SUY DIỄN VÀ HẬU QUẢ ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH
Nếu các suy nghĩ cứ tuôn ra mỗi ngày và kết nối với nhau tạo thành hàng trăm kịch bản. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn tin vào diễn giải của mình và hành động theo hướng tiêu cực?
Theo tạp chí Newsweek, trung bình một ngày chúng ta có hơn 6000 suy nghĩ. Thử tưởng tượng, một sự việc A xảy ra khiến bạn canh cánh trong lòng, các suy nghĩ cứ thế tuôn ra và kết nối với nhau tạo thành hàng trăm kịch bản. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn tin vào diễn giải của mình và hành động theo hướng tiêu cực?
Suy diễn là gì?
Suy diễn nói đơn giản là suy ra điều này điều nọ một cách chủ quan (theo Wikitionay). Ví dụ như ngày nhỏ, khi mẹ sinh em bé và dành hết thời gian chăm sóc em, bạn liền nghĩ “mẹ không còn thương mình nữa”. Dần dần việc suy diễn trở thành thói quen khó bỏ theo quá trình ta lớn lên.
Khi các sự kiện diễn ra trong cuộc sống bạn nhiều hơn, bộ não càng có thêm dữ liệu để tự động xâu chuỗi các sự việc và tự đưa ra kết luận. Ở phần dưới, mình sẽ minh họa rõ hơn về những trường hợp suy diễn phổ biến. Xem thử bạn có gặp trường hợp nào không nhé.
Vì sao chúng ta không thể ngừng suy diễn?
Suy diễn bắt nguồn từ những suy nghĩ diễn ra liên tục trong đầu ta. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi này, mình sẽ tiếp cận theo góc độ vì sao bộ não không ngừng suy nghĩ. Theo giáo sư Michael Halassa của Viện Công nghệ Massachussets “Một ý nghĩ là kết quả của việc trao đổi chất hóa học giữa các tế bào não, có thể xảy ra một cách có ý thức hoặc vô ý thức”. Vì thế, ta có thể hiểu rằng việc suy nghĩ là phản ứng tự nhiên của bộ não.
Giáo sư cũng cho biết rằng không có cách nào thực sự có thể ngừng dòng suy nghĩ của não. Và thế là suy nghĩ nối tiếp suy nghĩ, cộng thêm những tác động bên ngoài như bối cảnh sự việc, môi trường sống,... tạo nên những suy diễn không ngừng. Đọc đến đây hẳn bạn tự hỏi “Oái, không ngừng được thì có gì phải bàn luận”. Thế nên mình sẽ đưa ra một vài tình huống suy diễn và hậu quả của nó.
Suy diễn ảnh hưởng thế nào đến các mối quan hệ?
Mối quan hệ bạn bè
Ví dụ bạn có một người bạn thân, một ngày nào đó có thêm người thứ 3 tham gia vào mối quan hệ này và bạn có cảm giác bị cho ra rìa. Khi 2 người bạn kia đăng status đi ăn cùng nhau, bạn liền suy nghĩ “Hai người này bí mật đi ăn mà không rủ mình chứ gì. Họ không tôn trọng mình, không còn cần mình trong mối quan hệ này nữa, họ đang xa lánh mình” và cuối cùng dẫn đến kết luận là bạn không muốn tiếp tục tình bạn này nữa. Trong khi, sự việc có thể đơn giản là 2 người họ tình cờ gặp nhau và đi ăn chung. Nhưng vì bạn tự diễn giải sự việc mà có thể đánh mất một tình bạn đẹp.
Mối quan hệ đôi lứa
Một tình huống thường gặp của các cặp đôi là việc xem tin nhắn của nhau và suy diễn 1001 kết quả tiêu cực. “Ảnh mua trà sữa cho đồng nghiệp nữ. Vậy là ảnh cố tình xây dựng mối quan hệ ngoài luồng. Nhưng ảnh không nói với mình. Mình nên suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ này”. Những suy nghĩ này cứ đi theo bạn mỗi lần gặp gỡ người yêu. Và chắc chắn người ta sẽ cảm nhận những thay đổi của bạn. Tệ hơn, khi không ai trao đổi thẳng thắn với ai, lâu dần 2 bạn sẽ càng xa nhau.
Mối quan hệ đồng nghiệp
Khi bạn là một nhân viên xuất sắc, luôn nhận những nhiệm vụ quan trọng trong công ty. Nhưng một ngày, sếp giao việc bạn hay làm cho một người khác. Bạn liền nghĩ sếp không còn coi trọng năng lực của mình. Những suy diễn cứ kéo dài và không có một cuộc trao đổi diễn ra, thế là bạn quyết định nghỉ việc.
