Bài viết được dựa trên cảm hứng từ một bộ phim chiếu rạp mà mình mới đi xem vài ngày trước – “Come play”. Với những người thường xem phim kinh dị, hẳn là họ sẽ kỳ vọng nhiều hơn ở bộ phim, nhưng ở bài viết mình sẽ không quá khắt khe với vấn đề này và mình cũng sẽ bỏ qua vấn đề về kỹ xảo, hình ảnh của phim. Điều ấn tượng với cá nhân mình là nội dung của phim, nó đã để lại cho người xem nhiều suy ngẫm. Những rủi ro của con người và đặc biệt là trẻ con phải đối mặt trong thời đại của công nghệ và mạng xã hội là vấn đề mà chúng ta cần nhìn nhận một cách thật nghiêm túc.
Oliver là một nhân vật đại diện cho phần lớn trẻ em thời đại ngày nay, từ sự thiếu thấu hiểu của gia đình cho tới sự lạm dụng công nghệ để ẩn mình với thế giới bên ngoài, từ đó tạo nên một rào cản rất lớn trong mối quan hệ với cha mẹ và bạn bè. Sự cô đơn trong phim được ẩn dụ với hình ảnh con quỷ Larry, sống đằng sau những màn hình trong thế giới ảo, điều đặc biệt là nó muốn làm bạn với con người, tìm mọi cách làm bạn với Oliver, bảo vệ con người hay chính Oliver khỏi chính sự cô đơn của họ tự tạo ra. Một câu chuyện tưởng là kinh dị nhưng thật sâu sắc, kết thúc bộ phim là lần đầu tiên khán giả được thấy mẹ con Oliver chơi đùa vui vẻ, nhưng tiếc là, khi ấy là giữa thực và ảo, mẹ Oliver đã thay con làm bạn với Larry, từ bỏ sự sống như một con người để bảo vệ Oliver.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là sự thao túng của mạng xã hội đã vô tình gây ra khó khăn trong giao tiếp thực giữa con người với con người. Chúng ta có thể dành hàng giờ trên mạng để nói chuyện với nhau, nhưng khi gặp nhau thì chẳng nói nổi lên lời. Chúng ta có rất nhiều bạn bè trên mạng xã hội, nhưng rồi một ngày giật mình nhận ra mình thật sự cô đơn. Sự dễ dàng trong giao tiếp bằng công nghệ đang dần giết chết cảm xúc thật của con người. Chúng ta đang sống trong một thế giới của thực và ảo. Thế giới ảo, cảm xúc thật. Liệu trong thế giới thật, ta có thực sự hạnh phúc? Hay là ta thật cô đơn?
Sự lan tràn của công nghệ đã có những sự ảnh hưởng thực sự đáng chú ý trong cuộc sống của con người trong những năm trở lại đây, đối tượng đặc biệt và đáng quan tâm nhất là trẻ con. Câu hỏi đặt ra rằng: Liệu những đứa trẻ sinh ra trong thời đại ngày nay có thực sự là thuận lợi hơn so với thế hệ trước bởi sự phát triển của công nghệ? Chúng ta không có một câu trả lời thực sự xác đáng nào bởi nó phụ thuộc vào trách nhiệm của người lớn, của những người làm cha mẹ. Trong cuộc sống hàng ngày, sẽ không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh một người cha (mẹ) phải dùng sức hút của điện thoại để dỗ dành con. Câu chuyện bình thường nhưng không hề đơn giản, sự ảnh hưởng lên đứa trẻ của bố mẹ bây giờ đã không bằng cả cái màn hình bé nhỏ “kỳ diệu” kia. Điều này bằng một cách “vô tình” của người lớn sẽ tạo nên một hệ thống vô thức trong não bộ của đứa trẻ, chúng sẽ trở nên phụ thuộc vào công nghệ trong những giai đoạn sau này. Trẻ con không thể tự nhận thức được rằng điều này là không tốt vì chúng còn quá nhỏ, trách nhiệm là của những người lớn. Điều quan trọng là, việc tiếp cận quá sớm với những thiết bị công nghệ này mà không có sự giám sát nghiêm khắc của người lớn khiến đứa trẻ có xu hướng chơi một mình và thu mình lại, hơn là cởi mở với bạn bè xung quanh. Tuổi thơ của những đứa trẻ có lẽ chỉ toàn là sự cô đơn.
Ảnh cắt từ The Social Dilemma, mô phỏng cách mà mạng xã hội đang "thao túng" người sử dụng.
Công nghệ đem lại giá trị thực sự lớn cho chất lượng công việc và cuộc sống của con người, điều đó là không thể bàn cãi. Chúng ta có thể kết nối dễ dàng hơn, tiếp cận thông tin, tri thức nhanh chóng hơn, etc đó là những điều tuyệt vời của công nghệ và mạng xã hội đem lại. Nhưng hẳn ai cũng đều biết, mặt trái của nó là kỷ nguyên của fake news, sự đe dọa tới nền dân chủ, sự tự do, tỷ lệ trầm cảm của trẻ em tăng cao, etc. Đây là điều mà những người tạo ra công nghệ họ cũng không thể lường trước được hệ quả của những thứ mà họ đã tạo ra. Điều đơn giản nhất để nhìn thấy là bất kể người lớn hay trẻ nhỏ đều có nguy cơ rất lớn trở thành “nô lệ” của công nghệ. Liệu chúng ta có thể vừa tự ngăn bản thân khỏi cám dỗ của công nghệ, vừa tận dụng được những giá trị tuyệt vời của công nghệ? Theo Randima Fernando, một chuyên gia phát triển sản phẩm, năng lực xử lý của máy tính đã tăng khoảng 1.000 tỉ lần từ thập niên 1960 đến nay. Ông nói trong The Social Dilemma: điều nguy hiểm nhất trong tất cả là nó được công nghệ thúc đẩy, đang tiến bộ theo cấp số nhân. Không một ngành nào khác có tỉ lệ tiến bộ gần đạt mức đó và bộ não con người hầu như không hề tiến hóa trong khoảng thời gian đó. Xe đạp là một đồ vật được tạo ra để giúp đỡ con người, mạng xã hội cũng vậy, điều khác biệt duy nhất ở đây là xe đạp đợi ta sử dụng trong kiên nhẫn, còn mạng xã hội thì không như vậy, nó cám dỗ, tạo nên một môi trường công nghệ thao túng và gây nghiên bằng tâm lý con người. Youtube, Google, Facebook, Instagram, Pinterest, etc thu hút sự chú ý của người sử dụng, đó là điều họ muốn, thứ sẽ sinh ra lợi nhuận khổng lồ cho họ. Đó là sự thừa nhận của những người “trong cuộc” trong “The Social Dilemma”. Khi được hỏi về việc liệu mạng xã hội có cần thay đổi để sửa “sai” hay không, Tristan Harris, cựu chuyên gia tiêu chuẩn đạo đức của Google, đã trả lời rằng: “We have to.” (“Chúng tôi phải làm.”). Anh cho rằng họ đã tạo ra nó thì phải có trách nhiệm thay đổi nó.
Sau tất cả, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ xung quanh chúng ta đang diễn ra như thế nào, đôi khi còn “ngây thơ”. Xã hội đang trong vòng xoáy của của sự phát triển các thiết bị thông minh và sự mở rộng của Internet, có những điều mà chúng ta chẳng thể nào biết về nó. Vấn đề của mạng xã hội không chỉ là sự cô đơn mà còn rất nhiều những điều thật sự đáng sợ đã và đang diễn ra trên thế giới (mọi người có thể xem The Social Dilemma). Vậy thì, thay vì ngồi chờ đợi công nghệ thay đổi để phù hợp với mục tiêu, giá trị và cuộc sống của chúng ta, thì sao chúng ta không tự vận hành theo cách của chính mình nhỉ? Thế giới đã thay đổi, con người cũng cần thay đổi để sống cùng nó, thay vì để bản thân bị định hướng một cách bị động, tại sao không chủ động tìm lối thoát cho riêng mình? Cuối cùng, đây trách nhiệm không chỉ riêng bản thân của mỗi người mà còn với thế hệ sau, con cái của mình, khi mà giai đoạn đầu đời của chúng chịu sự ảnh hưởng hoàn toàn từ cha mẹ. Từ nhân vật Oliver trong bộ phim “Come play”, chúng ta thực sự cần nghiêm túc đặt câu hỏi rằng: chúng ta đã đang làm tốt trách nhiệm của người lớn hay chưa, hay là chính bản thân còn đang loay hoay trong cái vòng xoáy vô định ấy?
----------------------------------------------------------------------------------
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Cùng thảo luận nhé! ^^
_NgTSon_