Lời tựa: Chuỗi bài mình sẽ viết chia sẻ với các Nhện về vài thứ mình học được trong 10 năm du học + đi làm ở UK. Nếu bạn muốn biết điều gì thì để lại comment cho mình nhé, nếu đủ ý thì mình sẽ viết bài, còn không sẽ trả lời trực tiếp trong comment.
Bài thứ ba này, mình sẽ rà lại những bài học về các kỹ năng, từ công việc đến cuộc sống. Hy vọng có ích cho các bạn.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Có lẽ bài học lớn nhất mà mình nghiệm được, tính đến thời điểm này là:
Hãy cố gắng tạo nên một sự cân bằng mỗi ngày, với việc điểm đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết
Càng sống và trải nghiệm mình càng thấy thực ra 4 kỹ năng đều cần thiết như nhau, không có cái nào quan trọng hơn cái nào cả.
(Tất nhiên, mình không phủ nhận việc: nếu không đọc thì sẽ không thể viết, và nếu không nghe thì sẽ chẳng thể nói được. Vì chính bản thân mình trước khi bắt tay vào viết trên Spiderum mình cũng phải cày được tầm 2 - 300 cuốn sách trước đó. Và trước khi có thể thực sự nói tạm gọi là ok tiếng Anh thì mình cũng phải nghe hàng nghìn giờ).
Nhưng khi đã có thể bắt đầu với viết và nói (lưu ý một chút: nói cũng là một kỹ năng nhé), thì mình nghĩ không nên chỉ chăm chăm vào đọc và nghe. Thay vào đó, lịch mỗi ngày mình đều cố gắng sắp xếp sao cho luôn có đủ cả 4 kỹ năng. Thường mình làm thế cho cả công việc và phát triển bản thân, nhưng vì sau khi đã dành thời gian cho đủ bộ 4 kỹ năng trong công việc thì nhiều hôm cũng mệt phờ rồi nên phần về phát triển bản thân nếu nản quá mình sẽ bỏ qua 1 2 kỹ năng cũng được.
Mình nghĩ kỹ năng ít được quan tâm nhất là nói. Có lẽ lý do chính là vì mọi người thường cho việc nói chuyện chém gió thông thường mỗi ngày với những người quen biết là một điều tự nhiên, nên không để ý đến nói như một kỹ năng cần cải thiện. Nhưng thứ mình đề cập ở đây là (1) nói về chuyên ngành của bạn, và (2) nói trước đám đông. Hai thứ ấy mình tin là kỹ năng mà nếu không luyện tập sẽ không thể kiểm soát cũng như phát triển đến mức tốt được.
Về nói chuyên ngành thì mình thường để 1 slot 15 phút để tổng hợp lại kiến thức mình thu được trong ngày, cũng như những suy nghĩ của mình về các vấn đề đang cần giải quyết. Nhưng cũng có những slot mình đặt ra ngay sau khi nghe một video chuyên ngành, để học theo cách diễn đạt của họ - thường là những người đứng đầu lĩnh vực. Mình cảm thấy cái này khá hữu ích, vì nó khiến mình có thêm tự tin giao tiếp với đồng nghiệp, hay đặt câu hỏi trong những buổi hội thảo chuyên đề cả ở trường lẫn ra quốc tế.
Về nói trước đám đông thì chắc mọi người cũng biết đấy là một đam mê của mình rồi. Nhưng ngay cả như vậy, có một điểm mình nhận ra là mỗi tuần tính trung bình mình cũng chỉ có 1.5 cơ hội tập nói trước đám đông (mình theo 3 CLB, cả 3 đều sinh hoạt 2 tuần 1 lần). Vậy nên mình thường chủ động dành ra thêm 2 3 slot mỗi tuần để nghĩ và viết ra bản nháp cho các bài nói tiếp theo, và thường là 1 slot cuối tuần để mình review lại những thứ mình có thể tình cờ học được về kỹ năng này trong tuần (tất nhiên vào kỳ mình đứng lớp thì những slot này sẽ tự động được chuyển sang soạn bài giảng).
Về viết, thực ra mình viết nhiều lắm. Nháp của mình dài như sớ luôn. Nhưng có những bài mình sẽ post, và có những bài mình sẽ chỉ dấm ở đó mà thôi, không những không post ngay, mà thậm chí còn chẳng biết có bao giờ post lên không nữa. Mình nhớ anh Bách có nói trong podcast với Nga đợt trước là anh đặt lịch cứ 11-12 giờ đêm là giờ viết lách. Nghe đoạn ấy mình thấy phục ảnh thực sự. Mình thì chẳng được nề nếp quy củ như thế, mà thường chỉ viết một chút ngay sau khi kết thúc công việc trong ngày. Chả hiểu sao mình thấy việc quay 180 độ cho tâm trí, hướng nó đến một thứ mình thích làm là một cái gì đó rất hữu ích. Kết quả là rất thường lúc mới bắt tay vào viết mình cực ngại nhưng chỉ 5 10 phút là bắt đầu đến cái trạng thái flow, và cứ thế, có hôm mình viết liền mạch được hẳn hơn 1 tiếng.
Nhưng đấy là viết tiếng Việt. Chứ viết chuyên ngành, hay viết Ielts thì lại là một phạm trù hoàn toàn khác.
Cái này thực ra liên quan một chút đến cách tư duy, và có lẽ cũng là một trong những bài học thú vị nhất mình học được trong 4 năm nghiên cứu sinh. Thầy hướng dẫn chưa bao giờ nói với mình kiểu: mày phải tư duy khoa học như thế này này, hay mày phải nghĩ thế lọ thế chai, mà chính việc thầy mất rất nhiều công sức rèn cho mình kỹ năng viết (và cả nói, nhưng đặc biệt là viết) lại khiến mình dần cảm nhận được thế nào là làm và tư duy khoa học thực sự.
Mình học được rằng cốt lõi của tư duy khoa học có thể nói khái quát bằng hai từ: Khách quan tích lũy.
Khách quan nằm ở việc một nhà nghiên cứu khoa học sẽ cố gắng hạn chế tối đa những cảm xúc hay suy nghĩ cá nhân khi tiếp cận vấn đề, và làm sao để có thể nhìn sự vật, hiện tượng như chính chúng. Cái này nói có vẻ đơn giản, nhưng để thực sự rèn luyện được thì lại cực kỳ gian nan, và bạn chỉ có thể có được nó nếu có thể thực sự làm chủ kỹ năng nói và viết. Ở đây, với kỹ năng viết, nó sẽ đòi hỏi bạn phải bỏ gần như tất cả các trạng từ ảnh hưởng đến cảm xúc (remarkably, extremely, etc.), thay vào đó sử dụng câu từ đơn giản nhưng rõ ràng và minh bạch, dùng đúng từ ở đúng thời điểm cần dùng nó.   
Tích lũy thì là việc bạn cần luôn ghi nhớ và trân trọng cái khối lượng kiến thức đã có tính đến thời điểm hiện tại. Càng đọc nhiều báo nghiên cứu bạn sẽ thấy rõ hơn rằng những đóng góp của từng bài báo thực ra chỉ như một giọt nước góp thêm vào biển cả mà thôi. Điều này khiến cho việc viết bài đòi hỏi bạn cần biết cách tổng hợp kiến thức về chủ đề, vừa phải khéo léo viết phần tổng hợp ấy làm sao để người đọc nhận ra sự cần thiết của đề tài/câu hỏi nghiên cứu của bạn.
Nói lý thuyết là thế. Nhưng khi đi vào thực hành thì có một số tips nho nhỏ mình thấy khá hữu ích:
1. Đọc thật nhiều dạng bài bạn cần viết. Ví dụ mình phải viết báo khoa học thì 1 ngày ít nhất mình cũng phải dành được 1 slot đọc báo khoa học. Chỉ có đọc nhiều bạn mới nắm được bố cục và cách người ta viết, từ đó vừa học theo, vừa xây dựng cho bản thân một nền tảng để từ đó bắt đầu đánh giá bài nào viết tốt, tại sao nó tốt, cái gì bạn có thể học được. Túm lại nó cũng là một quá trình, mà việc đọc là tiên quyết. 2. Hãy thoải mái “ăn cắp” những cách viết/đoạn/ý mà bạn đọc được và thấy tâm đắc. Đây là cách học viết của Benjamin Franklin, bạn có thể search Google để biết thêm chi tiết nhé. Nhưng nhớ là không phải copy paste, mà ăn cắp ở đây là bạn biến nó thành của bạn và có thể dùng khi cần. 3. Đừng vừa viết vừa tìm tài liệu. Cái này thường mình phải lấy giấy bút ra ghi lại mỗi khi tập trung viết báo cáo, vì cái nhu cầu tìm tài liệu, hay google cách viết/diễn đạt thực sự rất khó cưỡng lại. Nhưng mỗi lần bị sao nhãng như thế đều sẽ rất mất nhiều thời gian và cả sự tập trung nữa. Vì vậy cần làm mọi cách để tránh điểm này nhé. 4. Tương tự, cố gắng đừng vừa viết vừa chỉnh sửa. Cách dễ dàng nhất mình nghĩ được là đặt lịch chỉnh sửa trước cả khi viết. Như thế sẽ không còn phải lo nữa. 5. Nhưng khi chỉnh sửa, hãy chỉnh sửa đến nơi đến chốn. Mình có một quy tắc là phải chỉnh sửa ít nhất 2 lần trước khi nộp báo cáo. Như bài trước mình đã chia sẻ, mình thường đặt deadline cho bản thân sớm hơn khoảng 1 đến 2 tuần so với deadline mình đề nghị với sếp. Phần lớn là để duyệt lại bài. Thường khi viết xong mình sẽ không đọc lại ngay, mà sẽ để ngày hôm sau mới đọc lại. Sau đó ít nhất 3 ngày mình mới đọc lại lần 2, để từ đó có cái nhìn khách quan hơn về những gì mình viết. 6. Nếu có thể, hãy nhờ 1 đồng nghiệp (mà bạn thân thiết) đọc bài trước khi nộp cho sếp.
Thực ra nói thì nói vậy, nhưng vì tiếng Anh của mình vẫn không được chuẩn, nên nhiều khi cô manager của mình vẫn phải sửa lại chỗ này chỗ kia. Nhưng ít nhất mình đảm bảo được là phần nội dung và bố cục báo cáo cô không bao giờ ý kiến gì. Có lẽ vì vậy nên mấy cái chỉnh sửa cho văn phong câu cú gọn gàng và chuẩn chỉnh hơn ấy thường cô không bận tâm mấy, và chưa bao giờ phàn nàn về chúng với mình.
Về kỹ năng đọc mình đã viết quá nhiều, ở cả bài P2 của series này, nên ở đây chắc sẽ chỉ muốn bổ sung thêm một điểm, đó là: đừng chỉ đọc chuyên ngành của bạn. Hãy chọn ra ít nhất 2 chuyên ngành gần với chuyên ngành của bạn để đọc mở rộng. Ví dụ mình nghiên cứu về kinh tế - một ngành trong hệ xã hội học (social science), nên mình chọn đọc thêm về tâm lý học (Psychology) và xã hội học (Sociology). Việc đọc ấy chắc chắn sẽ tốn thời gian và vất vả hơn, nhưng mình thấy nó bổ trợ rất nhiều cho khả năng tổng hợp kiến thức cũng như tư duy về các vấn đề trong chuyên ngành của mình.
Về nghe, phải thú thực đây là một kỹ năng mà mình còn rất yếu. Thực ra điều duy nhất mình làm được đến thời điểm này chỉ là đảm bảo mỗi ngày sẽ nghe ít nhất 1 bài nói về chuyên ngành kinh tế của mình mà thôi. Nhưng lên một kế hoạch cho việc nghe: nghe ai, nghe về chủ đề nào, nghe để phản biện suy nghĩ gì của bản thân, thì mình chưa làm được, mà hầu như vẫn để tùy hứng.
Thôi thì ,có 3 kênh Youtube mình khá tâm đắc và xem thường xuyên nhất, share lại ở đây cho bạn nào cần nhé:
Về kinh tế học: Economics Explained Về triết: Philosophize this Về phát triển bản thân: Andrew Huberman
Và mấy thứ nữa mình làm để có thể tập trung vào công việc một cách dễ dàng hơn:
1. Cố theo một quy trình đều đặn cho cả 7 ngày trong tuần: cái này hình như mình học được từ ông tác giả cuốn “Why we sleep”, khi nghe ông giải thích tại sao chúng ta thường rất mệt vào mỗi sáng thứ 2 đầu tuần: lý do chính là vì chúng ta đã thay đổi lịch trình vào cuối tuần bằng cách ngủ muộn hơn, và điều này khiến cơ thể mất đi cái nếp của nó. Mình thấy khá hợp lý. Vậy nên giờ mình luôn dậy đúng 6 giờ sáng, 365 ngày như một. Tương tự như thế, mình xếp lịch những thứ cần thiết, như tập thể dục, nấu ăn, đi bộ buổi chiều gần như giống hệt nhau cho mọi ngày. Và mình thấy cái này khá hiệu quả trong việc giải phóng tâm trí, nó khiến mình thậm chí chẳng phải nghĩ nữa luôn, cứ theo thói quen mà làm thôi. 2. Sáng khi tỉnh dậy mình thường đi bộ tầm 20' quanh khu mình sống. Vì mình dậy sớm nên rất yên tĩnh và khu mình rất nhiều cây cối, nên cảm giác được hòa vào thiên nhiên buổi sáng, được chào ông mặt trời, chả hiểu sao khiến mình cảm thấy tỉnh ngủ hơn hẳn luôn. 3. Trước khi vào việc mình thường thực hiện 2 thứ: thiền 15’ + đọc sách "Daily Stoic" của ngày hôm ấy 4. Không mở social media trước 12 giờ trưa. Trừ Messenger cho những việc cần gấp, như khi bố mẹ gọi (thực ra cái này mình có chút lợi thế vì làm học thuật, ngay cả sếp mình email hỏi gì mình cũng cứ 12 giờ trưa mới rep, cơ mà mấy năm rồi chưa thấy cô phàn nàn gì. Nhưng nếu bạn làm dịch vụ hay tương tự chắc sẽ khó hơn. Vậy nên cứ tùy nghi sắp xếp cho phù hợp với bản thân nhé) 5. Đảm bảo mỗi ngày có ít nhất 1 tiếng ngoài trời. Có lẽ bạn sẽ nghĩ cái này dễ, cho đến khi bạn gặp phải kiểu thời tiết mà đi bộ trơn như trượt băng, và chính phủ còn khuyến cáo đừng ra đường nếu không thật cần thiết (như ảnh dưới).
Ảnh mình mới chụp hôm qua. Đường xá thành sân băng hết luôn.
Ảnh mình mới chụp hôm qua. Đường xá thành sân băng hết luôn.
Kết: bài này mình viết cứ bị lăn tăn. Mình nghĩ có lẽ vì chính bản thân mình vẫn còn đang loay hoay trên con đường rèn luyện này. Bằng chứng là đợt rồi mình đọc được một cuốn khá hay về việc hệ thống và quản lý kiến thức cá nhân - "Building a second brain" - Tiago Forte, và mình đang áp dụng nó cho khoản review mỗi tuần vào chủ nhật và thấy khá hiệu quả.
Vậy nên trên đây chỉ là mấy thứ mình tích cóp được và cảm thấy có ích cho bản thân, nên muốn chia sẻ với các Nhện, chứ hoàn toàn không phải là cái gì tối ưu cực phẩm đâu nhé.
Nhưng, mình hy vọng ít nhất nó cũng trang bị cho mọi người được thêm chút công cụ/tips/cảm hứng để tiếp tục vững bước trên con đường của chính bạn!
Vì:
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
A Dreamer