Nói là thế, nhưng chắc chắn mọi việc đều có cách giải quyết vì thế giới luôn có những người sống tích cực và hạnh phúc, mặc cho những suy nghĩ không thể ngừng.
Cách thoát khỏi vòng xoáy suy diễn
Không có một cách làm cụ thể cho việc này. Chủ yếu là chúng ta thử nhiều cách làm khác nhau và chọn cho mình phương pháp hợp lý nhất. Dưới đây, mình sẽ tóm tắt các bước để bắt đầu “nghĩ đúng sống vui” theo kinh nghiệm bản thân.
Bước 1: Nhận ra và thừa nhận rằng mình đang suy nghĩ quá nhiều
Chỉ khi nhận ra và chấp nhận vấn đề suy diễn của bản thân thì ta mới có thể thuyết phục bộ não thực hiện hành động thay đổi ở các bước tiếp theo. Một mẹo nhỏ là nghĩ đến những hậu quả mà suy diễn gây ra, nghĩ đến những người mình yêu quý và hiểu rằng cơ thể cũng cần năng lượng tích cực để khỏe mạnh hơn.
Bước 2: Thực hiện một số cách để hạn chế dòng suy nghĩ miên man
Ở đây mình sẽ chia thành 2 cụm thay đổi lớn:
Hạn chế suy nghĩ: Tức là áp dụng một số phương pháp để hạn chế nghĩ nhiều. Nghĩ ít đi thì bộ não chẳng có nhiều dữ kiện để liên kết thành suy diễn.
Một số phương pháp mình tổng hợp được như sau:
- Tập thiền để cải thiện sự tập trung
- Chạy bộ giải phóng năng lượng, trong đó có cả những năng lượng tiêu cực
- Chuyển sang làm một thứ khác khiến bạn vui hơn
- Ghi các suy nghĩ ra giấy để giải tỏa và hệ thống chúng lại
Chọn lọc suy nghĩ: tức là thay vì suy nghĩ một mình, bạn có thể chia sẻ với những ai bạn tin tưởng, để có nhiều góc nhìn khác nhau. Từ đó bạn có thể lựa chọn quan điểm hướng đến sự tích cực.
Một số phương pháp chia sẻ mình tổng hợp được như sau:
- Chia sẻ nỗi lòng với người thân, bạn bè có lối sống lạc quan, tích cực
- Gửi tâm thư đến các chuyên gia hoặc người có sức ảnh hưởng mà mình tin tưởng vào góc nhìn của họ.
Bước 3: Nhìn vào thực tế
Cố gắng nhìn nhận mọi chuyện theo đúng thực tế mà nó diễn ra. Ở bước này, chúng ta cần câu thần chú “Mình đang suy diễn. Tỉnh táo lên” để nhắc nhở bản thân mỗi khi nhận ra dòng suy nghĩ đang theo chiều hướng phức tạp lên.
Bước 2 và 3 có thể luân phiên và hỗ trợ cho nhau để giúp ta kịp thời ngăn cản sự tấn công của thế giới suy diễn.
Bước 4: Nghĩ về bản thân và đưa ra quyết định
Đây là lúc ta quyết định sẽ chọn lối suy nghĩ nào. Vì thế, chúng ta cần một động lực lớn hơn để đi đến hành động sau những bước ngẫm nghĩ ở trên. Từ khóa là “thương chính mình”. Chỉ khi ta quyết tâm yêu thương bản thân thì mới dám hành động để thay đổi tích cực hơn.
Một số cách mình tổng hợp được như sau:
- Xem vlog/blog về chủ đề yêu thương chính mình của những người bạn thấy tương đồng về quan điểm
- Đăng ký tham gia các khóa học về chăm sóc sức khỏe tinh thần
Và cuối cùng, khi đã đủ mạnh mẽ để quyết định "ngừng suy diễn". Chúng ta đã thực sự kiểm soát suy nghĩ và làm chủ hành động rồi.
Kết
Dù có rất nhiều tài liệu chỉ ta cách yêu bản thân, cách ngừng suy nghĩ nhiều, nhưng tóm lại, chỉ khi ta thật sự có nhu cầu thay đổi và động lực đủ lớn thì những kiến thức này mới có giá trị. Bởi thế, mình chúc bạn sẽ tìm được lý do để bắt đầu hành trình sống tích cực nha.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất