“Đàn bà xấu từ hồn tới xác thì vừa có lỗi với cộng đồng, xã hội, mà tội nhất chính là chồng”
Nghệ sĩ Trác Thúy Miêu
Không nói riêng về phụ nữ, với văn hóa ganh đua khắc nghiệt và chủ nghĩa đám đông của xã hội hiện nay, bất cứ ai trong số chúng ta cũng đều đang trải nghiệm những áp đặt theo “luật chơi” của thế giới mà chúng ta đang sống.
Nghệ sĩ Trác Thúy Miêu nói riêng, và phụ nữ Việt nói chung, đã chịu ảnh hưởng bởi dư tàn của văn hóa phong kiến Á Đông - nơi mà phụ nữ phải có đức tính “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” và tuân theo ý kiến của người đàn ông trong gia đình. Ngày nay, hiện tượng này không còn xuất hiện nhiều nhưng vẫn còn tồn tại trong tư tưởng và ý thức của nhiều thế hệ gia đình Việt Nam.
Vấn đề này đã vô hình tác động đến tư duy và suy nghĩ của những người phụ nữ lớn lên trong một gia đình và xã hội yêu cầu, khiến họ bối rối giữa “điều mình thực sự muốn làm và đâu là điều xã hội, văn hóa, ý thức hệ từ ngàn năm cho rằng mình nên làm vì mình sinh ra là nữ giới.” (Chi Nguyễn, 2020).
Nguồn: rawpixel.com
Nguồn: rawpixel.com
Mình may mắn được sinh ra trong một gia đình “trẻ” với quan niệm giáo dục con cái của mẹ mình là phải để cho con tự do trải nghiệm, tự ngã để biết cách tự đứng lên. Điều này có nghĩa là gia đình mình ít khi can thiệp và áp đặt suy nghĩ của họ lên tư duy và quan điểm của mình trong quá trình mình lớn lên và phát triển. Mẹ mình không đề cập quá nhiều về bình đẳng giới, hay có những câu nói khiến mình khắc cốt ghi tâm. Chỉ đơn giản là gia đình mình đã tạo ra một môi trường nuôi dưỡng công bằng phân minh, cho phép mình lựa chọn và làm điều mình thực sự muốn hơn là phải làm theo điều mà gia đình mình mong muốn.
Điều đó có một ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển tư duy và lối suy nghĩ của mình từ khi còn bé. Mình may mắn có được khả năng nhận thức cao về bản thân, ưu tiên làm những điều mình thích hơn là chấp nhận chịu thiệt thòi, cân bằng giữa việc làm điều xã hội yêu cầu để hòa nhập và yêu thương bản thân mình.
Ngược lại, còn những bạn được nuôi dưỡng trong một gia đình có ba mẹ kiểm soát và khắt khe về về chuẩn mực của “người phụ nữ lý tưởng” thì sao? Lớn lên trong một môi trường “nếu con không làm như thế này, xã hội sẽ đánh giá thế kia” sẽ khiến các bạn khó mà nhận ra được đâu là điều mình muốn, có xu hướng phát triển kiểu tư duy làm hài lòng người khác, thường hy sinh lợi ích của bản thân, kiềm hãm năng lực phát triển sức mạnh cá nhân, và hệ lụy dẫn đến những hành vi nhẫn nhục và cam chịu một cách vô thức. Cuối cùng, những chuẩn mực đó tạo nên những người phụ nữ không sống vì bản thân mình, cố gắng thay đổi để có được sự công nhận từ người khác.
Nguồn: rawpixel.com
Nguồn: rawpixel.com

Gia đình mà cũng không bình đẳng là vì đâu?

Mình nhớ rất rõ một lần nọ, họ hàng bên nội từ Bắc vào Nam để thăm bà con nên đã tụ họp lại nhà nội của mình để cùng nhau ăn uống. Sau khi đã phụ mọi người bày biện bàn tiệc, cùng dùng tiệc, và dọn dẹp đôi chút. Mình để ý thấy bếp thì chật mà người thì đông nên cả bầy con cháu trong nhà đã quyết định lên gác để có chỗ cho mọi người đi lại thoải mái hơn. Mình vừa bước lên cầu thang được vài bước thì có một giọng nam vọng lên từ bàn ăn: “Ăn xong là xách đít đi lên lầu thế hả”. Mấy cậu con trai khựng lại một tí nhưng rồi cũng tiếp tục đi lên gác, còn mình và những người chị họ khác thì cười cho qua rồi quay ngoắt xuống để đứng cho có chân trong bếp vì sợ sẽ bị đánh giá.
Sau sự việc đó, mình lại càng hiểu tâm tư của các thế hệ phụ nữ đi trước hơn là trách họ rằng tại sao lại tiếp tục chỉ dạy và truyền bá lại một truyền thống khắc khe về chuẩn mực đến thế. Đơn giản là vì chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội có nhiều định kiến về các kiểu đối nhân xử thế, và vai trò của những người phụ nữ vẫn đang bị đặt nặng trong đời sống hôn nhân và gia đình. Việc các người mẹ, người bà có khắt khe về chuyện “con gái là phải thế này thế kia”, suy cho cùng cũng chỉ để chuẩn bị cho chúng ta sống sót trong một xã hội vốn đã không công bằng và vô cùng khắc nghiệt.
Nguồn: rawpixel.com
Nguồn: rawpixel.com

Nói đi cũng phải nói lại

Chuẩn mực “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” trong giáo dục gia đình và xã hội, mục đích cốt lõi nhất vẫn là để chuẩn bị cho phụ nữ những kỹ năng tốt và hữu ích trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể thay đổi cách giáo dục từ việc bắt buộc con gái phải làm những điều ba mẹ cho rằng là cần thiết để sau này thực hiện bổn phận làm vợ, làm dâu và chăm lo cho người khác thành giải thích lợi ích rằng điều đó sẽ tốt cho chính bản thân mình sau này, và cho con lựa chọn điều con thực sự muốn làm và học hỏi. Điều này sẽ hỗ trợ hình thành nên những cảm xúc tích cực khi đề cập đến chuyện làm việc nhà, tác động tốt đến phát triển tư duy, nhận thức, và khả năng cân bằng giữa bản thân, gia đình, và cuộc sống của họ sau này.
Đối với phát ngôn của nghệ sĩ Trác Thúy Miêu, “xấu từ hồn tới xác” không có lỗi gì với cộng đồng và xã hội mà chỉ có lỗi với bản thân mình. Hãy thay đổi tùy theo ý thích của chính mình, nếu tích cực và vui vẻ thì duy trì điều đó. Thế giới rộng lớn và “luật chơi” vốn đã không công bằng. Điều quan trọng là sự cân bằng giữa những giá trị bạn theo đuổi, những giá trị của tình thân, và những giá trị để hòa nhập với xã hội mà chúng ta đang sống.

Tóm lại là

Quay lại với nhận xét của nghệ sĩ Trác Thúy Miêu trong phần mở đầu ở phía trên. Mình tin rằng xuất phát điểm nằm ở sự tác động của văn hoá, định kiến của xã hội, và lời chỉ dạy từ gia đình có sức ảnh hưởng lên tư duy và hành vi, suy nghĩ trong rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của cô. Vấn đề này nói chung, đã vô tình tạo nên những người phụ nữ thích làm hài lòng người khác, hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích không phải của mình, mất cân bằng giữa điều mình muốn và điều mà xã hội mong muốn.
Hy vọng chia sẻ của mình hữu ích với các bạn!