Tính đến nay, trải nghiệm giao tiếp với đám đông trên mạng của tôi đã được gần chục năm, và trải nghiệm này không được tốt đẹp gì cho lắm. Tôi luôn có cảm giác rằng nói chuyện với đám đông cũng giống như nói chuyện với Non-player Characters trong game vậy – quanh đi quẩn lại họ chỉ có một số câu thoại đã được lập trình trước, dù bạn cố gắng đến thế nào, họ cũng không nói khác đi được.
Họ dễ đoán – dễ đoán đến mức tôi nhìn ra được hết luận điểm tương lai của họ, bao gồm cả các luận điểm bị hiểu sai, và hiểu sai theo hướng như thế nào, để từ đó cho ra đời mục “Chặn họng” như các bạn đã biết. Họ không thể thay đổi – tức là ngay cả khi tôi đã đón trước các luận điểm và chặn họng, thảy điều này không ngăn được họ vẫn viết chính xác những gì tôi đã chặn xuống phần bình luận. Và họ nhàm chán – nhàm chán đến mức tôi cảm thấy việc nói chuyện là vô nghĩa, giống như bạn xem đi xem lại một tiểu phẩm hài vậy, khi đã thuộc lòng từng câu hài, tự khắc bạn sẽ thấy chán và dừng xem.
Tôi vẫn thường nghĩ về điều này. Và kinh nghiệm viết lách khiến tôi nhận ra vấn đề của đám đông trên mạng là một thứ rất cơ bản: Vấn đề đọc hiểu. Tôi nhận ra rằng đọc hiểu – việc mà tôi vẫn làm hằng ngày trên những văn bản rất dày và khó đọc – là một thứ vô cùng xa xỉ với đám đông. Và việc hiểu con chữ là việc mà không phải cứ ai biết chữ là sẽ làm được.
Bài viết này được tôi bố cục làm hai phần: phần đầu nói về vấn đề ấy và phần sau là một số hệ quả của nó.

I. VẤN NẠN MÙ CHỮ CHỦ ĐỘNG

Lấy cảm hứng từ một danh ngôn thường được gán cho Mark Twain: “Những người không đọc không có lợi thế hơn những người mù chữ.” Tôi gọi nhiều hạng người ngày nay là loại mù chữ chủ động, loại người biết chữ nhưng lựa chọn làm người mù chữ, thay vì những người không có điều kiện học chữ của ngày xưa.
Nguyên nhân của vấn nạn mù chữ này nằm ở chỗ việc đọc ngày nay không còn phục vụ các mục đích kiến thức nữa, mà nó đơn giản là một món hàng tiêu khiển trong một xã hội bị giải trí hoá nghiêm trọng – nơi lũ hề là thần tượng của đám đông và hài hước là chuẩn mực của mọi loại mặt hàng. Nhưng tại sao người ta vẫn dùng chữ viết? Câu trả lời đơn giản vì nó tiện dụng và tiết kiệm khi so với các hình thức khác như âm thanh và hình ảnh (làm podcast hay video luôn tốn kém hơn làm bài viết). Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của các nền tảng video như TikTok, Youtube, tôi không lấy làm lạ là những chỗ đó càng lúc càng có nhiều khách hàng hơn, và tiếp tục không lấy làm lạ nếu khách hàng ở những chỗ đó có xu hướng tiến hoá thành loài zombie không não.
Nói cách khác, chữ viết là hình thức tốt hơn cho việc truyền tải kiến thức so với âm thanh và hình ảnh. Nhưng nói cho rõ ràng, tôi không ngụ ý rằng âm thanh và hình ảnh không thể truyền tải kiến thức, mà tôi muốn nói rằng chúng không truyền tải tốt bằng chữ viết vì nhiều lí do. Nền văn minh của loài người có bước tiến lớn đầu tiên chính nhờ ở sự ra đời của chữ viết, cách truyền tải bằng âm thanh và hình ảnh đã tồn tại từ lâu trước đó nhưng hoàn toàn không tạo ra đột phá. Bởi vì hình ảnh rất khó truyền tải khái niệm trừu tượng, âm thanh thì làm được, nhưng khái niệm thứ nhất sớm bị quên vào lúc người nói đang nói đến khái niệm thứ tư, vậy nên chỉ khi dùng chữ viết thì loài người mới có thể đặt cùng một lúc nhiều thứ ở trước mặt mình, để so sánh và phân tích, từ đó mới có luật pháp, mới biết xử án dựa trên lí luận thay vì châm ngôn, tục ngữ.
Mặc dầu ngôn ngữ là bản năng của loài người, nhưng việc đọc thì không. Việc đọc gắn liền với các phát minh và sự rèn luyện. Chữ viết là một phát minh, việc dành hàng giờ nhìn chăm chú vào một diện tích chỉ bằng lòng bàn tay để giải mã các kí tự quy ước là một sự rèn luyện. Bộ não được tiến hoá trong môi trường săn bắn hái lượm của chúng ta hoàn toàn không quen với việc ấy, thậm chí nó quen với điều ngược lại hơn, đó là liên tục hóng hớt môi trường xung quanh để tìm kiếm các dấu hiệu của mối nguy hoặc lợi ích. Chính vì thế mà việc đọc hiểu là một công việc chuyên môn, mà chuyên môn thì cần rèn luyện để thành thạo từ mức độ thấp đến cao. Điều này dẫn đến chuyện tất yếu rằng, giống như bao nhiêu chuyên môn khác, đám đông người Việt chỉ đạt đến mức độ thấp nhất mà thôi.
Có thể bạn không tự nhận ra, nhưng để tiếp nhận được các thông điệp tôi đang truyền tải đây, bạn bắt buộc phải ngồi bất động và dán mắt vào một khu vực có diện tích không quá 0,05 m² đối với màn hình máy tính và còn nhỏ hơn nữa đối với màn hình điện thoại. Trong nền văn hoá của chúng ta, nếu một người không thể nào ngồi bất động được, họ sẽ bị coi là thành phần thiếu kỉ luật, ý chí thấp, đầu óc kém, nói chung là một dạng khiếm khuyết trí tuệ.
Đây chỉ là yêu cầu tối thiểu của việc đọc. Và nếu tiếp xúc với đám đông trên mạng đủ nhiều như tôi, bạn sẽ nhận ra nhiều thành phần không làm được điều này. Họ chỉ cần thấy bài viết dài quá năm đoạn văn, tương ứng với khoảng 500 chữ là sẽ nhảy ngay xuống bình luận để thải ra một bình luận mà có độ dài dường như minh hoạ cho tiêu chuẩn của họ, chỉ 4 chữ: “TL;DR” (Too long; didn’t read).
Thế nhưng việc ngồi bất động chỉ là yêu cầu tối thiểu, để đọc được thì bạn phải có khả năng giải mã các chữ cái nữa. Trong quá trình giải mã chữ cái, bạn sẽ gặp vô vàn trở ngại. Cái phông chữ có chân trên Spiderum không hợp mắt bạn, khoảng cách giãn dòng quá rộng hoặc quá hẹp, văn bản được canh trái trong khi bạn thích canh đều? Nhưng bạn phải bỏ qua thảy những điều này, coi như chúng không tồn tại dẫu rằng chúng đang tồn tại. Nói cách khác, bạn phải miễn nhiễm được với yếu tố thẩm mĩ của chữ cái. Thực ra việc quan tâm đến thẩm mĩ của con chữ sẽ là bình thường nếu nó không ảnh hưởng đến hiệu suất đọc của bạn. Nhưng nếu có, bạn sẽ bị đánh giá là người đọc kém, có óc tập trung thấp, thiếu khả năng khắc phục những trở ngại tầm thường.
Những nhận sét bên trên không hề là nói quá. Nếu thật sự là người hay đọc sách, bạn sẽ nhận ra mình càng tập chung đọc bao nhiêu thì càng khó dò lỗi chính tả bấy nhiêu. Điều này được giới làm sách gọi bằng thuật ngữ “proofreader’s illusion.” Nó sảy ra với tất cả mọi người, ngay cả dân làm sách chuyên nghiệp như biên tập viên đọc xoát lỗi chính tả cũng không thoát được nó. Và do đó, việc không tìm ra lỗi chính tả chưa bao giờ được coi là nhược diểm của một người đọc cả, mà chính điều ngược lại mới là nhược điểm. Cũng giống với vấn đề thẩm mĩ, nếu lỗi chính tả không ảnh hưởng đến hiệu xuất đọc của bạn thì mọi chuyện vẫn bình thường. Nhưng nếu vì văn bản sai chính tả nhiều quá lên bạn không hiểu nổi, thì rõ ràng bạn không phải một người đọc lão luyện cho lắm. (Tất nhiên, trừ trường hợp lỗi sai khiến từ này biến thành từ khác, hoặc thành từ quá xa lạ không đoán nghĩa được, nhưng tôi chỉ đang nói về lỗi chính tả mang bản chất giống với các lỗi tôi đang cố ý viết ở đoạn này thôi.)
Nhưng việc phớt lờ những trở ngại của con chữ chỉ giúp bạn trở thành người mới tập đọc mà thôi (những ai không đạt được các yêu cầu trước đó đều thuộc dạng khiếm khuyết trí tuệ). Cấp độ tiếp theo – thứ khiến bạn trở thành một người đọc trung bình – là khả năng mà danh ngôn của Bertrand Russell đề cập: “Đạt được khả năng miễn nhiễm với tài hùng biện là điều quan trọng nhất với các công dân của một nền dân chủ.” Miễn nhiễm với hùng biện có nghĩa là bạn có thể nhìn thấu vào thông điệp của người nói mà hoàn toàn gạt đi mọi cảm xúc mà văn phong của họ gây nên.
Khi tôi nói điều này, hẳn một số người đã biết về văn phong của tôi sẽ cho rằng đây chỉ là một lời bào chữa vụng về của tôi, viết ra nhằm kêu gọi mọi người hãy chịu đựng thứ văn phong gay gắt của tôi đi và đừng ý kiến ý cò gì nữa. Những ai có suy nghĩ như vậy – tôi buồn mà nói – trí tuệ không được cao lắm, và tệ hơn việc có trí tuệ thấp kém, đó là việc họ dễ trở thành con mồi của bọn lừa đảo. Bởi vì việc khó chịu trước thứ văn phong nào đó thường khiến người ta dừng đọc mà thôi, và điều này hoàn toàn vô hại. Giả sử văn bản bị họ dừng đọc là rất quan trọng đi nữa, việc thôi đọc chỉ khiến họ không được lợi, chứ họ không mất gì cả.
Điều nguy hiểm mà tôi, cũng như Bertrand Russell, muốn nói ở đây là những thứ văn phong bọc đường nhằm dụ dỗ người nghe đâm đầu vào những gì có hại cho họ. Các nhóm shark lùa gà, đa cấp lừa đảo, diễn giả bán bánh vẽ, phone scammers, Thích Cúng Dường, người nổi tiếng ăn chặn tiền từ thiện, v.v. họ dùng văn phong gì nếu không phải những lời ngon ngọt dễ nghe? Và những nạn nhân của họ có cảm xúc gì vào thời điểm chuyển tiền ngoài những cảm xúc tốt đẹp (vì được thoả mãn lòng tham, được vuốt ve tinh thần, được xoa dịu nỗi sợ, được cảm thấy yên tâm)? Nếu gạt bỏ những cảm xúc ấy và dùng lí trí xét đoán, kết quả chắc chắn sẽ khác nhiều.
Khả năng miễn nhiễm với hùng biện là thứ vô cùng hiếm gặp ở đám đông trên mạng, điều này cũng có nghĩa rằng chỉ cấp độ trung bình của việc đọc thôi cũng là thứ mà chỉ thiểu số người đạt tới được. Sở dĩ tôi đánh giá nó ở mức độ trung bình thay vì cao hơn, bởi vì cho đến nay giới tinh hoa của loài người vẫn chưa đến nỗi tôn đám chúa hề lên làm vĩ nhân. Tôi nhận ra hẳn là cấp độ này tuy không phổ biến trong đám đông quần chúng, nhưng ở giới tinh hoa như giới khoa học, giới làm luật, giới lãnh đạo, ai cũng có nó cả, và công việc của họ ít bị huỷ hoại vì thuật hùng biện.
Nhưng miễn nhiễm với hùng biện không có nghĩa là mất khả năng hiểu cảm xúc của người viết. Bạn vẫn phải đoán được cảm xúc của tác giả qua giọng văn, họ đang nghiêm túc hay bông đùa, đang phản ánh sự thật hay đang nói quá, đang nói thật hay đang mỉa mai, chỉ là bất chấp những cảm nhận và phỏng đoán ấy, bạn vẫn giữ được cái đầu lạnh khi đánh giá luận điểm của họ.
Cấp độ cuối cùng là thứ mà tôi gọi là lòng tử tế tri thức. Lòng tử tế tri thức dùng để phân biệt với lòng tử tế đời thường, bởi ở một số trường hợp chúng khác nhau, tuy nhiên chúng không trái ngược và phủ nhận nhau. Một người được cho là có lòng tử tế tri thức là khi mà họ đang đọc bài của một người mà họ ghét nhưng họ vẫn hiểu chính xác luận điểm của người đó như thể người bạn tâm giao, và khi mà họ đang phản biện người mà họ ghét với những từ ngữ xúc phạm nhưng tuyệt nhiên họ vẫn không dùng đến nguỵ biện công kích cá nhân trong bài phản biện.
Đây chính là một trong nhiều điểm khác biệt giữa lòng tử tế tri thức và lòng tử tế đời thường; trong đời thường nếu thấy không phù hợp thì hãy từ chối giao tiếp thay vì xúc phạm nhau, nhưng trong vấn đề tri thức, nếu hai bên đã tự xác định bản thân theo đuổi con đường tri thức, thì phản biện là vô cùng cần thiết, và nghĩa vụ là phải phản biện đúng luật, đó là không dùng nguỵ biện. Còn việc có ném vào nhau những từ ngữ gay gắt hay không là tuỳ chọn của mỗi người (dĩ nhiên mỗi tuỳ chọn sẽ đi kèm với đánh giá đạo đức từ các bên, và chừng nào không vi phạm đạo đức khoa học thì người ta cứ tự do mà ném). Thực tế không thiếu trường hợp các trí thức đã xúc phạm nhau công khai trên báo chí, tạp chí, và sách.
Nhưng làm thế nào mà vừa xúc phạm nhau nhưng cũng vừa không nguỵ biện công kích cá nhân được? Chẳng phải hai điều đó là một?
Câu trả lời là không. Và sự ngộ nhận này, đi kèm vấn nạn lạm dụng thuật ngữ chuyên ngành, thảy đều xuất phát từ đọc hiểu kém mà ra cả.
Phần sau bài viết được tôi dùng để nói về những ví dụ thực tiễn kiểu vậy.

I. VẤN NẠN LẠM DỤNG TỪ “NGUỴ BIỆN”

“Nguỵ biện” vốn là khái niệm rất thú vị trong logic học, nhưng từ khi nó bị đại chúng lạm dụng, tôi có cảm giác nó đã trở thành chỉ dấu cho một loại trưởng giả học làm sang trong lĩnh vực kiến thức. Kinh nghiệm của tôi cho thấy phàm loại người hay phun chữ “nguỵ biện” ra mồm chính là loại người có rất ít hiểu biết về logic học.
Ví dụ 1:
Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của các nền tảng video như TikTok, Youtube, tôi không lấy làm lạ là những chỗ đó càng lúc càng có nhiều khách hàng hơn, và tiếp tục không lấy làm lạ nếu khách hàng ở những chỗ đó có xu hướng tiến hoá thành loài zombie không não.
A! Đây là nguỵ biện công kích cá nhân (sang mồm hơn thì là argumentum ad hominem).
Ví dụ 2:
Đằng sau công cuộc chống Covid-19 của Việt Nam, tôi thấy những công nhân nghèo phải nằm vạ vật ngoài đường khi cố chạy về quê, tôi thấy những bệnh nhân trầm cảm phải tự kết liễu đời mình vì bị nhốt trong nhà hàng tháng trời, tôi thấy cả xã hội lên đồng đấu tố lẫn nhau hòng giữ lấy cái mạng sống quý giá của bản thân, và tôi sẽ vĩnh viễn không quên rằng VTV đã móc mỉa những người dân không chịu đựng được sự thống khổ khi bị nhốt là “não bò sát.”
Ồ! Đây là nguỵ biện kêu gọi lòng thương hại (sang mồm hơn thì là argumentum ad misericordiam).
Ví dụ 3:
Tôi là nhà khoa học. Tôi cam đoan rằng chiêm tinh và tử vi không phải khoa học, bởi vì chúng không được xây dựng trên bằng chứng thực nghiệm và các tuyên bố của chúng không có tính khả phủ.
Ố dè! Đây là nguỵ biện lạm dụng thẩm quyền (sang mồm hơn thì là argumentum ad verecundiam).
Đâu là vấn đề của ba cáo buộc nguỵ biện trên?
Đó là chúng đều sai.
Để hiểu chúng sai ở đâu, chúng ta phải có kiến thức căn bản về định nghĩa của mệnh đề, định nghĩa của lập luận, cách phân biệt giữa lập luận và phi lập luận, và cuối cùng là định nghĩa của nguỵ luận.
Mệnh đề (proposition) là một tuyên bố có tính khẳng định hoặc phủ định điều gì đó. Với một mệnh đề chúng ta luôn có thể phán xét nó đúng hoặc sai, dẫu đôi khi chúng ta chưa có đủ khả năng để phán xét. Chẳng hạn “Ngoài vũ trụ có tồn tại dạng sống có trí tuệ” là một mệnh đề, vì tuy chúng ta chưa biết nó đúng hay sai, nhưng nó có tuyên bố một điều gì đó. Còn những câu như “Ối giời ơi!” “Bạn thích chơi cờ vua không?” “Sủa ra từ nguỵ biện lần nữa nào con!” đều không phải mệnh đề, chúng không tuyên bố điều gì cả.
Lập luận (argument) là thứ được xây dựng bằng nhiều mệnh đề, luôn luôn phải có hai mệnh đề trở lên. Nhưng một lập luận không đơn giản chỉ là nhiều mệnh đề ngẫu nhiên ghép vào nhau, mà nó phải có tính chất suy luận từ mệnh đề này sang mệnh đề kia. Lúc này, mệnh đề dùng làm nền tảng để suy luận gọi là tiền đề (premise), mệnh đề được rút ra từ việc suy luận gọi là kết luận (conclusion).
Ví dụ một lập luận gồm hai mệnh đề: “Vì tử vi là nguỵ khoa học, nên ai nói nó là khoa học đều là nói sai.” Ba mệnh đề, hay tam đoạn luận: “Mọi thứ lí thuyết không xây dựng trên phương pháp khoa học thì đều không phải khoa học, tử vi không xây dựng trên phương pháp khoa học, vậy nên tử vi không phải khoa học.”
Bởi vì lập luận chỉ xây dựng trên nhiều mệnh đề có tính suy luận, nên trong cuộc đời sẽ có rất nhiều thứ không phải lập luận. Câu hỏi (trừ câu hỏi tu từ) không phải lập luận, câu cảm thán không phải lập luận, câu cầu khiến không phải lập luận, ngay cả khi câu đưa ra nhiều mệnh đề nhưng nếu không có tính suy luận thì cũng không phải lập luận.
Tính suy luận là thứ rất cần được lưu ý, vì trong giao tiếp đời thường có nhiều mẫu câu “vì… nên…” nhưng không hề là lập luận, mà là giải thích. Ví dụ bên trên: “Chiêm tinh và tử vi không phải khoa học, bởi vì chúng không được xây dựng trên bằng chứng thực nghiệm và các tuyên bố của chúng không có tính khả phủ” đây là câu giải thích, không hề lập luận. Sự khác biệt giữa lập luận và giải thích là, dẫu cả hai đều theo mẫu câu “Q vì P,” nhưng với giải thích, Q được cho rằng đã là sự thật rồi, và P giải thích vì sao Q được cho là sự thật như vậy; còn với lập luận thì Q là kết luận và P là bằng chứng để đi đến kết luận ấy.
Sự khác biệt này rất tinh tế và cần văn cảnh cũng như thiện ý trong việc cố gắng hiểu, vậy nên ở Phần I tôi mới nói lòng tử tế tri thức nằm ở cấp độ cao nhất. Thiếu lòng tử tế tri thức, văn bản sẽ bị bóp méo, cuộc tranh luận trở nên không có giá trị gì.
Và dĩ nhiên, lập luận không phải chuẩn mực của cuộc đời, phi lập luận không phải là cái gì xấu xa. Các lời bày tỏ tình yêu, các câu chuyện kể, các bài hát, các tác phẩm thơ ca, v.v. đều không phải lập luận và đều có giá trị cao trong cuộc sống. Lập luận chỉ giữ vị trí chuẩn mực khi chúng ta muốn tìm cơ sở vững chắc cho một kiến thức và quyết định nào đó.
Nguỵ luận (fallacy) – cũng có thể dịch là nguỵ biện, nhưng tôi thích dùng nguỵ luận hơn vì nó phù hợp với hệ thống thuật ngữ hơn – là các lỗi sai trong việc lập luận. Có lẽ định nghĩa này giải thích luôn cho chúng ta vấn đề của nhóm người lạm dụng từ “nguỵ biện” rồi. Chỉ khi một câu nói đã là lập luận thì mới có khả năng nó là nguỵ luận; nếu câu nói không phải lập luận, mọi cáo buộc nguỵ luận đều là rác rưởi.
Ví dụ 1, câu đó không phải lập luận, việc dùng từ “loài zombie không não” đơn giản là một cách bày tỏ cảm xúc khinh miệt, nó hoạt động giống như câu cảm thán, do đó không tồn tại khái niệm nguỵ luận ở đó.
Ví dụ 2, có rất nhiều mệnh đề ở đó, nhưng chúng không có tính suy luận, thực tế chúng giống như một bản miêu tả các sự kiện xã hội, chúng không đưa đến một kết luận nào, chúng không phải lập luận, do đó không thể có nguỵ luận.
Ví dụ 3, câu đầu tiên chỉ là lời giới thiệu bản thân, và hơn cả nó chỉ có một mệnh đề, dĩ nhiên nó không phải lập luận với nguỵ luận gì cả. Câu sau là giải thích. Nó thuộc dạng bài tập khó của lĩnh vực này, đó là phân biệt giữa lập luận và giải thích.
Tôi vẫn thấy hài hước với những người dùng sai cụm từ “nguỵ biện công kích cá nhân” trong khi cách dùng đúng là một từ rất đơn giản: “chửi.” Tôi biết nhiều người khuyên người khác đừng nguỵ biện công kích cá nhân mà thật ra họ chỉ muốn khuyên là đừng chửi. Vậy tại sao họ không dùng từ “chửi” như xưa nay nhỉ? Có lẽ vì “nguỵ biện công kích cá nhân” nghe trí thức hơn chăng?
Loại người này, thành ngữ Việt Nam có câu miêu tả rất chuẩn: “Dốt hay nói chữ.”
Ngoài ra, tôi muốn giải thích nhanh về tranh luận (debate). Tranh luận là hành động mà nhiều bên cùng đưa ra lập luận về một vấn đề để bác bỏ hoặc biện minh một số quan điểm nhất định. Điều cần quan tâm nhất của tranh luận là luật logic. Một cuộc tranh luận chỉ là một cuộc tranh luận khi luật logic vẫn được tôn trọng, nếu không nó sẽ trở thành cuộc chửi nhau, cuộc thi xem ai to mồm hơn, ai cù nhầy hơn, và ai mặt dày hơn.
Ở khía cạnh nào đó, một cuộc tranh luận cũng giống như một ván cờ, bạn chỉ rút ra được các giá trị trí tuệ khi mà cả hai bên đều tôn trọng luật. Vậy giả sử khi bạn chiếu bí đối phương, họ không tôn trọng luật mà họ đi quân như một thằng đần động cỡn. Bạn sẽ làm gì?
Giở luật cờ ra chứng minh nó đi sai? Vô ích thôi, hoặc là nó mặt dày không nhận sai, hoặc là nó ngu đến nỗi không hiểu luật cờ, do đó không tự biết nó sai (vâng, trong ví dụ thì luật cờ đơn giản quá chắc không ai không hiểu, nhưng thực tế là về luật logic cơ mà, chắc chắn nhiều thành phần không bao giờ hiểu nổi).
Gọi những người thứ ba vào phân định? Việc này sẽ rất khả thi nếu chơi cờ, nhưng tranh luận thì không vì thứ nhất là không ai rảnh rỗi làm thế, thứ hai là tôi nghi ngờ luôn cả trí tuệ của các bên thứ ba. Trừ khi gọi được những người có uy tín trí tuệ, chứ gọi ngẫu nhiên mấy thằng trên mạng thì thôi.
Chính vì những điều này, tôi chưa bao giờ coi các cuộc tranh luận trên mạng ra gì, và bản thân tôi luôn tránh nó, dẫu vẫn thường xuyên viết nhiều bài bằng lập luận. Bởi vì đến đây các bạn đã biết rồi đấy, lập luận rất khác với tranh luận.

III. TÀI LIỆU ĐỌC THÊM

Bài viết này quá 4000 chữ rồi và tôi nghĩ độ dài như vậy là đủ, tuy nhiên để chứng minh hết các luận điểm trong bài thì e rằng buộc phải dẫn sách, không bài viết trên mạng nào làm đủ được những điều đó cả.
Bạn nào vẫn còn lăn tăn về luận điểm chữ viết truyền tải kiến thức tốt hơn âm thanh và hình ảnh thì có thể đọc ba quyển sách sau: Amusing Ourselves to Death của Neil Postman, The Shallows của Nicholas G. Carr, và Orality and Literacy của Walter J. Ong.
Bạn nào muốn kiểm chứng về các định nghĩa xoay quanh việc lập luận, hãy đọc With Good Reason của S. Morris Engel và Introduction to Logic của Irving M. Copi et al.
Thực tế thì tôi không khuyến khích các bạn quá tin vào các bài viết trên mạng, kể cả bài viết của tôi, mà hãy đọc chúng để làm bàn đạp mà tìm đến các loại sách vở được viết dài, đầy đủ, và bài bản mà thôi.
Tôi cũng biết luôn rằng việc đọc sách là cực hình của nhiều người, đặc biệt lại là sách ngoại ngữ, nhưng biết làm sao, đây là con đường duy nhất đưa chúng ta đến với kiến thức sạch và chuẩn.
Tiếp xúc với bọn NPC trên Facebook và Youtube nhiều khiến tôi chỉ cần nhìn bình luận cũng biết được số sách chúng từng đọc cơ, và số liệu trả về thường = 0.
TORNAD
22/7/2024
Hình ảnh được tạo nhờ AI Gemini