“Có khả năng chịu đựng áp lực” hay “Làm việc tốt dưới môi trường có nhiều áp lực” đang là một tiêu chí quan trọng của ngày càng nhiều vị trí công việc trong các bản tin tuyển dụng. Người ta bắt đầu xem đó là một loại “kỹ năng mềm” và có các bài viết hướng dẫn, các khóa học dạy nhau cách “chịu áp lực”.
Rồi họ bắt đầu tâng bốc khả năng chịu áp lực đến mức một người phải có một loại áp lực nào đó trên người thì sống mới có ý nghĩa, và người càng chịu được nhiều áp lực thì càng đáng nể trọng hơn. Họ dùng các hình ảnh hấp dẫn như “không có áp lực, không có kim cương” để người khác cam tâm tình nguyện nhận lấy áp lực với mong muốn “tỏa sáng” ở tương lai.

Nhưng anh nói với em: chịu áp lực là một loại khả năng là nhảm nhí.

Nói kiểu nước đôi một chút thì có “Một quả trứng gà nếu chịu áp lực từ bên ngoài thì nó sẽ vỡ và sự sống kết thúc, nhưng khi có áp lực từ bên trong thì đó là khi một sinh mệnh mới ra đời”. Điều đó nghĩa là áp lực là thứ cực kỳ quan trọng, không thể thiếu? Không hề. Áp lực bên trong quả trứng không tự nó sinh ra, và nó vốn cũng chả phải áp lực gì, chỉ là phôi thai của con gà bên trong lớn lên, thành con gà, và nó mổ vỏ chui ra mà thôi.
Đó không phải là một loại áp lực, đó là sự trưởng thành một cách tự nhiên nhưng đã bị người ta lợi dụng để làm minh họa thuyết phục người khác chịu áp lực mà thôi. Tương tự, với kim cương, các nguyên tử cacbon bị nén lại qua hàng nghìn năm hình thành nên tinh thể kim cương, điều đó thật đẹp và quý giá, nhưng là với loài người. Bản thân các loại than gỗ hay nguyên tử cacbon thì sao, chúng có muốn thành kim cương đâu? Và chuyện thành kim cương cũng chả có ý nghĩa gì với chúng cả. Khi một viên kim cương sinh ra, bao nhiêu khối cacbon đã chết đi?
Em có tự nguyện chịu áp lực, tự hi sinh và thay đổi bản thân mình để trở thành một thứ vừa lòng, vừa mắt người khác như kim cương? Có thể ở buổi đầu em sẽ được họ trao cho rất nhiều mộng đẹp và cả những phần thưởng khiến em rất hài lòng, nhưng đến sau cùng khi em nhận ra tất cả những gì em có chỉ là áp lực, em cảm thấy mọi thành quả nhận được đều vô nghĩa, em tự hỏi vì sao mình phải chịu những áp lực này mà không có cách nào thoát ra… thì đã muộn.
Trong môi trường công việc, vì sao một người lại có áp lực? Đó là do vị trí của họ chịu trách nhiệm cao? Hay là do họ phải xử lí nhiều vấn đề, nhiều mảng cùng một lúc? Nếu cùng một công việc mà có 2-3 người cùng xử lý thì có áp lực nhiều như vậy nữa không? Đấy, những người chủ không muốn chi nhiều tiền cho một vị trí, nên họ tìm một người “có khả năng chịu áp lực” là vậy.

“Khả năng chịu áp lực” là thứ được sinh ra từ nhu cầu giảm chi phí của chủ doanh nghiệp.

Mặt khác, đúng là những người thành công thật sự luôn là người chịu áp lực giỏi hơn người khác. Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây chính là họ không xem những thời gian biểu kín kẽ, những hoạt động phải luôn luôn tập trung và tiêu tốn hết thảy thời gian, sức khỏe, tâm trí đó là áp lực. Vì đó là thứ họ yêu thích, đó là đam mê của riêng họ.

Một người khi làm việc mà người đó yêu thích thì sẽ không có áp lực. Vậy nên “khả năng chịu áp lực” được sinh ra khi em buộc phải làm những việc mà em không thích, thật nhiều.

Có những người ban đầu do không ý thức được việc phải làm điều mình không thích tai hại đến đâu, và do người khác dạy rằng sống là phải chịu áp lực để thành công.. nên họ bắt đầu bước theo những chỉ dẫn đó. Càng khổ là họ có thể chịu đựng áp lực, họ có thể gặt hái một số thành quả khiến họ không thể ngừng chân, và họ bước ngày càng xa hơn trên con đường gồng gánh những áp lực để đổi lấy thành công mà dần dần chính họ cũng không tha thiết nữa.
Có rất nhiều ví dụ: những bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp, rồi nhận một lần thất bại, một cú sốc nào đó, hoặc chỉ là một ngày buồn chán.. họ tự tử. Hoặc những ca sĩ bị dồn ép như gà chọi, phải liên tục luyện tập, biểu diễn, đóng quảng cáo… đến lúc quá sức chịu đựng mà chẳng biết vì sao mình phải chịu đựng những thứ này.
Áp lực là một thứ công cụ khá chính xác để đo lường xem bản thân mình có thích và hợp với những việc mình đang làm hay không, việc đó có đáng cho mình làm không.
Áp lực không phải là động lực. Động lực là thứ sản sinh từ bên trong, là lực đẩy khiến mình tiến tới. Còn áp lực là thứ đến từ bên ngoài, luôn muốn đè ép, khống chế mình như một con rối.
Khi làm việc gì, nếu thấy áp lực hãy tìm cách chia sẻ công việc, đề nghị tăng thêm người hoặc giảm bớt những việc không quan trọng. Nếu đó là việc mình không yêu thích thì tìm cách thay đổi sớm nhất có thể, đừng ở đó mà chịu quá lâu, không đáng đâu.
Người ta có thể cười mình thất bại nhưng mình thấy thảnh thơi, còn hơn để họ tôn vinh bằng đủ thứ mỹ từ trong khi chính mình không vui nổi.
Hãy tìm điều mình thật sự thích để làm, khi đó chỉ có động lực, chỉ có niềm vui. Nhớ: áp lực là thứ nhảm nhí.
24.11.2019