Dòng sách self-help vẫn luôn là đề tài khơi gợi lên nhiều những cuộc tranh cãi gay gắt trong cộng đồng đọc sách Việt Nam cũng như thế giới. Một bên là những người thích đọc và một bên là những người không thích đọc.
Hôm nay, mình xin mạn phép đưa ra những quan điểm của mình về vấn đề này. Có thể chủ đề của mình viết hôm nay không mới, nhưng hy vọng rằng nó sẽ giúp cho những người mang tư tưởng đối lập về dòng sách self-help có được một cái nhìn  toàn diện hơn về self-help.

SELF-HELP LÀ GÌ?

Chúng ta hãy quay trở lại câu hỏi đơn giản này, self-help là gì? Dịch nôm na ra thì ai cũng hiểu là "Sách tự lực", là loại sách có ý nghĩa hướng dẫn để giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những điều thú vị được viết trong sách.
Sách self-help là sách được viết dựa trên những trải nghiệm trong những khó khăn, vấn đề cụ thể của tác giả trong cuộc sống. Cuốn sách giống như một "bí kíp" mà bên trong đó là những bài học và kinh nghiệm sau những lần vấp ngã của tác giả. Từ kinh nghiệm của mình, thông qua sách, tác giả mong muốn cuốn sách có thể giúp đỡ người đọc, những người mà đang ở trong những hoàn cảnh tương tự, chưa biết cách đối diện với vấn đề có một định hướng đúng đắn, phù hợp theo cách mà tác giả đã từng làm và chiêm nghiệm ra trong quá khứ.
Suy cho cùng, mục đích của sự xuất hiện self-help là tốt và rất tốt, nhưng tại sao mà nó lại gây ra những tranh cãi gay gắt đến vậy? Tại sao sự đối lập giữa hai dòng tư tưởng lại lớn như vậy?

SELF-HELP TÁC ĐỘNG TỚI NGƯỜI ĐỌC NHƯ THẾ NÀO?

Nhìn lại một chút vào mức độ bao phủ của dòng sách này trên thế giới: năm 2011, trong khi doanh thu về số lượng sách bán ở Anh giảm 1%, thì doanh số thu về nhờ bán sách Self-help tăng đến 25%. Cụ thể riêng trong vòng giữa năm 2006 và 2011, số tiền thu được từ loại sách này đã lên đến 60 triệu bảng. Ở Mĩ, thị trường xoanh quanh nó mang lại giá trị hơn 10 tỷ đô mỗi năm. Còn ở Việt Nam, trên website thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam - Tiki -  90% sách được bán ra thuộc thể loại sách kỹ năng.
Chúng ta hẳn đã được nghe và đọc rất về lợi ích của self-help mang lại cho người đọc, mình sẽ không nói quá nhiều về điều đó, mình sẽ chỉ chỉ ra một vài lợi ích mà mình đã nhận được sau khi đọc self-help. Đó là giúp người đọc cân bằng lại được nhịp cuộc sống  khi đối mặt với những cú "shock" trong công việc và tình yêu.
Lấy ví dụ từ mình, có một khoảng thời gian mình gặp một loạt những cú "shock" tinh thần mà mình tưởng như mình sẽ khó mà gượng dậy được. Mình đã tìm đến cuốn "Người Nam Châm". Cuốn sách đã đưa mình tới những sự tích cực, suy nghĩ tích cực và những điều tích cực sẽ đến với chúng ta. Đó là những gì mình chiêm nghiêm ra từ cuốn sách và mình đã thực sự vượt qua được giai đoạn khó khăn đó.
Đó là một trong số những điều tuyệt vời mà self-help đem lại cho người đọc. Nhưng một dòng sách tuyệt vời như vậy tại sao lại có những người kì thị và "cạch" self-help?
Một dòng sách có mức độ phủ sóng lớn và được ưa chuộng rộng rãi KHÔNG chứng tỏ rằng nó luôn đúng. Bên cạnh những lợi ích rất tuyệt vời thì self-help cũng là một dòng sách "nguy hiểm" với người đọc. Có một sự thật không thể chối bỏ, đó là rất nhiều cuốn self-help hiện nay chỉ là những lời sáo rỗng hoặc từ quan điểm cá nhân. Chúng không được cộng đồng khoa học hỗ trợ, cũng không có một nền tảng chính thống nào cả. Người đọc sẽ rất dễ hiểu sai và áp dụng những điều trong cuốn sách một cách bảo thủ, coi đó như là chân lí.
Vào thời điểm mới đọc sách, mình rất ưa những cuốn sách self-help. Mình sẽ cố gắng đọc nó cho đến hết mặc dù nó thực sự khô khan và chẳng đọng lại được gì khi đọc xong. Tất nhiên là việc đọc mà không ngấm được, nó có nhiều nguyên nhân, nhưng điểm mình muốn nhấn mạnh ở đây là: sẽ thực sự nguy hiểm nếu chúng ta luôn tôn thờ self-help lên trên tất cả.
Vậy, rốt cục thì self-help có thực sự tốt như đồn đại? Tốt, self-help rất tốt và có giá trị rất tuyệt vời nếu ta tận dụng được nó. Chỉ có điều, chúng ta nên cần phải biết những điều mình sẽ nói dưới đây để tận dụng self-help một cách hiểu quả và an toàn hơn.

SÁCH KHÔNG PHẢI LÀ CHÂN LÝ!

Có một điều chắc chắn rằng là: sách KHÔNG phải là Chân lý. Sách được viết bởi một hoặc có thể là một nhóm nhỏ tác giả, bởi vậy, trong sách sẽ mang phần lớn quan điểm và góc nhìn cá nhân của tác giả. Chúng ta sẽ không thế tin một mực rằng sách là luôn đúng. Không có một cơ sở nào để chứng minh được rằng sách là chân lý. Từ khi còn bé, chúng ta được dạy rằng, muốn học giỏi, thông minh thì phải đọc sách, nhưng điều đó cũng chẳng thể phải là cơ sở để cho rằng đọc bất cứ cuốn sách nào cũng sẽ trở nên thông minh. Và với self-help, điều đó càng đúng và càng rõ ràng.
Mình theo dõi trong các group về đọc sách thì thấy rất nhiều người đọc và áp dụng self-help một cách rất máy móc. Họ làm theo bất cứ những gì trong sách nói, làm theo từng chương sách một, từng ngày một, đăng lên group với mục đích "lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho mọi người"". Nhưng mình tử hỏi rằng: ủa, làm thế để làm gì? Suy cho cùng thì sách đâu phải cái gì cũng đúng mà nghe theo răm rắp như vậy. Đồng ý là họ có mục đích tốt là lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhưng thử hỏi xem chính họ đã hiểu hết "những giá trị tốt đẹp" đó hay chưa mà có thể lan tỏa được?. Rồi thì sau vài tuần kiên trì, hay dài nhất cũng kéo dài được một, hai tháng, mình không thấy bài viết nào nữa cả, mà rõ ràng chưa kết thúc "chiến dịch lan tỏa" đó mà? Cũng phải thôi, khi chúng ta cố làm một cái gì đó mà chúng ta thậm chí chẳng hiểu sâu về nó thì sau cùng cũng chán nản dần đều. Vậy liệu sách có phải là chân lý? Là một thứ gì đó luôn đúng hay không? Liệu có điều gì đảm bảo rằng khi cố gắng tiếp thu trọn vẹn một cuốn sách thì chúng ta sẽ trở thành người mà chúng ta mong muốn hay không?
Khi mới đọc sách, mình tin hoàn toàn vào sách, nhưng khi càng đọc nhiều sách, mình lại nhận ra rằng sách không phải là luôn đúng, có những điều trong sách mình không hoàn toàn tin. Mình chắt lọc nhiều hơn khi đọc sách, nhưng quan điểm mình thấy không phù hợp thì mình sẽ không tiếp thu nó.
Sách chắc chắn vẫn luôn là một điều tuyệt vời của cuộc sống, nhờ có sách mà mình hiểu nhiều hơn về những thứ xung quanh và hiểu hơn về bản thân. Nhưng self-help lại là một dòng sách khác, như mình đã nói, nó được viết dựa trên quan điểm của tác giả là phần nhiều. Giá trị của self-help là rất tuyệt, nhưng tiếp thu một cách chọn lọc để phù hợp với bản thân mình mới là đỉnh cao của sự đọc sách. Và, sách hiển nhiên không phải là chân lý!
Đọc thêm:

TƯ DUY PHẢN BIỆN KHI ĐỌC SÁCH

Như mình đã nói ở trên: sách được viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả, và sách không phải chân lý, mà không phải chân lý thì chúng ta cần phải phản biện. Đặc biệt với dòng sách self-help, tư duy phản biện là cực kì quan trọng trong việc phân loại và tiếp thu những luồng quan điểm khi đọc sách.
Để làm rõ sự cần thiết của tư duy phản biện trong đọc sách, chúng ta hãy nói về một vấn đề cực kì nhạy cảm trong xã hội hiện nay, đó là kinh doanh đa cấp. Kinh doanh đa cấp thực chất là mô hình kinh doanh hợp pháp, nếu như doanh nghiệp thực hiện việc bán hàng một cách thực chất thì nó là tốt. Nhưng ở đây, mình sẽ chỉ nhắc tới "biến tướng" của mô hình này, chúng gây nên những vấn đề khá nhức nhối trong xã hội nói chung và thị trường kinh doanh đa cấp uy tín nói riêng. Và hiện nay, có rất nhiều người không phân biệt được kinh doanh đa cấp tốt và không tốt, vẫn cứ bị cuốn hút theo những lời mời ngọt xớt, những hứa hẹn giàu sang, những cam kết triệu phú... của những doanh nghiệp không đáng tin cậy. Đó là vấn đề về tư duy phản biện, nếu chúng ta biết phân biệt và phản biện những thông tin không thực tế, hẳn sẽ chẳng có ai có thể "dắt mũi" được ta. Suy cho cùng, vấn nạn "biến tướng đa cấp" vẫn còn tồn tại là bởi dân trí của người dân còn hạn chế, khi những "con mồi" được nhắm đến là những địa phương vùng sâu vùng xa. Với họ, để đảm bảo cuộc sống bình thường đã là điều khó khăn, thì đòi hỏi họ có một tâm vững và sáng suốt sẽ là rất khó.
Việc đọc sách cũng như vậy, khi mình mới đọc sách, kiến thức không có nhiều, mình cũng rất dễ dàng tin vào sách. Nhưng khi mình tiếp cận được nhiều sách hơn, đọc nhiều sách hơn, mình dần dần hình thành nên tư duy phản biện, không còn quá tôn thờ sách nữa, chắt lọc và học hỏi có chọn lọc nhiều hơn. Sách thực sự vẫn rất tuyệt vời, nhưng sẽ tuyệt vời hơn khi chúng ta biết cách tiếp cận và tiếp thu sách một cách thông minh.

HAY LÀ KHAI TỬ SELF-HELP ĐI?

Quay trở lại với tiêu đề trên, hay là khai tử self-help đi? Không đời nào! Self-help đóng vai trò cực kì quan trọng cho sẽ trưởng thành và phát triển của con người (người đọc), đặc biệt là người trẻ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà self-help trở nên thịnh hành trên thế giới như vậy, đơn giản bởi giá trị của self-help vẫn sẽ luôn là rất to lớn mặc dù bên cạnh đó là những "tác dụng phụ" không mong muốn.
Mình đọc rất nhiều sách self-help, từ xưa cho tới nay vẫn vậy. Trong tủ sách của mình thì self-help vẫn là dòng sách chiếm nhiều nhất bên cạnh những sách về tiểu thuyết, lịch sử, khoa học,... Có hay chăng chỉ là cách chọn sách và đọc sách của mình thay đổi để đọc self-help hiệu quả hơn. Có thể nói, self-help đóng vai trò rất lớn trong sự trưởng thành và hoàn thiện bản thân của mình. Vậy nên, self-help dù có thế nào vẫn sẽ tồn tại như cái cách mà Đắc Nhân Tâm vẫn "gây sốt" trong suốt hơn một thế kỉ qua.

KẾT

Mỗi dòng sách xuất hiện đều có một sứ mệnh của riêng nó. Trong mỗi chúng đều có ưu và nhược điểm. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải biết phân biệt, tiếp thu những ưu điểm và tránh đi những nhược điểm. Và sự cảm nhận của chúng ta về sách nói chung và self-help nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào cách mà chúng ta đọc và cách chúng ta áp dụng nó vào cuộc sống của riêng mình. Chúng ta không thể áp đặt quan điểm của mình lên người khác, tất cả là công bằng. Bạn không đọc thì kệ bạn, tôi đọc thì kệ tôi. Chúng ta cần tôn trọng nhau!
Qua bài viết này, mình muốn nhấn mạnh hai luận điểm: "sách không phải là chân lý" và sự cần thiết của "tư duy phản biện khi đọc sách". Có thể bạn đã biết điều đó, nhưng có những người họ không biết, và đó chính là lý do mình viết bài này. Và, hãy là một người đọc sách thông minh!
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!
#230620
_NgTSon_
Đọc thêm: