8 hương vị của tình yêu
Từ eros đến agape, chúng ta đang tìm kiếm tình yêu theo nhiều cách khác nhau.
Từ eros đến agape, chúng ta đang tìm kiếm tình yêu theo nhiều cách khác nhau.
Khi phát cuồng với món đồ chơi công nghệ mới, bạn muốn nói với cả thế giới rằng mình “thích nó”. Khi tò mò món ăn vặt yêu thích của nhỏ bạn thân, bạn sẽ hỏi “mày thích món chua lè chua lét này hả?” Còn gia đình bạn, người yêu, những người gần gũi và thân yêu nhất của bạn, khi muốn bày tỏ tình cảm, bạn thường thổ lộ rằng “Con yêu mẹ/Anh yêu em/Tao thích cá tính của mày lắm”.
Rõ ràng trong mọi tình huống biểu thị cảm giác yêu thích/ kính mến/ tôn sùng dành cho mọi đối tượng từ người đến vật, chúng ta đều chỉ quanh quẩn dùng từ “yêu” (love) hoặc “thích” (like). Đó là minh chứng cho sự lười biếng của chúng ta trong việc phát triển những từ chỉ cảm xúc.
Có lẽ chúng ta nên mở rộng cách sử dụng từ “tình yêu” (love) hiện nay để bao gồm một số từ khác có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại và miêu tả nhiều kiểu tình yêu. Điều này giúp làm rõ tình yêu giữa hai người có thể khác nhau như thế nào dựa trên hàng triệu yếu tố khác biệt. Và thế là một bộ 8 từ xuất hiện, dùng để mô tả nhiều kiểu tình yêu độc đáo, còn được gọi là “8 hương vị của tình yêu”.
1. Eros
Đây là kiểu tình yêu tác động đến những vùng nhạy cảm trên cơ thể. Nó được thúc đẩy bởi niềm đam mê, sự phấn khích và hấp dẫn tình dục. Eros tạo ra loại phản ứng khiến chúng ta nhảy vào mối quan hệ với một người xa lạ – bao gồm sự tác động bởi hormone pheromones, endorphin và các chất dẫn truyền thần kinh tạo ra tia lửa giữa hai người. Sự hấp dẫn và ham muốn tình dục là những phản ứng hóa học trong não tạo ra cảm giác hưng phấn, động lực và phần thưởng – chúng ta được thúc đẩy để dành nhiều thời gian cho một người.
Eros là kiểu tình yêu thôi thúc chúng ta đến với một người cho một mục tiêu cụ thể. Và điều này có thể dẫn đến những hành vi rủi ro và nguy hiểm – bản năng sẽ chiếm ưu thế hơn lý trí trong một vài trường hợp. Người Hy Lạp cổ đại xem eros là kiểu tình yêu nguy hiểm nhất vì nó khuyến khích sự ruồng bỏ và chấp nhận rủi ro – hai đặc điểm không có ở những kiểu tình yêu khác.
2. Ludus
Ludus liên quan đến những cuộc hẹn tập trung vào các kiểu tương tác vui đùa – thường trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Tán tỉnh, theo đuổi, các cuộc nói chuyện thả thính, những lời nói ám chỉ hoặc đụng chạm vô ý là ví dụ cho kiểu tình yêu này. Những người theo trường phái ludus thường thích hẹn hò với nhiều người thay vì chỉ một người, để tránh có bất kỳ mối quan hệ lãng mạn nào trở nên quá đậm sâu.
Nếu sự vui đùa là yếu tố cần thiết để duy trì sức sống trong các mối quan hệ tình cảm lâu dài thì ở kiểu tình yêu ludus, nó mang một mặt tối hơn. Mối quan hệ khi bắt đầu sẽ là những cuộc trò chuyện vô hại hoặc hài hước, nhưng theo thời gian, chúng dần thay đổi thành những lời nói dối hoặc châm chọc đối phương. Điều này nhằm thể hiện sự quyền lực và không muốn ràng buộc vào một cam kết lâu dài – hai ngôn ngữ điển hình của kiểu gắn bó mang tên ludus.
3. Mania
Mania mang nghĩa cuồng si. Đúng như tên gọi, mania là kiểu tình yêu thiên về sự ám ảnh và chiếm hữu. Ở mức độ tồi tệ nhất, tình yêu cuồng si được biểu hiện bởi các hành vi như kiểm soát, đeo bám hoặc sự lệ thuộc như một dạng bệnh lý. Nếu tình yêu của họ không được đáp lại, điều này sẽ tạo ra phản ứng vô cùng dữ dội và đáng sợ. Lý do vì họ muốn sử dụng mối quan hệ như một phương tiện để cảm thấy “trọn vẹn” hoặc để trải nghiệm cảm giác “chiến thắng” và tự đề cao bản thân thông qua việc xây dựng mối quan hệ gắn bó với người khác. Nhưng kiểu gắn bó này luôn tràn ngập cảm giác tuyệt vọng và hiếm khi đi đến một kết nối lâu dài.
4. Pragma
Từ miêu tả kiểu tình yêu này nghe rất giống từ “thực dụng” (pragmatic). Đây là dạng tình yêu lâu dài, trưởng thành, có sự phát triển phong phú và sâu sắc giữa những cặp đôi bên nhau dài lâu. Mặt tốt nhất của tình yêu pragma là thể hiện sự sẵn sàng thỏa hiệp với đối phương, hỗ trợ người ấy phát triển, chấp nhận những khuyết điểm và thiếu sót của nhau, đồng thời luôn ở bên nhau trong suốt chặng đường dài.
Nhưng ở khía cạnh khác, pragma có thể được xem là nhàm chán, quá thực tế hoặc thiếu lãng mạn. Tuy nhiên, điều này là bình thường trong một mối quan hệ lâu dài vì không ai có đủ năng lượng để duy trì ngọn lửa, từng cháy hừng hực khi bắt đầu mối quan hệ, từ năm này sang năm khác.
Những mối quan hệ tiêu biểu cho tình yêu pragma thường được trui rèn thông qua ngọn lửa đam mê của kiểu tình yêu eros giai đoạn đầu và được tôi luyện bởi thời gian và kinh nghiệm.
5. Philia
Philia được xem là một trong những cấp độ cao nhất của tình yêu giữa hai người, vì nó phản ánh sự tôn trọng, yêu mến lẫn nhau và cùng hy vọng vào một tương lai hạnh phúc sẽ kéo dài mãi mãi. Từ philia trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tình bạn và yêu mến. Philia miêu tả mối quan hệ giữa những người bạn thân nhưng cũng có thể là giữa hai người yêu nhau – những người đã từng trải qua một tình bạn sâu sắc với nhau.
(Thì ra từ tình bạn lên tình yêu được gọi là Philia)
6. Storge
Đây là từ miêu tả mối quan hệ sâu sắc giữa cha mẹ và con cái, bắt nguồn từ tình yêu thuộc về bản năng cơ bản nhất của loài người. Storge được khơi dậy khi đáp ứng các kết nối và nhu cầu nguyên thủy – sự sống còn và bảo vệ khỏi những tác nhân bên ngoài cũng như sự tồn tại của giống loài và huyết thống.
7. Agape
Đây là kiểu tình yêu vị tha, được ban tặng một cách tự do và vô điều kiện cho mọi người, dù là bạn hay thù; người yêu hay người cũ. Agape là trọng tâm của thiền – chánh niệm, tập trung vào việc củng cố lòng yêu thương của chúng ta với chính mình và người khác.
Agape được trải nghiệm theo cách giống như khi chúng ta nhận ra “niềm vui” hay sự “giác ngộ” – chúng ta chỉ “cảm thấy nó” nảy sinh từ một nơi sâu thẳm bên trong mà không bị ép buộc hay có ràng buộc nào. Đây được xem là một hình thức tinh thần của tình yêu đối với người khác, cho phép chúng ta kiên nhẫn, bao dung và cảm thông với họ.
8. Philautia
Chúng ta đã từng được khuyên rằng phải biết yêu chính mình trước khi người khác có thể yêu chúng ta theo cách chúng ta xứng đáng được yêu. Loại tình yêu cuối cùng này được gọi là philautia. Khả năng yêu bản thân là chìa khóa để xây dựng tình bạn và các mối quan hệ lãng mạn một cách bền vững và lâu dài.
Cụ thể, philautia nói về việc bạn chấp nhận chính mình, chăm sóc bản thân và thấy ổn với con người thật cũng như cách bạn thể hiện mình với thế giới. Yêu bản thân bằng việc từ bỏ thói quen xấu, nuôi dưỡng những điểm mạnh và củng cố các khía cạnh bạn cần chú trọng để xây dựng nền tảng vững chắc, hỗ trợ các mối quan hệ mà bạn mong muốn xây dựng.
------
Nguồn bài viết: 8 Flavors of Love | Psychology Today
Dịch xong bài này, mình thấy bản thân đang tập trung yêu kiểu philautia, và con người thực dụng, nhàm chán như mình chắc phù hợp với hương tình yêu pragma. Còn bạn thì sao? Hương vị tình yêu của bạn là gì?
.Ngưn.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất