"Hạnh phúc" trên góc nhìn của khoa học
"Hạnh phúc" đối với các nhà tâm lý học và sinh lý học rất khác.
Bên cạnh những giá trị về vật chất như giàu có, thành công, thì tất thảy chúng ta đang hướng tới mục tiêu, điểm đến là sự "hạnh phúc". Thế nhưng, nếu như giàu có và thành công mang những hình thái cụ thể để chúng ta có thể xây dựng kế hoạch tiến tới, thì "hạnh phúc" dường như vẫn là một khái niệm vô thường mà nhiều người vẫn còn đang phải tìm kiếm.
Mình vừa mới cày xong cuốn "Lược Sử Loài Người", mà trong chương cuối của nó có đề cập đến "hạnh phúc" của loài người trên một khía cạnh rộng hơn những suy nghĩ cơ bản mà cá nhân mình nghĩ là của hầu hết chúng ta. Bản thân mình thấy khá hay và thú vị, quyết định sẽ chia sẻ trong bài viết ngày hôm nay.
"Hạnh phúc" là gì?
Đến nay, chúng ta vẫn thảo luận về "hạnh phúc" như thể nó chủ yếu là sản phẩm của các yếu tố vật chất như là sức khỏe, tiền bạc,.. Nhiều người cho rằng, người giàu hơn, khỏe mạnh hơn tất nhiên sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng có thực sự như vậy?
Nhiều triết gia, linh mục và các nhà văn học qua hàng thiên niên kỷ nghiền ngẫm đã đưa ra kết luận rằng: Yếu tố xã hội, đạo đức và tinh thần cũng tác động đến "hạnh phúc" của chúng ta tương đương như các yếu tố về vật chất.
Định nghĩa được chấp nhận phổ quát về "hạnh phúc" là "trạng thái khỏe mạnh về thể chất/ tinh thần một cách chủ quan". Có thể hiểu đơn giản là tôi đang cảm thấy bên trong con người mình một cảm giác sung sướng nhất thời hoặc sự viên mãn kéo dài với cuộc sống đang diễn ra.
Đo lường "hạnh phúc"
Nếu hạnh phúc là điều cảm nhận từ bên trong, vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể đo được chúng từ bên ngoài?
Các nhà tâm lý hay sinh học đã đưa ra một bảng khảo sát để đánh giá thang hạnh phúc của mọi người, yêu cầu họ cho điểm từ 0 đến 10 cho từng câu nhận định điển hình như là: "Tôi cảm thấy hài lòng với con người hiện tại của tôi"; "Tôi cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống"; "Tôi lạc quan về tương lai"; "Cuộc sống thật tốt";..
"Hạnh phúc" trong tâm lý học
Những bảng khảo sát như vậy được sử dụng để đối chiếu hạnh phúc với các yếu tố khách quan khác nhau. Một kết luận thú vị là: Tiền thực sự mang lại hạnh phúc, nhưng chỉ đến một mốc nào đó, và khi vượt qua mốc đó, nó lại gần như không mấy giá trị.
Nếu bạn là một nhân viên văn phòng nhận đều mức lương 10.000.000 VNĐ mỗi tháng, hơn 120.000.000 VNĐ hàng năm, khi đột nhiên túng số 2 tỷ đồng, có thể bạn sẽ thấy một cơn sóng hạnh phúc chủ quan dâng trào bất tận. Tuy nhiên, nếu là một con buôn với những tháng lợi nhuận lên đến cả trăm triệu thì khi trúng số 2 tỷ đồng, niềm hạnh phúc của bạn có thể chỉ thăng hoa trong vài tuần.
Theo kết quả một thực nghiệm, nó gần như chắc chắn sẽ không tạo ra khác biệt lớn trong tâm trạng của bạn về lâu dài.
Bạn có thể sẽ mang tiền đi mua sắm hoặc đầu tư, tự thưởng cho mình bữa ăn tại Marriott thay vì Lẩu Phan, quẩy tại quán bar sang chảnh bậc nhất Hà thành thay vì một quán pub mới nổi nào đó. Nhưng rồi tất cả dường như sẽ trở thành thông lệ và không có gì đặc biệt.
