Vô tri.
Hai tiếng này gợi đến L'ignorance của Milan Kundera, bản dịch của Cao Việt Dũng. Sự vô tri, trong cái nhìn của Kundera, có thể có chủ ý hoặc không. Nhưng nó giống như một cách để người ta tránh cognitive dissonance, vùi lấp đi mặc cảm tội lỗi.
Hai tiếng này còn gợi đến Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance) mà tôi tạm dịch là Cái lợi không ngờ của sự không-biết-gì.
Thế nào là cái lợi không ngờ của sự không-biết-gì?
Alejandro González Iñárritu rất ghét phim siêu anh hùng. Và nếu quả đúng như Martin Scorsese nói, rằng phim Marvel không phải là điện ảnh, mà lại có hẳn một truyền thống nói về Marvel như là điện ảnh, lại còn là điện ảnh đỉnh cao, thì chắc chắn ở đây có một sự không-biết-gì vô cùng lớn.
Sự không-biết-gì của cộng đồng pro-Marvel khi họ không thực sự biết điện ảnh, ngoài Marvel, có thể là gì?
Riggan Thomson trong Birdman đã thoát khỏi sự vô tri đó. Ông đã quay lưng với ngành công nghiệp phim siêu anh hùng triệu đô để nhìn về phía các nhà phê bình. Lúc ông ta không còn vô tri cũng là lúc ông ta rơi ngay vào bế tắc, bởi ông ta hiểu rõ rằng mình không thể tạo ra được một thứ nghệ thuật của lòng tự trọng.
Không muốn cái chết của mình như cái chết của Farrah Fawcett, chìm khuất so với tin bài về cái chết của MJ trên bìa báo, Riggan Thomson lựa chọn tự sát trên sân khấu - một biểu hiện khác của sự không-biết-gì, không-biết-gì về việc sống như một người chồng, người cha bình thường.
Nhưng chính vì không-biết-gì, mà Riggan Thomson lại làm cho khoảnh khắc cuối đời của mình trở thành vĩnh cửu.


Đọc thêm:

Sự vô tri là một hiện tượng có tính hoàn cầu hơn chúng ta nghĩ, đơn giản như việc chúng ta chọn lờ đi thực tế đẫm máu trong các lò mổ để nuốt trọn miếng thịt bò.
Hay như chính thế hệ của chúng ta cũng chứa đựng một sự vô tri khủng khiếp: Chúng ta không biết gì về thế kỷ 20 cả. Và chính sự không biết gì đó tạo ra một đứt gãy trong sự hình thành bản sắc. Chúng ta là một thế hệ với ký ức đã được giám tuyển.

Đọc thêm: