BÍ MẬT VỀ HẠNH PHÚC!
"Khổ trước sướng sau" ông bà ta, cha mẹ ta thường hay nói với ta như thế. Không biết các bạn thế nào nhưng tôi nghĩ đó là lời nói dối...
"Khổ trước sướng sau" ông bà ta, cha mẹ ta thường hay nói với ta như thế. Không biết các bạn thế nào nhưng tôi nghĩ đó là lời nói dối khủng khiếp nhất mà tôi từng nghe và được nhồi vào đầu từ lúc còn bé.

Ăn hết chén cháo này đi, rồi con muốn gì cũng được! Ngủ đi, rồi sáng mai muốn gì cũng được! Làm hết bài tập đi rồi tha hồ mà sung sướng muốn đi chơi gì cũng được! Thi đậu vào cái trường đó đi, rồi tương lai con sẽ sung sướng! Tốt nghiệp với cái bằng giỏi đi, con sẽ hạnh phúc! Đậu vào cái công ty đó, con sẽ sung sướng và thoải mái! Mua nhà, cưới vợ đi, con sẽ… trăm năm hạnh phúc!!!
Cái công thức mà chúng ta được dụ dỗ để tin từ bé đến lớn đó là: “Cứ cắn răng làm cái việc này đi, dù nó khó, nó chán, nó vô nghĩa với chính mình… cứ ráng mà làm cho xong, và rồi chúng ta sẽ hạnh phúc!” Và điều khốn nạn đó có nghĩa là thứ hạnh phúc đó luôn là thì tương lai! Cái khoảnh khắc chúng ta chạm được tới nó thì nó lại nhích ra phía trước 1 chút… Và vì vậy thứ hiện tại tạo nên chuỗi ngày trong cả cuộc đời chúng ta luôn là những ngày tháng gồng lên để cam chịu sự bất hạnh!
Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng đó là 18 năm đầu tiên trong cuộc đời tôi!
Do vậy, điều quan trọng đầu tiên về Thành công và Hạnh phúc: “Nếu kết quả thành công mà không được xây dựng từ 1 chặng hành trình Hạnh phúc… đó chính là 1 thất bại!”
Đọc thêm:
Hãy tưởng tượng xem, bạn cắn răng để cam chịu một công việc làm thêm khốn nạn trong suốt 6 tháng trời để dành dụm tiền mua 1 chiếc iPhone! Trong suốt 6 tháng đó, bạn cau có, hậm hực và nguyền rủa công việc, quản lý của mình… bạn cúi đầu câm lặng cho qua mỗi khi bị chỉ trích, rồi lầm bầm kể lể, ca thán về công việc của mình trong suốt cả tuần sau đó… và rồi cuối cùng, bạn đủ tiền để mua cho mình 1 chiếc iPhone mới!
Oh Yes!! Bạn hạnh phúc, hãnh diện và tự hào với chiếc điện thoại mới, tất cả bạn bè và đồng nghiệp đều thèm thuồng, ngưỡng mộ bạn… bạn sống lâng lâng trên mây trong suốt… 3 ngày! Đến ngày thứ 4 thì tất cả mọi người chẳng còn đếm xỉa gì đến chiếc điện thoại mới hiển nhiên ấy, bạn cũng chẳng còn quá háo hức…

Và nếu bạn nhìn lại cuộc đời mình trong suốt 6 tháng 3 ngày ấy, 99% thời gian cuộc đời của bạn là sự bất hạnh! Đó là 1 thất bại thảm hại. Chưa hết! Điều thậm chí còn khủng khiếp hơn nữa, đó là sau 6 tháng địa ngục đó, bạn còn tích luỹ cho mình hàng loạt những thói quen tồi tệ của một nhân viên rẻ tiền, bạn có cho mình cái nhìn ác cảm với tất cả những người Sếp, và bạn không còn tin là công việc có thể say sưa và thú vị nữa! Đó mới chính là thất bại khủng khiếp nhất: Chính bạn không tin là mình xứng đáng được hạnh phúc nữa.
Và có thể lúc này, bạn đang nói với tôi là: “Nhưng ba má đã tự mua cho tôi iPhone rồi”; “tôi chỉ cần làm 1 tháng, mua trả góp là có liền 1 quả iPhone rồi, nhanh lắm!” Nhưng thẳng thắng, đó chẳng phải là cách mà hầu hết tất cả chúng ta thiết kế cuộc đời của mình sao?
Một đứa học sinh, bỏ ra 16 năm trong đời mình, cắn răng, nguyền rủa để nuốt một mớ kiến thức mà nó căm ghét… để rồi đổi lấy 1 tấm bằng Đại học và 1 tuần ăn mừng, huyênh hoang với bà con nội ngoại… Trước khi nó dành ra 10 năm tiếp theo để tiếp tục càm ràm, than thở với 1 công việc tầm tầm và 1 tên sếp dở hơi… để đổi lấy 1 căn hộ chung cư và 3 buổi tân gia hoành tráng!
Và cái vòng tròn đó cứ tiếp tục!
Đọc thêm:
Sự bất hạnh và thất bại phổ biến này, tất cả đều xuất phát từ niềm tin: “Cam chịu để thành công, và bạn sẽ hạnh phúc!” – Và khi cuối cùng, sau khi chịu đựng những bẽ bàng của lời nói dối đầu tiên, chúng ta bắt đầu mất niềm tin vào thứ hạnh phúc ở cuối con đường ấy và bắt đầu tự thoả hiệp với lời nói dối vĩ đại số 2: “Cứ hạnh phúc trước đã, mọi thứ rồi sẽ ổn!”

Đó là sự sung sướng tức thời: Coi cho hết cả series phim này cho sướng, đang hay mà! Cứ chơi thêm vài game nữa, đang vui mà! Cứ uống thêm 1 tăng nữa, đang vui mà! Cứ ngủ thêm 1 giấc nữa, đang phê mà!
Tôi chắc rằng ai đã từng trải qua những ngày tháng kiểu này đều sẽ phải công nhận là… “Nó sướng thiệt!”. Kỉ lục của tôi là ngủ, chơi game, xem phim liên tục 5 ngày mà gần như không rời khỏi phòng của mình!... cho nên tôi hiểu rất rõ cảm giác đó!
Và nói thật là sự hạnh phúc này chẳng có gì sai. Đó chính là hạnh phúc ở cấp độ thấp nhất: Sự sung sướng và thoả mãn. Và chúng ta có quyền lựa chọn sự sung sướng và thoả mãn, không có gì sai hết!
Tuy nhiên, chỉ có 1 điều đặc biệt về thứ hạnh phúc cấp độ thấp này nó: ngắn ngủi và nghiện ngập!
Ngắn ngủi nghĩa là cảm giác hạnh phúc đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh. Ngay khi bạn uống ngụm trà sữa, bạn sẽ thấy ngất ngây ngay tức thì… nhưng khi bạn nuốt nó qua cổ họng thì sự sung sướng đó cũng gần như biến mất ngay sau đó.
Đọc thêm:
Điều này cũng dễ hiểu, bạo phát thì bạo tàn! Nhưng điều đáng lưu ý là sự “nghiện ngập”! Nghiện ngập có nghĩa là: sau một thời gian, bạn cần 1 liều cao hơn để có được cảm giác sung sướng như cũ! Khi bạn mới tập nhậu, chỉ cần 1 lon bia để cảm thấy hưng phấn… sau một thời gian, bạn phải uống 3 lon mới thấm, sau đó thì nửa két… và rồi cuối cùng, bia uống chẳng say, bạn phải chuyển sang dùng rượu mạnh!
Đây là sự nghiện ngập! Và nó chính là yếu tố sẽ từ từ phá huỷ con người của bạn: từ sức khoẻ đến cảm xúc, tinh thần, tài chính, cơ hội và các mối quan hệ… Kết quả lâu dài của lối sống này là 1 sự thất bại và suy sụp toàn diện về kết quả, cảm xúc và tinh thần!
Chỉ đến khi tôi gặp được thầy mình vào cuối năm nhất Đại học, Jim Rohn… ông là người giúp tôi nhìn ra con đường để tự mình thoát khỏi vòng xoáy bất tận đó! Ông dạy tôi “bí mật về sự hạnh phúc!”
Có 3 cấp độ hạnh phúc: Pleasant (Sự sung sướng) – Passion (Sự say mê) – Purpose (Sứ mạng).

