Vô tri là hạnh phúc.
Trong lúc trưởng thành, không ít lần tôi đã thấm nhuần điều này.
Lần đầu tôi có ấn tượng, thú vị thay, lại đến từ hai nhân vật hoạt hình, hai anh chàng thú có túi ngớ ngẩn tên là Crash và Eddie trong bộ phim Ice Age (Kỷ Băng Hà). Nếu ai chưa từng xem bộ phim hoạt hình này, thì đó là câu chuyện kể về một nhóm các động vật phải trốn chạy với thảm họa tự nhiên trong cuối thời kỳ băng hà.
Giữa lúc thảm họa diễn ra, mọi nhân vật trong phim đều rất căng thẳng, hoảng loạn, và lo lắng về cái chết rình rập trong mỗi bước đi. Trái ngược hoàn toàn là sự hạnh phúc, vô âu vô lo của Crash và Eddie. Hai chú chuột túi dễ thương này, cuối cùng đã chia sẻ về bí quyết hạnh phúc của mình: “Vì sao chúng tôi hạnh phúc ư? Vì chúng tôi rất là ngu ngốc.”
Hạnh phúc là vô tri.
Hãy thử làm một phép so sánh. Nếu bạn so bản thân bạn hiện giờ, tôi không biết bạn đang bao nhiêu tuổi, 18, 22, 30, 40? Cùng với bạn khi còn nhỏ, 6 tuổi, 10 tuổi. Nếu chỉ là về 2 cá nhân, 2 con người, bạn của hiện tại hơn bạn của ấu thơ về mọi mặt.
Lúc còn nhỏ, bạn không có tiền, càng không có quyền. Bạn không có danh tiếng, không có tình yêu, không có thứ gì trong tay cả.
Đó chẳng phải là những gì chúng ta nghĩ về hạnh phúc và thành công của hiện tại sao? Có tiền, có quyền, có tiếng tăm. Nhưng dường như, rất kỳ lạ, chúng ta lúc còn nhỏ lại vui vẻ hơn rất nhiều. Chính xác hơn, chúng ta dễ vui hơn.
Một món đồ chơi bằng nhựa Trung Quốc trị giá 500 đồng cũng làm ta vui, một tập phim hoạt hình xem đến lần thứ 2 thứ 3 cũng làm ta vui, một chuyến đi chơi cùng bố mẹ cũng làm ta bật cười, một lần ngủ trễ, hoặc đến lớp sớm hơn chúng bạn cũng làm ta hạnh phúc.
Cũng dễ hiểu phải không, vì khi đó ta vô tri. Ta không biết cách thế giới vận hành như thế nào, không có tất cả những kiến thức, kinh nghiệm, triết lý và quy tắc sống mà chúng ta đang có. Chúng ta không có tiền, nhưng chúng ta cũng không biết không có tiền là đau khổ. Chúng ta không có quyền quyết định, nhưng cũng không biết là có rất nhiều thứ cần ta chịu trách nhiệm, cần ta gánh vác trên vai. Danh tiếng là gì, nếu thế giới chúng ta chỉ là nhà và lớp học.
Nhà lầu, xe hơi, du lịch ở xa chả có ý nghĩa gì, nếu chúng ta còn không biết thế giới kéo dài đến đâu, resort 5 sao là gì, máy lạnh là sao, món ăn tây, món ăn Nhật, bò Ko-bê và cocktail đắt tiền.
Trớ trêu thay, khi chúng ta bắt đầu nếm trải tất cả những điều đó, là lúc hạnh phúc khó đến hơn một chút, nụ cười khó xuất hiện trên môi hơn, và những băn khoăn, so sánh, ganh tỵ, buồn phiền cũng rón rén xuất hiện nơi ngưỡng cửa.
Vô tri là hạnh phúc.
Có những người sống cả đời trong làng quê, không biết thế giới rộng lớn, lại chưa hề buồn phiền vì không thấy thế giới.
Có những người đi năm châu, bốn bể, càng nhiều trải nghiệm, càng thấy mình không đủ, càng thấy mình bé nhỏ, càng khó chạm đến một cảm giác gọi là “hài lòng”.
Lúc bạn chưa biết lương của đồng nghiệp, lương của cấp trên, thu nhập của người bạn đồng môn, bạn cảm thấy công việc của mình vẫn ổn, tiền bạc vẫn xứng đáng.
Lúc bạn chưa biết tự do ngôn luận, dân chủ nhân quyền, bạn cảm thấy cuộc sống ở địa phương không hề tệ.
Lúc bạn chưa biết đến kỹ năng, con đường sự nghiệp, áp lực phải vượt hơn chính mình, phải mỗi ngày học một điều mới, phải “sống là có mục tiêu”, bạn cảm thấy điều ngớ ngẩn vụn vặt tôi làm hôm nay cũng khá thỏa mãn. Còn sau đó, ngay cả việc nằm chơi nghỉ ngơi cũng đủ gợi lên trong đầu bạn những suy nghĩ “có phải tôi đang phí hoài thanh xuân, tuổi trẻ”
Lớn lao hơn một chút, khi bạn biết về chính trị, về sự đe dọa của những thế lực bên ngoài, có phải bạn sẽ thấy bất an, thấy số phận mình không nằm trong tầm định đoạt của mình.
Lần đầu tiên nghe về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trái đất ấm lên, ô nhiễm môi trường, dù bạn chưa trực tiếp trải qua hậu quả, bạn cũng thấy tương lai mờ mịt.
Nếu bạn biết rằng bất cứ lúc nào, một thiên thạch lạc quỹ đạo cũng có thể xóa sổ sự sống trên trái đất, bạn có còn vô tư vô lo. Dù không làm gì được, bạn có tránh không suy nghĩ được.
Và cuối cùng, bạn hãy nhớ lại xem, lần đầu tiên bạn nghĩ về cái chết, bạn biết đến cái chết, cảm giác như thế nào. Một cú rơi bịch trong tim. Một nỗi sợ lớn hơn tất cả mọi nỗi sợ, thậm chí ngăn bạn không dám nghĩ tiếp về nó. Năm 6 tuổi bạn có nỗi sợ đó? Lúc 7 tuổi bạn đã lo nghĩ về tương lai, khi chết đi tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ? Hồi 8 tuổi, có ai biết ung thư là căn bệnh gì, nhồi máu cơ tim đáng sợ ra sao?
Biết mơ ước mới biết thất chí.
Biết hy vọng mới hay thất vọng.
Lỗ Tấn từng nói rằng: Giả thử có một căn nhà bằng sắt không có cửa sổ, cũng không thể bị phá vỡ. Trong căn nhà ấy có nhiều người đang ngủ say, mà chốc lát nữa thôi sẽ chết ngạt. Nhưng vì họ chết trong giấc ngủ sâu, họ sẽ không cảm thấy đau đớn. Bây giờ nếu bạn la lớn, đánh thức vài người trong đó vẫn còn hơi tỉnh táo, và khiến số ít đó phải trải qua số phận bi thảm của việc chết ngạt không thể tránh khỏi, bạn có nghĩ rằng mình đang giúp cho họ?” Tôi nghĩ rằng Lỗ Tấn đã vẽ nên một chiếc hang của Plato bằng một cái nhìn bi ai hơn, nhưng cũng chân thật hơn rất nhiều. Plato tin rằng nhà hiền triết có thể kéo những người u mê ra khỏi chiếc hang giả tạo, đến với mặt trời của chân lý, dù cho đoạn đường có gập ghềnh, khổ sở. Nhưng Lỗ Tấn không nhìn thấy điều đó. Ông như thừa nhận rằng, giấc ngủ là vô tri, và vô tri là hạnh phúc. Căn phòng không thể phá vỡ. Không có mặt trời.
Tôi nói ra điều này để làm gì? Đây không phải là vấn đề, cũng không cần lời giải. Có lẽ nó là một thực tại, của riêng con người. Con người phát minh ra khái niệm hạnh phúc, và vì hạnh phúc quá mơ hồ, ta cố gắng đặt ra những khái niệm khác mà ta tin rằng, khi có nó là có hạnh phúc. Thế nhưng, dần dà, ta rơi vào chiếc bẫy khổng lồ, rằng khi biết đến những khái niệm đó, cố gắng theo đuổi chúng mà không chạm tới, là tự mình làm cho mình bất hạnh.
Nhưng cũng có người đi tìm lời giải. Bạn có từng xem qua một bức tranh, vẽ bốn người. Một người đứng dưới mặt đất, chỉ nhìn thấy hàng rào. Một người đứng lên chồng sách, nhìn ra bên kia hàng rào là thảo nguyên xanh ngắt tươi đẹp. Người thứ ba đứng trên chồng sách cao hơn, lại nhìn thấy hóa ra thảo nguyên chỉ là giả tạo, đằng sau đó thật sự là cỏ cây hoang tàn xác xơ, mây đen ngự trị. Đó là hạnh phúc của vô tri. Người thứ nhất, người thứ hai, không biết gì hoặc hiểu biết có hạn, sẽ nghĩ rằng mọi chuyện là ổn. Người thứ ba biết rất nhiều, chỉ đem về đau khổ.
Còn người thứ tư? Anh ta đứng trên chồng sách cao nhất, cố gắng vượt qua mây đen mịt mù, và nhìn thấy ánh mặt trời. Hóa ra mặt trời vẫn có thật.
Tôi nghĩ bức tranh đó là một hy vọng, của một nhóm người muốn tìm lời giải cho việc “hạnh phúc là vô tri”. Họ tin rằng, biết vừa đủ mới là bất hạnh, còn khi biết đủ nhiều, ta sẽ tìm ra sự giác ngộ, minh tưởng, và khi đó cũng tìm ra hạnh phúc đích thực. Biết ở đây không chỉ là biết thế giới bên ngoài, mà còn phải hiệu được nội tại của bản thân.
Tôi nhớ những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Mỗi sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười. Hai mươi tư tiếng mới mẻ đang ở trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn cho từng phút giây và xem xét mọi thứ bằng ánh nhìn từ bi. Mỗi hơi thở, mỗi bước đi của chúng ta có thể lấp đầy bởi bình an, hạnh phúc và sự thanh thản.”
Với những người đó, đi tìm một kiến thức lớn lao hơn, dù là kiến thức về vũ trụ, hay là kiến thức về chính chúng ta – một cá nhân nhỏ bé, là cuộc hành trình mang lại hạnh phúc. Trong cuộc hành trình đó, có khi ta vẫn sẽ thấy cỏ cây hoang tàn xác xơ, mây đen ngự trị. Nhưng chính cái hy vọng rằng ở bên trên đó là mặt trời ấm áp, đủ để khiến ta hạnh phúc khi không vô tri.
Ngược lại, một nhóm người khác thì chấp nhận sự vô tri. Họ biết rằng họ không biết, nhưng họ hài lòng và không tìm cách hiểu thêm mình không biết gì, mình có cần biết chúng hay không. Họ cũng nỗ lực, nhưng nổ lực để tránh xa những thứ kiến thức chỉ khiến họ thêm đau khổ. Tôi từng biết một người bạn, đang làm ở công ty tầm trung, cuộc sống ổn định, gia đình đầm ấm. Vì là người giỏi, anh ta nhận được lời mời đến một công ty toàn cầu, đảm nhận vai trò quan trọng hơn, và hiển nhiên phúc lợi cũng lớn hơn nhiều lần. Người bạn này vui vẻ chối từ. Mọi thứ với anh là ổn, anh đủ thời gian, đủ tiền bạc, đủ sự cân bằng dành cho cuộc sống cá nhân và công việc. Có lẽ thăng tiến là chuyện tốt, nhưng anh ta sợ rằng khi đã bước lên đó, sẽ không còn đường quay về với sự vô tri của hiện tại. Lúc đó phát hiện ra công việc quá căng thẳng, không thể ngồi chỉ con giải bài tập, nhưng cũng lại không dám lùi bước, không dám từ bỏ. Thà không biết đỉnh vinh quang là gì, thì nơi ta đang đứng chính là đỉnh vinh quang.
Mỗi khi tôi bảo bố mẹ lên thành phố sống, bố mẹ đều cười trừ. Không phải ở thành phố không sung sướng, nhưng nếu hiện tại đang sung sướng, thì truy cầu sự sung sướng hơn, hay chính xác hơn là kiến thức được sự sung sướng hơn, có phải là lựa chọn khôn ngoan?
Hai nhóm người đi theo hai con đường đối nghịch nhau. Một bên tìm tòi đến tận cùng của thông tuệ. Một bên ở lại tận cùng phía vô tri. Có lẽ cả hai đều sẽ hạnh phúc, đều sẽ giải được lời nguyền cay đắng của nhân loại “hạnh phúc là vô tri”.
Nhưng bạn biết phần lớn chúng ta ở đâu không? Ở giữa. Ở trong đám đông không dám nỗ lực, cũng không dám chấp nhận. Hay nói cách khác, sự bất hạnh chúng ta có được do kẹt ở lưng chừng. Bạn biết tranh đấu là mỏi mệt, nhưng không dám dừng đấu tranh, cũng không bất chấp tranh đấu đến cùng. Bạn biết cuộc sống bất công, nhưng không đứng lên chủ động thay đổi, cũng không cười xòa mà bỏ qua một bên. Bạn biết tham, sân, si, nhưng không tham đến tận cùng, cũng không bỏ được lòng sân si. Những người kẹt ở lưng chừng là những người gánh chịu lời nguyền lớn nhất của bất hạnh từ tri thức.
Trừ phi sinh ra trên đảo hoang, làm sao bạn không biết. Biết rồi, thì làm sao để hạnh phúc?
Thực tại, là không thể đổi thay. Lựa chọn, nằm ở chỗ bạn. Theo nhóm người nào, là do bạn quyết định. Hạnh phúc. Bất hạnh. Vô tri. Giác ngộ. Cũng là từ bạn.
Quay lại câu chuyện của Lỗ Tấn về căn nhà sắt không có lối thoát: khi nghe ông chia sẻ, người bạn của ông, cũng là một học giả trong phong trào Tân Văn Hóa – Tiền Huyền Đồng đã đáp lời “Nhưng nếu đủ người bị đánh thức, anh không thể đoan chắc rằng việc phá vỡ căn nhà sắt kia là vô vọng.” Đến cuối cùng, thứ Lỗ Tấn lựa chọn, mặc cho những gì ông nói, vẫn là cố gắng đánh thức những người đó. Ông vẫn viết. Ông vẫn cất tiếng nói. Ông vẫn hy vọng. Liệu ông và những người bị đánh thức kia, trong nỗ lực để phá hủy căn nhà bằng sắt kia, có thành công? Tôi thì tin rằng, ít nhất, họ sẽ hạnh phúc.
Vậy thì, bạn muốn hạnh phúc trong giấc ngủ vùi, hay hạnh phúc trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để phá hủy những chướng ngại, để truy cầu một điều gì đó to tát hơn, lớn lao hơn, để minh ngộ về bản thân và cuộc sống? Điều đó tùy ở bạn. Chỉ mong rằng, bạn sẽ không nằm ở giữa dòng nước, không biết tiến về đâu, không chấp nhận, cũng không dám đương đầu.
Lắng nghe tập này trên Podcast "Chuyện trò cùng Phan":
Nghe tại Spotify: https://open.spotify.com/show/5ql37Vx2wrNl3o2SVC4xvl
Follow me at:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất