Khi con bạn mang giấy kiểm tra về với số điểm cao, bạn thường quan tâm tới điểm số kết quả hay quá trình mà con bạn có được nó?
Lưu ý: Dưới đây chỉ là một tình huống tôi hư cấu để viết lên một câu truyện ngắn vui vẻ, tùy người sẽ cảm thấy thế nào sau khi đọc xong.
Ý tưởng: Câu chuyện được nảy ra trong đầu sau khi tôi đọc tờ báo về một học sinh từ Trung Quốc làm giả giấy tờ nhập học vào một trường Đại Học danh tiếng (giờ đọc lại thấy có vẻ chuyện đó với truyện bên dưới nội dung không liên quan tí nào).
******
Một ngày nọ, người mẹ được con gái gọi điện thoại từ trường về và nói:
“Mẹ ơi! Mẹ vô phòng con, lại chỗ bàn học lấy dùm con cuốn bài tập Hóa Học được không mẹ? Con bỏ quên ở nhà.”
Bà mẹ lắc đầu, mỉm cười vì sự đãng trí của đứa con gái:
“Được rồi, để mẹ mang vô trường cho.”
“Dạ, mẹ cứ hỏi lớp X, rồi người ta sẽ chỉ mẹ tới chỗ phòng học của con nha!”
“Rồi rồi, con học cho ngoan đấy.”
“Dạ!”
Người mẹ đi lấy cuốn bài tập Hóa cho con gái, rồi sau đó lấy xe đạp để trong nhà bếp và đạp tới trường. Bà đậu xe cạnh cổng vào, rồi hỏi lớp con gái mình thì được một anh bảo vệ trẻ trung trìu mến dẫn tới phòng giám thị. Sau đó anh ta bỏ đi.
Bà nhìn vào phòng thì chỉ thấy có một thầy giáo đang ngồi đánh máy tính, tay nghe điện thoại, nói chuyện có vẻ sốt sắng:
“Được rồi, được rồi ạ, để em sửa rồi gửi qua cho thầy liền! Thầy đợi em một chút!”
Khi thầy ấy cúp máy và đặt điện thoại xuống bàn, người mẹ lên tiếng:
“Thầy ơi, thầy ơi thầy!”
Thầy giáo quay sang:
“Cô là...”
“Dạ, tôi là mẹ của bé Lan ở lớp X. Tôi tới đây để đưa cuốn tập Hóa cho cháu, thầy ạ.”
Thầy giáo nhìn chỗ ba chiếc bàn ở giữa phòng xếp khít nhau, đặt xung quanh là mấy cái ghế rồi chậc chậc lưỡi:
“Tụi nhỏ trực giờ này đi ăn sáng hết rồi, ơi trời!”
Rồi thầy ấy quay sang người mẹ, sau đó nhìn sang máy vi tính, lại quay sang người mẹ, giọng lúng túng:
“Chị này, chị có bận gì lúc này không?”
“Dạ không thưa thầy.”
“Được rồi! Vậy tôi chị đi sang hành lang dãy bên kia, rồi sau đó rẽ trái, đi một lúc sẽ thấy có tấm bảng ở trên đầu cửa phòng ấy. Thấy tấm bảng X thì đó là phòng của con gái chị. Thứ lỗi nhờ chị tự đem gửi dùm tôi ạ!”
Người mẹ đã từng tới trường, biết rằng thường là sẽ có mấy cô cậu học sinh trực nhật mang đồ hoặc gọi con gái cho bà thay vì để bà tới tận lớp. Hoặc là khi không có mấy cô cậu học sinh đó thì thầy giáo hoặc cô giáo trong phiên trực sẽ làm. Mà giờ thầy có vẻ đang bận nên bà gật đầu:
“Dạ vâng, tôi tự đi mang được. Cám ơn thầy!”
Thầy giáo gãi đầu ngại ngùng:
“Phiền chị quá!”
“Dạ không sao ạ!”
Rồi người mẹ rời khỏi phòng và đi theo hướng chỉ dẫn của thầy giáo ban nãy. Bà đi một lúc, chưa cần nhìn thấy tấm bảng có chữ X thì bà đã thấy con gái mình ngồi ở góc cuối phòng học, ngay cạnh cửa sổ ngoài. Phòng có vẻ im ắng, cô giáo đang ngồi ghi chép bên bục bàn học.
Có vẻ đang trong giờ kiểm tra, bà nghĩ thầm. Rồi bà nhìn con gái thì thấy con mình đang làm gì đó dưới hộc bàn. Có một cuốn tập đang lật mở. Nó nhìn vào đó, lấm lét ngước lên quan sát xem cô giáo còn đang chú tâm vào sổ sách giấy tờ của cô không. Bà thoáng nhận ra con bé làm gì và xây xẩm mặt mày.
Bà nhanh chóng núp vào góc tường, nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng như thể bị từng mũi kim vừa được nung nóng châm vào. Bà đứng mất một lúc lâu thì có cậu học sinh kia chạy tới:
“Cô ơi, sao cô đứng đây vậy ạ?”
Bà suýt nữa đã bặm môi, liền nói nhanh:
“Cô tới đưa cuốn tập này cho bé Lan ở lớp X!”
“À dạ!” Thằng bé gật đầu, rồi nó nhìn lên đầu cửa phòng học ngay cạnh. “Ủa, lớp X đây nè cô.”
Nó lém lỉnh chỉ vào tấm bảng ở đầu cửa phòng.
Người mẹ cười trừ:
“À, ừ, đúng rồi, thế mà cô tìm nãy giờ.”
“Dạ, để con đưa cuốn tập đó cho em Lan dùm cô nha!”
Bà gật đầu và đưa cho thằng bé, sau đó nói:
“Nhờ con đưa cho bé Lan, cô về trước.”
“Dạ!”
Học sinh trong phòng thực tế đã kiểm tra Mười Lăm phút xong nãy giờ. Lan không biết mẹ đã thấy hết những gì con bé làm, nó vui mừng vì chắc chắn bài sẽ rất cao điểm. Nhưng cũng có chút hãi sợ và hồi hộp vì đó là lần đầu nó gian lận trong giờ kiểm tra.
******
Nhiều ngày sau...
Thay vì bắt quả tang đứa con gái tại phòng học, hoặc về nhà và đợi con gái về rồi la mắng, người mẹ im lặng. Bà biết những cách đó không hiệu quả vì bà đã từng thấy rất nhiều nhà đã làm vậy. Thậm chí thằng con học lớp Mười Một của một nhà nọ còn quát lại mẹ mình vì bị mắng do điểm thi nhỏ và bỏ nhà đi mất cả tuần mới về. Bà nghĩ mình nên có một cách nào đó tốt hơn để chỉ cho con gái thấy hành động mà con bé đã làm là sai.
Bà đang ngồi may vá chiếc áo thủng lỗ chỗ của chồng thì Lan về nhà và chạy tới ôm lấy bà.
Bà kêu lên và nắm hai vai đẩy con ra:
“Cẩn thận chứ con! Mẹ đang may vá! Kim đâm vào bụng con đấy!”
Đứa con vẫn cười tươi dù có chút hối lỗi:
“Dạ dạ, con xin lỗi ạ! Nhưng mà mẹ ơi mẹ, mẹ ơi! Mẹ coi nè mẹ!”
Lan chìa ra một tờ giấy đôi. Người mẹ chậm rãi đặt chiếc áo sang bên cùng với bộ kim chỉ và cầm lấy tờ giấy. Nhìn vào và thấy đó là tờ kiểm tra Hóa Học.
“Hôm đó tự nhiên cô giáo cho kiểm tra đột xuất. Hên mà con gọi mẹ xong thì chạy về phòng học vừa kịp làm bài. Với lại mẹ mang cuốn vở bài tập Hóa đúng lúc nên con không có bị phạt á. Con có làm bài tập rồi nhưng nếu không có cuốn bài tập thì cô giáo sẽ phê là không làm bài, còn không đem tập nữa. Mà mẹ, mẹ coi nè! Con được Chín điểm rưỡi luôn.”
“Ừm.”