Hạnh phúc cấp độ 1: Pleasant (Sự sung sướng)
Sự sung sướng (Pleasant) là cấp độ thấp nhất: đó là sự hạnh phúc khi bạn nhận được 1 điều đến từ bên ngoài: 1 món ăn ngon, 1 lời khen ngợi, 1 cái ôm, 1 món quà ý nghĩa…
Sung sướng là điều cảm nhận dễ dàng và nhanh nhất, nhưng cũng chóng vánh nhất. Đặc biệt, sung sướng thường hay tốn tiền… và càng tận hưởng, bạn càng muốn nhiều hơn và càng tốn nhiều tiền hơn. Nếu bạn chỉ đắm chìm trong thứ hạnh phúc này, nó sẽ sớm dẫn đến sự truỵ lạc… truỵ trong hoan lạc!

Hạnh phúc cấp độ 2: Passion (Sự say mê)
Kế đến là mức độ cao hơn sự say mê (Passion): Khi bạn rèn luyện và làm được 1 việc gì đó rất thích thú và ý nghĩa với bản thân bạn: Khi bạn chơi đàn, nấu ăn, thuyết trình trước đám đông, mày mò nghiên cứu, chinh phục 1 thử thách… một cách thành thục và điêu luyện!
Say mê là điều mất nhiều thời gian và nỗ lực rèn luyện bạn mới cảm nhận được. Không ai làm điêu luyện ngay trong lần đầu tiên cả. Giai đoạn đầu, bạn sẽ tốn tiền bạc và nỗ lực để rèn luyện… nhưng càng về sau, sự tốn kém ngày càng giảm và sự say mê ngày càng tăng. Về lâu dài, sự say mê kết tinh thành 1 thứ tài sản rất đặc biệt: tài năng của bạn!

Hạnh phúc cấp độ 3: Purpose (Sứ mạng).
Cuối cùng, mức độ cao nhất đó là Sứ mạng (Purpose): Khi bạn có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của người khác, mang lại 1 ảnh hưởng và giá trị có ý nghĩa cho người khác!
Tính chất của cấp độ hạnh phúc này là khi bạn thể hiện tài năng của mình để chạm tới người khác, mang lại 1 điều ý nghĩa cho người khác… cảm giác mãn nguyện và hạnh phúc thường kéo dài rất lâu, không những vậy, việc này thường mang lại cho các bạn rất nhiều tiền bạc, cơ hội và các mối quan hệ sâu sắc!
Vì vậy, người khôn ngoan sẽ bắt đầu từ việc chinh phục thứ hạnh phúc số 2, dùng tài năng có được từ nó để đạt được cấp độ hạnh phúc số 3. Cuối cùng, sử dụng tiền và sự ảnh hưởng có được sau đó để thoả mãn bất cứ hạnh phúc cấp số 1 nào mà họ thật sự cần và muốn!
Cho nên Nguyên tắc quan trọng nhất của Thành công và Hạnh phúc là: Chinh phục sự hạnh phúc sâu sắc, đó là nền tảng vững chắc nhất của thành công!
Đó là nguyên tắc được đúc kết bởi 1 trong những giáo sư tâm lý học hot nhất của trường Đại học Harvard, giáo sư Ben Sharhar. Và nguyên tắc này được áp dụng triệt để bởi những tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới như Apple, Facebook, IBM, Google… Họ dồn rất nhiều nỗ lực, tạo ra môi trường để đánh thức sự hạnh phúc và say sưa của nhân viên, cùng nhau chinh phục những sứ mạng ý nghĩa… và đó là cách mà họ trở thành những công ty sáng tạo và đầy ý tưởng mới mẻ, những siêu tập đoàn giàu có nhất trên thế giới!
Hãy tự hỏi mình liệu "Bạn đang sống theo công thức thành công và hạnh phúc nào?" “Cố gắng thành công để rồi hạnh phúc!” hay là “Sung sướng trước đi, rồi để mai tính!”?


Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Lê Quang Huy
đọc bài xong cứ thấy gờn gợn,cá nhân mình thấy: ngay từ phần đầu tác giả đã tự đưa ra một khái niệm nào đó, rồi khiến người đọc ghi nhớ tư tưởng đó như một cách ám thị, bạn cắn răng chịu đựng công việc làm thêm,bạn bị chỉ trích thậm tệ, lầm bầm ca thán, nguyền rủa công việc-Kết quả bạn mua được iphone nhưng chỉ hãnh diện được vài ba ngày, sau đó mọi người chẳng còn đếm xỉa gì nữa, bạn hết háo hức, ngoài ra sau 6 tháng địa ngục đó bạn còn tích luỹ một đống thói quen xấu, có một cái nhìn đời tiêu cực, blabla. kiểu ám thị này hình như mình đã gặp đâu đó trong mấy quyển self help và nó thực sự mình thấy nó không thực tế. Vì sao sếp lại chỉ trích bạn, bạn có làm gì sai không, nếu bạn làm sai thì thay vì sửa chữa thì bạn lại đi kể lể,nguyền rủa sếp đó là hành vi đúng không, nếu bạn không sai thì bạn có thể giải thích cho sếp hiểu thây vì chửi sau lưng không, sếp có đuổi việc mình chỉ sau 1 tháng luôn hay không nếu mình không làm được việc, sau tất cả mọi người ngưỡng mộ bạn vì tinh thần làm việc của bạn, vì công sức mà bạn bỏ ra, vì con người của bạn vì thế họ thấy chiếc iphone chỉ là hệ quả của quá trình đó thì thực sự sau 3 4 ngày là họ quên sao, vì sao bạn lại bị nhiễm tật xấu đó là do bản thân hay do môi trường. phần lớn vấn đề đó bản thân đều có thể tự giải quyết được nhưng tác giả dường như không muốn chúng ta giải quyết. tác giả còn chỉ ra những tác hại khủng khiếp trong 6 tháng đó, đánh vào tâm lí người đọc để họ sợ, không dám làm. Mấy phần bên dưới mình thấy cần phải kiểm chứng thêm nữa, nó mang hơi hướng giả khoa học, mình hoài nghi điều đó.
- Báo cáo

phuclhoang
Mình nghĩ phần này là một ví dụ (dù hơi cực đoan) cho luận điểm “hạnh phúc ko bắt nguồn từ một chặng đường hạnh phúc thì đó là một thất bại”. Mình không nghĩ tác giả đang phân tích hành vi của mọi người. Mình đồng ý những lý lẽ phản biện của bạn, có lẽ đó là điều tác giả muốn nói cho luận đieemr ngưojc lại “hạnh phúc được tìm thấy trên một hành trình tích cực cho bản thân là một thành công”
- Báo cáo

Lê Quang Huy
Cá nhân mình thấy: "hạnh phúc được tìm thấy trên một hành trình tích cực cho bản thân là một thành công" luận điểm này mình nghĩ nó hợp lí, nhưng các lập luận thì mình nghĩ không ổn và mang tính định hướng cá nhân quá nhiều. Mình nghi ngờ nó còn bởi vì nó không cụ thể, không thể kiểm chứng, và thiếu thực tế. Mình còn nghi ngờ nó chỉ được nghĩ ra trong đầu tác giả mà tác giả đã vội vàng cài vào bài để khẳng định cho luận điểm của tác giả
- Báo cáo

DutadaLQ
Mấy bài kiểu này trên mạng nhiều lắm. Có người sẽ khuyên bạn nên hướng tới hạnh phúc sâu sắc, có người sẽ khuyên bạn hạnh phúc với những gì bạn đang có. Nhưng cách mà đạt được nó thì chả thấy đâu toàn nói chung chung thôi.
Lấy ví dụ thì toàn lấy ví dụ tiêu cực:
- Cắn răng chịu nhục, bị sếp chửi làm 6 tháng để mua Iphone: thế tại sao bị sếp chửi, ý kiến của mình như thế nào mà bị chửi => cái này mình thấy nhiều người thích lấy ví dụ, sếp ngu còn mình thì giỏi nhưng do nó là sếp nên phải chịu. Mình cũng từng như vậy nhưng giờ phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên biết nó khó thế nào. Bạn gửi 1 cái email có 2,3 dòng mà phải suy nghĩ hơn nửa tiếng. Làm Working paper thì phải làm sao cho khách nó hiểu chứ ko phải là cứ viết ý kiến ra rồi để khách tự hiểu được... áp lực lắm.
- Bỏ 16 năm cuộc đời để học những kiến thức mà mình căm ghét: Thế còn những người ưa thích ngành học của mình thì sao, liệu họ có hạnh phúc với kiến thức mà mình học được. Để đọc và hiểu nhiều bài viết trên đây bạn cũng dựa trên nền tảng 16 năm mà bạn căm ghét đó. Nhất là lên đại học, bạn muốn học gì là do bạn lựa vậy tại sao bạn căm ghét nó. Nhiều người chắc nói là do gia đình ép buộc, thế thì bạn về nói chuyện với gia đình bạn chứ sao lại căm ghét kiến thức.
Còn về mức độ của hạnh phúc thì mình không nghiên cứu về tâm lý nhiều nên ko có ý kiến. Chỉ muốn hỏi là lấy bằng chứng đâu là kêu Apple, IBM, Facebook... áp dụng nguyên tắc chinh phục hạnh phúc sâu sắc ??
- Báo cáo
Where Ever I May Roam
Đúng như bạn nói, ông này mình có xem trên youtube, nói thì hay, cũng truyền động lực nhưng chung quy lại thì cũng chỉ là một nghề bán nước bọt thôi. Bài này mở bài đã đưa ra một loạt ví dụ tiêu cực chung chung, có nghĩa là trong cuộc sống xung quanh mỗi người mấy chuyện này cũng nhiều nên người đọc dễ cuốn theo cái chuyện mà ông này vạch ra. Đặt tiêu đề cũng câu view cực.
- Báo cáo