Một phát hiện thú vị khác là: Bệnh tật chỉ làm vơi đi hạnh phúc trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ là cội nguồn của sự đau khổ lâu dài nếu như tình trạng người bệnh không thể chuyển biến tốt hơn hoặc gây ra đau đớn triền miên & suy nhược cho cơ thể.
Những người được chuẩn đoán mắc bệnh mãn tính như tiểu đường thường sầu não trong một thời gian, nhưng nếu bệnh không trở nên trầm trọng hơn, họ sẽ thích nghi với thể trạng mới và có thể trở lại trạng thái hạnh phúc như những người hoàn toàn khỏe mạnh.
Gia đình và cộng đồng dường như tác động đến "hạnh phúc" nhiều hơn là tiền bạc và sức khỏe.
Một người tật nguyền, lại túng quẫn, nhưng bên cạnh là một người vợ/ chồng yêu thương hết mực, xung quanh là gia đình tận tâm và một cộng đồng ấm áp, có thể sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn một tỷ phú cô độc, với điều kiện là cái nghèo của con người bệnh tật kia chưa tới nỗi cùng cực và bệnh tình cũng không quá nặng hoặc đau đớn.
Ngay cả sự tự do mà chúng ta đều đánh giá rất cao cũng có thể có những mặt tối. Chúng ta có thể lựa chọn bạn bè, bạn đời, hàng xóm, nhưng họ cũng có thể lựa chọn rời bỏ chúng ta. Với một cá nhân sử dụng quyền lực chưa từng có để quyết định con đường riêng của mình, chúng ta thấy ngày càng khó duy trì các cam kết. Do đó, chúng ta sống trong một thế giới ngày càng cô đơn hơn của những cộng đồng và gia đình ngày càng lỏng lẻo.
Điều này đặt ra một giả thuyết, rằng một người bình thường ngày nay với các tiện nghi hiện đại dưới nền dân chủ tự do cũng có khi chẳng hạnh phúc hơn so với năm 1800.
Nhưng phát hiện quan trọng nhất là: "Hạnh phúc" thật sự không phụ thuộc vào các điều kiện khách quan của sự giàu có, sức khỏe, hoặc thậm chí là cộng đồng. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào tương quan giữa điều kiện khách quan và mong đợi chủ quan.
Nếu bạn đang đói và được ăn một bữa thịnh soạn, bạn đã thỏa mãn. Nếu như bạn đang thèm ăn BBQ nhưng lại phải ăn bữa cơm canh rau muống mẹ đã nấu sẵn ở nhà, bạn vẫn sẽ cảm thấy thiếu thốn.
Khi mọi thứ ở một điều kiện tích cực, kỳ vọng sẽ gia tăng - Điều này khiến những cải tiến đáng kể vẫn không khiến chúng ta hài lòng. Nhưng trong một hoàn cảnh tiêu cực, kỳ vọng bị thu hẹp lại, và kết quả là ngay cả một căn bệnh nghiêm trọng nhưng có thể chữa lành cũng không thể khiến bạn ngừng hạnh phúc như khi còn khỏe mạnh.
Vậy là hạnh phúc còn phụ thuộc vào các kỳ vọng chủ quan của cá thể. Điều này có thể biến các phương tiện truyền thông đại chúng và ngành công nghiệp quảng cáo của chúng ta thời nay vô tình trở thành những con quái vật nuốt chửng sự mãn nguyện của toàn nhân loại.
Nếu là một cô nàng 18 tuổi với gương mặt ưa nhìn sống trong 1 ngôi làng nhỏ cách đây hàng nghìn năm, có thể bạn sẽ nghĩ mình xinh gái. Bởi bạn chỉ biết trên dưới 50 người phụ nữ khác trong làng mà phần nhiều là người già và trung niên. Nhưng nếu sống trong thế kỷ 21, ngay cả khi được tôn vinh là hoa khôi của trường thì rất có thể bạn vẫn chưa hài lòng. Bởi bạn không chỉ còn so sánh với những người bạn trong trường mà còn với các siêu mẫu, hot teen cả nước thông qua các chương trình truyền hình, báo chí hay Facebook.
Vì vậy, có thể sự bất mãn bị kích động không chỉ đơn thuần bởi các yếu tố tiêu cực như nghèo đói; bệnh tật;.. mà còn vì tiếp xúc với những chuẩn mực nào đó.
Dưới thời Hosni Mubarak, một người Ai Cập bình thường ít có khả năng chết vì đói, dịch bệnh hay bạo lực hơn là ở thời Ramses II hay Cleopattra. Trước đó chưa từng có thời kỳ nào điều kiện vật chất của người Ai Cập tốt đến vậy. Bạn cho rằng họ sẽ ra đường nhảy múa và cảm tạ Allah vì sự may mắn này vào năm 2011? Không, họ đã vùng lên dữ dội để lật đổ Mubarak.
Họ đã không so sánh mình với các tổ tiên thời Pharaoh, mà với những người đương đại ở Mỹ dưới thời Obama.
Well, "hạnh phúc" trong tâm lý học là điều mà chúng ta dễ nhận ra và tiếp xúc nhất. Thế nhưng, có lẽ bởi mỗi người lại có những quan điểm khác nhau, tuy không sai, nhưng đôi khi là do tính cảm quan chưa toàn diện và thiếu sự chấp thuận tính tương đối. Điều này dẫn đến nhiều luồng ý kiến trái chiều.
"Hạnh phúc" trong sinh học
Các nhà sinh học cho rằng, giống như các trạng thái tinh thần khác, "hạnh phúc" chủ quan của chúng ta không được quyết định tại các yếu tố bên ngoài như quyền lực; tiền bạc.. mà là bởi một hệ thống phức tạp các dây thần kinh, neuron, synapse và nhiều hợp chất sinh hóa khác.
Chúng ta không hạnh phúc bởi việc thắng xổ số, mua nhà, mua xe hay đạt được một thành tựu nào đó. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc chỉ bởi một thứ - Cảm giác dễ chịu trong cơ thể.
Một người nhảy lên vui sướng sau khi trúng xổ số hay đạt được một thành tựu nào đó. Điều này không có nghĩa rằng anh ta phản ứng với số tiền hay thành tựu anh ta vừa đạt được. Sự thật là anh ta chỉ đang phản ứng với các loại hoóc-môn chảy trong mạch máu mình và với các cơn bão các tín hiệu điện đang nhấp nháy giữa những phần khác nhau của não bộ.
So sánh một người làm nông thế kỷ 20 với một ông chủ thời hiện đại. Người nông dân sống trong những gian nhà mái ngói, hàng ngày dậy sớm để chăm bón ruộng đồng, còn người chủ thời hiện đại ngủ đến trưa mới dậy ra cửa hàng. Về mặt trực quan, nhiều người sẽ cho rằng ông chủ thời hiện đại sẽ hạnh phúc hơn người nông dân. Thế nhưng, những điều kiện vật chất của hai con người này không thực sự xác định tâm trạng của họ. Chất serotonin mới thực sự làm điều này.
Khi người nông dân gặt xong thành công mùa vụ đầu tiên, tế bào thần kinh của anh ta sẽ tiết ra serotonin, đưa nó lên mức X. Khi ông chủ thời hiện đại tổng kết lợi nhuận quý và thấy trên mức mong đợi, tế bào thần kinh của anh ta cũng sẽ tiết ra serotonin, đưa nó lên một mức độ tương tự, X.
Không hề có sự khác biệt với não bộ để đưa ra kết luận rằng người chủ hạnh phúc hơn người nông dân. Điều quan trọng ở đây là mức serotonin ở cả 2 trường hợp đều ở mức X. Vậy là ông chủ thời đại mới cũng chẳng hạnh phúc hơn người nông dân thế kỷ 20 tại thời điểm đó.
Thật không may rằng hệ thống sinh hóa trong cơ thể chúng ta đã được lên sẵn chương trình để giữ hạnh phúc ở mức độ tương đối ổn định, không quá đau khổ cũng không quá hạnh phúc.
Hạnh phúc và đau khổ đóng vai trò tiên hóa trong mức độ khuyến khích hay kìm hãm sự sống sót & sinh sản. Điều này lý giải cho việc chúng ta thường bùng phát cảm giác hạnh phúc nhất thời, nhưng không bao giờ kéo dài mãi mãi.
Ví dụ: Đàn ông thường đạt được khoái cảm sau khi lan truyền gen của họ bằng cách quan hệ tình dục, như phần thưởng của tiến hóa. Nếu việc quan hệ tình dục không mang lại khoái cảm thì rất ít giống đực bận tâm. Đồng thời, quá trình tiến hóa cũng phải chắc chắn rằng cảm giác thỏa mãn đó sẽ nhanh chóng biến mất. Nếu không, hạnh phúc kéo dài này sẽ khiến con đực chết đói hoặc tuyệt chủng vì nó sẽ không còn để ý đến đồ ăn và tìm một con cái để sinh sản.
Một số học giả lại so sánh chỉ số hạnh phúc của con người với hệ thống điều hòa không khí luôn giữ nhiệt độ không đổi.
Trên thang điểm từ 1 đến 10, một số người sinh ra với hệ thống sinh hóa vui vẻ, cho phép tâm trạng họ có thể lên xuống giữa 6 và 10, ổn định theo thời gian ở mức 8. Một người như thế vẫn hạnh phúc ngay cả khi sống tại nơi đất khách quê người, nhanh chóng lấy lại cảm xúc tích cực sau khi thất bại ở lần đầu tư đầu tiên.
Ngược lại, nhiều người có nền sinh hóa ảm đạm, lên xuống giữa 3 và 7, ổn định ở mức 5. Dù thắng xổ số cả tỷ đồng hay được tăng lương x2 thì họ vẫn cứ không thể vượt quá mức độ hạnh phúc 7. Đơn giản là não bộ của họ không được xây dựng cho sự vui sướng quá mức dù là điều gì xảy ra.
Thỏa mãn hoặc vượt qua được những kỳ vọng mong đợi của bản thân trong suy nghĩ của nhiều người sẽ khiến chúng ta lên đỉnh hạnh phúc. Tuy nhiên, những điều đó chỉ có thể khiến cho mức độ hạnh phúc thay đổi đột ngột trong một khoảnh khắc thoáng qua, và rồi nó sẽ sớm trở lại điểm mốc của mình theo bản chất sinh hóa đã thiết lập sẵn.
Well, kết luận trên dễ khiến chúng ta cảm thấy do dự trước việc đặt những mục tiêu cao cả. Thế nhưng, mặc dù cho rằng "hạnh phúc" được xác định chủ yếu bằng cơ chế sinh hóa, các nhà sinh học cũng đồng ý rằng các yếu tố tâm lý và xã hội cũng có chỗ đứng của chúng.
Hệ thống điều hòa về mặt tinh thần của chúng ta có một chút tự do di chuyển trong giới hạn được xác định trước. Một người sinh ra với chỉ số hạnh phúc ở mức 5 sẽ không bao giờ nhảy cẫng lên vì sung sướng trên đường phố, nhưng nếu có một tình yêu đẹp thì anh ta có thể tận hưởng hạnh phúc ở mức 7 trong một thời gian dài và tránh được sự chán nản của mức 3.
Vậy nên, việc luôn theo đuổi hạnh phúc không bao giờ là vô nghĩa, ngay cả khi bạn sinh ta với một hệ sinh hóa ảm đạm, bạn vẫn có thể thay đổi nó với các yếu tố bên ngoài.
Ở trên là những gì mình tìm hiểu được từ cuốn Lược Sử Loài Người về "hạnh phúc" mà mình thấy rằng khá đầy đủ và toàn diện. Khi thấy chủ đề về "hạnh phúc" chưa bao giờ thiếu đi sự quan tâm của độc giả thì mình rất muốn lan tỏa những kiến thức này đến mọi người.
Nếu đọc đến đây, thì rất cảm ơn mọi người đã kiên nhẫn với bài viết của mình ^^
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất