1. Hai tháng trước, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh đăng một status trên FB cá nhân, nguyên văn là: "Tôi có một ngày không được vui , tôi muốn lan toả năng lượng đó đến tất cả mọi người". Status đó có hơn 40 nghìn tương tác sau mấy ngày và hình như cũng thành một kiểu mẫu đăng bài trong một thời gian, kiểu "tôi có xxx và tôi muốn lan tỏa đến mọi người".
Từ đó đến nay, lâu lâu mình lại nhớ đến status đó và thấy thật thú vị. Tôi muốn lan tỏa năng lượng không vui đến mọi người. Chẳng mấy ai thành thật nói ra điều đó dù rằng hầu như mọi người đều đang quẳng rất nhiều thứ không vui, hoặc tệ hơn là trộn lẫn nhiều thứ độc hại hơn sự không vui vào những thứ khác để phát tán ra xung quanh.
Nhiều người cho rằng niềm vui thì mới xứng đáng được lan tỏa, cho nên họ giấu đi nỗi buồn cho riêng mình. Điều đó khiến cho mỗi người khi nhìn thấy niềm vui của người khác thì cũng đều nhìn thấy nỗi buồn không rõ ở đằng sau.
Công bằng mà tự hỏi thì tại sao niềm vui mới được phép lan tỏa, còn nỗi buồn thì không?
2. Đa phần những bạn tìm hiểu và tu tập tâm linh, những bạn học NLP hoặc thậm chí tự nhận là người thức tỉnh cũng đều có điểm chung là không thích, sợ, hoặc tránh xa những thứ mang "năng lượng tiêu cực". Điều này cũng hợp lý thôi, nhưng trong một giai đoạn nào cụ thể nào đó chứ không thể trốn tránh mãi được.
Ở giai đoạn sơ khai của nhận thức, bạn trở nên nhạy cảm hơn và năng lượng của nỗi buồn tác động đến bạn mạnh hơn, bạn cần tránh xa. Nhưng ở giai đoạn sau, điều bạn cần làm là quay lại, đối mặt và bình thản với cảm xúc.
Nỗi buồn đau hay tất cả những thứ tiêu cực khác một khi đã tồn tại bên trong thân thể, tâm hồn hay thế giới của bạn thì đều cần phải đối mặt và thấu hiểu.
Bạn không cần phải tranh đấu với nỗi buồn hay phát tán niềm vui, tất cả điều cần làm là sống chung với chúng. Sẽ đến lúc bạn thấy được vui buồn cũng chỉ là cảm thụ của bạn mà thôi. Khi mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, bạn sẽ đối xử công bằng với nỗi buồn hơn.
https://www.facebook.com/photo?fbid=3842289149162875&set=a.3811955922196198
https://www.facebook.com/photo?fbid=3842289149162875&set=a.3811955922196198
3. Trong triết học Hy Lạp có một trường phái gọi là "Chủ nghĩa khắc kỷ". Trong chủ nghĩa này có một kỹ thuật gọi là kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực. Kỹ thuật này tương tự như quán vô thường trong thiền, nghĩa là tư duy về quá trình thành-trụ-hoại-diệt của mọi thứ xung quanh và ngay cả bản thân mình.
Triết lý của kỹ thuật này là khi nghĩ về những điều tiêu cực có thể xảy đến, ta sẽ trân trọng, biết ơn hiện tại và sống tốt hơn. Một người cha sẽ quan tâm và dành thời gian cho con cái nhiều hơn nếu tưởng tượng rằng mình có thể mất nó ngày mai. Cũng giống như câu hát "nếu chỉ còn một ngày để sống".
Đây là một kỹ thuật thú vị, nếu có thời gian bạn thử tìm hiểu và thực hành xem, có thể sẽ bất ngờ.
4. Ngày trước mình hay nói rằng muốn bình thản với lời chê của thiên hạ thì trước hết tập bình thản với lời khen. Bản chất của khen chê cũng chỉ là năng lượng đến từ người khác, chỉ là trái chiều thôi. Mà thật ra bình thản với lời khen có khi còn khó hơn bình thản với tiếng chê ấy chứ, chỉ là tiếng chê thì nó tác động đến bạn mạnh mẽ và khó chịu hơn thôi. Những điều tích cực và tiêu cực trong đời này cũng vậy. Mọi thứ là năng lượng và nó độc lập với "bạn". Hãy nghĩ về điều này.
Thời gian này dịch bệnh hoành hành, mọi người nên cố gắng ở nhà nhiều hơn, và khi có thời gian thì thử tìm hiểu những điều mới mẻ mà mình đã bỏ qua trong cuộc sống bộn bề thường nhật, như việc tư duy câu hỏi "nếu chỉ còn một ngày để sống...?"
Nhiều người trong chúng ta đều đã nghe qua câu hỏi đó, chỉ là ta bỏ qua và ai cũng nghĩ mình còn nhiều hơn một ngày.
Một ngày thì sao, và nhiều ngày thì để làm gì?