Lời tựa: Chuỗi bài mình sẽ viết chia sẻ với các Nhện về vài thứ mình học được trong 10 năm du học + đi làm ở UK. Nếu bạn muốn biết điều gì thì để lại comment cho mình nhé, nếu đủ ý thì mình sẽ viết bài, còn không sẽ trả lời trực tiếp trong comment.
Bài đầu tiên mình muốn nói về thứ - có lẽ là nền tảng và quan trọng nhất - ngoại ngữ.
Phu trách ảnh: Phạm Google
Phu trách ảnh: Phạm Google
Nghĩ lại mà buồn cười. Vậy mà cũng đã 9 năm rồi kể từ cái kỷ niệm mà mình nhớ mãi, khi con bạn da màu cùng lớp thạc sĩ thỏ thẻ hỏi mình: “Can I see you after class today? I have a couple of questions about econometrics”. Vốn xởi lởi và thân thiện, mình gật đầu cái rụp, và trả lời ngay: “Tất nhiên rồi”. Con bạn ngớ người hỏi lại “What? What did you say?”. Lúc ấy mình mới định thần lại được, để chỉnh lại là “Of course” với nó.
Kỷ niệm ấy, có lẽ, phản ánh đúng nhất tại sao tiếng Anh của mình lại tiến bộ chậm đến thế. Vì mình chỉ học nghiêm túc khi đã trưởng thành (21 tuổi), nên việc giao tiếp luôn theo đúng quy trình: nghe – dịch trong đầu – nghĩ lại cách mình trả lời bằng tiếng Việt – rồi dịch lại ra tiếng Anh và nói. Và lúc nói chuyện với con bạn là thoải mái xã giao nên mình không bị áp lực và đã hồn nhiên cắt luôn bước cuối, vậy nên nó mới ra lẽ.
Nhưng, để lật lại, thì mình muốn bắt đầu bằng việc chỉ ra và phân tích rõ một điểm, đó là:

Thực ra cách một người trưởng thành học ngoại ngữ là vô cùng không tự nhiên.

Giờ hãy thử phân tích lại một chút cách một đứa trẻ học nói nhé.
_ Đầu tiên, như rất nhiều bài báo đã chỉ ra, trẻ nghe trước, và nghe rất nhiều. Thậm chí có nghiên cứu còn chỉ rõ những đứa trẻ mà cha mẹ dành thời gian trò chuyện nghiêm túc với trẻ khi chúng rất nhỏ và chẳng hiểu gì (từ lúc sinh đến tầm 6 tháng tuổi) có thể ảnh hưởng cực lớn đến không chỉ khả năng giao tiếp sớm, mà còn cả sự phát triển não bộ của trẻ cũng như cách trẻ tiếp thu kiến thức sau này. _ Sau khi nghe gần 1 năm đầu đời, trẻ bắt đầu tập nói. Nhưng, điểm đặc biệt ở đây là trẻ không tìm nghĩa của từ, mà chỉ tập trung phát âm cho đúng các từ. Và cái này khác hoàn toàn so với người trưởng thành học tiếng Anh, khi chúng ta sẽ thường chỉ tập trung vào nghĩa của từ mà thôi. Thay vào đó, trẻ sẽ phát âm đi phát âm lại đến khi nào chuẩn từng từ thì thôi. _ Bước tiếp theo, trẻ sẽ ghép các từ lại với nhau để thành câu. Và đây là lúc rất nhiều câu nói kiểu trẻ con vô nghĩa mà buồn cười xuất hiện. Điểm quan trọng là: người lớn xung quanh sẽ chỉ, uốn nắn cho trẻ biết đâu là cách dùng đúng, dùng sai của từ, thường bằng cách nói lại cho đúng để trẻ học theo. Và việc sửa này không chỉ một lần, mà làm đi làm lại rất nhiều lần đến khi trẻ quen với chuỗi từ cũng như cách dùng từ cho chuẩn. Thêm một điểm khá thú vị mà mình mới được biết: Trong 1 buổi sinh hoạt CLB Public Speaking của mình gần đây, có một cô già đã về hưu chia sẻ rằng thực ra hồi đi học cô không được học ngữ pháp. Mình cũng chưa thể kiểm chứng xem có phải tất cả các trường ở đây đều thế không, nhưng ngày hôm ấy mình quan sát có đến hơn nửa khán giả (toàn người bản địa) ngồi đấy gật đầu đồng tình, chứng tỏ nó cũng không phải là hy hữu một trường riêng biệt đâu. Điều này khiến mình cứ nghĩ mãi về việc học ngôn ngữ một cách tự nhiên lại ít liên quan đến ngữ pháp đến thế nào.
Vậy, những điều ấy có ý nghĩa gì với quá trình học tiếng Anh của bạn?

Theo mình điều tốt nhất cho quá trình học tiếng Anh của bạn là hãy làm cho nó càng theo đúng quy trình tự nhiên càng tốt, và bạn sẽ thấy nó dễ dàng hơn rất nhiều.

Một số gợi ý mình nghĩ có thể giúp bạn:
1. Hãy nghe thật thật nhiều. Nhưng đừng chỉ nghe nhạc, mà hãy nghe đài tiếng Anh (hay thứ tiếng bạn muốn học), podcast về những thứ bạn thực sự hứng thú. Cứ nghe đi, đừng nản chí nếu chưa hiểu. Vì chỉ qua một thời gian ngắn bạn sẽ thấy mình dần quen với lượng từ và não cũng sẽ bắt đầu xây dựng những phản xạ để bạn nắm ý một cách nhanh hơn. Hãy dành càng nhiều thời gian nghe thụ động càng tốt, và thậm chí nếu đã học các kỹ năng khác như đọc, viết hay nói tiếng Anh trong ngày, thì theo mình bạn còn chẳng cần phải dành thời gian nghe chủ động làm gì, chỉ cần khi nào làm gì không cần quá tập trung nhớ lắp tai nghe nghe thụ động là được.
2. Như bài viết trước mình đã từng chia sẻ: đừng vừa học/đọc vừa tra từ. Khi học/đọc chỉ đoán nghĩa là chính, và chỉ dừng lại tra một từ nếu nó đáp ứng 3 yếu tố: (1) lặp đi lặp lại trong văn bản bạn đọc; (2) bạn cảm giác nghĩa bạn đoán có vẻ không đúng; (3) nếu không hiểu đúng từ ấy thì không thể tiếp tục và nắm được hoặc sẽ hiểu sai ý chính. Nếu không đáp ứng những tiêu chí trên, thì hãy cứ thoải mái lướt qua và đoán ý nhé. Rồi sắp xếp thời gian riêng để học từ vựng, và đặc biệt nên dùng cụm tra Google: “use … (từ cần tra) in a sentence” thật nhiều, để nhận ra cách mà từ thường được dùng trong câu, hay các cụm từ thường đi với nhau.
Một mẹo nhỏ khác ở đây để bạn quen dần với cảm giác khó chịu khi đọc mà không hiểu từng từ một: hãy đọc sách khó hơn trình độ của bạn. Kiểu, sau khi đọc vài cuốn triết, bạn sẽ thấy việc không hiểu là điều rất đỗi bình thường ấy mà.
3. Khi học từ hãy bắt đầu bằng phát âm trước. Nghe đi nghe lại cách phát âm nhiều lần, rồi nói lại. Đặc biệt khi nghe từ trong video nên chú ý nhìn khẩu hình của người ta và bắt chước theo. Cái này cực cực kỳ quan trọng nhé. Ví dụ những từ vô cùng cơ bản như door, card, bạn có tin hầu hết người Việt Nam sẽ phát âm sai không. Vì những từ ấy thực ra bạn phải mở hàm dưới và đẩy nó ra ngoài một chút cho tròn miệng, vì làm thế mới thể hiện rõ được cái âm tiết “r” ngay sau nguyên âm ấy.
4. Về nói, điểm quan trọng nhất cần nhớ là cách nói tiếng Việt và tiếng Anh thực ra hoàn toàn trái ngược. Trong khi tiếng Việt mình trọng về nguyên âm và dấu để nhận biết, thì tiếng Anh phát âm theo âm gió và trọng phụ âm. Khi nhận ra điểm này rồi, bạn sẽ thấy khá vô lý khi đặt ra cho mình quá nhiều áp lực ngay từ đầu. Cái quan trọng là cố gắng học khẩu hình miệng, và phát âm thật rõ ràng. Nhưng ngay cả khi đã biết như thế cũng rất rất khó, và phải luyện một thời gian bạn mới làm mình bật ra được những âm phụ âm (đặc biệt ở cuối từ, hay cách luyến từ). Vì vậy cái này mình thực sự nghĩ bạn nên đi học các lớp phát âm, để giáo viên sửa cho bạn.
Nhưng một điểm có lẽ sẽ khiến bạn yên tâm hơn được một chút, đó là: thực ra khá nhiều người bản địa cũng đi học lớp phát âm đấy nhé, đặc biệt là những người thường nói trước đám đông.
5. Như mình đã viết ở bài trước: đừng ngại nói. Vì nếu ngại nói thì sẽ tốn rất nhiều thời gian để bạn hình thành phản xạ tiếng Anh cho mình. Nó như một cái vòng lặp tiêu cực ấy: thấy nói khó khăn – ngại nói – ì người, không biết phải cải thiện thế nào – lại càng thấy giao tiếp khó khăn hơn. Vậy nên hãy đẩy mình vào những môi trường bắt buộc bạn phải nói tiếng Anh, và ở lỳ trong ấy đến khi nào khá lên mới thôi. Toastmasters, các câu lạc bộ tiếng Anh trong trường đại học, các diễn đàn tranh luận tiếng Anh, hãy cứ mạnh dạn tham gia tất nhé.
Vậy, quá trình học tiếng Anh của mình diễn ra như thế nào?