Người mẹ nhìn điểm của con gái, không khỏi buồn bã. Bà vẫn chưa biết nên làm gì bây giờ. Nhưng nếu không giải quyết chuyện này thì những bài kiểm tra sau này bà cũng không thể tin là con gái đã làm được điểm cao như thế nữa.
“Mẹ ơi, sao mẹ buồn vậy ạ?”
Bà thở dài.
“Con có chuyện gì muốn nói với mẹ không?”
Lan ngơ ngác nhìn.
“Dạ, chuyện gì ạ?”
Mặt của con bé hơi xanh vì sợ.
“Thì chuyện làm thế nào để con kiểm tra điểm cao tới vậy? Dạo này mẹ thấy con hơi chểnh mảng trong việc học.”
“Dạ...”
Bà lắc đầu, nói thật toàn bộ mọi chuyện.
“Mẹ đã thấy con gian lận trong buổi kiểm tra hôm đó.”
Lan mở to mắt vì sốc, hơi run rẩy, mặt càng tái xanh hơn. Con bé hơi mếu máo vì sợ hãi. Nó chối nhanh:
“Dạ, con không có! Con đâu có đâu ạ!”
Bà cảm thấy bất lực, vẫn cố gắng nói:
“Nói thật với mẹ đi. Mẹ không trách mắng gì con đâu.”
Bà nhìn con gái vài giây rồi nhoài người sang bên, vỗ vỗ chỗ vừa ngồi.
“Con ngồi đây với mẹ.”
Lan sợ hãi ngồi xuống cạnh bên.
Họ ngồi đó một lúc, người mẹ tiếp tục sửa chỗ rách của chiếc áo trong khi đứa con gái thì cầm tờ kiểm tra, nắm chặt lấy tới muốn rách. TIếng khóc thúc thít chậm rãi vang lên.
Rồi con bé nói:
“Dạ... dạ, con đã gian lận.”
Người mẹ dừng đan lát, có chút vui mừng, nhưng cũng buồn bã vì con gái đã thừa nhận.
“Và...”
“Con sai rồi ạ. Con xin lỗi mẹ!”
Người mẹ đặt cái áo sang bên và nhoài người nhìn vào con gái.
“Nhìn mẹ này, Lan.”
Lan nhìn lên, nước mắt nước mũi tèm nhem. Người mẹ chậm rãi lau nước mắt cho con gái.
“Được rồi, con gái của mẹ. Đừng khóc nào. Mẹ nói là mẹ sẽ không la rầy rồi mà.”
“Dạ... híc... dạ, nhưng con sợ.”
“Con sợ đúng không?”
“Dạ, con sợ mẹ sẽ mắng.”
“Vậy con thấy mình đã làm sai, đúng không?”
Lan đã bớt khóc.
“Dạ đúng!”
“Ừm. Vậy con có thể nói cho mẹ biết, là tại sao con lại gian lận được không?”
“Dạ được.”
Lan ngần ngừ một lúc, rồi kể lại:
“Bữa đó bạn Nam, bạn trong lớp con á mẹ, kể rằng bạn ấy bị mẹ mình đánh vì điểm kiểm tra Địa thấp. Bạn ấy có Bốn điểm thôi. Nên con cũng sợ mẹ đánh con. Tối hôm trước khi kiểm tra Hóa đột xuất, mẹ nhớ không, con bị bệnh nên không có học bài. Vừa hôm sau thì kiểm tra đột xuất. Con có xin nhưng cô giáo không chịu cho con kiểm tra sau. Cô nói là sau ngày mai là đóng sổ điểm của tháng rồi nên phải kiểm tra liền. Cô nói là sẽ lấy điểm trả bài của con để bù vào nếu điểm kiểm tra nhỏ.”
Lan khụt khịt mũi, giọng nói bất bình:
“Kiểm tra đột xuất đó mẹ! Học thuộc bài mới vừa học xong! Con chưa học bài nên không biết. Con còn nghĩ là nếu bị gọi trả bài thì con sẽ xin cô được. Nhưng rồi lại kiểm tra. Con sợ nếu điểm nhỏ thì mẹ sẽ đánh con giống như mẹ của Nam.”
Người mẹ gật đầu. Lan nói tiếp:
“Nên con mới gian lận. Con lấy tập để dưới hộc bàn để coi cóp. Nếu con điểm cao thì mẹ sẽ không đánh con.”
“Còn gì nữa không Lan? Mẹ biết con là đứa trẻ học siêng. Mới nãy mẹ có nói rồi đấy. Mẹ thấy con dạo này không lo học.”
“Dạ...”
Lan ngập ngừng, rồi con bé bặm môi, xong kể tiếp:
“Con thấy thích việc quay cóp đó vì nó dễ ạ. Vì không phải học bài mà điểm còn cao. Mẹ sẽ khen con nếu điểm con cao.”
Người mẹ gật đầu. Bà nhìn đứa con gái cúi gầm mặt xuống và ngắm những ngón chân đang nghịch ngợm vào nhau, như thể cố gắng làm bản thân không khóc một lần nữa.
“Con nghĩ là mẹ sẽ vui hay buồn nếu biết con làm mọi cách kể cả gian lận để có được điểm cao?”
“Dạ, buồn ạ.”
Người mẹ gật đầu.
“Vậy, con nghĩ sao nếu những bạn học khác siêng năng, chăm chỉ nhưng điểm lại nhỏ hơn con, rồi biết là con đã gian lận?”
“Dạ, họ cũng buồn. Họ sẽ nghỉ chơi con luôn. Bạn Nam, bạn Hoa, cả Hùng với Loan nữa. Họ sẽ bo xì con hết.”
“Con sợ không có bạn chứ?”
“Dạ sợ.”
“Con sợ làm mẹ buồn chứ?”
Lan ngẩng mặt lên nhìn bà.
“Dạ sợ lắm ạ!”
“Được rồi.”
Bà mỉm cười đôn hậu.
“Mẹ không quan tâm về điểm của con cao bao nhiêu. Con hiểu không Lan?”
“Dạ.”
“Mẹ quan tâm tới sự siêng năng của con trong việc học. Mỗi khi con ngồi học tới tận mười, mười một giờ, mẹ rất vui, nhưng mẹ cũng buồn vì bài vở của con với bạn con ở trường nhiều quá. Mẹ lại không có tiền cho con đi học thêm nên con phải tự học ở nhà. Con không có nhiều cái bằng bạn bè con.”
“Dạ.”
“Con nhớ không? Có lần con Sáu điểm kiểm tra Toán Một tiết, nhưng mẹ vẫn khen con đấy. Vì mẹ biết là con đã học chăm ngoan. Mẹ biết là có thể vì chuyện gì đó nên con mới không được điểm cao.”
Lan mở to mắt, nó dần mỉm cười.
“Dạ đúng ạ! Lúc đó con hiểu sai bài cô đưa ra, rồi con hoảng quá nên không kịp làm hết câu hỏi.”
Người mẹ gật đầu.
“Mẹ không quan trọng điểm của con lớn tới cỡ nào. Mẹ chỉ mong, là con làm đúng với sức của mình. Dù điểm nhỏ, nhưng đó là cố gắng của con. Mẹ không hề vui việc con muốn mẹ khen mà lại làm bất cứ việc gì để được điểm cao. Con hiểu chứ?”
Lan gật đầu ngập ngừng, nụ cười chợt biến mất.
“Dạ!... Nhưng mẹ ơi.”
“Có chuyện gì?”
“Con... sau lần kiểm tra Hóa, con còn coi cóp kiểm tra Toán với Sử (kiểm tra của tháng sau) nữa.”
Người mẹ vui vì mình đã tìm ra được cách làm con gái nhận ra lỗi sai, bà còn vui hơn vì con bé đã tự khai ra lỗi khác của mình.
“Vậy con đã biết lỗi mà mình làm chưa?”
“Dạ rồi ạ!”
“Vậy con sẽ làm thế nào?”
Lan cười nhe hàm răng trắng đều đẹp đẽ.
“Dạ, con sẽ học chăm chỉ đúng với sức của mình. Mẹ sẽ vui vì con học chăm ngoan dù điểm số ra sao, nhưng mẹ sẽ không vui vì con điểm cao mà lại gian lận.”