VẹtConToTay
Một luận điểm của người viết (mà tôi cho rằng) thiếu thuyết phục:
Nếu kết quả của thành công mà không được xây dựng từ một hành trình hạnh phúc...đó chính là 1 thất bại.
Rất khó để định nghĩa thành công, nhưng chắc chắn nó bao hàm hạnh phúc bên trong đó, đó mới là lí do khiến cho người ta chịu khó (có thể là cả chịu khổ ) vì nó. Hạnh phúc có thể là đích đến hay đã nằm sẵn trong cuộc hành trình tìm kiếm nó. Nhưng ở đây tôi không cố gắng để bắt bẻ câu chữ, mà muốn nói đến vấn đề cốt lõi của cả văn bản: vì sao ta khổ?
Đến đây tác giả cho thấy một vài dẫn dẫn chứng về việc đầu tư thời gian vào một công việc không yêu thích, từ đó dẫn đến nhiều cái khổ. Cụ thể là bạn phải dành 6 tháng cho một công việc làm thêm (khốn nạn?) ,và một cách thần kì nào đó bạn đã vượt qua nó. Rõ ràng người viết đã đưa bạn vào trong một tình huống cực kì tệ hại. Bạn buộc phải chấp nhận một công việc bạn cực kì ghét ( có thể tạm bỏ qua lí do) để kiếm tiềm mua hạnh phúc aka chiếc iphone. Bên cạnh đó là những người sếp, đàn anh đàn chị có sở thích mạt sát hậu bối không vì lí do gì. Công việc này không giúp bạn tiếp thu bất cứ kĩ năng gì ngoài việc tích lũy hàng loạt kĩ năng tồi tệ của một nhân viên (rẻ tiền? ).(Tôi mạnh dạn đoán đây là nghề bán bướm đêm lol:v ). Tiếp tục bỏ qua định nghĩa thế nào là nhân viên rẺ tIềN trong mắt người viết thì có thể thấy đây là một môi trường làm việc cực kì độc hại, nếu theo lời tác giả nói là địa ngục thì cũng không sai. Nhưng để vượt qua được >>81 kiếp nạn để lấy về chân kinh aka hạnh phúc (ở đây được minh hoạ bằng chiếc iphone dù cá nhân tôi vẫn thích vsmart hơn ) thì tác giả chắc chắn nó rất quan trọng đối với bạn, và tác giả càng không có quyền hạ thấp giá trị của niềm hạnh phúc này.
Sau đó là nhiều dẫn chứng khác, nhưng cũng như trên, chúng vấp phải những hạn sạn lớn. Điều này khiến luận điểm người viết có phần bị đuối đi.
Cảm ơn bạn đã cống hiến thêm một bài viết rất đáng tranh luận trên nhện xanh. Rất mong bạn đọc comment này và nhận được phản hồi từ bạn.
- Báo cáo

phuclhoang
“Say mê là điều mất nhiều thời gian và nỗ lực rèn luyện ...”, chẳng phải đây là một dạng của “khổ trước sướng sau” sao?
- Báo cáo
Hòa Ca
Ừm, người ta không nói say mê, đam mê là khổ đâu. Xin đừng gán như vậy.
- Báo cáo

phuclhoang
Phải chăng đây chỉ là vấn đề dùng từ, một cách nói khác đi của “khổ đau tinh thần khi nỗ lực rèn luyện”, “khổ đau tinh thần khi phải tốn tiền bạc và nỗ lưjc để hướng tới cái mục đích lớn hơn” là “say mê” ?
- Báo cáo
Đinh Hữu Tài
Khi bạn làm một việc bạn "say mê" thì việc mất thời gian hay tiền bạc đối với bạn nó không hề "khổ" chút nào. Mình đã trải nghiệm cảm giác đó.
- Báo cáo

phuclhoang
Câu trả lời của bạn rất hay! Mình xin mở rộng, nếu thời ông bà mình chưa có định nghĩa cho từ “đam mê”, thì họ sẽ dùng từ gì để diễn tả quá trình đánh đổi tiền bạc, thời gian, sức lực để điền vào câu tục ngữ “... trước, sướng sau”?
- Báo cáo
Đinh Hữu Tài
Cái này bạn nên hỏi ông bà xưa chứ hỏi mình mình xin bó tay ạ.
- Báo cáo
Đinh Hữu Tài
Câu của ông bà nên chỉ đúng thời của ông bà ta với bối cảnh và hoàn cảnh khi đó. Chứ giờ có vẻ không phù hợp.
- Báo cáo

William Nguyen
Một góc nhìn rất mới lạ về đam mê nhưng riêng với mình khi đã nỗ lực cho đam mê thì không có khổ nếu có do ban chưa thực sự đam mê thôi
Còn cái từ mà diễn tả khổ trc sướng sau mình nghĩ là : Thăm ngàn =)))
- Báo cáo
Where Ever I May Roam
Câu view bán nước bọt, bỏ đi mà làm người các bạn ạ, ra ngoài làm gì đó đi đúng sai sẽ có bài học
- Báo cáo