Chào các bạn, Hùng Lý tôi lâu rồi không viết về một chủ đề gì đó gọi là "lớn lao"... Thế nên hôm nay tôi muốn giới thiệu về một dự án cực kỳ tham vọng của một con người với mục đích ban đầu giúp cho thế giới của chúng ta "rộng lớn" hơn về mặt đất đai: Dự án Atlantropa.


Nếu các bạn đã từng xem Superman Returns, một "thảm họa" của Bryan Singer, thì bạn có lẽ sẽ quen thuộc với kế hoạch có vẻ điên rồ đến buồn cười của Lex Luthor trong phần ấy là hắn muốn sử dụng công nghệ Krypton để tạo ra một châu cục mới để có thể... kiếm tiền từ bán bất động sản, và mặt trái là việc tạo ra cả một sự thay đổi lớn như thế sẽ thay đổi hoàn bộ hệ sinh thái lẫn địa chất Trái Đất với hệ quả là hàng triệu đến hàng tỷ người có thể chết (Ví dụ như nước biển bị dời đi nhấn chìm một phần Bờ Đông như phim nói chẳng hạn)... Nói thế để bảo rằng việc thay đổi toàn bộ bề mặt Trái Đất chẳng phải là chuyện chơi, và hệ quả của nó có thể là sự tận diệt của một phần văn minh loài người.

Đọc thêm:

Thế mà ở đời thật của chúng ta nhiều năm về trước lại có một gã Lex Luthor như vậy đấy.

Ông ta tên là Herman Sorgel, một kiến trúc sư người Đức. Ông ta có một dự án nghe vô cùng điên rồ và thậm chí là bất khả thi- lí do vì sao việc đó bất khả thi thì tôi sẽ nói sau- đó là xây những con đập khổng lồ ở những khu vực ở biển Địa Trung Hải, chặn các cửa biển cụ thể như eo biển Gibralta, rút hết nước biển ở Biển Địa Trung Hải lẫn để cho nước biển bay hơi theo thời gian, từ đó "tạo" ra cả một khu vực đất liền cực kỳ rộng lớn của đáy biển, nối liền cả Bắc Phi và Nam Châu Âu để con người có thêm nơi ở. Dự án "dời biển lấp non" đó chính là "châu lục" Atlantropa. Và Herman Sorgel đã liên tục truyền bá ý tưởng này từ những năm 1920 mãi đến khi ông mất vào năm 1952.

Kế hoạch của Sergel là sử dụng những đập thủy điện, tạo ra nguồn năng lượng sạch, giải quyết hết toàn bộ những vấn đề bắt đầu nổi lên về năng lượng và dân số trong thời kỳ văn minh con người phát triển bùng nổ, và xây thêm cả những đường ray xe lửa cao tốc men theo những con đập để tận dụng tối đa những nguồn năng lượng cho sự di chuyển của các cư dân. Và ý tưởng của ông là cả Châu Âu, thậm chí xa hơn là cả thế giới sẽ cùng nhau hợp tác trong việc xây dựng những con đập trong thời gian lên đến.... hơn 100 năm vì sự tồn vong của nhân loại.

Nghe có vẻ tuyệt vời đúng không? Nhưng... Tôi có nói kế hoạch này là bất khả thi, không phải chỉ vì nó quá to lớn và quá tốn thời gian, dù việc "chặn" cả eo biển Gibralta chính là vấn đề lớn nhất của Atlantropa, mà tôi đang nói đến mặt con người và những hệ quả của việc thay đổi toàn bộ hệ thống địa lý của Trái Đất.
Trước hết, hãy nói đến thời kỳ lịch sử đó đi: Thế chiến I vừa kết thúc, các nước châu Âu đang đua nhau gầy dựng lại những tổn thất chiến tranh, đặc biệt Đức ngập trong khủng hoảng trầm trọng (dẫn đến sự trỗi dậy của Đảng công nhân Đức Quốc Xã và Hitler, chuyện gì xảy ra sau đó chắc ai cũng biết)... Thực tế, Đức Quốc Xã đã khá là "khó chịu" với việc Sorgel đi tuyênt ruyền về việc này và ra cả một phim để "sỉ vả" kế hoạch này là Ein Meer Versinkt vào năm 1936 (Hitler rất quan tâm đến điện ảnh!).
 Ấy là còn chưa tính những mâu thuẫn khác nhau về mặt chính trị lẫn văn hóa. Ví dụ như Ý với những khúc mắc cực kỳ nghiệm trọng về việc rút cạn biển sẽ gây ảnh hưởng cực lớn đến Genoa và Venice- một thành phố cảng quan trọng và một di sản văn hóa thế giới. Dù Sorgel có xây dựng thêm những con đập nhỏ khác để "chiều lòng" việc bảo vệ những nơi này nhưng ông và những người khác không thật sự quá quan tâm lắm về "tầm quan trọng lịch sử" của Venice hay Genoa. Chỉ một ví dụ này thôi đủ thể thấy những mâu thuẫn ngăn cản sự "đoàn kết thống nhất ý tưởng" quá to lớn của Sorgel rồi. Đấy là còn chưa kể Thế chiến II nổ ra chỉ hơn chục năm sau khi Sorgel nghĩ ra Atlantropa, và kể cả sau đó cho đến khi Sorgel mất thì Chiến tranh lạnh vẫn còn kéo dài đến tận hơn 40 năm sau, hỏi sao mà bọn họ có thể đoàn kết với nhau được chứ? Và cứ cho rằng bọn họ thật sự hợp tác với nhau trong vòng hơn 100 năm đó đi, có cái gì để chắc chắn việc bọn họ "tranh giành quyền lợi" với nhau qua việc chia đất đai xứng đáng với "công sức" mình bỏ ra sẽ không xảy đến? 

Về mặt địa lý thì điều này có khi còn kinh khủng hơn là chỉ đơn giản là "bất khả thi". Theo dự án thì số nước biển được rút ban đầu sẽ dùng để tạo biển nhân tạo ở Châu Phi để thay đổi khí hậu ở đó, biến khu vực Bắc Phi,chủ yếu là sa mạc, sẽ dễ sinh sống hơn, từ đó trải dài cả Nam Âu đến Bắc Phi và một diện tích sinh sống vô cùng to lớn... Ý tưởng là vậy, nhưng cũng như cái cách mà AlternateHistoryHub đã đưa ra những "dự đoán dã sử" nhưng bạn hãy tự hỏi câu này: Đất mà ở dưới biển suốt cả thời gian muốn bằng cả tuổi của Trái Đất thì nó sẽ như thế nào? Hoàn toàn ngập mặn, hoặc là sẽ rất là không cần bằng, nhão nhoẹt do ngấm nước quá lâu hoặc sẽ đúng nghĩa đen là "cứng như đá", chẳng thể nào là đất thổ cư hay đất hoa màu mà dọn đến sinh sống hay trồng trọt- chứ đừng nói đến xây dựng cả những thành phố to lớn. Chưa hết, khí hậu ở khu vực Địa Trung Hải sẽ thay đổi hoàn toàn, chẳng còn ấm áp đầy gió biển với những con người mang làn da bánh mật mạnh khỏe... Trường hợp mà ở tương lai khi nước biển cạn hoàn toàn, chỉ với một vài kiến thức địa lý cơ bản chúng ta cũng dễ dàng dự đoán là hạn hán sẽ kéo dài ở khu vực này (và cải tạo hoàn toàn sa mạc bằng biển nhân tạo thôi cũng chưa đủ), tệ nhất là có khả năng sa mạc mở rộng từ Nam lên Bắc, đánh động vào cả một nền văn minh lâu đời nhất thế giới. 
Hậu quả của nó với Châu Âu là thế nào thật sự cực kỳ khó nói:  Một cuộc tháo chạy di cư đến Châu Mỹ, Châu Á hay thậm chí là cả Châu Phi (trong trường hợp Sahara được cải tạo hoàn toàn) chăng? Còn nhớ tôi nói Utopia và Dystopia hoàn toàn giống nhau, và việc tạo ra Utopia hoàn toàn có thể sinh ra Dystopia không? Trường hợp này có thể cũng vậy đấy.
 

Atlantropa là một dự án tạo ra một Utopia rất tham vọng của Sorgel và những người ủng hộ, nhưng cũng giống với định nghĩa về Utopia- một xã hội không tưởng- kế hoạch để giải quyết những vấn đề của con người này sẽ chỉ lại càng có nguy cơ làm cho con người gặp thêm nhiều khó khăn mà thôi.

Nguồn nghiên cứu: 
Christensen, Peter, 2012. Dam Nation: Imaging and Imagining the 'Middle East' in Herman Sörgel’s Atlantropa. International Journal of Islamic Architecture, 1(2), pp.325–346.
Lehmann, P.N., 2016. Infinite Power to Change the World: Hydroelectricity and Engineered Climate Change in the Atlantropa Project. The American Historical Review, 121(1), pp.70–100.