“Ừm.”
“Mà mẹ ơi.”
“Có chuyện gì?”
“Con vừa làm không tốt kiểm tra Ngữ Văn hôm nay. Con nghĩ điểm mình sẽ nhỏ lắm.”
“Nhưng con có làm đúng sức mình chứ?”
“Dạ...” Lan lắc đầu.
Người mẹ chậm rãi nói tiếp.
“Vậy thì lần sau con sẽ thế nào.”
“Dạ học bài và làm đúng với sức của bản thân.”
“Ừ, con ngoan lắm!”
Lan ôm mẹ mình và người mẹ cũng ôm ngược lại. Rồi Lan buông bà ra và lấy cái cặp của mình, mở và lôi ra một tờ giấy A4. Con bé chìa tới cho mẹ mình xem. Trong bức tranh vẽ mây, mặt trời, chim chóc, đồi núi và những thân cây. Tâm điểm của bức tranh là ba người: một bé gái, một người đàn ông và một người phụ nữ. Bức tranh được vẽ rất đẹp.
“Con vẽ đó mẹ. Mẹ coi nè. Được cô giáo cho Mười điểm luôn!”
Người mẹ cười thành tiếng.
“Ôi, con gái của mẹ giỏi quá! Hôm nay con muốn ăn gì nào?”
“Dạ, mẹ làm canh chua nữa nha!”
“Rồi, vậy giờ mẹ đi chợ nè. Có ai muốn đi với mẹ không?”
Lan giơ tay hào hứng, nhún nhảy.
“Con, con, con ạ!”
Rồi chồng của bà bước vào.
“Úi chà, hai má con làm gì mà vui vẻ vậy ta?”
Người mẹ cười với chồng.
“Coi con nó vẽ nè anh.”
Bà chìa bức tranh ra. Người cha cầm bức tranh lên và xoa xoa bộ ria mũi của mình.
“Chà chà, mũi của cha đâu có nhiều râu dữ vậy.”
Lan chu môi làm mặt giận.
“Có mà! Cha cứ lại chỗ gương soi thử đi là thấy!”
Người cha cười thành tiếng.
“Rồi rồi, cha đùa thôi. Con vẽ đẹp lắm nha! Có năng khiếu họa sĩ đấy. Sau này khi vẽ đẹp hơn thì phải vẽ lại một bức tranh gia đình đẹp hơn vầy luôn, được chứ?”
“Dạ!” Lan hồ hỡi.
Người mẹ nhìn thấy hai cha con mà lòng vui mừng. Dạo này nhà cũng có kha khá tiền. Người chồng cũng vừa được tăng lương tại chỗ làm. Bà nghĩ thầm nếu dè xẻn chút ít thì có lẽ có thể bồi dưỡng cho con mình học vẽ. Đó cũng là một cái nghề tốt.
“Nè, anh ơi!”
“Gì vậy mình?”
“Hay ta cho con đi học vẽ đi.”
Lan nhìn bà, mở to mắt ngạc nhiên, còn có sự háo hức trong đó. Người cha cũng bất ngờ không kém bằng cái chau mày.
“Nhưng tốn tiền lắm đấy.”
“Dạo này ta cũng có tí tiền mà. Với lại đó là sở thích của con nó. Mà sở thích thì nó sẽ có hứng thú làm hơn. Đúng không con?”
Lan gật đầu lia lịa.
Người cha ngẫm nghĩ. Người mẹ biết là ông sợ tiền nong học vẽ sẽ khá đắt. Mà cũng chưa chắc liệu cho đi học vẽ thì Lan sau này có làm nên cơm cháo gì hay không. Nhưng rồi chồng bà cũng gật đầu.
“Được rồi, nhưng con phải hứa là không được lơ là trong việc học, dù được học thêm vẽ, được chứ?”
“Dạ được ạ!”
Lan vui mừng.
Cả nhà đều cười vang khi niềm hạnh phúc cứ thế lan tỏa giữa họ.
Nguyễn Nhật Long; Tối 23:35 ngày 7 tháng Tư, 2022...