KHI ÁP LỰC LÀ MỘT GÁNH NẶNG

Tôi chỉ vừa xem xong video 7 phút thời điểm xảy ra sự việc của cậu nam sinh học lớp Mười và vẫn còn bàng hoàng trong nửa tiếng sau đó. Và rồi tôi quyết định viết về những dòng này như là một người con tâm sự tới những người sẽ, đã và đang trở thành phụ huynh của một hoặc nhiều đứa trẻ.
Xin phải lưu ý: tôi viết những dòng này không phải đang chất vấn hay chỉ trích cha M, mẹ M hay gia đình của M.
Sửa: Vì video đã bị xóa, tôi xin phép xóa luôn đoạn phân tích video. Dù sao thì cũng chẳng còn bằng chứng cho những gì tôi nói nữa.
 “Theo cơ quan công an, nạn nhân có biểu hiện trầm cảm. Trước khi nhảy lầu, M có để lại đoạn thư tuyệt mệnh.”
– Theo báo Thanh Niên; Chiều, ngày 1 tháng Tư, 2022 [1] –
******
Lá thư tuyệt mệnh của M được viết trong cuốn tập (hoặc tờ giấy, vì việc chép bài như thế này tôi thấy có lẽ là bị phạt ở trường – có thể là do không thuộc bài) chép bài của cậu, bởi bên trên là tiêu đề đầu tiên của môn Địa Lý (Bài 28. Địa Lí Ngành Trồng Trọt) và chỉ viết được bốn dòng, sau đó là vần thư của cậu trước khi quyên sinh.
[Con rất xin lỗi vì hành động bồng bột của con sẽ hoặc đã làm. Thực sự thì cuộc sống cũng đã quá mỏi mệt rồi. Nó chẳng phải là suy nghĩ bộc phát lúc nóng giận mà là con đã nghĩ đến việc này từ rất lâu chỉ là tiếc. Tiếc vì những suy nghĩ vu vơ làm thế sẽ không gặp may và cũng tiếc còn những người bạn, nhưng con game bỏ lâu rồi, còn bao bài nhạc chưa nghe. Không hẳn là cuộc sống của con khổ sở mà có thể chỉ là con tiêu cực quá, nhưng có ra sao thì kết quả vẫn vậy.
Chuyện này có lẽ chả phải lỗi của ai ngoài con cả, giãi bày nhanh thôi...
Chia buồn với Tú vì sẽ phải chịu nhiều tính khí của mẹ hơn, mẹ rất quan tâm nhưng luôn làm sai, luôn thái quá và dần anh mày chả còn thấy cái ích của việc chia sẻ khi mà ý kiến của mình chẳng thực sự quan trọng...
Tạm biệt.
1/4 luôn, đời như đùa vậy.]
Bên trên là toàn bộ lá thư của M đã viết và để lại. Ta thấy gì trong những dòng thư này? Tôi không biết các bạn thấy sao, tôi thì thấy đủ thứ các vấn đề của cha mẹ và con cái có trong đây.
Cậu đã giãi bày tâm sự về sự mệt mỏi của bản thân và bảo rằng việc cậu muốn rời bỏ thế giới đã được nghĩ tới từ rất lâu. Thử hỏi bao nhiêu áp lực đã đổ dồn lên cậu? Và nó đã bắt đầu từ lúc nào? Có lẽ sẽ chẳng ai trả lời được ngoài người đã đi. Thế nhưng ta đều rõ rằng cậu hẳn phải suy sụp tới đâu mới ra quyết định như thế, thậm chí còn rất nhanh và chẳng chần chừ.
Tự trách toàn bộ là do lỗi của mình. Có nên xem đây là dấu hiệu của bệnh tâm lý?
(Như cơ quan Công An đã nói trong báo Thanh Niên, M có biểu hiện trầm cảm) – liệu bệnh có nặng không? Có hai trường hợp tôi thường thấy nhất, một là đổ lỗi cho toàn bộ mọi thứ, hai là đổ lỗi cho chính bản thân. Trường hợp hai là trường hợp nguy hiểm nhất, bởi vì nó sẽ dẫn tới suy nghĩ phương hại bản thân người bệnh.
Và rồi sau đó, cậu đã cho ta thấy một khung tranh về mẹ của mình. Một người mẹ điển hình mà ta thường thấy: thương con nhưng không thương đúng. Và một bức tranh rõ hơn về gia đình của cậu khi trong đó, những đứa trẻ không hề có tiếng nói, không thể chia sẻ nỗi lòng, áp lực tâm lý của bản thân cho người thân; không được xem trọng ý kiến của chính mình. Và có thể là cả bị kiềm kẹp trong tư duy, tư tưởng, suy nghĩ cá nhân.
Cậu tiếc vì bạn bè. Tiếc vì những bài hát vẫn chưa được nghe. Cậu tự nói rằng không hẳn cuộc sống bản thân khổ sở (tôi thì nghĩ ngược lại) mà có thể do cậu tiêu cực – tôi đã tự hỏi sự tiếc nuối đó của cậu tại sao lại không thấy gia đình trong đấy, và rồi tôi đã có câu trả lời khi đọc những dòng cuối cùng.
******
Vẫn phải xin lưu ý một lần nữa: tôi viết là để nói về những gì tôi nghĩ dựa trên góc nhìn cũng là một người trẻ và là một người con.
******

GIA ĐÌNH

Áp lực và Sự kỳ vọng

Những đứa trẻ trong một gia đình truyền thống ở Việt Nam, đặc biệt là con trai, luôn phải chịu áp lực từ sự kỳ vọng của cha và mẹ. Chúng luôn phải học từ trên trường cho tới học thêm ngoài giờ để lấy được điểm cao với nhiều lý do: tranh đua nhau để cao điểm và không phải bị la mắng vì thấp điểm hơn con nhà người ta, nở mày nở mặt cha mẹ mình với bà con lối xóm, và cả trở nên thành tài (nhưng ở tuổi M thì hai vế đầu dễ thường thấy hơn).
Những đứa trẻ đấy không được, hoặc ít nhận được sự quan tâm đúng đắn, dần dà chúng chỉ có thể hứng chịu những áp lực, mệt mỏi mà đáng ra chúng không nên có trong tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi của những trò giải trí. Chúng phải nghe lời cha mẹ học cắm mặt để có thể lấy những con điểm cao vút, theo định hướng bởi đấng sinh thành mà còn chẳng được tự quyết định cuộc sống của bản thân muốn gì, làm gì. Có những đứa trẻ bị bắt ép học theo ngành học cha mẹ muốn, để thỏa mãn cho bản thân họ từ sĩ diện cho tới sự thống trị trong việc điều khiển con cái mình, thứ mà rất có thể họ cũng đã phải chịu từ thế hệ đi trước, thế hệ vẫn còn hàng sa số mang quan niệm tư tưởng Nho giáo, đặc biệt là ở ngoài Bắc (lưu ý: tôi không kỳ thị vùng miền), bởi vì ta hẳn đều biết Bắc giáp ranh với Trung Quốc, nơi khai sinh ra học thuyết Nho giáo của Khổng Tử.
Sự kỳ vọng luôn tạo nên áp lực. Áp lực thường đi kèm với những suy nghĩ tiêu cực.
Ngoại cảnh: sự bức bối khi thấy bản thân chẳng khác nào một món đồ vật để cha mẹ uốn nắn. Khi nó đẹp, cha mẹ khoe ra với hàng xóm, người thân. Còn gì ngoài để thỏa mãn cái tính sĩ diện của họ? Khoe ra mặt khác với việc để người khác tự hỏi về con mình, tôi mong mọi người sẽ phân biệt rõ ràng việc này. Có những cha mẹ thích được thể hiện mình là một người nuôi con thành đạt qua điểm số mà nó đạt được trên trường thay vì hành xử, đạo đức, kiến thức và đối nhân xử thế của nó. Bởi vì điểm số là thứ có thể thấy dễ dàng khi được show ra thay vì thứ phẩm chất bên trong. Mà thậm chí cách dạy lễ nghĩ còn mang tính giáo điều và hình thức nặng, khi cần gấp thì dạy, theo kiểu đối phó thay vì thấm lâu dài.

GIÁO DỤC HỌC HÀNH

Điểm số, Kiến thức và Học lực

Giáo dục Việt Nam luôn là vấn đề nóng gây tranh cãi từ xưa tới nay, và ta vẫn luôn tự hỏi khi nào thì guồng giáo dục mới thực sự được chạy đúng hướng và giúp cho con trẻ hiểu được nơi mà chúng thuộc về, bước đường mà chúng muốn đi.
Thi cử, môn học, kiến thức hàn lâm. Ta đều rõ giáo dục của Việt Nam như thế nào. Nó rập khuôn trong một khung xương nhất định của những môn học và áp lực điểm số: Cần phải 6,5 điểm tất cả các môn, điểm trung bình là 8 và một trong số ba môn Anh Văn, Toán, Ngữ Văn (trước đó không có Anh Văn). Và ta có bao nhiêu môn học? Chưa cần đếm thì cũng đã thấy hơn chục môn học rồi (nơi tôi học có 13 môn trải dài ba năm học THPT nếu không tin tới lâu lâu sẽ có môn Hướng Nghiệp – mà tôi thấy làm khá qua loa chứ cũng không sâu gì: điểm của một bài kiểm tra khảo sát về xử lí tình huống “tự lên kế hoạch khi thành lập công ty riêng” tôi làm cùng với lớp, dường như hồi khoảng đầu năm lớp Mười Hai, cho tới cuối năm thì vẫn chẳng thấy đâu).
Một đứa trẻ phải học giỏi hàng chục môn học như thế (Thể Dục cũng cần phải Đạt đấy, và dù trai hay gái, vẫn sẽ có những đứa trẻ mang thể trạng ốm yếu – tôi tự hỏi liệu có đứa trẻ học cực kỳ giỏi nào đã rơi mất loại Giỏi vì hai chữ Chưa Đạt chưa, tôi mong là không có.) để có tấm bằng loại Giỏi, ta có nhận ra rằng rõ ràng là những đứa trẻ đã “quá tải” trong một thời gian cực dài không? Và cái thời gian đó tôi thấy ngày càng kéo dài ra khi thậm chí lớp Một là đã đi học thêm, nhét vào thêm và bớt đi thời gian nghỉ ngơi của trẻ em.
Chưa kể tới việc ta đều biết rằng mỗi đứa trẻ có một khả năng, một loại thông minh khác nhau như là thế mạnh của chúng. Ta đâu thể bắt một con cá leo cây, một con khỉ bay lên trời hay một con chim bơi dưới nước [2].
Thế nhưng, như đã nói, việc học ở Việt Nam quá khủng bố với hàng trăm kiến thức mỗi năm.
Thử hỏi liệu bạn có nhớ mình đã học gì vào năm lớp Sáu, Bảy, Tám hay Chín? Ý tôi là tất cả các môn luôn đấy. Hầu như không và một số trường hợp ngoại lệ có lẽ sẽ nhớ nhiều, nhưng không thể nhớ hết (thậm chỉ dù chỉ một nửa kiến thức trong đó), trừ khi bạn là người mắc chứng Hyperthymesia.
Người ta thường nói rằng việc học hàng chục môn như thế là để trẻ em biết mình thích gì.
Nhưng ta đều rõ cái “biết” đó quá thụ động và quá ôm đồm. Liệu với áp lực học thêm, học tại trường; ngày đêm và cố gắng đạt thậm chí chỉ là loại khá, ta có thể nhận ra bản thân mình muốn gì?
Điểm số khắt khe để đạt được học lực cao, kiến thức từ phổ thông tới hàn lâm ôm đồm vào nhau.
Chưa kể là những quyết sách của Hội Phụ Huynh mà tôi không ủng hộ.
Một ví dụ rõ ràng nhất là bằng khen. Không bàn tới những bằng khen thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, thành phố,... mà bàn tới bằng khen tại lớp. Bằng khen học sinh Giỏi, nó tạo nên áp lực với những gia đình xem trọng thành tích con cái, cần có bằng khen. Và tất nhiên, thực tế có bao nhiêu sự tự hào khi cầm bằng khen? Học sinh có thể vui khi được nhận lúc đó, nhưng rồi theo thời gian nó cũng chỉ là tờ giấy. Còn với cha mẹ thì sao? Rõ ràng là việc khoe một tờ bằng khen mỏng, ép cứng, có màu bắt mắt sẽ ổn áp hơn là việc để người khác thấy phẩm chất của nó. Ta thường mặc định một đứa trẻ học “Giỏi” là ngoan ngoãn mà, đúng chứ?
Đứng trên phương diện học sinh, tôi cũng thích bằng khen. Nhưng rồi khi về nhà, cầm bằng khen trên tay, quẳng đi đâu đó rồi tôi cũng quên bẳn luôn sự hiện diện của nó cho tới khi thấy ngoại tôi để trong tủ kính giúp tôi (lưu ý, gia đình tôi không đặt nặng chuyện học hành. Đó là sự may mắn của tôi).

XÃ HỘI

Khi ta vẫn còn mù mờ tương lai

Không thể phủ nhận rằng có rất nhiều học sinh không biết bản thân sẽ học ngành gì sau khi tốt nghiệp đại học. Họ cứ thế chọn ngẫu nhiên bằng nhiều cách (như việc liệt kê các ngành hot và nhắm mắt chỉ tay, hoặc chỉ vào một ngành nào đó và đọc vè), hoặc là nghe theo gia đình (thường phổ biến, và thậm chí còn bị bắt ép: một con vịt phải học bay có lẽ là ẩn dụ tốt nhất. Nó có thể đập cánh, nhưng không thể bay cao được), hoặc là theo bạn bè, hoặc là theo sự phổ biến của xã hội, hoặc là nghề mau giàu (lối sống trọng giàu của dân Á Đông – thật phải nhớ tới câu nói “No money, no talk”, ngạc nhiên thay được hưởng ứng rộng rãi một cách khó tin. Người giàu mới được nói chuyện, còn người nghèo hoặc vừa đủ sống qua ngày thì “lo mà kiếm tiền đi”).
Những ví dụ trên là đủ để phủ định quan điểm “việc học hàng chục môn như thế là để trẻ em biết mình thích gì dễ dàng hơn.” chưa?
Và đừng quên là Thông Minh Âm Nhạc (Nhạc) với Thông Minh Thị Giác (Vẽ) đã bị bỏ ra khỏi giáo trình sau khi lên THPT. Có thể biện hộ rằng lớp Một tới lớp Chín là đủ để trẻ em hiểu bản thân thích Vẽ, hoặc Nhạc hay không, thế nhưng có đứa trẻ này đứa trẻ nọ. Có những đứa trẻ thậm chí học rất dở nhưng lại là thiên tài trong ngành Vẽ hoặc Âm Nhạc, nhưng rồi cũng phải lao đao trong điểm số và thi cử nặng nề lớp Mười, Mười Một và Mười Hai. Thậm chí chúng còn quên hoặc bị tước bỏ cả sở thích của bản thân mình.
Tương lai của con trẻ như sương mù giăng kín và phải đi trên con đường sáng đèn do cha mẹ vẽ vậy. Cứ học và học, cố gắng tranh giành điểm số và xếp hạng học lực với sự kỳ vọng cao của cha mẹ. Thậm chí còn chẳng nghĩ được rằng mình thích gì, muốn làm gì sau này. Có những đứa trẻ thậm chí đã bị dập cả ước mơ từ nhỏ:
Thông Minh Vận Động: Mày đá banh rồi sau này có làm ra tiền không? Không đá nữa (bao gồm các môn thể thao khác).
Thông Minh Thị Giác: Vẽ; có những cha mẹ đã và đang chà đạp ước mơ của con mình. Có một câu chuyện tôi từng đọc được về việc một đứa trẻ đã đưa tranh cho mẹ mình xem, và rồi người mẹ đã xé bức tranh đó và nói rằng vẽ vớ vẩn, lo mà học đi.
Thông Minh Âm Nhạc: Hát. Soạn nhạc. Về phần soạn nhạc thì quá khứ của Sơn Tùng là một ví dụ (chương trình Lần Đầu Tôi Kể). May mắn là anh đủ động lực để bước tiếp và cha mẹ anh không khắt khe (có đoạn tôi nhớ anh đã kể rằng cha và mẹ khuyên anh đừng đi theo con đường ca hát, nhạc sĩ), nếu anh nghe theo thì liệu có một Sơn Tùng như ngày hôm nay?
CẮT đi đôi cánh vừa mới nhú của con mình (tôi nhớ tới tấm ảnh Hiện Thực Xã Hội: Cha Mẹ Cắt Đi Đôi Cánh Của Con Mình).
“Làm cha mẹ, ai chẳng mong muốn đặt hy vọng vào con những ước mơ hoài bão nào đó nhưng sự kỳ vọng, đặt niềm tin quá lớn vào con cái, vô hình trung gây nên áp lực lớn cho các em dẫn đến những cái kết đau lòng không đáng có.” (và những câu chuyện thương tâm khác cũng có kết quả giống như M) [3].
"Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng.
Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ, bố mẹ biết không con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng được mặc bộ quân phục ấy dù chỉ một lần.
Nhưng con biết thực lực của con đến đâu. Con học không giỏi từ nhỏ chắc bố mẹ đã biết.
Nhưng con vẫn luôn nghĩ rằng phải cố gắng lên nếu không sẽ phụ bố mẹ, làm bố mẹ buồn.
Nhưng con thật sự rất mệt. Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả... con không thể hoàn thành nó được…” - một học sinh lớp Mười trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu giống như M vì không thể vươn lên vị trí giỏi nhất khối.
Đứa trẻ ấy (có thể đã bằng tuổi mình nếu vẫn còn trên đời) mang khát vọng lớn lao chỉ để cha và mẹ vui lòng, vừa lòng với cái họ muốn, họ kỳ vọng ở con mình. Thứ mà thay vì thúc đẩy, động lực để con học tốt hơn, lại trở thành áp lực dẫn tới hệ quả tang thương.
Còn bao nhiêu đứa trẻ nữa sẽ chịu áp lực và tự giải thoát cho bản thân bằng cách này?
=> Có thể thấy, khía cạnh nào trong cuộc sống của một đứa trẻ cũng đều là mảnh ghép để hình thành lên nó – dù con đường điều hướng nó đi là đúng hoặc sai, nó cũng vẫn đã đi. Sẽ có một số đứa trẻ phá tan xiềng xích và làm theo ý bản thân mình, nhưng liệu có bao nhiêu người được như thế? Và liệu gia đình có phản ứng thế nào? Có những gia đình thậm chí còn từ mặt con mình hoặc ép đứa con vào bốn, năm cái xiềng xích khác bằng bất cứ cách nào.

Vậy ta có thể làm gì để giải quyết nhưng vấn đề trên?

Về giáo dục thì có lẽ tôi sẽ không bàn tới, vì bao năm qua vẫn vậy dù dân đã phản ánh nhiều. Thậm chí còn có những cải cách mà dư luận đã lên tiếng là “nhiều vấn đề”.

Về gia đình và xã hội:

Đầu tiên, thứ cần thiết nhất là cha mẹ phải cởi mở và nói chuyện với con cái, điều đã được nói rất nhiều. Nó chỉ khó ở giai đoạn đầu. Người Việt Nam tự hào rằng bản thân sống tình cảm, vậy chẳng lẽ một cuộc trò chuyện để hiểu hơn về con mình thì không thể?
Nhưng rõ ràng là dù đã có rất nhiều bài nói đi nói lại về vấn đề “trao đổi với con cái”, nhưng ít ai nói rằng trước cái việc giao tiếp đó, bản thân cha mẹ cần phải học cách để biết cách nói chuyện với con cái. Bởi vì dù vượt qua rào cản giao tiếp đối mặt như người thân, ta cũng vẫn sẽ có khi nói ra lời lẽ tổn thương con mình mà chẳng hay biết. Hay thậm chí tức giận vì những gì con mình nghĩ suy.
Nhưng, liệu đứa con mình có cởi mở đáp lại khi thấy rằng cha mẹ đột ngột kêu chúng là nói chuyện với nhau? Chúng thậm chí còn căng thẳng và hãi sợ thay vì sẽ nói về những ưu tư của chúng.
Việc để nói chuyện với con là cả một quá trình, không phải là cứ nghe rằng “giao tiếp với con” là bảo nó ngồi cạnh mình và nói.
Ta có thể giết chết lòng tin của một người chỉ trong một khắc; còn xây dựng nó thì rất khó, chưa kể tới còn là những tổn thương tinh thần trước đó sẽ khiến đứa trẻ dựng vững tấm khiên chắn của mình hơn.

Hãy xem con mình là một người bạn hơn là một người con, và để ý tới con mình hơn.

Đừng tạo áp lực vô ý với con mình. Sự tinh tế là điều cần thiết. Học cách quan sát con: bị thương, đang có dấu hiệu buồn, đang vui chuyện gì đó, đi bộ cà nhắc như thể vừa té,... bất kể. Dù là không thể quan sát nhiều vì ta vẫn còn tất bật công việc thì đôi lúc thấy con đi qua đi lại quanh nhà, hoặc những lúc ăn cơm gia đình, ta vẫn có thể quan sát, đúng chứ?
Hỏi han về sở thích của con mình, thứ mà con mình muốn làm. Vạch ra kế hoạch cụ thể và vẽ đường đi nước bước cùng con cái, như thế sẽ vừa tăng sự gắn kết gia đình, vừa giúp con tìm ra được thứ mà nó sẽ làm và bản thân mà nó sẽ trở thành trong tương lai.
Cha mẹ sẽ tự tìm hiểu cái khó khăn và cái thuận lợi, chỉ dẫn con đi theo hướng nó muốn thay vì hướng cha mẹ muốn mà thậm chí còn chẳng hỏi con xem nó có đồng ý không. Khi đã không được bước trong môi trường mà nó yêu thích, sẽ rất khó để phát triển.
Bao nhiêu người đã cố đấm ăn xôi học cho hết đại học để rồi không thể thoải mái với ngành bản thân đã học vì đó không phải là họ?
Bao nhiêu người đã quyết định nghỉ học đại học và chọn một ngành khác khi thấy bản thân không phù hợp?
Nếu nó con vấp ngã, hãy bên cạnh và giúp nó đứng dậy bằng tình thương, thay vì nói câu: “Thấy chưa, tao đã nói là mày không làm được rồi mà.”
Quan trọng hơn hết: nếu thấy cái sai của con mình, đừng để phần con lấn át phần người. Con là con vật, con thú; người là phần lí trí. Con người được tạo hóa ưu ái ban tặng trí khôn, vậy nên hãy dùng tốt nó thay vì cứ vịn sự nóng giận và bạo lực để giải quyết mọi thứ.
Bạo lực là sự bất lực và sự yếu nhược của lời nói không hề có trọng lượng. Và cũng thể hiện sự thiếu khả năng điều khiển phần “con”, phần súc vật nguyên thủy. Không hề có bất cứ lý do chính đáng nào biện hộ cho việc một con người dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
******
Quay trở lại với vấn đề của M và gia đình.
Tôi sẽ không phán xét hay đưa ra lời chỉ trích với họ. Tôi chỉ mong những người sẽ và đã biết về câu chuyện này có thể rút ra được bài học thiết thực cho bản thân mình. Hãy lắng nghe con mình hơn, đừng áp đặt những quan điểm thời trước của bản thân vào con cái, đừng tạo áp lực không cần thiết đối với chúng, và cũng đừng bạo lực chúng (ở đây là cả bạo lực về thể chất lẫn tinh thần).
Ta không hề thấy một cú đánh, cú tát nào của cha M trong video này, nhưng ta đều hiểu rằng lời nói của ông đã thúc đẩy mạnh mẽ cho hành động của M. Đó là công kích, là bạo lực tinh thần, thứ mà thậm chí còn đáng sợ hơn bạo lực thể chất vì nó sẽ hằn sâu vào đầu nạn nhân.
Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói, đừng buôn ra những câu mà bản thân cho là vô thưởng vô phạt rồi quên đi. Con trẻ nhớ hết từng từ đấy, nó không quên đâu. Và những từ, những câu đó sẽ ám ảnh nó, đục khoét nó. Tấm kính khi đã nứt mẻ thì không thể lành lại được.
Hãy dừng lại những lời chửi mắng, lời trách móc, lời khinh miệt,... Vì khi ta nhận ra thì đã muộn màng rồi. Và dù ta nhận ra sớm, cố sửa chữa lỗi lầm, nó cũng vẫn là một vết mẻ không thể lành lặn nguyên vẹn. Thay vì cố sửa chữa, ta hãy đừng tạo thêm một vết nứt nào nữa. Có nhiều mảnh rơi vỡ, hãy hàn gắn nó lại để tấm gương không bị lồi lõm.
Trẻ con đã phải áp lực với xã hội (tùy trường hợp, có thể đã có từ nhỏ, hoặc lớn lên mới có), đừng để nó thấy rằng gia đình cũng là một chiến trường mà nó phải đối phó khi cần tìm nơi nương tựa.
Trẻ con là tương lai, là sự đâm chồi khi một cái cây già gãy đổ và chết đi. Không chỉ là về sự trưởng thành và khám phá, mà nó còn là sự kế thừa những di sản, những kinh nghiệm quý báu. Hãy chia sẻ với con cái nỗi lòng của bạn. Đừng nghĩ rằng con mình sẽ thấy bạn yếu đuối, mà chính xác hơn là bạn đã mạnh mẽ và dũng cảm tới cỡ nào mới dám chia sẻ cái góc “yêu đuối” trong lòng mình. Nó cũng sẽ tin tưởng và chia sẻ nỗi lòng của nó với bạn thôi.
Đứa con cần thiết nhất là một (hoặc một cặp) phụ huynh (nam, nữ, nam-nữ, nam-nam, nữ-nữ) có thể linh hoạt nghiêm khắc chỉ nó cái sai, nhưng cũng có thể là một người bạn để nó dám chia sẻ nỗi lòng của mình. Nó không cần một người điều khiển rối hay một người trang trí, uốn nắn búp bê xem nó là một món đồ vật.
Còn về chuyện của gia đình M đã ra đi, tôi xin chia buồn với những người thân ở lại nếu họ có đọc được những dòng này. Tôi mong rằng mọi người sẽ có thể sớm vượt qua được khổ đau, hiểu hơn về con cái. Đừng để đứa con gái còn lại phải ám ảnh suốt đời vì khung cảnh anh trai của mình đã làm vì sự bức ép, áp lực nặng nề từ gia đình.
******
Có thể sẽ có những góc nhìn không được trọn vẹn hoặc mang tính cá nhân cao, chỉ mong là những ai đã đọc sẽ nhận xét không quá nặng nề. Con cũng cần thêm kinh nghiệm cho bản thân mình để có thể phát triển hơn.
Tuổi trẻ luôn có một đặc quyền thiết yếu: được quyền sai (nhiều). Con của mọi người, và cả con, cũng cần sai để học cách tự đứng dậy sau thất bại của bản thân, để rồi sau đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Bài Viết Được Hoàn Thành Vào Sáng 8:05; ngày 2 tháng Tư, 2022.
Cám ơn mọi người đã đọc hết!
Báo Thanh Niên [1]:
Trí Thông Minh Của Con Người [2]:
Cắt Đi Đôi Cánh Ước Mơ [3]:
Cùng tác giả: