Hãy đặt bút vẽ lên mô hình kinh doanh đầu tiên cho ý tưởng của mình.
Sau này, dù có từ bỏ, bạn chắc chắn sẽ không hối hận, vì mình đã cố hết sức cho những điều mà mình mong muốn.

Không bao giờ là quá muộn để làm điều mình thích. Một vài năm không làm bạn chậm tiến hơn người khác đâu.

Tôi ở tuổi 25 đã từng đấu tranh tư tưởng như thế này:
Đang có một công việc toàn thời gian ổn định, tự nhiên đi học thạc sĩ mất 1-2 năm. Đến lúc quay trở lại, bạn bè sau 2 năm ấy đã lên chức, tăng lương hết rồi, mình lại loay hoay làm quen lại từ đầu. Như vậy liệu có đáng không?
Gần 5 năm trôi qua, có nhiều bạn trẻ tìm tới tôi để xin lời khuyên du học, công việc, và cả cuộc sống. Tất cả đều có cùng một trăn trở như tôi đã từng.
Hãy nhìn vào một bức tranh toàn cảnh hơn nhé: Chúng ta có 30 năm để làm việc cơ mà! 1-2 năm đi du học cũng chỉ là khoảng thời gian quá đỗi ngắn ngủi trong hành trình 30 năm sắp tới. Và bạn biết đó, 1-2 năm đó là khi bạn được bước ra thế giới ngoài kia, tiếp xúc với mọi miền văn hoá và kiến thức, nhận thức rõ hơn về giá trị bản thân, mở ra cho mình cánh cửa đến với nhiều cơ hội mới trong tương lai…
Một bước lùi, bằng nhiều bước tiến. 
Nhưng lùi lại không có nghĩa rằng bạn bị tụt hậu. Đó là cơ hội để bạn nhìn lại bản thân, hiểu hơn về điều mình mong mỏi, hiểu hơn về giá trị của mình.
Đừng nghĩ rằng mình kém cỏi. Bạn luôn luôn đủ. Đủ tốt. Đủ đầy.

Thì của con gái là gì? Có ăn được không?

Con gái có thì…
Quá lứa nhỡ thì…
Con gái chúng mình lớn lên với những lời dạy dỗ như vậy. Riết rồi cái “thì” này ăn sâu vào tâm trí chúng ta lúc nào không hay. Nó cũng giống như sự trinh tiết vậy. Không ai biết màng trinh tròn méo ra sao, nhưng ai cũng dặn con gái chúng ta không được làm mất nó.
Thế là chúng ta sợ. Sợ nhỡ mất trinh với không đúng người thì làm sao? Sợ nhỡ già quá lỡ mất “thì con gái” thì làm sao?
Trước khi tiếp tục lo lắng, hãy xem bài viết kèm series 3 chiếc video hoạt hình về màng trinh mà mình đã làm dưới đây nhé:
Link: https://she-talks.org/mang-trinh-trong-nhu-the-nao/
Link: https://she-talks.org/mang-trinh-trong-nhu-the-nao/
Hãy thực tế một chút. Cái “thì” này là gì? Có ăn được không? Bạn có thể sống một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ cái “thì” này không? Tại sao người ta lại được quyền phán xét bạn chỉ vì một cái “thì” vô hình như thế?
Thay vì lo lắng và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những định kiến này, hãy dành thời gian để nghĩ xem tối nay ăn gì. Ít nhất thức ăn còn khiến bạn no bụng, và vui.
***
Vậy đó, sau nhiều năm nhìn lại, hoá ra việc đi du học cách đây 3 năm lại mang đến cho tôi nhiều hơn những gì tôi phải đánh đổi. Nếu sâu thẳm trong tim bạn vẫn luôn khao khát được phát triển bản thân mình như tôi, hãy nhớ rằng, phát triển bản thân không phải là việc hướng đến một thành tựu nào đó (như một công việc tốt, một vị trí tốt, một học bổng to, được người ta ca tụng), đó là cả một quá trình bồi đắp kiến thức và yêu thương bản thân với một thái độ tích cực nhất.
Tin tôi đi, không có một giới hạn tuổi tác hay giới tính nào có thể áp đặt lên những gì con tim bạn luôn mách bảo cả!
Cảm ơn bạn, vì đã đọc đến những dòng cuối cùng này 
Yêu thương,
Hà Phạm.
--------------------
Nếu quan tâm tới các bản viết liên quan tới chủ đề Girls Empowerment via Sex Education, bạn có thể ghé thăm trang cá nhân của mình tại đây ^^: https://she-talks.org/