Theo bạn, điều gì quan trọng nhất cho một sự bền vững?
Nếu bạn muốn tiến xa hơn trong mọi công việc, hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ bé, cũng như nếu bạn muốn xây một toà nhà vững trãi, hãy để ý tới móng nhà của bạn. Móng có chắc thì nhà mới bền. Chúng ta không thể xây ngôi nhà Landmark 81 trên móng của ngôi nhà hai tầng, cũng không thể xây Burj Khalifa trên móng của Landmark 81. Bởi vậy, thứ quan trọng nhất để tạo nên một ngôi nhà đó là móng, hay có thể gọi là “Chân đế”. Chúng ta sống giữa thế giới này, Trái Đất của chúng ta lơ lững giữa vũ trụ bao la, vậy chân đế của chúng ta ở đâu? Điều gì là cốt lõi cho sự tồn tại của chúng ta?
Trong một xã hội thời nay, chúng ta sống dựa trên ba thứ quan trọng và sâu sắc nhất, đó là: Kinh tế, Xã hội và Hệ sinh thái. Ba yếu tố liên hệ mất thiết với nhau, và tất nhiên, được tạo ra, tác động và vận hành bởi con người. Mô hình của Tobias Stocker sắp xếp rõ ràng hơn sự phụ thuộc lẫn nhau của ba yếu tố trên. Một chiếc bánh sinh nhật ba tầng với tầng trên cùng là Kinh tế, tầng giữa là Xã hội, và tầng dưới cùng là Hệ sinh thái. Nói cách khác, theo mô hình của ông, Hệ sinh thái là “chân đế” của con người.
Hãy thử hình dung xem điều gì sẽ xảy ra nếu tầng thứ nhất là Kinh tế biến mất.... Chúng ta sẽ trở lại thời sơ khai của nhân loại, nơi không sự giao thương qua lại, chúng ta sẽ làm lại từ đầu. Không sao cả, miễn là chúng ta còn tồn tại. Mất đi tầng thứ hai thì sao? Chúng ta sẽ mất đi Kinh tế và Xã hôi, trở lại thời sơ khai nhất của hành tinh này, chúng ta sẽ lại cần hàng nghìn cho tới hàng vạn năm nữa để quay trở lại hiện tại. Nhưng cũng không sao, miễn là Trái Đất còn tồn tại, con người vẫn sẽ tồn tại. Vậy, mất đi Hệ sinh thái thì sao? Chúng ta sẽ chả có gì cả.
Để có được một xã hội đủ đầy như bây giờ, chúng ta cần sản xuất rất nhiều, và đương nhiên, để sản xuất phải cần vốn. Vậy vốn ở đâu? Liệu có phải chỉ đơn thuần là tiền? Lấy ví dụ đơn giản, để có một chiếc xe máy ta đi, chúng ta phải lấy quặng sắt, dầu mỏ,... trong lòng đất để làm nguyên liệu. Rồi đâu phải ở đâu cũng có nguyên liệu cần thiết, ta lại phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước khác, quá trình vận chuyển lại tiêu tốn một lượng năng lượng lớn đến từ dầu mỏ, than... Chúng ta trả tiền cho món hàng chúng ta mua, đó là sự qua lại công bằng, nhưng với hệ sinh thái thì chẳng có sự qua lại nào cả. Kinh tế càng phát triển nhanh chóng thì hệ sinh thái càng trở nên rỗng. Đó là khi càng sản xuất thì càng tiêu xuất.
Lấy vốn thì phải trả, nhưng chúng ta không những chưa trả nổi lại còn làm nó trở nên trầm trọng hơn. Một công ty sản xuất những thứ làm cuộc sống con người tốt hơn, nhưng đồng thời cũng có thể làm hệ sinh thái trở nên tệ hơn, nếu họ không có nhận thức đúng đắn hoặc không có ý thức đủ tốt. Thải hóa chất độc hại ra môi trường có thể làm hệ sinh thái của một dòng sông, một bầu không khí trở nên độc hại trong một cuộc sống độc hại của những người dân quanh đó. Như vậy chẳng những hại môi trường mà còn hại cả chính chúng ta. Hay như việc chúng ta tiêu thụ hàng ngày, tiêu thụ một cách điên cuồng để rồi thải ra một đống rác thải. Có bao giờ chúng ta tự hỏi rác thải nó sẽ đi đâu không?
Cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế là những nguy cơ về sự tồn vong của nhân loại. Chúng ta không thể tăng trưởng kinh tế vô hạn trong một xã hội hữu hạn.
“Mỗi người đều có Thượng đế của riêng mình.
Chân đế chỉ CÓ MỘT và CHUNG cho tất cả mọi người....”
Bớt đi một cọng rác, trồng thêm một cây xanh và làm phần việc của mình là những gì đơn giản và cơ bản nhất mà mỗi người sống trên hành tinh này cần làm để bảo vệ sự sống của tương lai.
--------------------------------------
Bài viết được tham khảo tại: https://www.youtube.com/watch?v=rZQzQTBF8Hc