Thực sự phải nói là vô cùng gian nan. Đến 20 tuổi mà ngoài "Hello how are you I’m fine thank you and you?" mình gần như không biết gì khác hơn. Cái này có lẽ nhiều bạn không tin, nhưng việc được học chuyên toán từ bé, rồi cấp 3 thì sang chuyên Lý đã khiến tiếng Anh như kiểu môn phụ bọn mình chẳng cần học, cuối năm điểm đã có thầy chủ nhiệm bảo kê. Nhiều khi nghĩ lại mình vẫn không khỏi ngỡ ngàng, chính cái lợi thế lớp chuyên ấy lại biến thành điểm yếu chết người của mình sau này.
Vậy nên dù học thực sự tập trung trong gần 1 năm trước khi đi, nhưng vì đã ở tuổi 21, nên chắc bạn cũng đoán được là khi sang đây tiếng Anh của mình vẫn ẹ như thế nào.
Bài post kỷ niệm 1 năm ngày sang UK. Có hơi thổi phồng, nhưng thực ra lại không xa sự thật là mấy đâu :|
Bài post kỷ niệm 1 năm ngày sang UK. Có hơi thổi phồng, nhưng thực ra lại không xa sự thật là mấy đâu :|
Nhưng có một điểm khá thú vị là lớp thạc sĩ của mình có hẳn 10 người Việt trên tổng số 38 học viên. Vậy nên mình cũng không quá bỡ ngỡ và bị cô lập.
Chỉ đến khi sang học tiến sĩ thì mọi thứ khác hẳn. Khóa ấy viện kinh tế có 10 học bổng cho nghiên cứu sinh, và mình là đứa duy nhất người Việt. Chỉ lúc ấy mình mới hiểu cảm giác không thể giao tiếp sẽ khiến con người ta cảm thấy tự ti thấp kém đến thế nào. Và lúc ấy mới thấm, tại sao nhiều người Việt sang đây rất lâu rồi, mà vì không giao tiếp được, chỉ vài ba câu tiếng bồi, nên lúc nào cũng thu mình lại thế thủ, nhìn bề ngoài đã lấm la lấm lét như ăn trộm, và lúc nào cũng kiểu tự ti không hòa nhập được. Cuối cùng chỉ biết tìm kiếm chút cứu cánh cho giá trị bản thân qua mấy thứ đồ hiệu LV Chanel ...
Anw, đó là lúc mình khủng hoảng nhất, và là lúc mình bắt đầu thực sự học tiếng Anh. Mình nghe BBC Radio mỗi ngày cả chục tiếng, lúc nào cũng cắm tai nghe vào nghe. Mình rất thích cách người già nói, vừa chậm rãi, rõ ràng, mà lại có vần điệu, vậy nên mình tìm mọi cách để ở gần những người như thầy hướng dẫn, ông bạn già người bản địa cùng làm PhD với mình dù đã ở tuổi cuối đầu 5 (ổng bảo ổng làm để thử đầu óc còn minh mẫn không là chính, chứ bằng cấp quan trọng gì), hay thậm chí rủ cả các thầy trong trường cuối tuần ra pub chém gió cho thoải mái. Rồi mình học theo cách nói của họ. Mỗi ngày mình cũng duy trì học 3 từ tiếng Anh, và tập trung nhiều hơn vào việc học từ nào dùng được từ ấy trong giao tiếp thay vì học cho biết. Khi nói mình nói rất chậm, tập trung vào sự rõ ràng thay vì tốc độ.
Cứ thế từng chút từng chút một, việc giao tiếp của mình khá dần lên.
Nhưng đến khi tham gia Toastmasters, thì mình lại bị một cú sốc nữa. Đó là khi tâm trí bị đặt vào tình huống căng thẳng (khi đứng nói trên sân khấu), khiến cho toàn bộ việc phát âm của mình trở lại theo thói quen cũ - tức là phát âm sai hết. Mình nhớ như in những buổi đầu ở Toastmasters mình cảm nhận được mọi người chẳng hiểu mấy những gì mình nói, đặc biệt là phần Impromptu Speaking.
Và đó là khi mình phải quay lại và luyện đến sái quai hàm khẩu hình miệng.
Và chỉ sau đó, thì việc giao tiếp của mình mới dần hoàn chỉnh, tức là có thể nói chuyện với người bản địa một cách trôi chảy và diễn đạt được ý mình. Và các bài giảng trên lớp cũng cảm thấy học sinh tiếp thu trọn vẹn hơn.
Để thay lời kết, có một điểm mình nhận thấy ở người bản địa và rất muốn chia sẻ cho các bạn, đó là:
Ngay cả người bản địa, không phải ai cũng có vốn từng phong phú. Khi nói chuyện nhiều, bạn sẽ thấy cảm giác khác hẳn giữa nói với một người có vốn từ rộng, sử dụng chuẩn, và một người chỉ nói toàn chuyện phiếm và những câu thông thường, từ dùng lặp đi lặp lại.

Vậy nên hãy cứ vững tâm kiên trì trên con đường trau dồi tiếng Anh của bạn nhé.

Để nó mở cánh cửa ra thế giới cho bạn. Giống như nó đã mở ra cho mình :)

A Dreamer